Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Đàn Ông Và Cái Bóng Tác Giả: Sưu Tầm    
    Nắng khủng khiếp thật!
    Bên trong người gã rượu đang nung nấu ruột gan, bên ngoài nắng ong ong liên tiếp giáng vào đầu những quả chày lửa làm ê ẩm đầu óc, hoa cả mắt mũi. Mái tóc bù xù chẳng chống đỡ được cứ khét lẹt như muốn bốc cháy. Dưới chân, bê-tông bị nung nóng cả buổi, nhiệt tăng lên theo cấp số nhân đang nướng tái đôi bàn chân to bè không giày dép của gã. Đã thế, mặt còn bỏng rát như thể vừa lĩnh trọn một cái tát nảy lửa của trinh nữ dành cho kẻ sàm sỡ. Trong nung ra, ngoài hun vào. Thế mà gã vẫn hùng hục vác. Cái đống xi-măng to lù lù cứ bé dần rồi biến mất và người ta thấy nó mọc lừng lững trên mái tầng hai khu chợ. Công trình gấp rút đi vào giai đoạn cuối, thợ xây làm việc cả đêm, gã có cố làm thêm một giờ trưa nữa cũng chẳng chết được. Gọi xin chai nước, con mẹ cấp dưỡng mờ mắt vì củi lửa thế nào ấy lại vớ nhầm chai rượu gạo. Gã mừng rơn, đợi mụ đi khuất rồi ngửa cổ dốc sạch chai rượu vào cái miệng rộng toác phá gia. Mồ hôi túa ra toàn mùi rượu làm gã cứ bâng khuâng, tưởng nắng đang ưu đãi gã cái mùi thơm tho thế. Huyện mới đi đôi với việc trường trạm, chợ, công sở... mới. Chừng nào ngành xây dựng còn có việc thì gã còn cơ hội cống hiến cái sức vóc trời cho. Ăn khỏe, ngủ khỏe và làm khỏe. Thì người ta chẳng vẫn mát mẻ: “Vai u thịt bắp, mồ hôi dầu” là gì. Vì thế, kẻ cao to vạm vỡ như gã bị con nhóc thư ký đề thương hại, bờm xơm: “Mơ mộng gì không anh giai? Ngày hôm nay được bao nhiêu tấn? Làm vài nháy đi”. Gã thủng thẳng: “40 tấn”. Con thư ký đề sáng mắt: “Hay là làm con 40”. Gã đực mặt ra, bốn mươi là tuổi gã. Vài nháy là vài chục nghìn đấy, toi mất cút rượu, gói lạc. Chả chơi. Con thư ký đề lém lỉnh: “Cổ cày vai bừa cả ngày rồi, đêm ngáy như bò, mơ mộng gì chứ, rõ khổ”. Bị thương hại. Cái thằng tao mà bị thương hại à? Ở quê bố mày có năm sào ruộng, một sào ao, hai cặp bò, ba trăm vịt và nhà mái bằng đấy con ạ. Bố mày chỉ thiếu cái tường rào cắm mảnh chai quanh vườn để nuôi gà thôi. Mẹ mày không sành về đề đóm, số má, bóng dáng, dây dợ, nhưng mẫu, sào, thước, tấn, tạ, kilôgam thì vanh vách ra. Đã thế bố mày đập chết con bốn mươi. Bấy nhiêu đủ chưa con, bố mày vừa lĩnh lương tháng sáu đấy.
    Nghĩ thế, gã thò tay vào túi quần, móc ra xấp tiền ném đét xuống quyển sổ ghi đề. Con thư ký đề tuổi trạc hai mươi, mắt trợn ngược nhìn xấp tiền toàn tờ trăm ngàn mới tinh mà hoa hết cả mắt. Nó dựa lưng vào cái sạp hàng của ông anh họ để nhẩm tính. Phải chia ra làm mấy bảng mới trôi được mấy triệu bạc này chứ…
    Gã không về ngay. Về muộn thì chỉ còn cơm cháy. Cháy lại chắc dạ. Gã vừa đi vừa nghĩ ngợi, gần ba trăm triệu, quê gã, nếu chỉ cấy lúa e rằng một đời người cũng chả có. Nhưng nếu không trúng, thì cũng để biết vận mình đen đỏ đến đâu. Tuyệt nhiên không được cay cú, nếu cay cú sẽ mất thêm nhiều tháng lương nữa, mất cả vợ con, nhà cửa. Cái bài này, gã thuộc lòng từ hồi ở quê rồi. Đêm tân hôn, gã đánh bạc đến sáng bạch ra mới mò lên giường... đánh giấc. Đêm sau, lại mặt bên nhà vợ, mấy người anh vợ thua đêm trước cay cú đòi gỡ. Bốn giờ sáng gã mới mò về. Còn mỗi chỗ nằm. Đi tìm. Thì thấy cây rơm hu hu khóc. Thế là tân hôn ở chân cây rơm. Và sau đó chỉ hai mươi phút, con gà trống mất nết bay lên đỉnh cây rơm hô hoán cả nhà, cả làng dậy. Vợ gã, đầu còn vương rơm, quần áo dính đầy thóc lép, cuống quýt chạy vào bếp sửa soạn, vừa thổi xôi vừa vén áo lên gãi. Đói và mệt, gã xơi hết ba đĩa xôi gấc đầy tú hụ. Vợ gã sửng sốt. Giờ thì quen rồi. Mít cả quả, chuối cả nải, khoai cả rổ, cơm cạo nồi. Bù lại, gã làm bằng bốn, năm thằng mười tám đấy.
    Gã vừa về tới lán. Con mẹ cấp dưỡng đã thao thao bất tuyệt: “Đổ con bốn mươi mới thần chứ, nghe nói thằng chủ đề mà không trốn thì hết nghiệp. Thằng máu me nào đó mào đầu bốn triệu bạc, bọn còn lại lao nhao vần con bốn mươi. Giờ thì... trạng chết chúa chẳng băng hà”. Gã lập bập hỏi đi, hỏi lại, mới có tám giờ tối mà. Phải đi tìm con thư ký đề và thằng chủ giời đánh của nó. Gã tiếc số của phù vân thì ít, mà tiếc tháng lương mồ hôi nước mắt thì nhiều. Lang thang cả đêm, chả biết được thông tin gì ngoài lời chia buồn: “Đánh đề ra đê mà ở”. Thấy cái bóng của mình cô tịch trên cầu, gã chỉ muốn dẫm nát cái bóng ngu dốt ấy đi cho bõ tức. Lẽo đẽo theo gã cả bốn mươi năm trời chứ ít gì. Say cùng say, tỉnh cùng tỉnh, cùng đói khổ, cùng no nê hưởng lạc. Có gì thoát nó, có gì khỏi nó, thế mà nó ngu. Biết gã sai, u mê, dại dột, cấm có khuyên can gã bao giờ, cứ câm như thóc. Thấy gã đập tiền xuống bàn, nó hăng hái làm theo. Chẳng thế mà cái kiếp bạc nhược của mày chỉ đáng bị thiên hạ dẫm lên, giày lên. Gã nguyền rủa cái bóng của mình thậm tệ đến sướng miệng. Thì biết rủa ai. Xong cái chợ này đã, à mà xong các chợ ở vùng này đã, gã bãi nghệ, về quê nuôi gà không ân hận gì. Có lần vợ gã hỏi sao gã cứ thích ở những nơi chợ búa eo sèo. Gã đã thừa nhận là gã thích những nơi đông người qua lại. Thế nào trong cái biển người tứ xứ ấy, thế nào gã cũng gặp được. Bí mật của đời gã có thể ở những nơi đông đúc ấy lắm chứ. Phải kiên trì mới được.
    Đang buồn vì tiếc tiền, có bà bên phố Tèo gọi hắn sang bổ củi giúp. Giờ này còn có người thuê bổ củi. Ừ thì đêm dài bổ củi cũng hay đấy. Đỡ ngứa ngáy thèm khát, lại có tiền. Nhà bà này vừa nấu rượu, làm đậu, nuôi lợn. Lửa trong nhà lúc nào cũng hừng hực. Củi lúc nào cũng sẵn như lò thiêu. Gã vừa bổ củi vừa liếc con dâu bà chủ. Phải nói con nỡm ấy đẹp ngang ngửa con vợ nhà quê của gã. Chỉ có điều than củi và hơi men váng vất làm cho giọng nó cứ ngọt lừ đòng đòng. Cứ liếc đôi bắp chân nó là sinh lực lại tràn căng. Có ba đêm là xong đống củi to tổ bố. Đêm về, hai cánh tay gã mỏi rã rời. Nhưng gã tự nhủ, rằng mình đã hành cho cái bóng trời đánh một phen mệt lử...
    Nắng mãi thì mưa, mưa to khủng khiếp. Mưa từ biên giới mưa sang, từ biển mưa về, tứ bề sầm sập. Mưa thì nghỉ vài ngày cho khỏe cũng chẳng sao. Nghe nói trên phố mới có quán bún riêu ở chợ ngon nổi tiếng. Phải thử mới được. Gã đi một mình, đầu đội nón không quai, mình khoác áo tơi, chân dép nhựa xập xệ, quần xắn đến đầu gối. Qua cầu, ngó xuống thấy con sông phình căng, đầy bọt như chảo nước dùng nhà đám bị thiu ấy. Gã hoảng hốt, lỡ đâu chỗ nước này mà đổ bộ vào cánh đồng lúa quê gã thì còn gì mà ăn? Gã tạt vào một mái hiên nhà bên đường, móc cái điện thoại cũ kĩ ra, gọi cho vợ. “Alô, thóc lúa thế nào rồi? Nhờ người làm cho kịp nhé! Lũ to thì cho con nghỉ học, thỉnh thoảng mổ gà cho các con ăn. Vịt đẻ có nhiều không? Con bò cái mà có động tĩnh gì thì cấm chỉ cho ra đê nghe chưa, ngoài đó ô hợp lắm. Đi mượn con bò đực nhà Khang, tiền nong thế nào rồi tính. Thế nào mà phải khóc? Nhà ai cháy? Ai chết? Ối giời không phải người làng mình à? Thôi nhá, xong chợ này tôi về dăm ngày. Ừ, quần áo, mũ, cặp sách, ừ, thôi, thôi nhá...”
    Chả phải gã tiếc tiền. Cũng chả phải gã không muốn nghe cái giọng kà kê của mụ vợ. Mà gã sợ, bon mồm, vợ gã sẽ gọi hai đứa con đến nghe điện thoại của bố. Mà tính gã thế, lấn bấn với đám trẻ con, với nhớ nhung, là hỏng cả việc, không chừng chưa kịp xong chợ đã phải mò về.
    Chợ phố mới, nắng thì bụi bay bời bời, mưa thì nhớp nháp lụt lội. Cái thứ đất đỏ gặp mưa, dính dáng khó chịu thật. Người thì nặng, dép lại cũ, thành ra đất dính giữ luôn đế dép lại. Thế là chân đất, tay giữ nón, tay giữ quần, chạy vội, kẻo người ta nom thấy. Cái quán ấy, cái quán bún riêu ngon nổi tiếng ấy có phải là cái quán ngoài cùng không nhỉ? Nom bà chủ phúc hậu, sạch sẽ chắc là ngon rồi. May đời cho gã là còn một chỗ khô. Mái tôn cụt ngủn, nước hắt vào lênh láng trên những cái bàn kê sát cửa. Gã cố nép mình mà vẫn chiếm một chỗ lớn. Bà chủ quán thân thiện nhìn gã như thể gã đã chén mòn bát đũa ở đây rồi. Gã cũng nhìn lại bà chủ bằng ánh mắt ấm áp gần gũi.
    Chao ôi là rượu ngon, nếu ở nhà, gã đã ực hai phát là hết cả cốc. Ở đây, gã chỉ dám nhấp từng ngụm thật nhỏ vừa vặn. Nhìn cái cung cách ăn uống lịch thiệp của gã, bà chủ quán đâm ra có cảm tình nên đơm cho gã bát bún đầy cắn cạp. Vừa làm bà chủ quán vừa hỏi gã về nhà cửa, quê quán, công việc. Thế ra bà chủ với gã là đồng hương đấy. Giữa cái biển người tứ xứ chẳng thân chẳng sơ này, hai chữ đồng hương sao mà thiêng liêng, quý hóa...
    Vừa khi ấy, một cô ả đỏng đảnh đi vào quán, thấy quán đông người quá, ả chỏng lỏn: “Thế thì ngồi vào đâu”. Bà chủ quán quay sang gã, cười đon đả: “Anh ngồi dịch vào cho em nó ngồi, út ít nhà tôi đấy”. À ra thế, cô con út ba chục tuổi có dư này là người buôn bán, hèn gì ăn nói khác hẳn người thường. Gã để ý trộm, thấy cô nàng gẩy gẩy đũa, ăn được vài miếng bún, lấy thìa lường lường, hớt mỗi mấy thìa váng riêu cua. Ả lau mồm, bỏ lại bát bún ba phần thừa hai. Làm cho gã dù đã lưng lửng dạ còn tiếc. Ở nhà, mẹ đĩ nhà hắn mà để thừa một muỗng nước ở đáy bát là gã cũng húp hết. Rõ hoài của. Trước khi choàng áo mưa vào người, ả còn ỏn ẻn: “Anh về sau nhé”, làm gã thấy mình quan trọng hẳn lên. Thì đấy, quán có cả chục người, cả mẹ ả, ả có chào ai đâu.
    Gã cũng luống cuống chào bà chủ quán đứng dậy trả tiền. Gã phải đi cho người ta lấy chỗ bán hàng chứ. Ăn vạ ở đây mãi à. Trước khi về, gã còn hứa hẹn, mà là hứa hẹn thật lòng: “Hôm nào tạnh, tôi sẽ đến giúp bác can cho cái mái này rộng ra, bảo đảm là mưa đứng ngoài mờ khóc”. Bà chủ quán cảm kích lắm nhưng lại nhờ vả gã chuyện khác: “Em nó chân yếu tay mềm, có gì nặng nề anh giúp nó một tay nhé. Nó vẫn chưa có người bảo vệ che chở đâu”. Câu nói ý nhị, tinh tế của bà chủ quán thật biết cách làm vừa lòng gã. Gã đi với nỗi niềm gì rất lạ, phơi phới trong lòng...
    Mà cái bà này đến lạ, biết là gã đã có vợ con ở quê rồi mà vẫn còn có ý gửi gắm. Dù gã chưa hứa hẹn gì về việc này, nhưng trong lòng thì cứ day dứt nghĩ, nếu giúp được thì gã sẽ giúp. Gã vốn là con một trong nhà, mà là một mẹ một con. Mẹ gã bảo bố gã chết từ lâu rồi, từ lúc gã chưa chào đời. Lớn lên, gã thấy lạ. Bố chết thì phải có bàn thờ, có di ảnh, có ngày cúng giỗ chứ. Đằng này, chả có gì cả. Gã nổi tiếng ương bướng, ngỗ nghịch trong làng, ngoài xã là thế, nhưng với mẹ, chẳng bao giờ gã dám nói một câu làm mẹ đau lòng, nghĩ ngợi cả. Con vợ gã đấy, gã chỉ trợn mắt dọa cho hai câu thì cái chuyện từ thuở cởi truồng tắm ao bị đỉa rúc vào... cũng phải khai ra. Một lần gã trộm nghe thấy bà chị gái mẹ gã bàn tán: “Nó giống bố như tạc, trên ấy đất rộng người thưa, buôn bán hời lắm”. Gã biết hai người đang nói về gã đấy, nên run run mừng thầm. Thế là bố gã còn sống. Gã trăn trở, vày vò, vật ngang vật dọc từng lời bà bác nói. Và thế là lấy cớ đi làm ăn xa, gã đã lang thang lên đây và tràn trề hy vọng sẽ thấy bố ở mảnh đất này.
    Gặp để biết thôi. Có thể gã chỉ đứng nhìn bố và hạnh phúc gia đình bố. Nhưng vẫn phải gặp. Nếu ông ấy giàu có thì gã cũng chẳng xin xỏ thứ gì. Nhưng nếu ông mà nghèo nàn, cùng quẫn hoặc tật bệnh thì gã phải có trách nhiệm đỡ đần, chăm sóc ông ấy chứ... Mẹ gã cứ tưởng một thằng ít học, đầu óc có vấn đề như gã thì không biết nghĩ ngợi gì hay sao? Gã biết cả đấy. Không chỉ biết thu vén cho gia đình, vợ con, gã còn biết để mắt đến mọi người chung quanh nữa. Ai có khó khăn gì nhờ giúp, gã cũng chẳng nề hà...
    Vì thế những lúc nghỉ trưa, nghỉ tối, gã tranh thủ ghé qua cổng chợ xem cô con gái bà chủ quán có cần giúp gì không. Và thế là những hòm, những thùng hoa quả cam, quýt, dứa, hạt dẻ nặng đến bốn người khiêng, được gã vác từ trên xe ô-tô xuống, đi phăng phăng. Và gã cũng rất ý tứ, ả ta có mời gã ăn cái quả, gã cũng chỉ nhón mấy thứ dập, vỡ, xây xước thôi. Thì... bán hàng ăn chũm cau mà. Một lần, bốc hàng cho ả xong thì trời đổ mưa như xối nước. Gã đứng ngoài cửa gian phòng bé tí mà ả thuê làm chỗ để hoa quả mà thấy ngại. Ả ta thì khác hẳn, thái độ mềm mỏng, lả lơi hơn. Ả tự tiện cầm tay gã kéo vào phòng. Gã thin thín theo ả vào căn phòng tối om, mập mờ chút ánh sáng điện mà ngại ngùng. Ả dí gã nằm xuống hai bao tải bố đựng loài cỏ thuốc gì đó mà thơm thơm, hắc hắc. Người gã cứng nhắc, căng thẳng. Bây giờ mà bảo gã cầm búa bổ củi thì gã chịu. Gã lại nhớ đến đôi bắp chân cô con dâu bà nấu rượu bên phố Tèo. Nó hai con rồi mà đẹp thế. Đằng này, cô hàng chợ chưa chồng, nhỡ có bề gì nó bắt đền thì sao? Con vợ nhà quê của gã ghen số một. Nó mà biết gã đổ đốn, không chừng nó nhảy xuống giếng làng tự vẫn.
    Nghĩ đến vợ, người gã mềm nhũn ra không chừa chỗ nào. Ả ta nằm chổm hổm lên bụng gã, giọng chưng hửng như ở giữa chợ: “Chê à, chẳng mấy khi được miễn phí lại còn điệu, đây á, khối thằng mơ mà chửa được sờ vào. Trông tốt dây thế mả...”.
    Gã gạt ngay ả ra, ngồi phắt dậy. Mày dám chê ông sao? Ông tha cho mày. Ở nhà, vợ ông chỉ cần cười khẩy một cái, hăng lên ông vẫn cho cả tiếng. Còn mày á, cho không, ông càng phải xét... Tự ái nổi lên, gã đứng dậy, chỉnh quần áo ngay ngắn và bước đi. Nghĩ vậy mà cũng tiếc. Gã điếng đau bước lùi lũi trong mưa. Từ bữa đó, gã chẳng ghé hàng hoa quả cổng chợ tạm nữa. Cũng chẳng bốc vác hộ hành gì cả. Rỗi rãi thì lang thang cùng với thằng bóng tận tụy trung thành. Đúng là thân nhau như hình với bóng có khác. Tìm thấy bố, gã sẽ khao thằng bóng một trận tơi bời, đã đời, cho mà biết.
    Thấm thoắt, công trình đã đến ngày bàn giao. Chẳng mấy mà cái chợ to đùng, bề thế này sẽ đi vào hoạt động cho mà xem. Trời thu mát mẻ, nắng thu dịu dàng. Gã vừa lấy hai tháng lương cuối cùng để chuẩn bị theo đoàn đi nhận công trình khác. Gã muốn tranh thủ về thăm con ít ngày. Gã tạt vào chợ mua cho thằng cu tí một bộ quần áo, con hĩm cái cặp sách và mẹ đĩ cái màn tuyn trắng. Ra đến cổng chợ, gã cố ý tránh mặt ả đồng hương. Nhưng vẫn không tránh được.
    - Anh trai hôm nay ăn diện thế, sắp về quê hay sao? Cho em gửi lời hỏi thăm bà, chị và các cháu nhé.
    Ái chà, sao tử tế đột xuất thế. Diện gì, cái áo bảo hộ mới mặc lần đầu thôi mà. Ừ thôi mua luôn ít quả về làm quà. Nghĩ thế nên gã thuận chân bước sang đường, miệng cười không được tự nhiên cho lắm. Cũng lúc ấy, có cái xe chở lợn giống đi qua, gã đã nép vào sọt quả rồi mà bùn đất còn té lên lấm hết quần và cái áo mới. Ả đồng hương sốt sắng lấy cái khăn lau vết bùn đất cho gã. Gã cảm động lắm, mắt nhắm tít lại. Đến lúc sờ tay vào cái túi áo ngực, hơn chục triệu tiền lương hai tháng được cột nịt chun cẩn thận đã biến mất. Gã sửng sốt trong giây lát rồi lắp bắp:
    - Cho tôi xin, đồng hương đồng khói, đừng đùa tôi thế!
    Ả kia nhấm nhẳn:
    - Ai đồng hương với cái hạng rẻ rách nhà anh. Biến đi cho tôi bán hàng.
    Gã choáng váng như thể vừa ăn cái tát. Cái chứng thần kinh bất ổn của gã như bùng phát, tay giật phắt cái túi xách của ả, miệng dõng dạc choang choang:
    - Chỉ có hai người với nhau, tôi sẽ kiểm tra cái túi này.
    Ả kia bị giật cái túi xách tay thì la lối:
    - Ối, kẻ cướp bà con ơi!
    Dân chợ búa bu lại, có kẻ còn vác cả dao, làm gã hoảng quá cầm cái túi bỏ chạy ra phía cầu. Cầu tấp nập người xe qua lại, gã vừa chạy vừa mở cái túi xách nhặt lấy bó tiền cột chun của mình rồi ném cái túi lại. Tiền bồm trong túi bay ra phấp phới. Gã ngoái cổ, thấy mọi người rượt theo sát sạt. Gã đột ngột cắt ngang đường ngay trước đầu một chiếc xe tải lớn. Cái bóng quýnh quáng chạy sau.
    Chiếc xe chẹt ngang ngực người đàn ông. Bó tiền rơi ra khỏi tay, lăn lóc trên vũng máu. Máu chảy thành dòng, len lỏi qua thành cầu, rỏ xuống sông. Người ta đặt cái xác lên cáng mang đi. Nắng thu nhạt, cái bóng đơn chiếc nằm ghé vào mép cáng. Chỉ có dòng sông cuồn cuộn chảy và ngầu đỏ tự thuở nào.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân