Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Năm Tháng Xa Xôi Tác Giả: Sưu Tầm    
    Lạy trời lạy đất, loạn đến thế này mà vẫn có những đứa rửng mỡ đòi lấy nhau thì thật không còn hiểu nổi! Anh cu Tấn sắp cưới cái Thơm đấy. Vẫn nhớ buổi đầu hắn dạt đến đây, tính ra cũng đã bốn năm. Hỏi mày bao nhiêu tuổi trả lời hai mươi. Lại hỏi thế tên là gì ấp úng nói là Tấn. Gốc gác chui ở đâu ra, đứng ngẩn tò te không nhớ nổi quê quán mình là đâu nữa. Nó kể đói quá mấy năm lang thang khắp xó xỉnh, may mà có ông lão kéo ra khỏi đống xác sắp đem chôn. Ngao ngán không buồn hỏi nữa. Hai mươi gì mà mỏng tang như con gián, nhẹ tênh như hình nhân thế mạng bày ngoài chợ, vậy mà đòi là tấn là tạ thì có khổ cho người ta kh
    Còn cô bé kia chả kể làm gì, nó đến đây từ đông trước, đông này là đủ một năm. Xinh xắn đảm đang được người được nết, xem cung cách chuyện trò là biết không phải đứa được gắp ra từ bãi người chết đói. Hỏi cô bao tuổi rồi thưa cháu đang mười sáu. Mình trợn mắt mười sáu gì mày, phổng phao như đứa hai mươi, ngực vú sừng bò cứ nhô vào mặt người ta lúc chuyện trò.
    Cả hai đứa này đều may mắn gặp được bác Cả mà thành người, không bám vào cái lò gốm có máu mặt nhất vùng của bác ấy thì biết sống làm sao. Xa xưa tổ tiên mình cũng là trôi dạt từ đâu đến nên làng mới được gọi là làng Ngụ. Ngụ là ngụ cư. Những lúc như thế này chúng không đến với ta thì còn biết lặn vào đâu mà sống. Có ai nhắc đến tai bác Cả chỉ chép miệng nói vậy. Mà bác ấy gặp được chúng cũng lại là một cái duyên trời đất run rủi, thiếu chúng thử hỏi lấy ai trông nom cho cái lò nung đêm nào lửa cũng rừng rực. Ăn nên làm ra một phần cũng là nhờ ở sự chăm chỉ của hai đứa.Tính chẻ hoe ra thì nhà ấy cũng chả còn biết trông vào ai nữa. Bà vợ suốt ngày chập cheng cúng bái. Có một thằng con trai vừa kịp lớn đã theo máu mẹ nằng nặc đòi lên sống trên chùa. Mà phải chùa thật xa, thật vắng. Ở chùa nhưng không nhất thiết phải là sư là tiểu, nghe đâu nó cũng vừa có đứa con trai với một cô bé ngoan đáo để ở cái xóm ngay dưới chân núi. Sớm lên chùa quét dọn chuyện trò thư thả với thầy với tiểu, vểnh tai nghe tiếng chim tiếng ong một lúc rồi tìm chỗ khuất nhắm mắt thầm chuyện trò với các vị La hán, ông Thiện ông Ác la liệt trên các bậc cao bậc thấp. Chiều xuống núi bế con cho vợ chui vào bếp nấu nướng.
    Bữa cơm bày ra thịt cá dành vợ con, rau cỏ phần mình. Thằng này đích thực chân tu nhưng dẫu sao cũng vẫn còn mắc nợ đời nặng lắm. Vợ chồng bác Cả năm nào chả cất công đi thăm hỏi con cháu dưới đó, ít cũng phải mất vài lần.
    Những năm sau này Tấn thường nhớ lại cái đêm lịch sử ấy của vợ chồng mình. Một đêm rất đông làng xóm, già có trẻ có, tất cả đều tránh ồn ào, không chiêng trống, không gọi nhau í ới. Nghĩa là phải biết giữ im lặng. Trước sân đình có treo một lá cờ đỏ sao vàng rõ lớn. Mở đầu là lễ ra mắt đội du kích bám làng, tất cả đều đứng nghiêm giơ tay chào cờ mặc niệm. Sau đó anh Quốc Cung thay mặt huyện đội đọc quyết định thành lập đơn vị. Bác Cả cao tuổi nhất được chỉ định làm trung đội trưởng đứng đầu hàng quân. Người đứng cuối cùng là Thơm, cô được giao trách nhiệm làm liên lạc viên. Tấn đứng ngay sát cô.
    Đếm đi đếm lại cả hai hàng vẫn chỉ mười lăm chiến sĩ. Có đần mấy cũng phải biết trung đội gồm hai tiểu đội. Một khẩu súng lục gài bên mạng sườn bác Cả. Hai khẩu súng trường, một mút cơ tông, hai súng bắn chim, còn lại là mã tấu dao phay giáo mác. Anh Cung bổ sung thêm cho mười trái lựu đạn nữa, đặt lên bàn nhìn cứ hoa cả mắt. Chẳng ai dám đoán chắc quả nào sẽ nổ quả nào sẽ điếc.
    Phần sau cùng mới là lễ cưới của hai người. Thật vắn tắt, bác Cả đứng ra làm chủ hôn trân trọng giới thiệu anh Cung lên phát biểu chúc mừng hạnh phúc cho hai người trước đông đảo bô lão bà con cùng các cán bộ thôn xã. Thế là nên vợ nên chồng. Đám cưới đời sống mới là vậy, nghĩ cũng phải, nhưng vẫn cứ thấy nhạt nhẽo làm sao ấy. Họ mạc hai bên không một bóng, rượu không một cút, cỗ không một mâm, vỗ tay hoan hô xong ai về nhà ấy. Cô dâu chú rể dắt nhau chui về cái ổ rơm sau lò đốt, chung quanh chồng chất nào chum nào vại, chậu sành tiểu sành vò sành.
    Sớm hôm sau thức dậy vợ chồng thì thầm. Ta vừa là đứa ở lại vừa là con cái trong nhà, vậy chiều nay phải có vò xôi tươm tất đưa lên bàn thờ, anh giúp em một tay. Ờ thì cũng nghĩ vậy, nhưng đòi hỏi tươm tất thì biết tươm tất thế nào. Trong cái vò đằng kia anh thấy em vẫn đang cất mấy đấu gạo nếp, nhưng chỉ đĩa xôi trắng thì sơ sài quá. Đừng lo, ra ngoài bãi khắc biết. Giờ anh ra đó trước, chịu khó lôi chiếc thuyền nan vùi trong bùn lên, đợi em tắm rửa xong sẽ ra ngay. Người chồng vùng dậy với tay tìm cái mái chèo gác ngoài hiên vác lên vai lăm lăm ra cổng.
    Đó là con ngòi giấu mình trong bãi vắng, nước lên nước xuống theo dòng. Một chiếc thuyền nan bé nhỏ vùi trong bùn từ buổi Thơm đặt chân tới đây, nó là tài sản, là người bạn của riêng cô. Vào lúc nó được kéo lên kỳ cọ sạch sẽ cũng là lúc Thơm hiện ra. Cô nói anh cứ ngồi mé trước để em chèo. Lúc đến cửa ngòi cô lại dặn phải ngồi thật cân đấy, nước ngoài sông dữ lắm. Con thuyền mang họ men dưới chân vách đất dựng đứng, từng mảng từng mảng phù sa ẩm ướt theo nhau đổ ập xuống mặt sông, kéo theo không biết cơ man nào là những con ngài non nớt, nhiều con vẫn còn đang cố gắng nhoài mình ra khỏi vỏ trứng. Trong chốc lát chiếc thuyền lênh đênh lạc vào bãi vờ trắng xóa. Chẳng bao lâu tấm cói lót lòng thuyền cũng ngập đầy những vờ. Vợ kêu đủ rồi đấy, chồng mải cầm rổ quờ vớt lập tức dừng tay. Con thuyền quay mũi, nó lại được vùi kín trong bãi. Người đi đường gặp đôi vợ chồng trẻ không biết từ đâu chui ra mà ướt át. Họ hỏi mang thứ gì trên vai thế, người chồng tặc lưỡi, là nhân tiện tắm mò mấy con trai con ốc ấy mà.
    Khắp vùng bói không ra người biết ăn thứ này, mới chỉ thấy những bãi vờ rũ cánh chết nổi từng đám trên mặt sông vào lúc sẩm tối mà thôi.
    Mà việc nấu nướng cũng đâu có khó, xôi chín bắc ra cứ để trong chõ vừa nhanh tay xới đều vừa rắc xác vờ đã được xào khan đều lửa, nói xào khan tức là không cần thêm hành mỡ mắm muối hoặc bất cứ thứ gì khác. Xin cứ ăn rồi sẽ thấy.
    Tối hôm đó nhà trên thắp đèn khuya, ăn uống xong bác Cả giữ đôi vợ chồng trẻ nán lại uống với nhau chén nước vối nóng. Bảo là để chuyện trò trong một ngày vui nhưng đầu óc bác hình như đang nghĩ những đẩu những đâu vậy thì ai mà dám cất lời. Vài hôm trước bác gái đã khăn gói quay vào núi với thằng cháu nội bé bỏng, bác dặn hai đứa mày ở nhà săn sóc ông cho tao. Lần này tao lên với chúng nó có về cũng phải sau rằm.
    Bây giờ chỉ còn ba bác cháu quây quần với nhau trong một căn nhà rộng, một khu vườn rất rộng và mảnh sân sao vắng vẻ. Sau cùng bác Cả cũng phải lên tiếng, đứng dậy cười vang bác nói, nghĩ cũng lạ, giá vào thời trước thì món xôi hôm nay phải được mang tiến vua tiến chúa mới đúng, chứ dân thường như tao không dễ được ăn. Cảm ơn hai đứa lắm. Thôi vợ chồng cũng nên mang nhau đi ngủ sớm. Vào những đêm giêng hai nhiều sương giá thế này, bao giờ tao cũng khó ngủ.
    *
    Bác Cả một mình ngồi tính, giặc mà vào lúc này là ta khó lòng xoay xở. Anh em hăng thì có hăng nhưng khôn thì chưa, còn tướt mới già dặn được. Lại thêm súng ống quá xộc xệch, có bì bòm vài phát thì rồi cũng phải rút mà rút đi đâu đây. Toàn là những câu hỏi nghĩ nát óc không ra. Đào hầm đào hố, đào chiến hào chăng, những nơi khác thì có thể nhưng đồng đất này lại không thể. Bác thở dài đứng dậy đốt chiếc đóm kéo hơi thuốc lào, nhìn rất lâu về phía chân trời đêm nào cũng mờ mờ sắc lửa. Mới mùa khô năm ngoái chứ đã xa gì, làng có ông cụ cao tuổi qua đời, con cháu vừa đào xong cái huyệt ngoảnh đi ngoảnh lại nước từ đâu đã tràn ra không sao dìm nổi cái quan tài xuống nữa. Tưởng mùa khô thì dễ dàng hơn mà không phải, chỉ đào vài ba gang là đất đã sụt lở. Cho nên từ thuở ông bà ông vải làng này đã có lệ mang chôn nhờ trên dải núi Thằn Lằn, giờ thì trên đó bọn chúng đã quay lại xây đồn lập bốt, đến việc thăm viếng nhau cũng chẳng dễ dàng.
    Một vùng đất cuối huyện ba mặt là nước, nhoài mấy cái là ra đến cửa sông, là lặn vào bể Lục Đầu mênh mang sóng cả. Con đường độc đạo chạy qua trước làng chính là con đê được bắt đầu từ dải núi xa xa kia. Từ trên đó chúng bắc ống nhòm nhìn xuống từng nóc nhà, thả đám chỉ điểm la cà khắp mọi ngóc ngách, chẳng chóng thì chày nhất định chúng sẽ cày xới tơi bời vùng này cho mà xem. Mình chết không sợ nhưng để bà con chết thì có tội với làng nước.
    Hôm sau bác Cả triệu tập chi bộ, phổ biến vắn tắt kế hoạch đối phó khi giặc đến. Chi bộ có bốn người, ngồi im lặng, ai nấy đều có cùng một lo lắng. Họp xong họ tỏa đi bốn ngõ nhắc nhở nhà nào cũng phải chuẩn bị cho mình một chiếc thuyền nan nếu thấy súng nổ rát là phải bồng con bế cháu dắt người già xuống thuyền tỏa khắp cánh đồng sau làng mà chạy, đó là tản cư theo dòng. Riêng bác Cả trực tiếp đốc thúc anh em du kích đan gấp lấy dăm chiếc thuyền, vài cái mảng tre đem dìm cả xuống ao, phòng lúc có động dễ ứng biến.
    Nhìn trời nhìn đất thấy có thể vẫn là một ngày yên ả, bác ung dung hai tay đút túi áo đi lại trên sân, lát sau gọi đôi vợ chồng trẻ đang lúi húi làm việc trong lò ra để bác dặn dò. Cháu Thơm thay cái áo cánh trắng cho sạch sẽ làm như mình là cô gái quen với chợ búa, qua cổng đồn phải thật tự nhiên nhi nhiên. Tìm vào làng Chành gặp mấy cậu du kích gác ngoài cổng xin được gặp anh Quốc Cung là họ sẽ đưa đến. Báo cáo với anh ấy là mai bác Cả và chồng em sẽ đi vắng một thời gian tìm cách mua thêm súng đạn, xong lúc nào là về ngay không thể hẹn trước. Có hỏi tìm đâu ra tiền mua súng đạn thì cứ trả lời đó là việc bác em phải lo. Thơm vào nhà thay áo rồi cắp nón đi ngay, sẩm tối mới về đến nhà. Cô bước lên bậc thềm thì thầm vắn tắt vào tai bác Cả mấy điều sau đó nhanh nhảu chui vào bếp.
    Một chiếc thuyền gỗ có buồm đợi ngoài bến đón ông con nhà ấy lên tỉnh. Nếu không phải là người làng thì chỉ nhìn vào vóc dáng áo quần, cái nón cái mũ, tay nải khoác vai là đủ nghĩ ngay rằng đây là bố con một ông lái Khách vừa từ mạn Hải Ninh sang. Họ lẩn vào đám đông leo lên bờ. Vào tới phố nhanh chóng tìm đến một cái ngõ sâu, sau khu vực nhà thờ chuông kêu bính boong. Chủ nhà ra đón là một ông già tóc bạc da mặt hồng hào, mắt sáng, tiếng vang như sấm. Bác Cả rỉ tai cho Tấn biết, đây là ông Cai Lật đã từng đi lính khố đỏ đánh nhau tận bên Pháp, về nước được giới giang hồ tôn làm đại ca vùng này. Vào trong nhà Tấn ngồi ngủ gật trên một chiếc ghế bành có đệm ấm đợi hai ông bàn câu chuyện trên gác. Ngay chiều ấy hai ông dắt nhau ngồi xe hàng về Hà Nội. Tấn thành đứa cháu ở quê lên chơi, ngày lại ngày quẩn quanh giúp bà Cai những việc vặt trong nhà.
    Mất vài tuần lễ họ mới về. Thoáng nhìn nét mặt vui vẻ là biết chuyến đi mạo hiểm đã thành công. Gà gáy hôm sau hai già một trẻ dắt nhau hồi quê. Trước lúc đi ông Cai dặn bà Cai ở nhà trông nom cửa giả, ai hỏi bảo tôi sang ngoại ăn giỗ. Họ đi tắt qua những thửa ruộng khô ráo mọc dầy cây bánh khúc, đến một xóm vắng xa đường lớn, gặp bên bờ tre hai chú bò mộng đã được đóng sẵn vào hai chiếc xe bánh gỗ chất đầy những bao trấu lớn. Con đường về nhà dài trên ba chục cây số. Gần đến đồn Tây, ông Cai bảo bác Cả ta hãy dừng chân một lát, vào quán xin một chậu nước cho bò uống rồi cho chúng ăn một chút bột cỏ đang treo lủng lẳng trên càng xe.
    Ngồi cả tiếng đợi đến lúc mặt trời sắp lặn ông Cai giục bác Cả, cho chiếc xe của cháu nó đi trước rồi ta theo sau. Đây là lúc trong đồn bọn chúng xúm vào bữa chiều, lính đứng trước cổng cũng dễ qua loa. Quả nhiên đến nơi đã thấy trước cổng gác chỉ có một tên đen và hai tên ngụy. Dừng xe ông Cai niềm nở chào những người anh em bằng một tràng tiếng Pháp rồi mời mỗi người một điếu thuốc thơm. Ông chuyện trò với tên đen đàng hoàng như một ông chủ bự từ thành phố về. Một tên ngụy hất hàm hỏi Tấn, người làng nào? Tấn mau lẹ trả lời chúng tôi người làng Ngụ lên chợ tìm ít trấu mang về đốt lò gốm. Còn tên kia bước ra sau xe thọc mạnh lưỡi lê vào vài bao trấu rồi ngoảnh nhìn lên tên đen như muốn chờ ý kiến. Tên đen phẩy tay cho đi. Hai chiếc xe bò đã khuất sau dốc ông Cai mới hết chuyện, bắt tay người bạn mới hẹn ngày gặp lại.
    Họ về đến làng trong lặng lẽ. Chỉ chớp mắt toàn đội du kích đã có mặt đông đủ. Tất cả xúm vào khiêng những bao trấu trên xe xuống sân. Bao thì nặng bao thì nhẹ, ai cũng tò mò hồi hộp không hiểu bác Cả đã rước những thứ gì về. Mảnh sân đông chật như sắp mở hội. Ngồi trên thềm bác Cả mời ông Cai uống trà rồi quay sang nhẹ nhàng nói với anh em, các bao nhẹ đưa cả vào trong bếp, những bao nặng thì mở ra.
    Hai chiếc đèn bão được thắp lên trước thềm, vừa đủ sáng cho mọi người nhìn thấy cả một đống vũ khí đang nằm kín trong những mảnh vải dầu. Ông Cai nói với bác Cả, ta phải kiếm cho anh em một đống vải để lau chùi mọi thứ càng kỹ càng tốt. Mọi người dần dần hình dung ra đâu là bộ phận của súng máy, đâu là của tiểu liên, đâu là của súng trường.
    Lau chùi xong bắt tay vào việc lắp ráp. Người lắp quỳ trên sân gạch, người xem đứng lố nhố phía sau. Với đống tiểu liên và súng trường thì thôi khỏi bàn, nhưng với khẩu trung liên thì có sự lúng túng to, đôi lúc phải dừng tay vỗ trán mà suy nghĩ. Những người đứng sau chỉ trỏ xì xào như thể xem đánh cờ vậy. Súng lắp xong rồi quay ra tập lắp đạn. Súng nào đạn ấy, những hòm đạn trong két được moi ra vàng chóe.
    Ông Cai từ trên thềm bước xuống, chỉ bằng một tay nhẹ nhàng xách khẩu trung liên lên, ông cắp chặt nó vào sườn ngẩng mặt nhìn về phía trước nom thật oai hùng. Ông kể trong trận Véc-đoong chúng tớ bị bao vây tất cả ru rú dưới chiến hào lập tức tớ cắp khẩu trung niên như thế này, nhảy lên vừa chạy vừa nổ súng, quét bên trái lia bên phải. Anh em thấy vậy lao theo, đứng bắn, quỳ bắn, vừa chạy vừa bắn mười lăm phút mở được lối thoát. Lần ấy về tớ được nhận mề-đay Bắc đẩu bội tinh. Bây giờ ta cầm súng cứu nước, vào trận các cậu phải nhớ không sợ chết thì sẽ thắng.
    Đêm ấy bác Cả có một giấc ngủ ngon lành, sớm dậy lại cho triệu tập anh em. Toàn đội chia thành nhiều tổ, hỏa lực được bổ sung tương đương, mỗi tổ một tổ trưởng. Rồi bác nói thêm từ nay tôi chỉ định một trung đội phó nữa để trực tiếp chỉ huy, nếu cần có thể thay tôi. Vũ khí lợi hại nhất của chúng ta là khẩu súng máy vậy phải chọn lấy ba người khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Tổ này Tấn sẽ làm tổ trưởng.
    Phân công đâu vào đấy bác tuyên bố hôm nay thịt cả hai con bò khao quân khao làng. Thịt ngả ra nong chia làm năm phần, bốn ngõ bốn phần, phần còn lại để anh em ăn uống tại nhà bác. Mọi người vỗ tay. Trong lúc ồn ào mỗi người tỏa đi một việc, vợ chồng Tấn bấm nhau lẩn ra ngoài bãi. Họ được bác Cả phân công làm một chõ xôi lớn.
    Bữa liên hoan kéo dài đến xế chiều. Lúc sắp chia tay ông Cai hạ giọng nói với bác Cả, tôi với anh là nghĩa anh em đã từ lâu, việc anh nhờ tôi đã làm chu đáo giờ xin phép được ra thuyền. Mấy tuần nay tay trắng đi lo việc cùng anh nay quay về vẫn xin được giữ tay trắng. Chỉ xin một ân huệ nhỏ nếu còn đĩa xôi nào trong chạn thì để tôi mang về làm quà cho bà lão đang đợi ở nhà. Thứ xôi anh vừa cho ăn là ai nấu nhỉ?
    Bác Cả nắm lấy tay người bạn già nghẹn giọng nói, anh em chúng tôi phải cảm ơn bác nhiều lắm. Vẫn có một giỏ xôi làm phần cho bác gái, cháu nó đã chuẩn bị sẵn cả rồi. Thứ xôi này là ở con bé lo liệu cả chứ còn ai vào đây.
    Rồi bác Cả đi sóng đôi với ông Cai ra ngõ, khi qua cổng ông còn quay lại vẫy tay chào mọi người. Đôi vợ chồng trẻ bước theo gót họ.
    Lúc đứng ngoài bãi đợi thuyền ông Cai để ý địa thế xung quanh hồi lâu, rồi ông chỉ xuống cái dốc ngoài bến lẩm bẩm nói, sẽ tới một ngày ở đây có một trận đánh dữ dội để thiên hạ kinh ngạc.
    Thuyền đến bác Cả đứng nguyên trên bờ, Tấn nắm tay ông Cai bước từng bước xuống dốc. Thơm ôm giỏ xôi bám theo sau. Cô nhanh nhẹn bước lên thuyền, đợi ông ngồi xuống rồi cô mới dám đưa giỏ xôi ra, lễ phép mấy lời chia tay, ông cho vợ chồng chúng con gửi lời thăm bà. Ông Cai vỗ nhẹ vào vai cô bé, cháu là đứa giỏi. Con thuyền đi khuất mà bóng ba người còn đứng đó.
    *
    Cánh đồng gặt hái xong để trơ ra những gốc rạ. Trời rất cao và mây rất xa, những đàn chim ngói tháng mười đua nhau kéo về nhặt thóc. Bác Cả dặn anh em là mình sang bên núi chơi đùa với thằng cháu vài ba bữa sẽ về. Nhưng khi qua đò nhìn lên bờ bên kia thấy lính tây lính ngụy đi lại sầm sập, mấy chiếc ca nô chạy ra chạy vào, một cái tàu chiến đường sông sừng sững đứng trước sóng, bác đâm chột dạ thấy ngay là mình chỉ có thể ở lại một đêm rồi hôm sau phải quay về gấp. Cũng định lên là để đón luôn bà nó về nhưng tình hình này đành phải hoãn lại.
    Chiều hôm sau có tin bác Cả về anh trung đội phó nhào đến ngay. Trên xã cho người xuống dặn địch sắp mở một trận càn lớn quy mô toàn huyện nhằm mục đích diệt du kích lập tề. Lãnh đạo nhắc chúng ta phải sẵn sàng chiến đấu quyết tâm bám đất bám làng. Bác Cả ngồi ngây ra một lúc rồi từ tốn nói, đấy là chỉ thị cho chúng ta chứ còn với bà con thì ngay đêm nay cả làng đã phải vượt qua bờ bên kia. Đưa bà con qua sông là trách nhiệm của đội du kích không đẩy cho ai được. Giờ tôi và chú sẽ tới ngay từng nhà, để nấn ná là khó. Làng ta nhiều thuyền lại quen sông nước đấy cũng là một cái may.
    Chuyện sơ tán tưởng rất rầy rà vậy mà chỉ chập tối đến nửa đêm đã hoàn tất. Làng Ngụ bỗng trở nên trống vắng như một bãi tha ma. Đám du kích mệt nhoài, xong việc họ kéo cả về nhà bác Cả ngủ gà ngủ vịt trong sân. Nhiều người lấy súng làm gối.
    Tinh mơ hôm sau Thơm thức dậy khe khẽ đắp cho chồng mảnh chăn đơn, trời trở tính suốt đêm nóng bức, cô muốn ra cửa ngòi tắm táp. Sương đêm còn đang phủ mờ khắp vùng bãi bạt ngàn là mía. Cô nhanh nhẹn bước trên bờ con ngòi mà ngày nào nó đã dẫn cô đến với mảnh đất này.
    Cởi chiếc áo trắng vắt lên ngọn mía, mặc nguyên quần cô lõm bõm lội theo dòng nước lúc này đang đổ ra sông. Dòng nước thật mát và âu yếm. Cô bảo mình ngồi xuống cho nước vuốt ve quanh cổ, rồi nhắm mắt lại lấy hai bàn tay xoa nhẹ khắp ngực khắp bụng, ước gì sớm có một đứa con. Chợt có tiếng chân người lạo xạo, ngoảnh lên thấy một thằng sức vóc cao lớn, không kịp rõ mặt, nó đang lom khom như con mèo hoang ở thế vồ mồi. Cô chỉ còn kịp ngẩng mặt kêu một tiếng thật to, anh Tấn ơi... phát súng đơn độc dập tắt tiếng kêu thất thanh, hất cô ngã úp mặt vào nước.
    Nằm trên tấm phản giữa nhà bác Cả choàng dậy mồ hôi vã khắp mặt bởi vừa qua một giấc mơ chẳng lành. Chạy ra thềm ông hỏi, mấy cậu có nghe thấy tiếng gì không? Một giọng ngái ngủ trả lời, không ạ. Thế thằng Tấn đâu nhỉ? Cháu vừa thấy mấy anh ấy vác súng chạy ra cổng. Vậy chúng mày còn vạ vật trong này làm gì, ra vị trí cả đi.
    *
    Vào tới giữa bãi Tấn dặn hai bạn ngồi đấy đợi mình đi một vòng nghe ngóng rồi sẽ quay lại. Khi trở lại anh quỳ xuống đất, kéo chiếc áo cánh trắng vắt trên vai xuống thắt ngang bụng làm bao, lạnh lẽo nói, vợ tao chết rồi!
    Họ đứng dậy, người cắp súng, người vác càng, vác đạn, bộ ba vạch một đường chéo thẳng tiến ra bến sông. Mùa này mía đang ngọt dần, lá ngập ngút đầu, mía che chở họ bước vào trận. Qua cửa ngòi dừng lại, Tấn vẫy tay ra hiệu cho người bạn có biệt danh là Dao Phay. Thằng giặc đang đứng gác phì phèo thuốc lá nhìn ra sông. Dao Phay nhổm dậy chạy bổ về phía nó, rút con dao từ trong bao tre mang bên sườn quăng mạnh. Sau vệt sáng của đường dao tên lính gục xuống. Cả ba lại mất hút.
    Giờ là lúc quyết định. Họ sẽ phải đầu trần băng nhanh qua một bãi trống, cướp thời cơ làm một trận đánh mau lẹ.
    Lắp xong băng đạn mới, đợi hai quả lựu đạn nổ, Tấn ôm súng xông thẳng vào lũ giặc, bấy giờ chúng vẫn còn đang tụm năm tụm ba nghỉ ngơi. Tấn gọi vang “Thơm ơi”, nghiến răng bóp cò cho súng nổ tới tấp, quét bên kia lia bên này. Khẩu trung liên trong tay anh rung lên. Tụi giặc không đứa nào kịp nhổm dậy, chúng nằm ngổn ngang, đứa chết đứa ngắc ngoải. Nhóm ba người nhảy ba bước xuống con dốc, lại một loạt lựu đạn nữa, sau đó là liên thanh nã thẳng vào chiếc ca nô đang loay hoay hòng chạy trốn. Chỉ trong chớp mắt nóc ca nô bị xé nát, trước khi bùng lên một cột lửa, nó quay tròn trên mặt sông như con trâu dái bị thương.
    Nhiều năm về sau có một anh giáo được bổ về Ngụ dạy học, nghe dân làng kể lại chuyện này đã làm một bài lục bát diễn ca rõ dài, trong đó có câu: Vẳng nghe năm tháng xa xôi, có người em gái gọi tôi trở về...
    

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Mảnh Tình Sầu
» Cho Tôi Xin
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Một Thoáng Yêu Đương
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Mơ Xuân
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Con Trai Của Vova
» Thổn Thức Dây Tơ
» Vẫn Chưa Đâu 1