Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bước Dài Dai Dẳng Tác Giả: Hoàng Công Danh    
    Chen lên được cửa tàu rồi, Nho mừng ra mặt, trên tay bồng thằng cu hai tuổi đang ngủ. Lữ tay kéo va-li, tay xách một mớ mấy gói đồ, mặt đăm đăm kêu “lúc này mà để cho nó ngủ”.
    Tờ mờ sáng hai tám tháng Chạp, ga Sài Gòn chật ních. Cuối năm bến xe, bến tàu như cái bánh chưng gói chặt, nén tất cả lại một cục. Lọt qua được một cái cửa trong ga đã là một lẽ mừng. Nhất là với vợ chồng Lữ, Nho, lỉnh kỉnh đồ đạc chỉ một mình tay chồng, tay vợ mắc nựng con. Cửa sau cùng là lối vào toa buồng, để chắc chắn có được cái chỗ yên vị, được ngả lưng ngủ tiếp cho giấc ngủ đang ngon hồi sáng sớm.
    Nhưng Lữ chưng hửng. Cả nhà Lữ bị ghép với một anh chàng trẻ, chắc tầm tuổi vợ Lữ, cỡ hai lăm. Đùm đúm vào được chỗ thì phát hiện anh chàng đã nằm ngửa trên giường.
    - Giường mình đây rồi.
    Lữ nói với Nho, mắt đưa lườm chàng trai có ý đuổi.
    Chàng trai nhanh nhẹn co chân, chống người ngồi dậy.
    - Vậy là em ghép với nhà anh.
    Chàng nói, rút cái vé lúc nãy nhét vội trong túi áo ra.
    Lữ không cần xem, anh đâu phải nhân viên soát vé để tự cho mình cái quyền đó. Chàng trai xỏ dép đi ra ngoài, như là để vợ chồng nhà Lữ tự nhiên sắp xếp đồ đạc. Lữ đứng thẳng, dùng chân chọi cái mớ đồ đoàn vào gầm giường, mặt hằm hằm.
    - Đã nói đi máy bay cho khỏe mà không nghe. Cứ tiếc tiền lên cục sắt ì ạch này, tới sáng mai mới về đến nhà. Đúng là cái thứ đàn bà tính toán, chỉ biết có tiền.
    Nho đặt thằng cu xuống giường, lôi cái mền vắt qua bụng đắp cho nó ấm. Hơn tiếng đồng hồ chen chúc ngoài sân ga ngốt ngát, bây giờ mới biết nhiệt độ chỉ nhỉnh hơn hai chục chút xíu. Khi tàu chạy cảm giác lành lạnh, đúng không khí của Tết đây mà. Nho cặm cụi vuốt sườn cho thằng cu ngủ tiếp, điệu bộ của một người giỏi chịu đựng.
    Lữ dợm người, giường kêu ét một tiếng. Cân mắt đo, áng chừng cái giường này mà ngồi ba người lớn với một trẻ con không gãy cũng oằn.
    - Đáng lẽ phải đặt riêng một cái giường mà nằm. Sao giờ lại chềnh ềnh thêm một người khác nữa chớ.
    Lúc này Nho mới kéo cái khẩu trang xuống, nãy giờ cô quên cứ bịt riết, vì có dám hé lời nào đâu.
    - Thì em đâu biết. Nhờ con bạn quen săn vé, nó bảo giường hoán đổi ghế, ghép ba người, tưởng tính cả thằng cu nhà mình chứ.
    - Ngu thế. Thằng cu có vé đâu mà tính cả ba. Bọn đàn bà nhà quê, keo mà đần. Mẹ nó chứ!
    Ba chữ cuối Lữ nhấn mạnh, to rõ đến mức mấy người cùng buồng đều nghe. Giường nằm ngày thường chỉ dành cho một người, ngày Tết dồn ba người vào, gọi là giường hoán đổi ghế. Nghe cũng sang sang, đại thể nó đủ chỗ đặt ba cái mông, đến lúc mệt đổi phiên nhau mà nằm. Giờ giường của nhà Lữ có đến bốn người, thằng cu nhỏ nhất nhưng chính nó mới là người được ưu tiên nhất. Nếu chỉ có nhà Lữ, Nho thì không có gì đáng bàn, đằng này thêm một kẻ lạ mặt. Biết người ta thế nào.
    Đúng là tại Nho so đo đồng bạc quá.
    Hồi tháng mười tính chuyện về ăn Tết, vợ chồng cũng một trận căng thẳng. Lữ muốn đi máy bay cho nhanh, cho thằng cu con đỡ mệt đường dài, ngồi tàu hỏa là hai bốn tiếng chứ đâu ít. Nho nói đi tàu rẻ hơn, lại mang được nhiều hành lý. Cả năm làm ăn xa, về quê cũng mang theo quà cáp nữa chứ không lẽ chỉ đem cái xác không. Với lại, đi máy bay thằng cu phải tốn một cái vé bằng giá vé người lớn, đi tàu hỏa thì được miễn. Lữ nghe cũng phải, cả hai vợ chồng lương công nhân có nhiều nhặn gì, gắng ngồi tàu lâu thêm một ngày nhưng cũng tiết kiệm được bốn triệu bạc. Một ngày làm gì ra được bốn triệu bạc. Lữ đồng ý, giao nhiệm vụ mua vé cho vợ vì Nho khoe có đứa bạn hay săn vé rẻ. Nho thật thà: “Thêm nữa, em chưa đi máy bay bao giờ, lỡ nó rớt một cái”. Lữ chửi: “Điên, toàn nói xui xẻo, đúng là quê”.
    Lữ cũng dân quê chứ đâu. Cả Lữ cả Nho từ cái xã heo hút miền trung ấy chui ra, vọt vào miền nam bám mấy khu công nghiệp. Móc nối đồng hương đồng khói, rồi thành vợ chồng, khéo hay. Nhưng Lữ tính nóng nảy, gia trưởng, luôn muốn chối bỏ cái vẻ nhà quê của mình.
    Rút gói thuốc, Lữ mò mẫm hai túi quần tìm cái bật lửa. Loay hoay một lúc mới có. Giường bên cụ già nhắc nhở không được hút thuốc trong phòng. Thì ra ngoài, sợ gì. Lữ tính quay đi, ngay lập tức anh chàng chung giường bước vào. Chàng trai nhìn Nho thốt lên:
    - Ơ. Em cũng về chuyến này à. Quên anh rồi hả. Anh Mẫn này.
    Nho đưa mắt nhìn chàng trai một lát, rồi lại cúi xuống vuốt cái màn cho thằng cu. Hình như cái chàng Mẫn ấy nhầm, hay là Nho không nhớ thật.
    Phút vồ vập rồi lạnh tanh ấy qua nhanh. Chàng trai không thấy sự hồi đáp gì từ phía Nho, kể cả một câu thắc mắc, lẳng lặng ngồi xuống cuối giường măn mo cái điện thoại.
    Mẫn này là thằng nào, Lữ bật lên một nghi ngờ. Sao cả hai đứa luống cuống một chút rồi im bặt. Nếu không quen thì thằng đó cũng phải ậm ừ xin lỗi vì nhầm chứ. Và cả Nho nữa, sao không hỏi lại một chữ. Ở đây chắc có gì uẩn khúc rồi.
    Lữ sôi lên, nhấn lại gói thuốc vào túi áo. Đã thế ta ngồi đây xem cả hai xử sự sao. Lữ xê đít ngồi giữa giường, khoanh tay vòng trước ngực đầy cương nghị, như một cái trụ ngăn cách vợ và chàng trai tên Mẫn. Ướm chiều cao, Lữ thấp hơn chàng trai. Mẫn có vẻ thư sinh dong dỏng, trắng trẻo hơn Lữ nhiều. Tất nhiên, vì Lữ là công nhân chứ đâu có phải hạng chỉ ăn rồi học.
    Ở cách ướm đó, cùng với việc so đo khinh bỉ kẻ dài lưng tốn vải, Lữ tưởng tượng ánh mắt Mẫn nhìn vượt qua đầu mình, soi tới chỗ Nho được. Cuối giường, Mẫn vẫn chăm chú vào điện thoại, lâu lâu nhìn bao hết trong toa, rồi quét xuống sàn, có đến mười đôi dép nằm xộc xệch. Lát sau Mẫn tựa lưng vào vai giường, một chân thõng xuống, chân kia co gối lên. Tư thế đó, chỉ cần rời mắt khỏi điện thoại là Mẫn nhìn thấy Nho ngay.
    Trong toa, ngoài một bà già, mấy giường kia toàn đàn ông, cũng đen đen. Không biết dân lao động hay giang hồ ất ơ. Một cậu choai choai xăm trổ cánh tay hình vân cọp đang ngồi quay chùm chìa khóa. Trong chùm có cái bấm móng tay, chỉ cần tách một cái là chìa ra mấy món dao nhíp.
    Thằng cu con mở mắt, ngáo ngơ nhìn cái chỗ lạ hoắc này rồi mò tay vào áo mẹ. Nho bật nút, phanh áo cho thằng cu chum miệng bú.
    Lữ cố xoay ngang tấm thân làm bình phong chắn giữa Mẫn và Nho. Tàu xình xịch rung lắc, vú trắng căng sữa như hai quả bóng chực rơi khỏi áo Nho. Mệt nhoài với gái một con. Lúc này nó càng khiến Lữ thêm bực, trỗi lên sự ích kỷ hà tiện ngay với chính thằng cu con.
    - Bữa trước không dứt khoát mà cho nó bỏ bú. Hơn hai tuổi rồi. Cứ cưng chiều nó hoài, thêm hư.
    Nho đưa mắt nhìn chồng, vẻ năn nỉ.
    - Lát anh đi hút thuốc, ghé căng-tin mua lốc sữa, khuya cho con hút.
    - Gì?
    Lữ thốt lên được một chữ khó chịu. Vợ có toan tính không đây, xúi Lữ đi hút thuốc rồi mua sữa để có cớ nói chuyện với cái thằng thư sinh này chăng.
    - Thôi. Chán không hút nữa.
    Mẫn lại rời giường, ra khỏi toa. Lữ ngả được cái lưng vào vách, co hai giò lên giường, đưa bàn tay chà cằm xoa râu. Lữ hỏi Nho:
    - Không quen thật à?
    - Em cũng chẳng nhớ nữa. Thôi kệ họ. Chắc nhầm.
    - Coi chừng thằng đó. Không khéo giả quen để cướp đồ cũng nên.
    - Anh đa nghi gì cho mệt. Trông hắn cũng thật thà mà.
    - Thật thà là cha kẻ trộm. Giờ quân lừa đảo nhiều lắm. Nhất là cuối năm cuối tháng. Mà cái xấp tiền để ở đâu?
    - Trong va-li. Đây chỉ có ít để tiêu pha dọc đường.
    Nho kéo phéc-mơ-tuya túi áo khoác đưa cho chồng. Mấy tờ mỏng dính, Lữ nhét vào túi quần, vỗ vỗ chắc chắn nó bẹp dí ở trong đó.
    - Mà sao tiền không nộp vào thẻ cho chắc?
    - Chiều qua mới nhận lương thưởng, về muộn có kịp tới ngân hàng đâu.
    Lữ thõng hai chân xuống, rung một phát, cả hai gót chân đánh vào va-li kêu bụp. Yên tâm va-li đang ở dưới đấy, khỏi kiểm tra.
    Một lúc sau, Lữ tuột xuống đất, lôi va-li, mở ra măn mo lấy gói tiền nhét vào túi. Lên giường ngồi một chút, cảm giác khó chịu, lại tuồn xuống nhấn gói tiền vào lại va-li.
    Nghe tiếng lạo rạo của mấy cái bao gói dưới gầm giường, Lữ giật thột. Hai con thằn lằn tranh nhau bắt muỗi. Bực mình, Lữ chửi “tổ cha mi” rồi quay lên hỏi vợ:
    - Còn mấy thứ đồ đó không cho nó vào một cục luôn, để chi luộm thuộm. Đi xe đi tàu càng nhiều món càng dễ bị sót lại.
    - Nhét được vào va-li em đã nhét.
    - Mua chi cho lắm!
    - Thì quà cho nội ngoại. Trái cây nữa, thấy rẻ mua một ít mang về. Ngoài mình nghe nói năm nay đồ thờ cúng đắt lắm.
    - Về quê mà như đi buôn. Sống Sài Gòn ba, bốn năm trời chưa chịu bỏ cái tật nhà quê đi.
    Mẫn quay vào, trên tay là lốc sữa và chai nước lọc, đưa cho Lữ.
    - Em đi uống cà-phê, tiện mua cho thằng cu. Thấy anh không có nước, em mua luôn.
    Thằng này đúng là rắc rối, Lữ nghĩ, nhưng vẫn gắng tươi tươi.
    - Ôi, để lát anh mua cũng được mà. Cho anh gởi lại tiền nha.
    Lữ chuồi tay vào túi. Mẫn cười xuề xòa:
    - Thôi, em cho thằng cu nhà anh cũng được, đáng mấy.
    Thật là phiền phức, Lữ nghĩ thằng này chắc có quen vợ mình thật, hay nó định giở trò gì đây. Lữ đặt lốc sữa và chai nước đầu giường, kéo cái áo phủ lên che, giấu kỹ sợ thằng cu nhìn thấy nó vồ ngay. Không tin gì ba cái thứ dọc đường dọc sá, càng không tin thứ được trao bởi một người lạ.
    Tàu lướt qua một cái chợ, thấy cảnh người đông đúc đi mua sắm. Qua một vùng quê heo hút thấy khói ấm bay lèn qua mái ngói. Ở đâu Tết đến cũng có sắc riêng. Đi tàu Tết là một cuộc du xuân qua được nhiều miền. Đôi khi cung đường ấy ngày thường chẳng có gì, tới cuối năm điểm một cành mai nở lác đác trước sân ngôi nhà gỗ, thế mà ấn tượng mãi.
    Lữ mấy lần định reo lên kêu vợ ngắm cảnh xuân qua ô cửa kính, nhưng lại thôi. Mở lời trong khi cục tức giận chưa vơi thật khó. Thêm nữa, cái thằng trẻ tên Mẫn đang ngồi chung giường làm Lữ cảm giác mất tự nhiên, không muốn mở miệng.
    Chập tối, Lữ nằm ép dọc trong vách, mắt nhắm chút cho đỡ mỏi. Mẫn tựa lưng vào vai giường, chắc cũng muốn ngủ. Nho chống tay bồng thằng cu ngồi dậy, đon đả:
    - Anh Mẫn nằm lên đây cho thẳng lưng một lúc này.
    Lữ mở mắt, giận sôi lên. Sáng giờ Nho có nói với Lữ câu đó đâu, sao tự dưng lại đi mời thằng kia. Tay Lữ run run, kiềm chế một cái bạt tai vợ. Mẫn nhắm mắt như đã ngủ sâu không nghe thấy.
    Đêm trên tàu dài quá, Lữ khó ngủ. Khó ngủ thì lại hay buồn tiểu. Phải cố nhịn, Lữ dặn mình, bên cạnh vợ con đang ngủ ngon. Đúng là đàn bà quê, đâu cũng ngủ được. Lữ không muốn rời cái giường này nhiều lần, sơ hở chút là mất tiêu đồ đạc ngay. Và hơn nữa, Lữ thấy hình như thằng trai trẻ cũng khó ngủ.
    Chốc chốc Mẫn trở mình, vùng dậy, cúi gập người xem dưới gầm giường. Lữ mở mắt quan sát. Mẫn ngẩng đầu kêu:
    - Anh cũng khó ngủ à. Em cũng vậy. Mấy bữa nay lại bị đái dắt. Cái này uống nước rau má xong liền. Nhưng trong Sài Gòn mua sợ trúng rau má phun thuốc. Để về quê rồi chữa. Quê em rau má nhiều lắm.
    Lữ lim dim giả vờ không nghe thấy, nhẩm chửi, “đã đái lắt nhắt còn nốc cà-phê vào, cho đáng”.
    Có lần ngủ lịm đi một chốc, tỉnh dậy không thấy Mẫn đâu, Lữ hoảng hồn ngó xuống giường. May, đồ đạc tất cả vẫn ở đấy.
    *
    Mờ sáng, tàu hú còi vào ga Đông Hà. Nho thức chồng dậy. Lữ giật bắn, nãy giờ ngủ quên béng một chút mà đã sáng rồi. Nhìn qua, Mẫn vẫn đang khoanh tay tựa đầu vào tường ngủ say, cậu ta chưa xuống ga này.
    Nho bồng thằng cu. Lữ lại tay kéo va-li, tay nắm một chùm đùm gói sau khi đã kiểm đủ bốn món cả thảy. Chực sẵn ở cửa toa, tàu phanh két là Lữ nhảy xuống ngay.
    Trên mấy cái toa giữa đoàn tàu có đến ba bốn chục khách ào xuống. Thêm người thân đi đón chực chờ. Họ hòa vào nhau, kẻ cầm hành lý người bồng trẻ con dắt díu nhau đi. Giờ Lữ mới cảm thấy không khí Tết. Hôm qua ở ga đi đông nghẹt, chỉ thấy mệt mỏi ngột ngạt. Và cả cái chuyến tàu vừa trải qua nữa, nó nặng nề uể oải không chút thư thả.
    Ra khỏi nhà ga, Nho luống cuống chụp một cái túi, hốt hoảng.
    - Lộn rồi. Không phải cái này?
    Lữ bật nảy lên:
    - Đủ bốn túi rồi mà.
    Cái túi nylon mầu đỏ có in cành hoa đào với chữ Chúc mừng năm mới, dùng để đựng quà ngày Tết. Thứ này nhan nhản, nhầm lẫn là phải.
    - Chết cha rồi. Có gì đáng giá không?
    - Cũng không mấy. Chỉ là cái hộp bánh con bạn nhờ gửi về cho ba mẹ nó.
    - Đúng là nhà quê. Có cái hộp bánh mà phải gửi từ tít Sài Gòn về.
    - Thì biết thế. Nhưng mình nhờ nó mua vé, nó gửi nhờ cái hộp chẳng lẽ chối.
    Lữ tức tối, banh miệng túi bị nhầm ra. Trên cùng một xấp thiếp mời đám cưới. Tên chú rể Lê Văn Mẫn, địa chỉ trong thiệp ghi ở một cái làng quê ngoài xứ Thanh.
    - Lấy lộn của thằng đó rồi.
    - Anh chạy gấp vào xem tàu rời ga chưa.
    - Chạy từ tám mươi đời. Tàu nó chờ bọn nhà quê chắc!
    - Chừ sao?
    - Phải tìm cách mà đổi lại chớ sao nữa. Để vào hỏi nhà ga.
    Lữ xách túi nylon mầu đỏ đi, miệng lẩm bẩm: “Đúng là mệt, nhờ với nhiếc, hộp với hiếc, bánh với biếc”.
    Đi được một đoạn Lữ gặp Mẫn, cũng đang xách cái túi đỏ luống cuống. Mẫn mừng húm, mặt nửa cười nửa mếu.
    - Em ngủ quên, tỉnh dậy kịp nhòm xuống biết anh nhầm. May tàu đang dừng ga lâu để sửa chữa.
    Lữ phóng mắt, đúng là tàu chưa chạy. Mẫn rụt rè, như chính cậu là người có lỗi.
    - Cho em đổi. Cũng chả có gì quý giá đâu, chỉ là hộp mứt xí nghiệp tặng đem về dọn Tết cho vui. Với thêm mớ thiệp ra Giêng mùng sáu em cưới vợ, in mang về luôn. Mất tập thiệp này thì chết, cuối năm ai in cho kịp.
    Hai người đổi cái túi cho nhau. Mẫn chào quay đi. Lữ hỏi với:
    - À này. Mày có quen vợ tao à?
    Mẫn ngoái đầu lại.
    - Không ạ. Em thấy anh rắn rỏi nên giả vờ bắt quen thôi, để lỡ gặp bọn lừa đảo thì còn có anh bảo vệ giúp.
    - Khùng à. Nhanh lên, tàu nó sắp chạy rồi kìa. Khéo hành lý của mày trên ấy chúng nó cuỗm mất rồi đó con.
    Tàu hú còi chuẩn bị lăn bánh. Mẫn lao vút tới, áo sơ mi tung vạt ra khỏi lưng quần, dép lê lệt bệt.
    Lữ không chút mừng dù đổi được cái túi, miệng lẩm bẩm: “Mứt với miếc, thiếp với thiếc, lừa đảo lừa điếc. Đúng một lũ nhà quê, quê cả cục”.
    Quay lại chỗ vợ con, Lữ đưa cái túi đỏ lên trợn mắt nói đổi được rồi. Lúc ấy Nho đang vạch quần cho thằng cu đứng đái ngay giữa lối vào ga. Lữ dõng dạc.
    - Ừ. Đái đi con. Sợ chi mà thun chim. Về tới đất mình rồi. Mẹ nó chứ, sợ chi.
    Nho lườm mắt.
    - Hôm qua tới giờ nói tục chửi thề hơi nhiều đó nghe. Về nhà tranh thủ đi cắt tóc cạo râu mà ăn Tết, để thấy ớn.
    - Ờ, thì cũng ra vẻ anh chị để bọn lừa đảo nó tránh mình ra.
    Rồi Lữ bồng nựng lấy thằng cu, tay kia gắng gỏi cẩn trọng túm cổ mấy gói đồ, bảo vợ “về thôi em”. Giọng dịu dàng, như hơi xuân.

Kết Thúc (END)
Hoàng Công Danh
» Hàng Xóm Một Người Thọt Chân
» Bầy Én Mùa Xuân
» Xập Xình
» Bông Hồng Đá
» Bước Dài Dai Dẳng
» Vẫn Còn Hy Vọng
» Để Lại
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em