Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Gia Đình Và Khoảnh Khắc Tác Giả: Nguyễn Quang Thùy    
     Thằng Sỏi mê mẩn nghịch cát. Nó lấy đà từ xa, phi lên đỉnh đống cát rồi từ từ đổ uỵch xuống. Bất động vài phút, nó lổm ngổm bò dậy, lấy hai tay bới một cái hố sâu, nhảy xuống, vun cát vùi ngang đùi mình. Được một lúc đứng im như cây cột điện, nó chống hai tay lên miệng hố, gồng mình ngoi lên. Ối! Đất nhồi chặt quá, rễ cây mọc sâu không nhổ được lên bà con ơi. Cứu tôi với. Loay hoay một lúc thì thằng Sỏi cũng rút chân lên khỏi hố cát. Nó nằm kềnh ra, thở phì phò. Cây mệt quá, cây nghỉ đã, tí nữa lại trồng tiếp. Ông Dư thấy thằng Sỏi cứ lảm nhảm một mình thì mắng. Mày, cứ bẩn thế rồi ông đánh đòn. Thằng Sỏi liến láu. Cháu trồng cột điện ô
    Bỗng thấy thằng Sỏi im tịt. Ông Dư đi ra sân. Thì ra là con chó lài nhà hàng xóm đang đứng đấy, thè cái lưỡi đỏ hỏn dài cả gang ra nhìn thằng Sỏi lạ lẫm. Ông Dư hù cháu. Đấy, mày nghịch bẩn, nó chê đấy. Thằng Sỏi thu chân lại, giũ áo và cạu nhạu. Nó cười ông thì có. Ông Dư nhả nhớt. Tao làm gì mà nó cười tao? Thằng cháu chả vừa. Nó cười ông có mỗi cái cổng mà không làm được, phải thuê người làm mất tiền. Ông chống nạnh. Tao mà tự làm được thì lại chả còn cát cho mày nghịch nữa. Thằng Sỏi đuối lý. Hờ hờ, may quá là ông chả làm được, ông chỉ biết nấu cơm thôi.
    Con lài phất cái đuôi một cái đi ra, đúng lúc bà Dư đi chợ về. Bà Dư la tướng lên. Ông tá ơi là ông tá, ông tá có xích con lài vào không? Để thế này trộm nó câu mất có ngày. Tiếng ông đại tá bên nhà chậc lưỡi êu êu và tiếng sợi dây xích leng keng. Bà Dư nhà ông là thế đấy. Thà nói chuyện vu vơ một mình, hoặc nói vọng sang hàng xóm, chứ nhất quyết không nói chuyện với cái giống mà bà gọi là gà rừng. Ông thương cái thằng gà rừng bao nhiêu thì bà ghét nó bấy nhiêu. Rất nhiều lần ông nói với bà là nó trẻ con biết gì, nhưng bà nhà ông một mực đổ cho ông tội chủ quan không cẩn thận để xảy ra việc ấy.
    Hôm ấy, mới cuối hè đây thôi, lúc ông đang san cán cái sân này để chuẩn bị lát gạch thì có một chị tre trẻ, trạc hai nhăm, hai sáu tuổi, nhìn cái điệu ăn mặc là biết ngay người dân tộc vùng cao. Chị ta dẫn theo thằng bé độ sáu tuổi đi vào sân. Chị ấy hỏi. Nhà này có phải nhà anh Triệu Văn Tiến không ạ. Ông Dư gật đầu. Phải rồi. Chị kia hấp tấp, như sợ người khác không cho nói. Cháu chuẩn bị đi lấy chồng rồi, đem con về nhờ anh Tiến nuôi cho, chồng cháu nó bảo không nuôi. Cháu hỏi mãi mới về đây được. Ông Dư run bắn. Thế chị ở đâu? Cháu ở Nhò San, chỗ ngày xưa anh Tiến làm trường ý. Bác làm ơn gọi anh Tiến về đây cho cháu gặp ạ. Ông Dư vội vàng rút điện thoại gọi Tiến. Con ông, thì đúng kỹ sư xây dựng rồi, nó cũng đi mạn ngược làm công trình, nay chỗ nọ mai chỗ kia. Có khi làm tận giáp bên Lào cơ mà. Lạ thế, điện thoại đổ chuông nhưng không có ai nghe. Càng gọi càng mất. Cứ đà này, tí nữa con dâu ông đi làm về, thấy cục diện này thì tan cửa nát nhà là cái chắc. Thấy thế, ông Dư lựa lời. Tạm thời, hai mẹ con cứ vào đây đã, ai hỏi cứ nói đi thăm người quen thôi. Tối thằng Tiến mới về, rồi sẽ bàn bạc. Chị kia vâng dạ rồi dẫn con ra giếng rửa chân cẳng mặt mũi. Xong đâu đó, chị ta dặn thằng bé. Sỏi ở đây nhá, mẹ ra kia mua kẹo cho. Thằng bé ngồi yên trên cái ghế nhựa và gật đầu. Chị kia lễ phép bảo cháu ra đây tí. Thế rồi, tí thợ kèn cả buổi chiều. Đến tối cũng chả thấy đâu. Ông phi ra đầu làng hỏi thì họ nói, hồi trưa có ông xe ôm đỗ ở đó, hai mẹ con chị kia xuống xe dẫn nhau vào làng xong chỉ mình chị kia quay ra, xe đi rồi. Vợ chồng thằng Tiến về. Thằng Tiến một mực nói không có chuyện gì nhì nhằng hồi đi làm ở trên mạn ngược. Cả nhà tụm vào bàn bạc rồi quyết định báo cáo công an xã. Phải tận hai hôm sau mới có tin tức từ trên ấy hồi lại. Hóa ra, nơi mà mẹ con thằng bé ở lại là nơi thằng Tiến nhà ông chưa từng đặt chân tới thật. Dân bản nói hai mẹ con này mới chuyển đến đó được một năm thôi, người ở đâu cũng không rõ. Họ làm một túp lều ở bìa rừng và sống bằng nghề nương rẫy. Khi thằng Sỏi chuẩn bị vào lớp một thì cô giáo ở phân hiệu đó đề nghị mẹ nó nộp cho trường bản sao giấy khai sinh thì chị kia mới nói thằng Sỏi chưa có. Nhà trường đã hướng dẫn cho chị kia về nơi có hộ khẩu thường trú để làm. Chị ấy dẫn con đi rồi không thấy quay lại nữa. Vừa qua sạt lở, đất cát đã vùi lấp căn lều của hai mẹ con. Nếu quay lại cũng không còn chỗ mà ở. Công an xã hoặc sẽ chuyển tạm thằng bé tới trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh hoặc cứ để ở nhà ông Dư, nếu ông Dư đồng ý. Xã sẽ hỗ trợ tiền đóng góp và chi phí học hành cho thằng Sỏi dịp đầu năm học. Trong lúc vợ thằng Tiến và bà Dư cực lực phản đối thì ông Dư lại mềm lòng. Ông lấy trịch là chủ gia đình và ông có lương hưu ba triệu một tháng, quyết định để thằng bé lại. Ông còn chủ động đưa nó lên xã, làm cho nó một cái giấy khai sinh, với ngày tháng là ngày nó đặt chân vào nhà ông, họ của ông còn tên nó thì ông giữ nguyên là Sỏi.
    Thấm thoắt cũng bốn tháng thằng Sỏi nghiễm nhiên trở thành người trong gia đình ông. Nó là một đứa bé rất lanh lợi, thông minh và nghịch ngợm. Hồi đầu về, nó nói còn ngọng, nghe mãi mới ra, thế mà giờ, rõ ràng đâu ra đấy. Ông cũng không xui nó, mà nó tự gọi bố Tiến mẹ Hà. Thành ra, cứ cả trăm phần trăm người làng này bảo nó là con riêng của Tiến, giờ đưa về rồi dựng lên cái vở kịch ấy. Miệng dân sóng bể. Sức đâu mà đi tranh luận với sóng bể được. Lúc đầu, cả nhà khó chịu vì cái sự đặt điều ấy. Nhưng về sau thì quen. Nói là quen với sự hiện diện của nó thôi. Chứ trong thâm tâm, con dâu ông, ông biết, nó đang tìm cách để rạch ròi danh phận thằng bé. Nó nói, nếu con giai ông mà dan díu qua lại với mẹ thằng Sỏi, là nó ly hôn và đem con đi. Thằng Tiến nhà ông mặt tròn, da ngăm đen giống ông. Còn thằng Sỏi, da trắng như hòn sỏi nằm dưới đáy suối sâu mới được vớt lên, khuôn mặt trái xoan rất thanh tú. Thằng Sỏi học buổi sáng, buổi chiều ở nhà trông nhà. Con trai ông làm ở một công ty xây dựng bên thành phố, đi suốt ngày, đêm về còn bò ra vẽ vời trên máy. Con dâu thì làm bảo hiểm. Bà nhà ông rau cỏ, vườn vạng với ba sào lúa. Ông thì họp hành cỗ bàn suốt ngày, ngoài ra tranh thủ đưa đón đứa cháu trai đang học lớp mầm non. Có lần thằng Sỏi bảo ông. Ông ơi, cháu có công việc trông nhà giống con lài ông nhỉ? Nhưng cháu không bị xích như con lài. Ông quát. Vớ vẩn, ai lại ví người với chó. Thằng Sỏi lại nhe răng cười. À, cháu là con gà rừng ông nhỉ. Kè ké ke ke... Lúc nào hứng chí, nó cũng giả giọng gà rừng gáy một tràng như thế.
    Đấy, mới đấy mà đã Tết. Đôn đáo, lo lắng, cắt đặt một năm, thế mà đến chiều ba mươi, cảm giác như thời gian nó vùn vụt trôi. Mà con mẹ thằng Sỏi đến tệ. Ấn con vào đây rồi đi biệt tăm biệt tích. Nó đi bao nhiêu ngày tháng là bấy nhiêu ngày ông bà và con cái lục đục. Chả biết nội bộ bên thông gia nói với nhau thế nào mà ông thông gia gọi điện sang xin phép cho mẹ con cháu Hà về bên ấy ăn Tết. Ông cũng không biết thanh minh, phân trần ra làm sao. Đang ngó nghiêng tìm chỗ giăng thêm một cái bóng điện ra ngõ cho sáng sủa thì có tiếng chào. Tiếng thằng Sỏi hét lên. Mẹ con về ông ơi! Ông Dư giật bắn người. Tim ông muốn bay ra khỏi lồng ngực. Lạy giời đất. Mẹ của thằng Sỏi về thật. Thằng Sỏi nhảy tót lên, đánh đu vào cổ mẹ. Tiến đang cầm cuốn dây điện, nhìn thấy người phụ nữ trẻ thì chết trân. Một lúc sau mới lên tiếng. Em, có phải em đã nhầm không? Anh có quen biết em đâu mà em nói anh là bố thằng Sỏi. Mẹ thằng Sỏi gật đầu, nước mắt rươm rướm. Vâng. Em nhầm ạ. Ông Dư ngơ ngác. Thế này là thế nào? Mẹ thằng Sỏi ngượng nghịu. Là cháu nhầm ạ. Ông Dư cắt ngang. Thôi, cứ vào nhà đã. Tôi đã điều tra cả rồi. Mẹ con chị bây giờ có về cũng không có nhà để ở đâu. Năm hết tết đến. Cứ ở đây đã. Rồi tính sau. Mẹ thằng Sỏi chắp tay lí nhí. Giờ cháu xin ông cho cháu lấy lại thằng Sỏi ạ. Cháu cám ơn ông bà đã cưu mang con cháu gần nửa năm qua. Chị định mang nó đi đâu hả? Dạ cháu đưa nó về quê. Ông Dư phẩy tay. Thôi, chồng chị có thích nó đâu mà chị đem đi. Chị cứ đi lấy chồng đi chả muộn, nhùng nhằng với nó lại lỡ dở. Để nó ở đây tôi trông cho. Nó đi học vừa mới quen trường lớp, bạn bè. Bao giờ chị có điều kiện thì đón. Mẹ thằng Sỏi ứa nước mắt, nói với con bằng thứ tiếng gì ấy, thằng bé thon thón chạy vào nhà cho sách vở vào cặp rồi lễ mễ bê ra sân. Vợ Tiến mừng quá, vội vàng thu xếp quần áo của thằng Sỏi nhét phồng căng một cái ba lô. Ông Dư giục bà Dư đi hóa vàng để dọn cơm, cả năm có bữa tất niên, ăn đã rồi đi. Nhưng mẹ con thằng Sỏi không ở lại, cúi đầu cám ơn lần nữa rồi dắt nhau ra ngõ.
    Đang giữa bữa, ông Dư dừng lại, thở dài. Bà Dư liếc con dâu, cười gượng. Nhưng tôi thấy như trút đi được gánh nặng đè lên ngực ông ạ. Chúng ta đã chăm bẵm cưu mang nó năm tháng giời rồi còn gì. Thôi ông ăn đi. Ông Dư cứ thấy mắc nghẹn trong cổ không nuốt được. Nửa năm giời ríu rít, ông ơi ông ời, giờ thiếu nó, cứ thấy làm sao. Nhìn sang con giai, thấy nó chống đũa, bồn chồn. Ông bèn bảo. Mày ra đường lớn, xem mẹ con nó đón được xe chưa? Nếu chưa, thì lại đưa về đây. Ba mươi Tết. Làm gì còn xe nữa.
    Chỉ chờ có thế, Tiến vội vàng dắt xe ra cửa, phóng đi. Bà Dư kéo ông vào buồng, khép cửa lại, xổ mớ ảnh cũ của các con ra, rồi đặt bức ảnh thằng Sỏi lại gần một tấm ảnh đen trắng. Đấy ông xem, thằng Sỏi giống hệt con Loan nhà mình hồi bé. Ông Dư thì thào. Thì tôi chả nói với bà là gì. Thằng Sỏi giống hệt con Loan. Giờ việc của bà là làm sao tác động tới con Hà để cho nó đừng nghĩ ngợi nữa. Còn chuyện với ông thông gia, để ra giêng, ngày rộng tháng dài, tôi lựa lời...
    Tiến đi hết đoạn đường làng đêm ba mươi Tết vắng tanh. Ra đến đường lớn thì thấy mẹ con thằng Sỏi đang dắt nhau đi về phía cầu. Chắc định lên đó đón xe đi ngược. Tiến dừng xe. Quy! Người đàn bà giật mình thảng thốt. Tiến xuống xe. Bế thốc thằng Sỏi đặt lên yên xe rồi nói. Hai mẹ con cứ về nhà đã. Ăn Tết xong rồi tính. Giờ không đi đâu cả. Nếu Quy đi lấy chồng thì cứ để thằng Sỏi ở với anh. Quy ngượng ngùng, thật thà. Em xa con thì nhớ lắm. Nhưng bố mẹ chồng em không thích nó ở cùng em. Em buồn lắm, cùng đường mới đem con về tìm anh. Anh đưa em lên cầu. Sắp có chuyến xe cuối cùng qua đây. Không được, em sẽ đón giao thừa ngoài đường mất! Không mà, đường tốt lắm, lâu rồi anh không đi không biết đấy thôi. Hôm về đây mẹ con em đi hết có bốn giờ đồng hồ thôi. Em về luôn vẫn kịp. Vậy lên xe đi. Tiến quay đầu xe, rẽ lên lối đầu cầu. Tới nơi, Tiến tắt máy, xuống xe, một bên nắm tay thằng Sỏi, một bên nắm chặt tay Quy. Từ xa, có chiếc ô tô đang đi chậm tới, Quy giơ tay vẫy, rồi vội vàng. Mẹ ôm con một cái cho đỡ nhớ. Nói thế, nhưng Quy vòng tay, ôm cả hai bố con Tiến vào lòng. Cả ba cùng khóc. Khoảnh khắc ấy, họ giống một gia đình bé nhỏ. Xe dừng, Quy buông hai người ra, lau nước mắt, dặn dò. Con ở với bố ngoan nhé. Sau này mẹ về thăm con. Tiến chụp lấy tay Quy, siết chặt, bối rối. Tha lỗi cho anh Quy nhé!
    Mùa thu năm ấy, công trình xây dựng Trường tiểu học Nhò San của công ty Tiến cơ bản đã hoàn thành. Tiến và mấy người nữa nán lại đợi bàn giao rồi mới về. Thời điểm ấy, Tiến đang rất chênh vênh, cô đơn vì mới chia tay người yêu. Một đêm, Tiến nghe mấy tay thợ rủ vào bản chơi. Ma xui quỷ khiến thế nào, Tiến gặp Quy, người con gái ở bản với rất nhiều những lời bàn tán đồn thổi không hay. Cô gái Thái xinh đẹp tuổi đôi mươi có nét buồn thảng thốt như cất giấu điều gì trong lòng khiến Tiến muốn hỏi chuyện. Bên bếp lửa, khi những hạt ngô nướng đã dậy mùi thơm ngào ngạt, Quy tự tay vẽ ra, đặt vào tay Tiến. Quy kể, mười sáu tuổi Quy đã đi làm dâu nhưng đến mười chín tuổi chưa sinh được con thì bị nhà chồng đuổi về. Tệ hơn, nhà chồng cô còn đòi lại tiền lễ. Xin mãi, họ mới bớt cho một nửa. Tiền thì bố mẹ đã làm cỗ mời họ hàng hết rồi, đành phải bán bớt nương đi lấy tiền. Vì thế, khi Quy trở về nhà, chị dâu ghét lắm, đến bữa không thèm nhìn mặt. Quy hiểu và muốn đi đâu đó làm ăn, đi thật xa Nhò San. Hai người quấn quýt với nhau suốt từng ấy ngày Tiến ở lại Nhò San. Rồi tới lúc Tiến xong việc phải về. Tiến có để lại địa chỉ cho Quy và bảo, nếu có thể đi xa thật, thì đợi gặt giúp mẹ xong hãy đi. Tiến hứa sẽ xin việc cho Quy tại quê của Tiến, giờ có nhiều công ty lắm. Thế rồi, đơn vị Tiến không làm thêm một công trình nào ở vùng này nữa. Gọi điện thoại cho Quy nhiều lần không được. Tiến nghĩ, Quy đã yêu ai đó, lấy chồng nên mới không tìm Tiến nữa. Rồi Tiến gặp, yêu và cưới vợ. Con trai Tiến giờ đã ba tuổi. Tiến cũng linh cảm thằng Sỏi là máu mủ của Tiến. Tiến biết, sớm muộn Quy sẽ quay lại tìm con. Tuy nhiên, Tiến chưa biết cách giải quyết việc này thế nào. Tiến sợ đổ vỡ...
    Từ xa, nghe tiếng xe đi vào ngõ, ông Dư vội vàng bật cái bóng điện ngoài cổng lên. Tiếng thằng Sỏi véo von. Ông nội ơi, gà rừng đã về, kè ké ke ke...Ông Dư chạy ra, đỡ thằng Sỏi xuống và hỏi. Thế mẹ mày đâu? Thằng Sỏi nói rất hồn nhiên, dù mắt nó còn chưa mờ những vệt nước. Mẹ con về còn lấy chồng không muộn ông ạ. Ông Dư bật cười. Anh còn cụ non hơn cả tôi đấy anh Sỏi ạ. Thằng Sỏi lém lỉnh. Vừa lúc chiều mẹ con đến đây, chính ông bảo mẹ con thế còn gì...
    

Kết Thúc (END)
Nguyễn Quang Thùy
» Gia Đình Và Khoảnh Khắc
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop