Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Một Giọt Máu Đào Tác Giả: Nguyễn Việt Hà    
    Đây là phần đầu của câu tục ngữ rất quen thuộc trong kho tàng văn hóa dân gian Việt, “một giọt máu đào còn hơn ao nước lã”. Nghĩa dễ thấy nhất ở nó là sự trân trọng nói về cách ứng xử nên có của một cá nhân với những người thân, đặc biệt là gia đình và họ hàng đang sống chung quanh.
    Đương nhiên thôi, bởi đã từ ngàn xưa các cộng đồng dân cư quần tụ sinh hoạt tạo nên làng xã Việt cổ, thường chủ yếu là các nhóm người cận huyết sống cùng nhau trong một không gian nhất định. Ở những thôn làng cổ kính ấy, luôn hiện hữu một dòng họ chủ lưu, hoặc Trần hoặc Nguyễn hoặc Lê hoặc Bế hoặc Trịnh... nó vừa vô thức vừa ý thức tạo ra một bản sắc một giá trị độc đáo rất riêng. Ví như nổi tiếng về học hành đỗ đạt thì có họ Vũ ở Mộ Trạch (Hải Dương) hay họ Ngô ở Diễn Châu (Nghệ An) chẳng hạn. Lại có những dòng họ nổi tiếng cả nước về một nghề thiết thực bình dị như nung gốm, như dệt lụa, đôi khi chỉ là một món ăn đặc sắc. Không phải ngẫu nhiên mà khái niệm “gia truyền” luôn được tự hào. Không ít cụ tổ họ chính là tổ nghề. Thậm chí có những làng nghề chỉ truyền “bí kíp” cho con giai, e rằng con gái nhỡ đi làm dâu họ khác thì sẽ lộ “độc thủ”.
    Có lẽ vì thế mà sâu xa trong văn hóa người Việt, quan hệ huyết thống giữ vai trò tối quan trọng. Bởi tuy chia ra thành nhiều dòng họ, nhưng tựu chung, cuồn cuộn chảy trong huyết quản của từng người vẫn chỉ là một dòng máu thiêng liêng Lạc Hồng. Năm mươi người con lên rừng theo mẹ, năm mươi người con xuống biển theo cha, đã thành một điển sử tâm linh vĩ đại, được mọi vùng đất trên khắp nước Việt tôn thờ. Lập cước từ truyền thống ấy, nên khi nhỡ phải ứng xử với các mối quan hệ mở khác, cho dù hoặc cao hơn hoặc xa hơn, người Việt vẫn thường dựa vào nguyên tắc, một giọt máu đào hơn ao nước lã. Bài học từ các sĩ phu yêu nước cuối thế kỷ mười chín sang đầu thế kỷ hai mươi là minh chứng. Chứng kiến thảm cảnh cả dân tộc chìm đắm trong vòng nô lệ của thực dân Pháp, các cụ đã rất lưỡng lự khi phải kiếm tìm một con đường cứu nước. Để hồi phục lại nội lực Việt đang suy vi, đương nhiên phải một phần dựa vào ngoại lực. Chọn về Đông hay sang Tây đây, bởi các cường quốc thật sự tử tế, thật sự vô tư thì hồi đấy cũng đâu có nhiều. “Khác máu thì tanh lòng”. Nhà Nho ái quốc lỗi lạc Phan Bội Châu đã quyết định chọn Nhật, lý do của cụ rất đơn giản “đồng văn, đồng chủng”, thà là một giọt máu loãng. Phong trào Đông Du tuy thất bại, nhưng sự đổ máu của các chí sĩ trong công cuộc đáng nhớ ấy, chưa bao giờ những người làm cách mạng đi sau dám lãng quên. Để lung linh có ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9 năm 1945 thì cả nước Việt đã tận hiến hy sinh triệu triệu giọt máu hồng. Có thể khẳng định một điều giản dị rằng, trong suốt từng trang sử giành và giữ nền độc lập dân tộc từ ngày các vua Hùng lập nước, đều thấm đẫm máu đào của không biết bao nhiêu thế hệ liệt sĩ. Họ chính là ông, là cha của chúng ta bây giờ.
    Từ mọi góc độ văn hóa xã hội hay lịch sử, “máu” trong quan niệm của người Việt đều xúc động thiêng liêng đến vô cùng. Đấy là một trong những hiếm hoi “lô-gô” để nhận ra “bản lai diện mục” của dân tộc này. Khi đã quấn lên mình lá quốc kỳ “in máu chiến thắng mang hồn nước”, thì bất cứ ai đã là con dân Việt đều rưng rưng nghẹn ngào. Ở cư xử thường nhật cũng vậy, từ rất lâu rồi trong sinh hoạt đời thường, khi một mối thâm giao đã trở nên tuyệt đối sâu sắc, ví như kết nghĩa anh em chẳng hạn, người Việt ở vùng núi phía Bắc hay Tây Nguyên thường thực hành nghi lễ “cắt máu ăn thề”. Họ kính cáo Trời Đất minh chứng, “tuy họ hàng quê quán khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như một tổ liền cành. Nếu có kẻ xâm chiếm nước ta, qua cửa quan làm hại... thì chung sức đồng lòng giữ gìn đất nước cho xóm làng được ăn ở yên lành. Thề sống chết cùng nhau không dám quên lời thề son sắt”. (Bản văn thề Lũng Nhai chép trong sách Lam Sơn thực lục - NXB Khoa học xã hội-1977).
    Có điều, người Việt bản tính vốn bình hòa, cái câu tục ngữ “một điều nhịn là chín điều lành” là thí dụ. Có lẽ với tính cách không quá quyết liệt, nên trong những vấn đề nhân sinh tuy rất quan trọng nhưng siêu hình, như tôn giáo như triết học, đòi hỏi một sự sâu sắc cực đoan nhất định về lý luận, thì người Việt gần như không có những tượng đài lớn. Chúng ta tuyệt hiếm những triết gia kiệt hiệt, những giáo chủ vĩ đại. Bù lại, chúng ta luôn sở hữu những nhân cách cao cả ái quốc với khí phách lồng lộng. Không phải ngẫu nhiên mà ở những cuộc chiến tranh vệ quốc gìn giữ giang sơn, hầu như toàn bộ những người con của đất Việt không phân biệt trẻ già trai gái hay vị thế xã hội, đều sẵn sàng tuẫn tiết, không ngần ngại hy sinh tiếc máu xương. Cũng chẳng có gì là khó hiểu, bởi do lựa chọn từ lịch sử, mảnh đất chữ S của người Việt luôn đẫm đầy bi tráng. Sáng chắn bão giông, chiều ngăn địch họa. Cứ như thế hàng nghìn năm mà nghẹn ngào quật cường tồn tại. Khi đã ở một nơi như thế, nếu thẳm sâu trong máu huyết mà không thường trực một lòng nồng nàn yêu nước thì sẽ rất khó sống.
    Giờ đây, trên khắp Tổ quốc thân yêu và gian khó của chúng ta đang được một nền hòa bình bền vững thanh thản chở che. Đương nhiên quan niệm về tận hiến từng giọt máu đào của mỗi cá nhân cũng đã nhẹ nhàng khác. Mục đích nhân văn nhân đạo được đề ra hàng đầu. Tinh thần “thương người như thể thương thân” là tối thượng. Việc hiến máu nhân đạo là việc hoàn toàn tự nguyện, nhưng ở một chừng mực nào đó, nó cũng nói lên nhân cách của từng người. Vì hầu hết tuổi ấu thơ của đa phần mọi thế hệ người Việt, đều được ông bà cha mẹ của mình dịu dàng hát ru.
    Nhiễu điều phủ lấy giá gương
    Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Việt Hà
» Cơ Hội Của Chúa
» Mưa Vào Ngày Cưới
» Một Thời Lao Động Xuất Khẩu
» Chợ Việt Và Văn Hóa Bản Lẻ
» Một Giọt Máu Đào
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ