Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chiếc Xe Ôm Cuối Ngày Tác Giả: Sưu Tầm    
    Về đến thị trấn Chao Luông đã hơn mười một giờ đêm. Mệt mỏi quá, tôi đặt chiếc túi xách dưới chân tượng đài rồi nằm thiếp đi. Tiếng xe tải còi, xe gắn máy rầm rì qua đường thưa thớt. Từ đây về đến đơn vị hơn sáu mươi cây số, phải mất gần hai giờ đồng hồ chạy xe. Trên con dốc ngoằn nghèo mịt mù sương đó thì việc di chuyển trong đêm cực kỳ gian khó. Tầm này sương đã phủ kín cả đỉnh núi, vì thế người ta đặt cho nó cái tên là Sa Mù. Điện thoại cho Thanh nhưng anh ta không bắt máy. Đám xe ôm mọi lúc hay ở đây giờ không thấy ai. Mà tôi cũng không chắc, vì tầm hơn năm giờ chiều là họ trở về nhà. Dù có khách hay không thì họ cũng về. Cảnh xe ôm ở thị trấn
    Ba mươi phút trôi nhanh như tiếng xe lướt qua đường, tôi không kịp nhận ra mình đã ngủ và muỗi thi nhau châm chích trên đùi, chỉ nghe cảm giác ngứa ngáy cả một vùng da. Lúc tỉnh dậy, tôi nhận ra có người đứng cạnh tượng đài. Người đàn ông tầm ba mươi tuổi nhìn tôi đăm chiêu. Ánh mắt quá lạ lẫm, có cái gì đó rất khó tả dồn đến rất nhanh khiến tôi co rúm lại và lẩn tránh. Gã hỏi cụt ngủn nhưng giọng lại thiện chí.
    - Về đâu?
    Tôi mất vài giây để nhìn lại người đứng trước mặt mình là ai. Trong nhập nhoạng bóng đêm, ánh đèn từ một vài ngôi nhà le lói nên chẳng thể thấy gì nhiều.
    - Tôi về đơn vị, cách đây sáu mươi cây số.
    - Lên xe đi, mũ bảo hiểm đây, có cái bánh mì tôi không dùng đến - Gã đưa cho tôi ổ bánh mì và nhấc chiếc chân phải một cách nhọc nhằn lên xe, tôi nhận ra đó là chân giả. Định hỏi gã điều gì đó, về mức độ an toàn với cái chân như thế khi chạy trên đoạn đường khó, nhưng thôi, có được xe giờ này là quá tốt rồi. Tôi cầm chiếc mũ bảo hiểm, nó cũ rích. Quay qua nhìn chiếc xe, nó tập tàng. Bộ quần áo gã mặc đã lấm tấm bùn đất và dường như nó đã phai màu. Đó là mô-típ quen thuộc của cánh xe ôm. Chỉ có ánh mắt của gã, tôi chưa bắt gặp ai có ánh nhìn như thế. Nó vừa lạnh lùng, vừa dẫn dụ, vừa mệnh lệnh lại dấy lên niềm khẩn thiết khiến người đối diện chỉ biết gật đầu. Xe chạy được một quãng, gã ngoái đầu về phía tôi.
    - Cậu đã ngủ dưới chân tượng đài?
    - Tôi mệt quá nên thiếp đi.
    - Chỗ đó an toàn, vì có vong linh của các chiến sĩ, đó là cao điểm trong trận Mậu Thân 1968, chỉ là lũ muỗi ngang bướng quá nên đành chịu thôi - Gã nói, giọng đục trên con đường phủ sương. Gã chạy xe nhanh một cách kinh khủng. Tôi nhận ra điều đó là do tiếng gió vút qua tai mình. Tôi ra hiệu cho gã chạy chậm lại nhưng dường như điều đó không hiệu nghiệm, tay lái của gã lụa trên những khúc cua tưởng chừng hiểm hóc nhất. Thôi cứ mặc kệ gã, mặc kệ chiếc xe cà tàng lặn lội trong sương, mặc kệ chiếc chân giả lâu lâu phát ra tiếng kêu kỳ cụp, lớn hơn cả động cơ. Miễn sao về tới đơn vị trong đêm nay là tốt lắm rồi. Dọc đường đi mịt mù sương giăng và gió núi, tôi nghe gã hát, giọng hào hùng. Cùng với tiếng gió vụt qua tai, âm thanh thoát ra từ miệng gã khiến tôi thêm hào hứng.
    - Anh từng đi lính đúng không?
    - Hơn thế.
    - Tôi không hiểu.
    - Đi lính nhằm nhò gì, anh không hỏi tiền công tôi sao, sẽ đắt lắm đấy.
    Đúng thế, tôi quên việc làm thường lệ trước lúc lên xe là hỏi giá tiền. Sáu mươi cây số đường rừng bét lắm cũng ba trăm ngàn mà khó lắm thì hơn. Có lúc ngặt, người ta vẫn chém năm trăm, thậm chí sáu trăm ngàn, bất chấp hành khách là ai, làm gì và ở đâu. Ừ, thì cứ cho gã lấy năm hoặc sáu trăm cũng xứng. Giờ này, cánh xe ôm đã nằm ôm vợ con, một người tật nguyền như gã nán lại và gặp tôi. Đó là cái may của gã và tôi dù về muộn nhưng vẫn có xe về đó là cái phúc của tôi, nghĩ đến điều này tôi thấy vui. Mười một giờ đêm vẫn là giờ đẹp. Tôi liếc nhìn đồng hồ, mới đi mười lăm phút. Nhìn cột mốc hoặc cảnh vật nào đó quen thuộc hai bên đường để đoán ki-lô-mét xe vừa vượt qua nhưng không thể. Cột cây số vụt qua, cây hai bên đường như ánh sáng chao nghiêng kỳ lạ. Tôi víu tay gã, cánh tay lạnh toát. Có lẽ vì sương, trên lớp lông lún phún đó ướt đẫm. Đoạn đường thưa nhà, gã chủ động dừng lại cho tôi đi vệ sinh. Gã xin tôi điếu thuốc và bảo lâu rồi mới hút. Tôi thắp thuốc cho gã, thuốc cháy chỉ thấy mỗi đốm lửa giữa trời đất đặc quánh sương mù.
    - Cậu về quê bao hôm rồi? - Gã hỏi tôi, giọng có vẻ buồn.
    - Ba hôm, nhưng tính đi về đã mất hai ngày, tôi chỉ được ở nhà một ngày sau đó trở lại đơn vị.
    - Thời gian đó cậu làm được gì?
    Gã hỏi, tôi tỏ ra lúng túng. Không thể bịa đặt và không nên bịa đặt giữa cánh đàn ông với nhau, nhất là người đã chịu khó chở mình trên một con đường đầy nguy hiểm nên tôi kể, cả chuyện phòng the với vợ mình. Nghe xong gã cười buồn.
    - Thế cậu có con chưa?
    Tôi lặng im và tôi nghĩ rằng gã hiểu. Rằng tôi chưa có con, thời gian chúng tôi gặp nhau chóng vánh, chu kỳ rụng trứng của vợ tôi hơi khác thường nên mọi thứ vẫn như ngày hai đứa cưới nhau. Sau đêm tân hôn, sớm mai tôi xách ba-lô đi và cô ấy khóc. Không có đứa trẻ nào chạy theo bố, dù cuộc hôn nhân này đã gần tám năm.
    - Tôi còn chưa có vợ nữa kia, như cậu đã hạnh phúc rồi.
    Gã nói với tôi. Xe lên đến đỉnh đèo thì màn sương trắng dính. Trên này sương xuống cạn, sương úp lên đèo và trùm lấy cả hai chúng tôi. Gã nhắc tôi ăn ổ bánh mì. Tôi tựa tay vào lưng gã rồi lần tìm ổ bánh mì trong túi xách. Nó đây rồi, mềm nhũn nhưng có hương thơm của rau, của một ít thịt kho và gia vị khác. Tôi không ăn, đây là bữa tối của gã. Dường như hiểu được điều đó gã nói ăn rồi.
    Tôi gặm ổ bánh mì. Lâu lắm rồi mới thấy nó. Ở đơn vị hiếm có thứ này. Đơn vị nằm sâu tận cuối cùng của huyện nên mấy khi có ai mang vào. Mà cũng chẳng để làm gì, sống ở nơi vắng vẻ đó mọi thứ trở thành thói quen. Cái sự quen này bỏ đi nhiều thứ mình từng quen, ví như ổ bánh mì. Tôi thắc mắc, khi đã ăn hết một phần hai ổ bánh. Nếu gã ăn rồi thì mang bánh đi làm gì, hay là gã dự phòng đêm khuya rét mướt. Trời mưa, từ đây xe bắt đầu tuột dốc. Thời tiết bên này lúc nào cũng bất thường và đối lập với bên kia. Tôi thu người lại sau lưng gã cho đến lúc mưa nặng hạt thì gã dừng xe.
    - Mặc vào - Gã đưa cho tôi chiếc áo mưa mầu xanh.
    - Tôi ngồi sau mà.
    - Nhanh lên, tôi sẽ bị ướt hơn nếu chúng ta cứ nán lại.
    Tôi miễn cưỡng mặc chiếc áo mưa. Gã cười, thực ra trẻ con dễ bị nhiễm lạnh hơn người lớn. Và hơn nữa, tôi dầm sương gió quen rồi. Gã nói như trêu chọc tôi, khi hai người không lớn hơn nhau bao tuổi. Nhưng gã nói, trông gã như thế nhưng lớn tuổi rồi. Tôi tin vào điều ấy khi gã lật mái tóc lên, bên dưới lớp tóc hoa râm là một lớp bạc trắng. Tôi hỏi tuổi, gã bảo còn đủ sức để trèo dốc chở đồng đội thì tuổi tác nghĩa lý gì. Lúc này tôi mới nhìn lại chiếc áo mưa mà gã đưa cho tôi, đúng là áo mưa của lính.
    Xe về tới đơn vị. Tôi nhìn đồng hồ. Mười một giờ ba mươi phút! Chẳng thể nào, xe không chạy nhanh như thế nhất là khi trời có mưa. Gã nhìn tôi cười, dường như nụ cười ấy trông rất quen, chẳng biết là tôi đã nhìn thấy ở đâu nhưng tôi chắc rằng nó hiện diện trong đầu óc mình. Tôi loay hoay cởi chiếc áo mưa, khi nó được vén lên mặt che khuất tầm nhìn thì tôi đã không nhìn thấy gã. Hỏi người trực ban được biết gã đã quay xe hướng về thị trấn. Thế là gã quên lấy tiền công. Dọc đường, nếu hết xăng, xe bể lốp hay nguyên nhân gì đó bất trắc làm thế nào gã khắc phục? Tôi chau mày. Lòng trắc ẩn đôi lúc khá rườm rà nên tôi nghĩ theo chiều hướng tốt hơn. Rằng gã sẽ về đến nơi an toàn, chiếc áo mưa và tiền công tôi sẽ tìm để trả.
    Mùa mưa dài mênh mông, tôi không có dịp ra thị trấn. Cứ chôn chân trong đơn vị với bộn bề công việc. Và nhiều lúc, tôi suy nghĩ về gã. Tôi đã nhờ một số đồng chí trong đơn vị mang áo mưa và tiền ra thị trấn để đưa nhưng họ dò hỏi mãi mà không có. Để xác minh, tôi còn yêu cầu đồng đội chụp hình từng người chạy xe ôm, vẫn không tìm ra được gã trong số đó. Điều này thật sự khó cho tôi, nếu chẳng bao giờ tìm được gã thì biết làm thế nào. Tôi xin phép thủ trưởng ngày mai ra thị trấn với lý do tìm người xe ôm chở mình về trước đây, thủ trưởng đồng ý và cho Thanh đi theo tôi.
    Tôi cùng Thanh ra thị trấn. Tôi gói chiếc áo mưa vào trong túi bóng sau khi đã giặt kỹ và phơi khô, số tiền năm trăm ngàn đồng tôi bỏ vào bì thư. Hành trang chỉ có thế, việc còn lại là tìm gã. Tôi nhớ đôi mắt, gã nhìn tôi lạ lẫm, chỉ có thế và nó tồn tại suốt mùa mưa. Giờ tìm người qua ánh mắt, điều đó mới thật sự không giản đơn nhưng không thể không làm. Thanh hỏi tôi về hình dáng người đàn ông, về gương mặt, về tóc, về chiếc xe… tôi bảo với Thanh đã quên hẳn rồi, chỉ nhớ mỗi ánh mắt. Như soát xét lại một số việc gì đó, Thanh quay sang phía tôi.
    - Giờ ấy, không thể có cánh xe ôm ở tượng đài chiến thắng.
    - Hay là khách qua đường.
    - Cậu nên nhớ anh ta đã chở cậu về đơn vị, sáu mươi cây số giữa trời mưa và đèo cao rồi lại trở về thị trấn.
    - Có chắc gã ở thị trấn không nhỉ? - Tôi hỏi. Thanh cúi đầu nhìn xuống bàn. Cuộc sống không có quá nhiều tình huống như thế. Món nợ ân tình, nợ cả tiền và nợ cả tấm áo mưa. Biết tìm gã ở đâu. Tôi đã loay hoay nhìn bên này rồi đến nhìn bên kia khi xe ra đến tượng đài. Đám xe ôm không có ai tầm ấy tuổi, đếm đi đếm lại cũng chỉ năm người từ sáng đến trưa.
    - Hay gã chết rồi? - Thanh nói với tôi. Tôi không hài lòng với câu nói này. Một người tốt như thế không thể va vấp bởi chuyện tử sinh sớm như thế. Với lại, tôi không hề muốn điều đó xảy ra, nếu gã chết, tôi biết làm sao với mấy thứ này.
    - Cậu im đi được không, hoặc nói với tôi là lát nữa chúng ta sẽ tìm được gã.
    - Cậu thật chán ngắt, nếu gọi trước đó ba mươi phút thì tôi còn để chuông điện thoại và chuyện hôm nay đã không xảy ra...
    Tôi uống chén trà, vị đặc quánh. Tôi băng đường sang tượng đài, ngồi chỗ đúng vị trí tôi nằm ngủ đêm đó. Tôi quan sát chung quanh, một phiến đá có ghi dòng chữ tri ân rất đẹp, dưới chân nó là mấy bát hương. Tôi thắp nhang rồi ngồi nhìn người xe lại qua. Đám xe ôm rảnh rang nên đến bắt chuyện.
    - Anh tìm kiếm làm gì, ngoài chúng tôi ra không còn ai chạy xe ôm ở thị trấn - Một gã tầm bốn mươi tuổi nói với tôi khi ánh mắt vẫn theo dõi chiếc xe khách chạy từ từ trên đường một chiều.
    - Ông ta nói đúng đấy, mà anh không nhớ gì về người đó sao? - Một người khác hỏi.
    - Có, người đó có ánh mắt rất lạ.
    Dường như nhận ra điều gì, mấy tay lái xe ôm nhìn nhau. Một người trong số họ đốt nhang đưa cho từng người. Họ lần lượt cắm vào mấy bát hương dưới chân tượng đài. Tôi nhíu mày, câu nói của tôi có liên quan gì đến hành động của họ. Thanh dường như cũng nhận ra được điều gì ở đây, cậu ta rời quán nước và rất khẩn trương đến tượng đài, trên tay Thanh cầm gói đồ mà chúng tôi mang để trả cho chủ nhân của nó. Thanh đặt gói đồ lên chân tượng đài, chỗ phiến đá và nhìn lên phía trên, nơi có mấy bức tượng tạc hình chiến sĩ bộ đội hy sinh thời chống Mỹ. Tôi cũng nhìn lên, có tiếng ai đó nói với vào.
    - Có phải đấy là ánh mắt mà cậu tìm kiếm không?
    Trên cao, nắng chói vời vợi, ánh mắt đó thăm thẳm giữa trời mây lồng lộng. Đúng rồi, đúng là ánh mắt đó. Mồ hôi trán tôi rịn ra, hai tay tôi rã rời, trên nền trời, mây trắng bồng bềnh trôi và gió ở đâu gọi về hun hút. Và tôi nghe, tiếng hát của ai như bước chân của đoàn quân rầm rập đi trong sương mù.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Mảnh Tình Sầu
» Cho Tôi Xin
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Một Thoáng Yêu Đương
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Mơ Xuân
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Con Trai Của Vova
» Thổn Thức Dây Tơ
» Vẫn Chưa Đâu 1