Chiều hôm ấy, anh về đến nhà thì trời vừa nhá nhem. Trời mùa đông đến lạ, ráo mồ hôi là rét. Mà rét thì cũng phải tắm cái đã, người toàn vôi vữa lại còn chua loét mồ hôi. Tắm nước lã thì cũng bằng tráng người mà thôi...
Hai đứa con gái đang ngồi đếm đĩa, đếm bát trên mâm. Mẹ anh thì rờ rẫm dưới góc giường, chắc tìm cái gậy. Mâm cơm sơ sài, chỉ có bát lạc rang cả hột tẩm muối, mấy con cá rô rán còn sót lại từ bữa trước và một bát canh măng nấu suông. Mẹ chưa ngồi xuống chiếu, cứ lóng ngóng đứng, chọc chọc cái gậy xuống nền nhà. Hai đứa con gái thay nhau hóng ra cửa ngách. Anh biết, tất cả nhà còn đợi chị. Mà chị thì lợn gà, cám bã, ngan vịt no đã rồi mới đến người. Dường như thấy mọi người đợi nên chị càng dềnh dàng hơn. Rửa tay xong, thấy cái nền giếng bề bộn lại quét dọn... Rửa tay đến mấy lần mới ngồi vào mâm. Tất cả chỉ đợi có vậy. Bữa nào cũng thế.
Anh nhìn mẹ run run bưng bát, mắt mẹ lòa không trông thấy gì nữa để gắp thức ăn. Anh cũng chưa biết gắp cho mẹ thức gì. Mẹ không có răng để mà ăn lạc hay cá rán giòn. Con bé út lên bảy sao mà nhanh nhẹn thông minh. Để cháu chan canh cho bà, canh ngon lắm bà ạ. Chị không nói gì. Chị và cơm thoăn thoắt mà không một lần nhìn mẹ chồng. Như thể chị hãi lắm những hạt cơm, sợi rau rơi vãi ra từ cái miệng móm mém của mẹ. Đã móm lại còn méo vì bị biến chứng sau lần mẹ trúng gió. Được mấy thìa thì mẹ nghẹn. Cơm khô thì khô hẳn, cháo thì cháo loãng hẳn. Với người già đau yếu từng này rồi, cơm chan canh càng lật bật khó nuốt. Anh buông đũa vuốt ngực cho mẹ, thấy giọt nước mắt của mẹ, mắt anh cay cay. Chị liếc qua, rồi bực dọc. Đi đâu mà vội mà vàng. Mẹ dướn cái cổ lên, quay về phía chị muốn phân bua điều gì đó mà không được. Mẹ không nói được đã mấy năm nay rồi...
Anh dìu mẹ lên giường ngồi. Con bé lớn lên mười cũng đứng dậy, nó nhìn bà nội ái ngại rồi bảo, để con lấy trứng gà rán cho bà ăn. Chị nhổm dậy, chau mày định nói với con bé câu gì đó xong lại thôi. Bố ơi, bố xuống mà xem. Tiếng con bé hoảng hốt làm anh giật mình đi xuống bếp. Thì ra, quả trứng con bé đập ra định rán cho bà ăn đã thành hình con gà con. Anh thấy ngực mình ngột ngạt. Đứng trước chị, anh dằn giọng. Cô biết là trứng gà ấp mà còn để con nó đập ra hay sao? Cô thật tàn nhẫn. Chị cười nhạt, đáp trả lạnh lùng. Không biết ai tàn nhẫn đấy, anh thử hỏi mẹ anh xem! Mẹ già rồi nhưng trí nhớ còn tốt lắm. Anh không kìm được, hét lên. Tôi cấm cô! Và sau đó là tiếng loảng xoảng, cả mâm bát vỡ tan tành.
Sáng hôm sau, như thường lệ, thường lệ của những lần hai vợ chồng cãi cọ va chạm nhau vì mẹ. Có khác chăng thì tối hôm đó lần đầu tiên anh đập phá. Anh vào phòng mẹ, không thấy mẹ ngồi vấn tóc như mọi khi. Chỗ mẹ nằm lạnh ngắt. Mẹ đã dậy và đi đâu từ bao giờ. Chị thấy anh ngồi mãi trong buồng không ra nên sốt ruột đi vào. Nói vụng, mẹ mà có bề gì thì chị ân hận cả đời. Chị đã day dứt cả đêm qua không chợp mắt rồi. Chị vừa đến cửa buồng, anh đã nói luôn. Cô hài lòng chưa? Chị òa khóc. Anh bồi tiếp. Nước mắt cá sấu!
Sau đó là quãng thời gian rất dài, anh chị thay nhau đi tìm mẹ. Anh bỏ việc xây trát, chị bỏ việc nhà. Nhà vốn đã nghèo lại thêm nghèo. Những thị phi ở chòm xóm bủa vây chị. Ăn ở thế nào mà bà cụ phải bỏ đi. Mà mẹ lòa, mẹ có thể đi đâu? Sau nửa năm tìm kiếm, nhờ công an, báo đài, không thấy mẹ thì anh chị dừng lại. Nợ nần chồng chất. Anh lại đi làm và lặng lẽ như cái bóng trong nhà. Không rượu chè, không đập phá, không đánh vợ con, không chửi bới. Anh trút tất cả vào cái túi cát treo trên cành mít ngoài góc sân rồi. Không khí trong nhà căng như dây đàn, bí bách vì sự nhẫn nhịn từ tứ phía. Đến nỗi, hết tiền mua vở, con bé lớn cũng không dám xin bố mẹ. Bà hàng xóm chạy sang định rủ chị đi xem hàng giảm giá, thấy không khí ấy cũng tiu nghỉu quay về. Chị có cảm giác anh đang mưu tính chuyện gì đó.
Anh là con trai một trong nhà nên được mẹ chiều chuộng lắm. Mẹ là gái lỡ thì, ngoài bốn mươi tuổi, dũng cảm lắm mới vượt qua thị phi để sinh anh. Vì thế, anh ở tuổi bốn mươi thì mẹ đã như chuối chín nẫu trên buồng rồi. Giờ anh thấy bơ vơ, lạc lõng quá. Anh vẫn thèm nghe mẹ hỏi chuyện mỗi lúc đi làm về. Cái nhà ấy vẫn chưa xong hở con, gớm họ nhiều của thế. Hoặc, nhà mình thế này là rộng rãi rồi, con dành dụm mà sắm sửa cho vợ con đỡ khổ.
Chị thừa biết anh con một, thừa biết anh nghèo, chả có thân thế gì, chị vẫn quyết tâm lấy anh đấy thôi. Lấy nhau rồi đưa nhau lên trên này lập nghiệp, rồi đón mẹ lên báo hiếu. Mẹ bảo với làng xóm. Các cháu nó ở đâu thì tôi coi đó là quê hương. Chả vậy mà vợ chồng anh chành chọe nhau bao lần, tịnh chưa một lần mẹ giận đòi về quê. Mẹ rất quý chị và coi chị như con gái nên đã tâm sự về chuyện đời mẹ.
Nghèo, không có nhan sắc, hai cuộc kháng chiến lấy hết đàn ông trai tráng trong làng đi. Mẹ độc thân như bao người đàn bà khác trong cái làng cói ấy. Thế rồi một lần đi bán chiếu, gặp nhà nọ con đàn cháu đống, chiếu rách nát cả không có tiền mua chiếu mới, mẹ bán chịu cho một đôi. Nói là bán chịu thôi, thực lòng mẹ đã cho không họ. Không một lần mẹ quay lại ngôi nhà ấy để đòi nợ mà lòng cứ tơ tưởng đến bầy trẻ con. Mẹ thèm khát được có, dù chỉ một mụn. Mười năm sau, mẹ mới trở lại căn nhà ấy và lạ thay người đàn ông chủ nhà còn nhận ra mẹ. Ông ta đã khấm khá hơn và một mực đòi trả tiền đôi chiếu năm nào. Mẹ vẫn không lấy tiền. Và rồi món nợ mà người đàn ông ấy thấy cần phải trả chính là anh, chồng của chị. Cái điều mà cả làng cả tổng không ai ngờ ấy lại là niềm hạnh phúc duy nhất của mẹ. Có một lần anh ốm nặng, trong nhà không còn gì giá trị ngoài một con chó cái chửa. Nó mới chửa nên trông như chó béo thôi, mà nói là chửa thì quán người ta không mua. Lo không có tiền thang thuốc cho anh, mẹ phải nói dối.
Câu chuyện ấy mẹ chỉ kể với chị cùng bao nỗi day dứt theo suốt đời mẹ. Chị thấy hay, thấy ghen tị với anh nên lại kể cho anh nghe. Vậy mà lúc nóng nảy chị lại buột miệng. Lời nói xấu giống như con rắn, con rết, không chỉ làm đau đớn nhau, mà còn khiến nhau sợ. Anh thấy nghi ngờ chị, chị thấy sợ sệt anh. Chẳng có gì để gắn kết được. Giá còn mẹ ở nhà, mẹ đã giảng hòa rồi, tuy mẹ không nói được sau lần bị trúng gió, nhưng mẹ luôn có cách của mẹ.
Sau một buổi đi làm, anh không trở về. Chị thấp thỏm chờ đợi anh với những đĩa thức ăn đã nguội ngắt. Từ ngày mẹ bỏ đi, hễ chị bày đặt món gì ngon là anh lại cằn nhằn. Mẹ ở thì chẳng cho ăn, mẹ đi rồi bày ra ăn một mình cho sướng. Thế là chị cứ rông dài qua quýt. Ăn cũng thế, rồi mặc cũng thế. Trông chị vừa già vừa luộm thuộm, giống người bủn xỉn keo kiệt.
Chị lặng lẽ đi tìm anh. Chị nói dối hai đứa con là anh đi ăn giỗ bố một người bạn chưa về, còn chị thì đi đòi nợ tiền bán lợn giống. Chị lân la mấy quán rượu bên ga, chẳng thấy tăm hơi anh đâu cả. Chị vào chợ, chợ đêm thưa vắng, quán xá đóng cửa. Chị tìm đến ngôi nhà đang xây nơi anh vẫn làm, ông bảo vệ cho biết, anh về lúc còn sáng trời. Đến nhà những người bạn của anh, ai cũng bảo không biết. Anh không về nhà thì đi đâu, hay sa chân vào chỗ vui vẻ nào rồi? Chị cứ tự hỏi rồi tự đáp. Có sa vào đâu, có tệ bạc thế nào nếu biết đường biết lối quay về, chị cũng tha thứ bỏ qua hết.
Một đêm, hai đêm. Rồi mười đêm, chị phờ phạc trông ngóng anh về. Bọn trẻ con nhớ bố cứ năn nỉ xin chị đi tìm. Tìm anh ở đâu bây giờ? Thiên hạ độc miệng bảo anh bỏ nhà theo gái. Chị không tin, theo gái bây giờ đâu có dễ, tiền bạc không có, đứa nào nó thèm. Còn quàng xiên bậy bạ thì anh không có tính ấy. Chị tin không bao giờ anh rẻ rúng bản thân mình.
Thế rồi, thấm thoắt đã một tháng. Hay là anh đi tìm mẹ?
Sáng hai tám Tết, chị dẫn theo hai đứa con gái đi mua quần áo Tết cho chúng. Chị cũng thử cho mình một chiếc áo mầu xanh lá cây. Đứa con gái bảo mẹ mặc mầu đỏ đi mẹ, da mẹ xanh lắm đừng mặc màu xanh nữa.
Chả có bố về lại không nhận ra mẹ. Chị ái ngại một lúc rồi cũng chọn cái áo mầu đỏ để thử. Mặc chiếc áo mầu đỏ vào, chị thấy mặt nóng bừng, như thể có ai nhìn chị từ phía sau. Chị quay lại nhưng không thấy ai cả. Buổi trưa, khi ba mẹ con đang ăn cơm, thì con bé lớn nghe tiếng chó sủa mừng rỡ ngoài cổng. Nó thốt lên. Hay là bố về ý mẹ. Nói rồi bỏ mâm cơm đấy, chạy ra cổng. Lát sau nó quay vào, tiu nghỉu bảo mẹ. Con thấy như là bố về ấy mẹ ạ. Xong bố lại đi. Hay tại bố thấy mẹ con mình chưa chuẩn bị gì cho Tết nên bố đi sắm rồi? Kiểu gì hôm nay bố cũng đưa bà về mẹ ạ. Nghe con bé nói, chị giật mình. Nếu anh không về, chắc mẹ con chị bỏ Tết. Thấy làng nước dập dìu đào quất, mổ lợn, gói bánh, chị cũng tủi thân lắm. Hay là đi mua một cành đào nhỉ? Đào năm nay đúng độ, nụ chúm chím, những cành nhỏ cũng không đắt lắm. Khi chị nói sẽ mua cành đào Tết, hai đứa trẻ con mừng quá, reo lên.
Đầu chiều, ba mẹ con lại dẫn nhau ra khu chợ bán đào Tết và cây cảnh trên con đường giáp bờ sông. Nom thấy một cụ già chống gậy qua đường, con bé hỏi. Mẹ ơi, bà nội có biết chữ không? Chị lắc đầu. Con bé nói luôn. Mẹ ơi, bà lòa, lại không nói được, không biết chữ, thì bà đi lạc đấy mẹ ạ. Chứ không phải bà bỏ nhà đi đâu. Con chị gắt con em. Thế thì bố mới phải đi tìm bà chứ. Mẹ ơi, có phải cứ Tết đến, người ở đâu xa lắm cũng tìm về nhà, giận hờn gì thì cũng bỏ qua cho nhau phải không mẹ? Những lời nói ngây thơ của các con cứ như kim châm vào lòng chị. Tiếng nào cũng buốt nhói. Ba mẹ con mua được một cành đào phai nhỏ đem về. Có cành đào, không khí trong gia đình nhộn nhịp khác hẳn.
Trong lúc chị gói bánh chưng, đứa lớn trang trí cành đào thì đứa bé lôi giấy với bút màu ra vẽ. Nó giống hệt tính anh, muốn làm gì là phải làm ngay và làm cho bằng được. Cơm tối dọn ra rồi nó vẫn hí hoáy. Chị giục thì nó bảo con vẽ xong con mới ăn. Cả nhà phải đợi con đấy. Chị đi lại bàn học của con xem con vẽ gì. Một người đàn ông đang dắt tay một cụ già lưng còng khom người đi trên con ngõ rợp hoa đào hai bên. Con bé liến thoắng. Ngõ nhà mình đấy mẹ ạ. Đây là bố, đây là bà nội. Con đang vẽ thêm pháo hoa và tô cho hoa đào đẹp hơn.
Chị thẩn thơ ra cổng. Từ ngày anh đi, chị vẫn thế. Đêm nào cũng vẩn vơ ở cổng một lúc rồi mới khóa cổng đi vào. Đang lúc chị cố đoán xem tiếng xe ô-tô vào nhà nào thì chiếc xe đỗ xịch trước cổng nhà chị. Xe mở cửa, từ ghế sau, anh bước ra. Anh vòng sang cửa bên kia đỡ mẹ xuống. Rõ ràng chị nhìn thấy như thế. Đúng là anh và mẹ đã về. Chiều nay, ai đó còn nói với chị là anh đi khắp mọi nơi, cuối cùng đã tìm thấy mẹ trong ngôi nhà của một người đàn bà độc thân cách xa đây vài trăm cây số. Người này bắt gặp mẹ lả đi vì đói ở ven đường nên đã đưa mẹ về. Ai hỏi, người ấy bảo mẹ ở quê lên chơi nên làng xóm láng giềng ai cũng tưởng thật. Người ấy mồ côi từ nhỏ nên rất thương mẹ.
Con bé lớn chạy ra cổng, giọng nó hớn hở, tươi tắn. Mẹ ơi, bố bảo mẹ vào ăn cơm. Chị giật mình. Mẹ đang nghĩ gì thế. Chị ngượng nghịu. Mẹ vừa mơ con ạ, mẹ mơ thấy bố con với bà con về, mẹ mừng quá. Con bé véo một cái thật mạnh vào cánh tay chị. Mẹ làm sao thế? Bố với bà về thật rồi mà. Về từ chiều nay rồi còn gì. Nói rồi nó chạy vù vào nhà. Chị ngơ ngác, bán tín bán nghi đi vào theo. Trên chiếc mành cọ trải dưới nền nhà quen thuộc đơn sơ, mẹ ngồi phía trong cùng, mẹ có vẻ béo khỏe hơn một chút. Rồi đến anh. Bên kia là hai đứa con gái đang chống gối vào cằm đợi chị. Tiếng anh rất ấm. Cả nhà ăn cơm thôi.
Chị bẽn lẽn ngồi xuống chiếu, ngay cạnh anh. Lâu lắm rồi, mới lại thấy một bữa cơm mà đông đủ mọi người ngồi đợi chị như thế.
Kết Thúc (END) |
|
|