Má bị bệnh đau lưng, ngồi xuống đứng lên khó khăn, đi lại khom khom. Ngày đầu cậu Út chở má đi đến bệnh viện huyện. Bác sĩ khám đủ kiểu, cuối cùng mới dẫn má đi chụp X-quang, xong rồi đưa lên ánh sáng nhìn, kết luận: “Bệnh gai đôi cột sống, đốt thứ 4, thứ 5”. Bác sĩ kê toa, mua cả tháng thuốc về nhà uống, nhưng có điều vừa hết thuốc là đau trở lại.
Có người khuyên nên uống thuốc bắc. Cậu Út nghe lời, chở má tới thầy lang. Thầy lang cầm tay má đăm chiêu bắt mạch, đo huyết áp, bán cho một tháng thuốc cầm về, căn dặn: “Sắc thuốc trong om đất, ba chén nước còn lại tám phân. Hết thuốc, quay lại...”. Thú thật, qua mấy tháng uống thuốc bắc má ăn được, ngủ được, da dẻ hồng hào, sức khỏe tốt hơn. Song cái bệnh đau lưng vẫn không thấy bớt. Lại có người bày đến nhà thầy Năm ở làng bên, uống thuốc kết hợp với châm cứu, ít tháng sẽ khỏi. Nhà thầy Năm không có bảng hiệu, không biết gọi là thầy thuốc bắc hay thầy thuốc nam, nhưng có nhiều bình ngâm rượu, đủ loại động vật, đủ loại thuốc. Thầy Năm khám qua loa, rồi bán thuốc, bảo về nhà sắc uống. Thêm nữa, hằng ngày phải chở má đi đến nhà thầy châm cứu. Suốt mấy tháng liền, mỗi lần châm cứu về má cảm giác lưng có nhẹ hơn, uống thuốc người có khỏe hơn, nhưng cái chính là bệnh đau lưng vẫn không khỏi.
Một trí thức khác ở trong xóm, phân tích: “Bệnh gai cột sống thuộc loại bệnh về xương, uống thuốc chỉ giảm đau thôi, không thể hết hẳn. Muốn điều trị tận gốc, phải vào bệnh viện lớn ở thành phố phẫu thuật hay bắn tia lazer...”. Mấy anh chị em trong nhà lo lắng bàn nhau, mỗi người đóng góp một ít tiền, đưa má vào bệnh viện. Ở viện, bác sĩ khuyên: “Phẫu thuật nếu may mắn có thể chữa dứt điểm, nhưng cũng có thể rủi ro như vết mổ lâu lành, dễ viêm nhiễm, gai có thể mọc lại. Hơn nữa bà cụ đã già rồi, sợ...!”. Anh chị em phân vân, chẳng biết toan tính thế nào, cuối cùng đành phải đưa má về quê để má sống chung với căn bệnh ấy.
Ngày ba mất, má mới ở tuổi ba lăm, vẫn còn trẻ đẹp phơi phới. Cũng có nhiều người đàn ông góa vợ, muốn đến nhà phụ giúp má một tay, nhưng má quyết ở một mình, nuôi các con còn nhỏ. Hằng ngày, từ sáng sớm khi con còn đang ngủ, má quảy gánh đến ngã ba đầu làng ngồi đợi. Người trong làng có ai chở trái cây xuống chợ bán, má xin mua lại, gánh xuống chợ bán lẻ. Về sau, má đến tận nhà người ta, từ trái xoài, trái mít, trái mãng cầu, đến trái bầu, trái bí... mua tất tần tật cả vườn. Má gánh về nhà phân loại, rồi lại gánh ra chợ bán hoặc bỏ mối. Những lúc lời kha khá, má thường mua về cho các con khi bịch chè, lúc cái bánh. Chính vì vậy, chiều chiều các con hay ra đầu ngõ ngồi đợi. Mới thấp thoáng thấy bóng dáng má quảy gánh từ xa, mấy đứa đã ba chân bốn cẳng chạy đến giành đụng má trước. Suốt bao nhiêu năm qua, cuộc đời má gắn liền với cây đòn gánh. Ban đầu, cây đòn gánh vẫn còn sần sùi, ở trên vai má lâu ngày trở nên cong cong, bóng loáng. Hết cây đòn gánh này gãy, băng bó, chắp vá rồi gãy, lại đến cây đòn gánh khác. Trên đôi vai, da thịt của má tưởng chừng mềm mại, nhưng cứng cỏi vô cùng, không nhớ đã làm gãy bao nhiêu cây đòn gánh rồi. Giờ đây, các con lớn lên bao nhiêu thì lưng của má ngày càng khòm xuống bấy nhiêu.
Cuộc sống gia đình cũng đã khá hơn, rõ nét đáng kể nhất là ngôi nhà. Ngày trước, tất cả sống trong căn nhà tranh vách đất ở giữa khu rẫy. Căn nhà lúc mới làm xong, tuy không đẹp nhưng mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ. Sau một thời gian mái tranh mục, mưa đến, nhà dột, dưới nền đất ướt nhẹp nhẹp. Lúc nắng lên, nền nhà loang lổ. Sống tạm bợ như thế mấy năm, dù trong túi không đủ tiền má vẫn quyết định xây lại thành căn nhà lợp tôn, tường gạch chưa tô, không có cánh cửa sổ, nền láng xi-măng. Hồi mới mở móng nhà, mấy ông thợ hồ thấy má hoàn cảnh khó khăn quá, bày: “Mua tôn cũ về, lấy dầu hắc trám lại mấy lỗ đinh sẽ không dột, giống như tôn mới...”. Ở thời gian đầu không sao, nhưng qua mùa hè trời nắng, dầu hắc chảy ra trống các lỗ đinh, trời mưa đến trong nhà lại dột khắp nơi. Đã thế, nước mưa từ ngoài cửa sổ tạt vào, anh chị em hối hả kiếm bạt che chắn, lấy thau, lấy thùng ra hứng nước vẫn không xuể. Mỗi khi mưa lớn đến, trong nhà hầu như chỗ nào cũng dột, nước chảy lên láng. Mấy năm sau, các con lớn dần, căn nhà lại trở nên chật chội, má lại sửa nhà lần nữa: xây thêm phòng, thay tôn mới, làm cửa sổ, láng gạch men. Căn nhà tuy chắp vá nhưng tạm hoàn chỉnh, mưa không dột, đêm tối ngủ ngon lành. Có điều, lúc mọi thứ vừa tạm yên ổn, chưa kịp thảnh thơi ngày nào thì má xuống sức, ngã bệnh đau lưng.
Hằng ngày, ngoài đi đứng khó khăn, buổi tối khi ngủ má phải nằm gối đầu rất cao. Lúc trước, bình thường má chỉ nằm một gối, song bẻ gấp gối lại cho cao hơn mới dễ ngủ. Sau má nằm hai gối, nhưng lưng vẫn đau, không ngủ được. Má thường nằm nghiêng và gần như ngủ ngồi. Cả đời má khổ sở, dành hết sức lực tuổi thanh xuân cho các con, không có gì cho riêng mình cả. Giờ đây má bị bệnh, mấy con thương má quá nhưng chẳng biết làm sao. Thấy má nằm trên chiếc giường tre cũ kỹ, mấy con ngỏ ý: “Để tụi con mua cho má cái giường mới nghen?”. Má không chịu: “Cái giường này má nằm lâu năm, quen rồi. Tụi bay ráng làm lo cho vợ, cho con ăn học ngon lành là má vui rồi!...”. Mấy đứa con nhìn nhau, im lặng.
Anh Hai lấy vợ, chị Ba lấy chồng, cuộc sống vợ chồng trẻ ở quê tuy không giàu nhưng nhờ sức dài vai rộng nên cũng đủ ăn, đủ mặc. Anh Hai bí mật bàn với chị Ba, góp tiền, xuống thị trấn mua cho má chiếc giường thật lớn, ra (drap) nệm đều mới, êm ái để má nằm dễ ngủ hơn. Lúc mới mua giường về, má ngạc nhiên, giận dữ trách các con hoang phí, bắt mang đi trả lại. Sau thì má vui lắm, hết ngồi lên giường nhún nhún, rồi giang tay nằm ngả xuống, lăn qua lăn lại, đầy vẻ mãn nguyện. Má thường hay khoe với hàng xóm, còn dắt bạn già về phòng mình dẫn chứng: “Đó, sấp nhỏ mua cho tui cái giường đó. Tui không cho nhưng tụi nó cứ mua, bực ghê!...”. Bạn già của má ở quê đa phần đều nghèo, ai thấy chiếc giường to đẹp cũng thích thú, trầm trồ. Thấy má vui, trong lòng các con cũng đỡ xốn xang phần nào.
Có điều, không hiểu sao nằm trên giường chừng mươi ngày, bỗng dưng má không chịu nằm nữa. Má xuống nằm dưới nền nhà, cạnh bên chiếc giường. Ban đầu cậu Út nghĩ chắc buổi trưa trời nóng, má nằm xuống nền nhà một lúc. Nhưng buổi tối má cũng vẫn nằm ở đó, mỗi khi cậu Út vô phòng thăm má lại vờ leo lên giường. Cậu Út ngạc nhiên, hỏi: “Sao má lại nằm dưới đất?”. Má ngó lơ đi chỗ khác, bảo: “Má nằm cho mát...”. Cậu Út lại gặng hỏi: “Buổi tối trời mát sao má cũng không lên giường nằm?”. Không biết nói thế nào nữa, má thành thật: “Tao không thích nằm trên cái giường ấy. Tụi bay mua cho tao cái ghế bố loại hai, ba trăm nghìn gì đó về cho tao nằm. Tao thích nằm ghế bố hơn...”. Cậu Út đem chuyện này nói với anh Hai, chị Ba. Anh chị về nhà nhỏ to khuyên nhủ má đủ điều, song má vẫn không chịu, lại nhờ cả bạn bè, người quen của má khuyên can nhưng má vẫn một mực khăng khăng: “Ghế bố là ghế bố!”.
Anh Hai, chị Ba nhớ có một người mà má vô cùng kính trọng, có thể thuyết phục được, ấy là chú Bảy ở xóm dưới. Ngày xưa, ngoài buôn bán ở chợ, nhà có đất rẫy trồng mì, đầu vụ, má không có tiền thuê người ta cày, mới đến nhà chú Bảy xin cày nợ, đến khi thu hoạch sẽ trả. Nhưng khi mùa đến, giá mì rẻ quá, lỗ công lỗ vốn, má phải xin chú Bảy khất nợ. Thấy cảnh mẹ góa con côi khổ cực, chú Bảy cho luôn tiền cày. Sau này cảnh nhà đỡ hơn, vào những ngày lễ Tết, năm nào má cũng sai các con đến nhà chú Bảy biếu quà, khi thì ký trà, khi thì giỏ trái cây. Bao nhiêu năm đều đặn như thế, nếu tính tiền quà hơn gấp mấy lần tiền công cày ruộng năm nào, nhưng má vẫn luôn cảm thấy vẫn còn mắc nợ. Ấy là món nợ ân tình, các con không được quên. Anh Hai chở chú Bảy đến nhà thuyết phục má, nhưng khi chú Bảy về rồi má lại xuống nền đất nằm. Hết cách, cậu Út bực mình, gắt: “Má già rồi, trở nên lú lẫn, trái tính trái nết không à”. Má im lặng, không nói tiếng nào.
Bệnh của má ngày càng nặng hơn, hầu như nằm một chỗ, lâu ngày cái lưng bắt đầu lở loét. Tuổi già không hoạt động, lưng đau nhức, lại thêm mất ngủ má xuống sức trầm trọng. Má bắt đầu ăn uống ít, nói năng khó khăn, không đủ sức nói chuyện nhiều nữa. Mấy con đưa má đến bệnh viện, thay phiên nhau chăm. Nhìn má nằm trên giường bệnh, mắt lim dim, bác sĩ chuyền nước biển, dây nhợ lòng thòng, mấy con xót dạ, giá mà san sẻ tuổi thanh xuân của mình cho má sống thêm dăm năm nữa, hạnh phúc biết bao! Qua mấy hôm sau, bỗng dưng buổi sáng má khỏe hẳn ra, đi đứng được, nói năng rõ ràng mạch lạc. Má còn sai con dìu đến cửa sổ bệnh viện, ngắm hàng cây, phố phường, con đường, dòng người qua lại, giống như người khỏe mạnh ngắm cảnh đẹp vậy. Sau má sai kêu con cháu vào trong bệnh viện, căn dặn từng đứa: “Ở quê mình có tục lệ khi chết, đồ đạc, vật dụng hàng ngày của người chết phải hỏa táng theo. Nếu sau này má có mất, tụi con nhớ đốt cái ghế bố nhỏ theo cho má nghen, đừng đốt cái giường lớn, phí lắm! Má mới nằm thử có mấy hôm, chưa thấm hơi người xem như là khách, không thể tính đó là giường của má được. Tụi con hãy để cái giường lớn đó cho thằng Út khi có vợ, con dâu nó nằm, nhớ nghen!...”. Hôm sau nữa, má ra đi...
Lúc đưa linh cữu của má, mấy đứa con khóc hết nước mắt. Đêm về, rồi đêm đến, cứ mỗi khi nằm trên cái giường êm ái và rộng rãi, cậu Út nhớ đến má, hối hận rơi nước mắt. Đến lúc chết rồi má vẫn chỉ lo nghĩ đến các con, má ơi!...
Kết Thúc (END) |
|
|