Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Con Trâu Cò Tác Giả: Sưu Tầm    
     Bạn nói, lạc vào xóm Len Trâu, phải tìm cho bằng được nhà gốc của con trâu cò. Có lẽ chỉ là lời gợi mở, như kiểu thêm gia vị cho một chuyến du khảo miệt vườn, nếu bạn không kể thêm vài sự tích.
    Qua điện thoại, mình vẫn hình dung ra được đôi mắt sáng rực trên gương mặt đỏ bừng cảm xúc của bạn, khi thấy mình đang quật lại một hầm mỏ đầy vàng. Bạn hay nói, độc lạ ở dân gian là thứ vàng thô, mà người viết giỏi là người biết tinh luyện thành vàng tinh chất. Bạn huyên thuyên câu chuyện về ông này bà nọ, thuở phương Nam còn là rừng rậm hoang sơ, đầy sơn lam chướng khí và thú dữ. Họ đã quy phục được cọp beo, và con trâu cò là không ngoại lệ.
    Đó là con trâu đột biến gen màu trắng toàn thân, kể cả cặp sừng. Bạn không chứng kiến trực tiếp con trâu hồi còn sống, nhưng nghe mấy ông già bà cả ở xóm kể lại, là bạn đã thấy “thèm”. Bên kia máy vẫn oang oang: “Ông nhất định phải mua một cặp trâu ở đó về nuôi, thì mới mong là giải được lời nguyền ám ở trong lòng”...
    Đó là sau đoạn tôi nghĩ mình sẽ ở mãi trên phố, không về lại quê. Một phóng viên chuyên viết phóng sự miền quê, thì đâu thiếu gì nơi để làm chỗ tựa. Lúc ấy bạn giãy nảy lên không chịu: “Giá nào thì ông cũng phải về thăm mồ mả tổ tiên, dẫu mảnh đất đó có quá nhiều máu và nước mắt”. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi ước ao ông cha tôi không phải dang lưng trên đồng ruộng bao năm, để lại ba mươi lăm công ruộng cho ba đứa con, mà hai công lẻ chẳng cách nào chia tròn cho được.
    Mẹ vẫn thường hay gọi điện kêu, “hay con cứ về muốn lấy bao nhiêu thì lấy, mẹ sẽ làm di chúc cho”. Ai làm gì được mẹ. Nhưng chẳng phải tôi đã khước từ, ngay từ khi hai ông anh lăm le muốn phần mình nhiều hơn hết. Tôi chỉ xin giữ lại phần đất ngôi từ đường, mà mấy ngôi mộ hoang, không biết lai lịch của ai ngoài bờ ruộng.
    Chuyện sẽ suôn sẻ, nếu anh hai, anh ba không lâm vào cảnh nghèo túng sau đợt chia đất và bán sạch. Và cũng sẽ chẳng có gì to tát nếu một hôm anh hai không nằm chiêm bao thấy ông cố về mách bảo rằng năm xưa ông có con trâu cò đẻ ra vàng, hãy tìm con trâu đó, ắt sẽ làm giàu mà chuộc lại đất đai.
    Sáng ra ngồi bàn trà nói với anh ba, anh ba thêm thắt từ truyền thuyết dân gian ra thành câu chuyện rằng trên gò đất có con trâu cò ngậm vàng ông cố chôn giấu thật. Nên một đứa hiểu chuyện như thằng Út mới một mực giành lại cho bằng được mới thôi.
    Tôi cười ra nước mắt, lòng người sao quá bạc, đến gò đất với những ngôi mộ hoang cả làng ai cũng biết, mà cũng hóa ra vàng thì còn gì nói nữa. Tôi buông xuôi, bỏ về phố. Lặng đi một thời gian, mẹ gọi khóc than rằng các anh đòi bốc cốt hết phần mộ đem đi nơi khác. Dạo đó đang mùa tết đến, tôi thấy lòng mình như lửa đốt phừng phừng. Lên chuyến xe đò ngược về quê, mà như thấy hai trăm cây số dài vạn dặm.
    Hồi còn sống, cha thường hay nói, những người giữ trâu cho nhà mình, họ không đất đai, khi chết cho nương tựa gò đất trâu nằm, cứ để họ yên nghỉ mãi mãi trên gò đất đó. Tôi nghe lời cha dạy, thấy sự nhân nghĩa ở đời rất đỗi công minh. Suốt đời dang lưng với trâu trên đồng ruộng, chỉ mong khi chết có đất gửi thân thì mấy ngôi mộ đất ấy cũng là điều an ủi với họ, và với cả nhà mình. Có lần tôi hỏi cha, họ tên tuổi là gì, cúng giỗ ra sao. Cha không nhớ được, vì tính ra tuổi đời của họ cũng đáng tuổi ông nội của cha, tức là từ rất xa xưa, những ngôi mộ hoang đã có ở nơi này. Sau này tôi kể cho bạn nghe, bạn hay thốt lên, có thể đó là những người đầu tiên của lớp cư dân đi mở cõi, họ mang gốc người Giao Chỉ, khi bốc cốt lên sẽ thấy xương ngón chân quắp vào nhau. Có lẽ nói xong, bạn rụt rè vì biết tôi không thích sự tò mò quá quắt ấy, nên một quãng lặng rất dài trôi trong điện thoại, mênh mông...
    Đời người cũng lắm lúc thăng trầm, anh hai không chăm làm ruộng, suốt ngày nuôi mấy con gà đi đá khắp xóm dưới làng trên. Anh ba thì đêm đêm lấy con lân trên bộ lư đồng ra gò mả hoang khấn xin con số. Đất đai phân chia chưa lâu thì hai anh đã bán đứt, chỉ còn gò mả hoang để nuôi hy vọng có chút đỉnh vàng. Tôi nhìn, anh hạnh phúc ngập tràn khi nghĩ về đống vàng, trong khi cơn gió chướng về, anh ho khù khụ mà vẫn không thôi huyên thuyên về câu chuyện con trâu trắng nuốt một bụng vàng, ông bà chôn đi để làm phong thủy.
    Mẹ không thôi ủ rủ, những lá trầu mẹ không ăn nữa, cũng héo úa ở trong ô. Tôi ngồi bên mẹ, không biết phải nói thế nào. Mẹ không tin, nhưng có lúc cũng phải tin, câu chuyện con trâu ngậm vàng của anh hai và anh ba làm mẹ đau lòng hơn là xót ruột. Tôi biết bây giờ thì mẹ đã tin rằng năm xửa năm xưa, để trấn ải xóm Len Trâu, ông bà cố đã chôn sống một con trâu trắng, sau khi cho nó nuốt trợn trắng một bụng vàng. Nhưng mẹ lo âu, rồi đây sẽ có chém đâm, gia tộc sẽ xào xáo khi bụng vàng được khai quật.
    Các anh muốn giữ hòa khí lúc này, để dễ bề xoay xở nên thỏa thuận với tôi rằng, để các anh thuê thợ đến khám địa trắc, nếu thực sự dưới đất có vàng thì mấy anh xin đào lên, còn nếu không thì giữ yên cho gia tộc. Tôi buồn không cách nào tả nỗi, gật đầu trong sự tuyệt vọng, mù quáng của những người anh cùng dòng máu với mình. Ngày đưa ông Táo về trời, tôi lạy chưa đủ lễ thì chị dâu réo “ra gò mả mà coi người ta đo, để chú khỏi nói vợ chồng tôi nói dối”. Tôi và mẹ cùng ra xem, những người thợ anh hai thuê từ xa đến, với máy móc đồ sộ, đo đi tính lại chi ly, rồi nói rằng bên dưới có kim loại nặng, không rõ là gì. Anh hai, anh ba mừng ra mặt như đã đào được vàng trong tay: “Chú thấy không, anh nói có sai đâu, bên dưới đó có cả con trâu vàng. Ông bà mình nhìn sâu trông rộng, chôn vàng theo trâu để cho đất giữ…”.
    Tôi không biết nên vui hay nên buồn, dẫu không tin nhưng tôi biết lời mình là vô vọng. Anh hai tiếp tục gieo hòa khí với tôi, “chú cứ cho hai anh đào, nếu không có vàng, anh sẽ trả đất vẹn nguyên và ký giấy cho chú ra sổ đỏ”. Hôm ấy đang mùa xuân nhưng mưa lại rơi, mẹ ngó ra sau gò mả, mấy anh tôi đang dựng lều để giữ vàng. Tôi chào mẹ để đi, mẹ nắm níu:
    - Sao con không ở nhà ăn tết?
    Lần đầu tiên tôi nói dối mẹ: “Tết năm nay con về sớm với mẹ, nhưng phải đi công tác lâu, lâu con mới về, mẹ đừng buồn, rồi xong việc con sẽ đón mẹ lên phố ở”.
    Mẹ nhìn tôi, bà thẳng thừng trả lời mà sao đôi mắt bà ngấn lệ: “Mẹ ở đây, có chết mẹ cũng ở đây, mẹ không rời xa gò mả ông bà được”. Rồi bà lại nhìn ra phía gò, nơi đó nay mai người ta sẽ đào lên tất cả, người người thao thúng đi đãi vàng, chẳng khác gì một hầm mỏ lộ thiên giữa đồng bằng châu thổ.
    Bạn tặc lưỡi:
    - Nghe ông nói mà tui nhói lòng. Tui nhớ hồi cuối những năm bảy mươi, người ta cũng kéo nhau lên cánh đồng Ba Chúc để đãi vàng.
    Tôi bỗng ngạc nhiên hỏi lại:
    - Rồi họ có tìm thấy được vàng không?
    - Có chứ, vàng bạc đồng, trang sức, vàng lá đủ loại.
    Tôi ngồi thừ người ra, lẽ nào điều các anh tôi nghĩ là đúng. Tôi bắt đầu thấy lòng thắt lại, không phải vì tiếc nuối bụng trâu vàng, mà vì tôi biết rồi sẽ chẳng yên cho dòng họ. Ông bà xưa tiên báo “có vàng là có máu!”. Bạn tiếp lời, ngay lúc tâm trạng tôi đang trôi xuống dốc, “nhưng đó là người ta đi đãi cốt tìm vàng, chứ không phải là đãi đất”. Tôi hình dung cánh đồng Ba Chúc hiện ra, những mảnh vàng bay lên, bay lên, chúng không bao giờ đậu lại!
    Chuyến điền dã của tôi vẫn còn lang bạt ở xóm bờ làng bãi, vô định không biết về đâu, cứ mỗi tuần có một bài cho tòa soạn là tôi đủ miếng ăn để lang thang. Chưa đầy tuần sau ngày tôi lên phố lại, mẹ gọi, giọng mẹ quánh đặc như ngậm đầy những đau đớn của tuổi già mà không cách nào có thể giúp bà thốt ra cho được. Rất lâu sau những nghẹn ngào của mẹ và lời hỏi thăm liên tục của tôi, mẹ nói anh hai con bị ông bà quở, bỗng dưng tím tái, chở lên bệnh viện tỉnh rồi, không biết có qua khỏi hay không. Tôi tức tốc thu dọn hành lý, nửa muốn quay về nửa muốn rời khỏi miền đồng đất ra đi, thì chị hai gọi. Sau mấy hôm đào khắp gò mả hoang, chẳng tìm thấy gì ngoài những mẩu cốt vụn. Đến hừng đông ngày cuối, còn một cái mộ to nhất còn lại, ai cũng quả quyết rằng đó là mộ con trâu có cái bụng vàng. Đất rắn như đá, đào suốt cả ngày mới đến nơi. Nhưng hỡi ơi, dưới đó không hề có vàng bạc châu báu gì, mà chỉ là một đoạn đất sét cứng đanh, hắt lên những luồng khí đỏ gờn gợn. Anh Hai là người đầu tiên khui ra luồng khí có vẻ giống thủy ngân, chẳng thấy vàng đâu, anh gục dưới hầm mộ, hơi thở cũng đỏ như những đợt khí bốc lên lạ kỳ. Trên đường chở anh đi cấp cứu, anh nói nhảm rằng ông bà mình xưa ăn nên làm ra cũng nhờ con trâu cò ngậm vàng. Giờ phải tìm cho được con trâu cò ngậm vàng để anh chuộc lại đất đai thì anh mới nhắm mắt xuôi tay.
    Bạn đập tay lên đùi bên kia điện thoại quả quyết, chắc chắn là con trâu cò ở xóm Len Trâu rồi. Thời đó ở cả miền đồng đất này, chỉ có đúng một cặp trâu cò. Mùa Tết năm Sửu (không rõ là năm Sửu nào), có hai ông điền chủ, chủ của cặp trâu cò thách đố với nhau, đem con cái to khỏe chém với con đực mới mọc sừng. Không hiểu sao khi hai con ra đấu thì con cái lườm lườm rồi bỏ chạy. Con đực dí theo đâm chí tử vào bụng con cái. Trâu cái rống lên rồi chạy cho đến khi nó thoát ra được khỏi cái vòng vôi, thì cả hai mới đứng yên. Ông điền chủ có trâu đực thắng, ôm hết gia sản ông chủ trâu cái mang về làm cho gia tộc thịnh vượng. Còn ông chủ trâu cái thì bỏ lại lời nguyền “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Nói xong ông đem con trâu về lang bạt kỳ hồ, rồi trâu lại đẻ trâu, người nối người thành xóm Len Trâu.
    Tôi tìm đến nhà của người giữ cặp sừng con trâu cò mẹ năm xưa. Nhiều đời họ vẫn sống bằng nghề nhân giống trâu cò. Họ không nhớ nhiều về câu chuyện cuộc chọi trâu hồi năm Sửu xa xưa. Chỉ nhớ những điều ông bà dạy về nhân nghĩa ở đời, về kinh nghiệm nuôi trâu bằng những cây cỏ, thuốc nam quanh vườn nhà sao cho béo tốt. Tôi biết mình nên mua về một cặp trâu cho anh hai yên dạ. Có thể anh hai, anh ba vẫn còn tin con trâu có thể đẻ ra vàng là có thật. Nhưng tin bằng một câu chuyện khác, rằng ở xóm Len Trâu, có con trâu cò truyền kiếp sinh sôi, mỗi năm kéo cộ tiền công tính ra cũng mấy chỉ vàng...

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân