Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Quê Ngoại Tác Giả: Trà Đóa    
    Sau này, thỉnh thoảng khi đi xe ngang Tam Kỳ, tôi vẫn thường cảm thấy bồi hồi mỗi khi nhìn về hướng núi. Ở đâu đó, lẫn trong trùng điệp xanh thẳm của dãy Trường Sơn, là quê ngoại của tôi, hiện diện như là một huyễn tượng buồn đau của một kiếp người
    Về quê ngoại là ao ước cháy bỏng khi tôi còn nhỏ. Hồi ấy, hằng năm mẹ đều về vào ngày chạp mả, đâu chừng đầu tháng mười hai âm lịch. Trước khi đi ít ngày, mẹ đã chuẩn bị vài thứ để đem về cúng ông bà. Thường thì chẳng có gì nhiều, vài lon nếp, mấy nải chuối, khá hơn thì có một con gà, nhưng rất hiếm. Ngày ấy, cái nghèo kiệt đeo đuổi hầu hết mọi nhà, đến tận hang cùng ngõ hẻm. Đó là thời đọng lại trong ký ức tôi sâu sắc, không phải vì điều gì lớn lao, mà vì nỗi thèm khát được ăn những bữa cơm không độn sắn và cái khát khao được về một quê ngoại xa lạ nào đó.
    Từ rất khuya, lúc tôi đang ngủ say, mẹ đã dậy đi rồi. Khi tôi quờ tay không thấy mẹ thì khóc thét lên không ai dỗ nín được. Hồi đó, tôi vẫn thắc mắc mãi với câu hỏi: “Tại sao mẹ không dẫn tôi cùng về quê ngoại, dù chỉ một lần?”...
    Thường vào những buổi chiều, lúc đứng chơi với lũ bạn, tôi hay chỉ tay về phía dãy núi xa xa lẫn trong mây mù mà nói rằng: “Quê ngoại tau ở phía kia kìa!”. Tôi luôn cố hình dung quê hương của mẹ: “Có giống như rừng không mẹ?”, ý tôi muốn nói đến rừng cát thấp lè tè với cây bụi ở gần nhà. Nhưng mẹ nói: “Không, ở đó núi cao lắm, ngọn này tiếp ngọn kia không biết đâu mà dừng”. Từ đó, quê ngoại đối với tôi là núi cao trùng điệp và xa thẳm...
    Khi về nhà chồng, mẹ chỉ mang theo một tấm hình ông ngoại. Mẹ thường lấy hình cho tôi xem, rồi nói: “Ông mất rồi, vào năm 67”. Tôi hỏi: “Thế bà ngoại đâu?”, mẹ nói: “Bà mất trước năm 50, lúc mẹ chỉ mới ba tuổi”. Từ đó, tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ được sà vào lòng ông bà ngoại như bao đứa trẻ khác nữa.
    Vì bà ngoại mất sớm, nên trong ký ức của mẹ chỉ có hình ảnh ông ngoại. Mẹ nói ông hát rất hay, hồi còn trẻ ông theo nhóm hát “nhân ngãi” đi hát nhiều nơi ở vùng miền núi. Mẹ còn nói trước mẹ đã có hơn ba lần bà ngoại sẩy thai, vì vậy mẹ là con một, ông ngoại rất cưng chiều. Sau khi bà ngoại mất, ông có thêm một đời vợ nữa và nghe nói được một đứa con trai. Nhưng mẹ con bà ngoại kế đã dẫn nhau về vùng biển quê bà, hình như ở Kỳ Hà, mẹ nhớ không rõ lắm...
    Từ Quán Rường đi lên, qua Eo Gió, lội thêm mấy cây số đường núi nữa là đến quê mẹ. Hồi ấy đường đi trơn trượt, núi đá nhấp nhô, chỉ mấy chục cây số mà như xa vạn dặm.
    Quê ngoại như tiếng gọi từ núi ngàn xa xôi, tôi ao ước ngày đêm, lẫn vào trong những giấc mơ, ngày trở về nơi mà lẽ ra tôi đã quen thuộc như bao đứa trẻ khác, từ thuở mới lọt lòng.
    Tôi đã mang một nửa dòng máu xuất phát từ nơi mà tôi chỉ mới nghe nói đến. Dòng máu của tôi ngày đêm chảy trong huyết quản, nóng rực, cuồn cuộn. Nó thôi thúc, giận hờn không lúc nào nguôi. Tôi phải trở về nơi ấy, nhất định như thế. Trở về để thắp nhang lên mộ ông bà ngoại, thăm lại ngôi nhà cũ trong một khu vườn rộng với nhiều cây mít già cỗi. Tôi đã khóc bao đêm, xót xa cho mẹ, cho tôi, cho quê ngoại tít mù. Tôi tự hứa với lòng một ngày nào đó sẽ tìm về, dù cho nơi đó chỉ còn là một nấm đất hoang sơ, hay khu vườn cũ đã trở thành vườn hoang mặc cho cây dại mọc đầy...
    Tôi sẽ trở về để thực hiện di chúc của sự tưởng tượng - di chúc của mẹ - dù mẹ không nói gì và nhắm mắt khi tôi đang ở rất xa...
    
- o O o -

    Tôi vẫn hay tưởng tượng ra những vách núi đá cheo leo. Tôi cố bám vào để leo lên. Tôi vô vọng nhìn lên đỉnh xa vời, và phía dưới là hố sâu thăm thẳm. Con đường mòn xuyên qua núi đầy những đá tai mèo. Những bước đi cẩn trọng, những con vắt sẵn sàng xông ra bám đầy vào những vùng da màu mỡ để hút máu. Tôi đang cố, người tôi toát mồ hôi, thần kinh căng thẳng. Tôi không dám ngước nhìn lên trên, bởi những mỏm đá nhọn hoắc đâm ra trơ trọi như một lời hăm dọa lạnh người.
    Mẹ thường gánh hai đầu đầy mắm cá cơm, mỗi lần đi, mẹ chuẩn bị mắm cá cơm để lên bán kiếm lời. Đòn gánh trĩu nặng, bước chân mẹ nặng nhọc lê từng bước trên con đường núi. Mẹ cố từng bước một qua Eo Gió. Cứ vậy, hằng năm, mẹ trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình một cách nặng nhọc. Gió núi hú trên vách đá, mây ngàn giăng mù đón mẹ về.
    
- o O o -

    Khu vườn nằm trên nách đồi, mặt hướng ra một thung lũng hẹp. Trong vườn âm u, hàng chục cây mít già cỗi ra trái trĩu nặng. Không ai đủ sức để hái nên chúng chín rục trên cây rồi rụng xuống, vỡ ra nhòe nhoẹt trên mặt đất cứng làm mồi cho lũ ruồi xanh bâu đen kịt. Ở phía trên cùng của khu vườn, một ngôi nhà năm gian vách gỗ mít, mái tranh thấp khuất dưới lùm cây.
    Một buổi sáng không biết là vào mùa nào, mây mù sà xuống che kín cả thung lũng, hơi núi hắt ra lạnh ngắt: mẹ đã được ra đời. Vào buổi sáng mà không có một chút ánh sáng nào đón mẹ, lúc đó ông ngoại vẫn còn đang đi hát ở tận đâu chưa về. Rồi cùng với gió núi, với tiếng vọng của đại ngàn, mẹ hiện diện như một phần của sự âm u nơi ấy.
    Rồi tuần sau, ông ngoại về. Ông bế mẹ lên ngắm nghía, rồi đi ra khu vườn. Ông đi thong thả qua từng gốc mít, cuối cùng ông dừng ở triền đồi. Đôi mắt tròn xoe của mẹ nhìn ra phía trước, nơi thung lũng hiu hắt vàng vọt những ruộng lúa bậc thang nhỏ bé xen kẽ nhau không theo một trật tự nào. Từ ngày ấy, ông ngoại bỏ luôn chuyện đi hát để ở nhà trông mẹ. Ông chăm sóc mẹ từng chút một. Đôi bàn tay thô ráp của ông tắm cho mẹ hằng ngày. Bà ngoại từ lúc sinh xong thì bệnh liên miên. Bà chỉ nằm yên một chỗ, nên mọi chuyện trong nhà một tay ông ngoại lo liệu.
    Ngày tháng chậm chạp trôi qua như những đám mây xám nặng nề trên đỉnh núi Chúa...
    
- o O o -

    Vào một ngày nào đó không có trong ký ức của mẹ, một ngày đặc biệt, trời mưa tầm tã, nước từ trên núi đổ xuống thung lũng như thác lũ. Lúa và hoa màu bị nước cuốn trôi đi. Những người không kịp chạy lên đồi cũng bỏ mạng theo dòng nước dữ. Cái tang tóc khủng khiếp phủ lên khắp làng. Hằng đêm, ngoài tiếng gió hú vọng về từ đại ngàn, lại thêm tiếng than khóc ai oán của những người mất người thân. Những tiếng khóc theo gió dội vào vách đá, lao xuống vực sâu, men theo triền núi, lẩn vào từng tán lá rậm rạp hay phiêu diêu qua những cánh đồng bậc thang... rồi chảy về xuôi.
    Và vào những ngày tang tóc ấy, bà ngoại lên cơn bệnh nặng. Trước lúc lâm chung, ông ngoại bế mẹ đến trước mặt bà, đôi mắt khô khốc của bà nhìn mẹ tuyệt vọng. Mẹ chưa đủ lớn để nhận ra được điều khủng khiếp sắp xảy đến. Mẹ vẫn mở đôi mắt tròn to đen láy nhìn hồn nhiên ra xung quanh.
    Đám tang bà ngoại được tổ chức rất đơn sơ. Mộ bà ngoại nằm ở chân núi Chúa, hướng ra thung lũng. Ngày ấy, mẹ vẫn chưa đủ lớn để cảm nhận đau thương...
    Nhưng đau thương có bao giờ mất đi, nó ngưng đọng lại bên rìa dòng thời gian, lẩn trốn vào đời thường và theo từng bước chân mẹ. Để một ngày, nó hằn lên trán mẹ thành những nếp nhăn hay lẫn vào nỗi buồn thành những giọt lệ nhỏ long lanh, mỗi khi nhớ về chuyện cũ. Những lúc đó, tiếng mẹ thở dài nghe thật sầu não. Còn đôi mắt của mẹ, nó vẫn tròn và to đen láy như khi còn trẻ, nhìn ra xa xăm. Những lúc như thế, tôi liền phóng ra sân và nhìn về phía tây, nơi có những dãy núi trập trùng lẩn khuất trong mây mù...
    
- o O o -

    Trước khi những cơn mưa dầm dai dẳng mùa đông đổ về, bầu trời đen kịt những mây. Ngoài đồng, mọi người đang hối hả gặt nốt những thửa lúa cuối cùng trước khi bị dìm trong nước lụt.
    Mùa đông đến...
    Mẹ thường ngồi trong bếp một mình, ít khi mẹ lên nhà trên, nơi có gian thờ chính. Mẹ ngồi im lặng hàng giờ, tay thỉnh thoảng thêm củi vào bếp. Những lúc như thế, tôi hay sà vào ngồi bên cạnh. Lúc đó tôi cũng chẳng hiểu được gì, nhưng nhìn ánh mắt buồn của mẹ, tôi biết mình phải yên lặng.
    Bây giờ đã sắp đến ngày ấy, nhưng tôi thấy mẹ chẳng có ý gì là chuẩn bị hay sửa soạn. Tôi vội hỏi: “Bữa mô mẹ về ngoại?”. Mẹ chỉ lắc đầu: “Năm nay chắc chẳng còn ai nữa mà về. Mồ mả để dòng họ lo”.
    Năm ngoái, khi lên ngoại về, mẹ nói ông ngoại Mười - người cuối cùng của gia đình ông cố ngoại - đã mất. Ông ngoại Mười, cũng giống như ông ngoại của tôi, chỉ có được một người con gái và cũng đã về theo quê chồng.
    Rồi mẹ bắt đầu rủ rỉ kể chuyện dòng họ của mẹ cho tôi nghe.
    ...Dòng họ Lê của mẹ cũng đông đúc và chia làm nhiều phe, có người bên này, có người bên kia. Còn lại đa số đều là dân nông. Mẹ kể vào những ngày cúng tộc, thường họ chẳng nhìn mặt nhau. Ai làm phận nấy rồi về.
    Riêng gia đình ông cố ngoại có cả thảy mười người con, vừa trai vừa gái. Những người con gái (tôi gọi bằng bà ngoại cô) đã lấy chồng. Có đến năm người con trai, nhưng đến lớn chỉ còn ba người. Và chỉ duy nhất ông ngoại thứ ba có một người con trai.
    Mộ ông cố ngoại nằm trên một sườn đồi đầy đá. Mẹ nghe kể lại rằng có một ông thầy địa lý biết chuyện đã nói: “Mộ này chôn ở đất tuyệt tự, phải mau dời đi”. Nhưng không hiểu sao, cả ba người con trai không ai chịu nghe theo.
    Những người con gái lần lượt lấy chồng xa. Những ông ngoại đều lần lượt theo tổ tiên. Lời ông thầy địa lý năm xưa đã thành sự thật...
    Người con trai duy nhất của ông ngoại thứ ba (tôi gọi bằng cậu) trước bảy lăm là trung úy hải quân, sau bảy lăm cũng bỏ đi đâu mất dạng. Nghe đồn cậu đã đi Mỹ, nhưng chẳng có tin tức gì.
    Đôi mắt mẹ trở nên u sầu hơn. Càng ngày mẹ càng ít cười.
    Rồi cũng từ đó, rất ít khi tôi được nghe mẹ kể về quê ngoại nữa. Tôi cũng thôi không còn giữ thói quen nhìn về dãy núi xa xa phía tây mỗi khi chiều xuống. Và dần dần, tôi cũng quên lãng quê ngoại và nỗi ước ao cháy bỏng được về nơi đó...
    
- o O o -

    Ngày mẹ mất, tôi đang học ở Sài Gòn. Tin đến như một vết dao đâm ngang ngực. Tôi ngồi òa khóc ngay hành lang giảng đường... Thế là hết. Tôi nghĩ mọi thứ đã gần hết rồi, khi mẹ tôi ra đi.
    Nhưng đó cũng là lúc, một lần nữa, và cũng là lần sau cùng, những ước ao cháy bỏng của thời thơ dại lại hiện về thôi thúc dữ dội. Để sau đó, trong nỗi đau nhớ mẹ, những ký ức cóp nhặt về quê ngoại lại hiện lên trong tôi.
    Nhưng ngay khi cơn xúc động vừa lắng xuống, một vực thẳm cũng kịp hình thành, để tôi chợt nhận ra một sự thực rằng nơi mà tôi gọi là quê ngoại ấy cũng chẳng còn gì. Chưa bao giờ tôi được chạm tay vào đó, không bóng dáng người, không niềm an ủi và mãi mãi không lưu giữ chút ký ức nào.
    Mẹ tôi đã mang theo vĩnh viễn.
    Sau này, thỉnh thoảng khi đi xe ngang Tam Kỳ, tôi vẫn thường cảm thấy bồi hồi mỗi khi nhìn về hướng núi. Ở đâu đó, lẫn trong trùng điệp xanh thẳm của dãy Trường Sơn, là quê ngoại của tôi, hiện diện như là một huyễn tượng buồn đau của một kiếp người.■

Kết Thúc (END)
Trà Đóa
» Quê Ngoại
» Những Điều Đáng Quên
» Những Ngọn Nến Trong Đêm
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Đời Khổ
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò