Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Truyền Thuyết Hoa Huyết Mộc Tác Giả: Sưu Tầm    
     Những cột cây số đơn độc nối tiếp nhau lướt qua cửa kính xe, nhắc Hoài nhớ về một thời xa lắm. Vậy là đã mười năm trôi qua kể từ khi cô rời khỏi miền biên giới hiu hắt này chuyển về thành phố, cũng là lúc cô nói lời giã biệt với mối tình trong trẻo đầu tiên để bước theo chồng.
    Hoài nghỉ lại một khách sạn nhỏ nơi thị trấn. Lần này cô lên đây, cũng như mọi chuyến đi khác, nhằm sưu tầm dị bản của một trường ca nổi tiếng. Hoài nghiên cứu văn hóa dân gian, một công việc vừa nhọc nhằn, lặng lẽ, vừa lãng mạn. Nhưng chồng cô bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Anh không hiểu nổi vì sao Hoài lại phải lặn lội hết bản này làng khác, đào xới quá khứ lên, cóp nhặt những thứ chẳng bao giờ làm giàu được. Trước chuyến đi này của cô, anh chỉ nói một câu ngắn gọn: “Em cứ đi và suy nghĩ thật kỹ, những câu chuyện cổ liệu sẽ ích gì trong cuộc sống của gia đình ta”.
    Hoài cảm thấy đầu óc mình trống rỗng. Cô bất chợt nhìn ra ngoài cửa sổ, phía xa kia, những triền núi vàng rực lên khắc khoải. Cô lần giở từng trang tài liệu. Hoàn toàn vô ích. Trong tất cả mọi công trình nghiên cứu mà cô biết, không có ai nhắc gì về truyền thuyết hoa huyết mộc. Lẽ nào thời thanh xuân cô đã được kể cho nghe một câu chuyện về loài hoa chưa hề có, để rồi bao năm tháng qua mải miết đuổi theo những điều chẳng bao giờ có trên đời. Hoài cảm thấy ngột ngạt quá. Cô đẩy cửa bước ra.
    - Chị Hoài không đi đâu chơi à?
    Thủy, cô bé sinh viên vừa mới được nhận về viện nghiên cứu mỉm cười chào Hoài. Hoài khẽ cười đáp lại:
    - Chị phải chuẩn bị một số văn bản, hơn nữa còn giữ sức ngày mai đi đường rừng. Chị chỉ lo làm không kịp. Ở những bản làng này, có người mình vừa gặp lần trước, lần sau quay lại họ đã mất rồi. Cả kho tàng truyện cổ cũng mất theo, xót xa lắm.
    - Chị Hoài này - giọng Thủy đột nhiên chùng xuống - Chị có tin vào những câu chuyện cổ không?
    Hoài im lặng, cách đây mười năm, cũng có người hỏi Hoài một câu như thế. Hoài còn nhớ rõ lúc ấy cô không trả lời. Cô còn quá trẻ để hiểu được trong đời có những khoảnh khắc quan trọng đến mức nào.
    Điện thoại đột ngột đổ chuông cắt Hoài khỏi dòng hồi ức. Người bên trung tâm văn hóa huyện gọi. Cô nghe máy xong, quay sang nói với Thủy:
    - Thủy à, kế hoạch có chút thay đổi, chúng ta đến buôn Hua ngay đêm nay để kịp dự một đêm diễn xướng.
    Thủy gật đầu đầy háo hức. Dù mới vào nghề nhưng cô bé đã cảm nhận được công việc này đòi hỏi rất nhiều đam mê và mạo hiểm. Nhất là khi may mắn được làm việc với một nhà nghiên cứu như Hoài, con người biết nhóm lửa và truyền ngọn lửa sang trái tim người khác.
    Chiếc xe cũ kỹ thận trọng trườn lên đèo, ổ gà, ổ voi liên tiếp nối nhau. Hoài vừa động viên mọi người vừa sắp xếp trong đầu những việc phải làm ở buôn Hua. Đây là lần đầu tiên cô được cử làm người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cùng đi với họ còn có mấy nhà báo và nghệ sĩ nhiếp ảnh nữa.
    - Hết đường rồi, xuống đi bộ thôi.
    Người dẫn đường mở cửa xe, gió núi thốc vào lạnh buốt. Mọi người mang đồ đạc trên vai, nối nhau bước trên lối mòn, ánh đèn pin lấp lóa. Thủy đi bên cạnh Hoài, thở hổn hển vì mệt:
    - Hoang vu quá chị Hoài nhỉ. Em đang tự hỏi ngày xưa ai là người đầu tiên đến buôn này.
    - Chắc là một chàng tù trưởng đi tìm người yêu. Trong sử thi thường kể như thế còn gì.
    Hoài ngẩng đầu nhìn chung quanh, dưới ánh trăng suông, dãy núi trước mặt cắt một vệt thẫm mờ ảo trên nền trời. Sương phủ bồng bềnh khắp nơi. Con đường họ đi bỗng chốc trở nên mông lung như huyền thoại.
    Con đường này ngày trẻ cô đã đi chăng?
    
- o O o -

    Mười năm trước.
    Những cột cây số đơn độc nối tiếp nhau lướt qua cửa kính xe, nhắc Hoài biết mình đã đi một chặng đường xa lắm. Nơi Hoài sẽ đến là một địa danh lạ lẫm được đánh dấu chênh vênh trên bản đồ, chung quanh núi trập trùng một màu buồn bã. Khi nhận giấy phân công công tác lên miền ngược Hoài đã phải tự nhủ mình rằng lựa chọn công việc này nghĩa là cuộc đời sẽ phải quen với những chuyến đi. Thế nhưng lúc này đây, nhìn những bãi lau hiu hắt nối tiếp nhau rạp xuống trong gió chiều Hoài mới cảm nhận được nỗi cô đơn thăm thẳm biết bao nhiêu. Trong cái khoảnh khắc chơi vơi đó, khi rời mắt khỏi khung cảnh phía ngoài, cô mới chợt nhận ra ngồi bên cạnh mình là một người lính trẻ. Cái mầu áo xanh thân thuộc cùng với dáng ngồi ngay ngắn và đôi mắt đen trầm tĩnh của anh bỗng khiến lòng cô vững vàng trở lại.
    Người lính thuộc một tiểu đoàn công binh. Anh cùng đơn vị của mình đóng quân ở Cấm Sơn để bắc một cây cầu qua bản Thượng.
    - Cô sẽ làm gì ở Cấm Sơn? Người lính hỏi cô với vẻ trìu mến. Cấm Sơn là một nơi vô cùng hẻo lánh, một tuần mới có một chuyến xe khách chạy ròng rã cả ngày đường để lên đây và những người đi cùng nhanh chóng coi nhau như bè bạn.
    Cô bỗng bối rối. Thật khó khăn để chia sẻ với người ngoài về công việc đặc biệt của mình. Rất nhiều người khi nghe câu trả lời của cô đều không giấu được sự kinh ngạc.
    - Tôi đi tìm dị bản của một câu chuyện cổ.
    Người lính không tỏ vẻ ngạc nhiên, anh đã công tác ở biên giới 5 năm. Quãng thời gian đủ dài để nhớ hầu hết những trường ca được già làng kể đêm này qua đêm khác bên bếp lửa.
    - Vậy ra cô nghiên cứu về văn hóa dân gian. Một công việc cực kỳ thú vị. Cô biết không, trong những ngày ở bản Thượng, tôi đã được nghe một truyền thuyết rất đẹp về hoa huyết mộc. Nếu cô muốn tôi sẽ kể cho cô nghe để đường đi ngắn lại.
    Họ đã làm quen với nhau một cách tình cờ như thế. Bằng một giọng nam trầm ấm áp, người lính dẫn Hoài vào câu chuyện cổ về một cô gái vượt núi băng rừng tìm cây thuốc cứu người mình yêu. Nhưng anh chỉ kể câu chuyện đến nửa chừng, tới lúc hấp dẫn nhất, người lính đột ngột dừng lại, nhìn Hoài tinh nghịch:
    - Tôi chỉ kể đến đây thôi. Phần còn lại phải để cho nhà nghiên cứu tự đi tìm mới đúng chứ.
    Sau này khi đã yêu nhau, Hoài mới biết rằng quê anh ở miền ngược, hồi chiến tranh biên giới anh mất hết gia đình trong một trận pháo kích. Anh không nhớ được mình sinh ra ở đâu, tên gì, đã bao nhiêu tuổi. Một đơn vị bộ đội nhận anh về nuôi rồi cho anh đi học, tốt nghiệp trường Sĩ quan công binh. Kể từ đó anh rong ruổi trên rất nhiều nẻo đường, gắn bó đời mình với những cây cầu và con đường nối các bản làng heo hút. Một buổi chiều cùng nhau dạo bước bên bờ suối, anh ôm Hoài vào lòng, rất khẽ: Thật ra ngay từ khi gặp em trên chuyến xe hôm ấy, anh đã thấy thích em rồi. Anh cố tình bỏ lửng câu chuyện giữa chừng để có lý do gặp lại em đấy. Em có tin vào chuyện cổ không?
    
- o O o -

    Đoàn của Hoài đến nơi vào lúc mười một giờ khuya. Họ kịp tham gia vào một đêm diễn xướng độc đáo. Người kể chuyện là một người đàn ông chưa già, khuôn mặt đen sạm hằn nhiều nếp nhăn nhưng giọng nói truyền cảm đến lạ kỳ. Trong nhà rông, mọi người chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng một tiếng chiêng ngân lên giữa núi rừng tĩnh mịch gợi nhắc quá khứ linh thiêng. Hoài thấy mình như đang trôi trong một giấc mơ. Khuôn mặt người đàn ông chập chờn bên bếp lửa, khi xa, khi gần, có điều gì quen lắm khiến tim Hoài thắt lại. Cô thấy mình như đang đi lạc trong trường ca cổ đại. Lẫn trong đó, tiếng ai khẽ thầm thì: “Em có tin vào chuyện cổ không?”
    Chiều hôm sau, Hoài tìm đến nhà người đàn ông đó. Căn nhà nhỏ, gọn gàng và giản dị như rất nhiều nhà sàn khác ở đây. Chủ nhân của nó mới hơn tuổi bốn mươi, nhưng nắng gió dãi dầu khiến ông già hơn tuổi rất nhiều. Tên ông là Y Plang. Người ta gọi như thế vì không biết tên tiếng Kinh của ông là gì. Ông vốn là người Kinh, lên đây sống sau một tai nạn khiến một bên tay bị gãy và mặt biến dạng. Hoài ngồi đối diện với ông qua cái bàn gỗ nhỏ, linh cảm dữ dội hồi đêm lại đè nặng lên trái tim cô. Không. Không thể như thế được.
    - Tôi không phải già làng đâu - Ông cười cởi mở, xua tan không khí nặng nề giữa họ - Chính tôi cũng không ngờ mình dừng chân tại bản làng này, trở thành người lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian để rồi chuyển giao nó cho chị. Tôi đã được nghe mấy người trong đoàn kể về chị, thật may mắn là chị đã đến.
    - Suy cho cùng, mỗi chúng ta là một mắt xích trong sợi dây chuyền vô tận nối quá khứ với tương lai - Hoài trầm ngâm như nói với chính mình - Người này nối tiếp người kia, cứ như thế cho hết bổn phận của mình với rất nhiều khổ đau và hạnh phúc.
    - Chính vì vậy mà không ai được bỏ cuộc. Sợi dây sẽ đứt. Đó là lý do chị đến đây.
    - Tôi đi tìm dị bản của một trường ca cổ đại. Đêm qua ông đã kể một phần.
    Người đàn ông đột ngột ngắt lời Hoài:
    - Chỉ có thế thôi sao?
    Một lần nữa Hoài im lặng. Người đàn ông xa lạ này có lẽ nào đọc được những xáo động trong tâm hồn cô. Hoài bỗng thấy một nỗi xót xa dội về từ ký ức. Cái ngày cô quyết định chia tay người lính công binh, giã biệt mối tình đầu để chọn một người chồng có thể bao bọc cho cô cuộc sống đủ đầy nơi phố thị, người lính đến tìm gặp cô lần cuối nhưng cô tránh mặt. Món quà anh để lại là một bó hoa huyết mộc cháy lên rực rỡ.
    - Vâng. Chỉ thế thôi là đủ - Hoài tránh không nhìn vào mắt người đàn ông.
    Y Plang lặng lẽ bước ra ngoài cửa.
    
- o O o -

    Đoàn nghiên cứu ở lại buôn Hua một tuần. Một tuần liền, họ được Y Plang dẫn vào thế giới cổ xưa như thần thoại. Ông được các thầy mo truyền lại cho rất nhiều trường ca. Thủy say mê như một đứa trẻ: “Thật quyến rũ quá chị Hoài ạ, em không thể hình dung được cuộc sống sẽ như thế nào một ngày nào đó tất cả những điều này tuyệt vời này bị lãng quên”. Hoài chia sẻ ý nghĩ đó. “Chị biết một thứ còn đáng sợ hơn, đó là khi người ta không còn tin vào những câu chuyện cổ nữa. Khi còn trẻ, chị chưa kịp nghĩ về điều đó. Và thế là vĩnh viễn đánh mất một người trong đời”. Hoài nói thế khi cô đi cùng Thủy bên một dòng suối nhỏ. Mùa mưa, những vạt hoa rừng cựa mình bung nở.
    Đã đến lúc phải quay trở về. Hoài đến từ biệt Y Plang. Trong căn nhà nhỏ, ông ngồi lặng lẽ như một pho tượng, gương mặt sạm nắng phảng phất nét buồn khôn tả. Hoài nói rất khẽ, như sợ làm lay động bầu không khí tịch mịch:
    - Tôi phải đi đây. Mỗi người đều phải sống tiếp phần đời còn lại của mình. Ông sẽ vẫn còn ở đây chứ?
    - Chỗ của tôi là ở đây. Cảm ơn vì chị đã đến.
    Hoài bước nhanh ra cửa. Cô không thể khóc. Rất nhiều người đến và đi vội vã trong cuộc đời chúng ta. Hoài níu lấy chút hy vọng mong manh còn sót lại:
    - Hãy giúp tôi một lần nữa, Y Plang. Tôi muốn biết truyền thuyết về một loài hoa. Hoa huyết mộc.
    - Tại sao?
    - Có người đã kể cho tôi nghe câu chuyện đó, cách đây lâu lắm rồi. Tôi rất tiếc vì không kịp nghe phần kết.
    Y Plang nhìn sâu vào mắt Hoài, cô bàng hoàng bắt gặp lại cái nhìn đã đốt cháy trái tim mình suốt thời thiếu nữ. Bằng một giọng trầm ấm áp, ông khẽ nói:
    - Tôi biết truyền thuyết về hoa huyết mộc nhưng chưa từng kể hết cho ai nghe. Nếu chị tin vào câu chuyện đó, nhất định chị sẽ tìm thấy phần kết thúc.
    Chiếc xe lăn bánh khỏi cao nguyên. Nắng gay gắt. Gió thổi qua những vòm lá xôn xao như nổi sóng. Phút cuối cùng, người đàn ông đó đặt vào tay Hoài một bó hoa huyết mộc. Hoài bật khóc.
    Hoa huyết mộc. Loài hoa cháy hết mình trên cao nguyên đầy nắng gió. Loài hoa nở ra từ dấu chân một cô gái trong truyền thuyết. Người ta kể rằng, cô gái đó vẫn đi, đi mãi.
    

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân