Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ong Bầu Đậu Đọt Mù U Tác Giả: Tống Phước Bảo    
    Út Lệ lại nằng nặc đòi gội đầu. Mặc cho ngoại húng hắng tiếng la từ nhà trên vọng xuống. Mặc cho má nhá cây đũa bếp, mắt trợn tròng, bậm môi dọa nạt. Út Lệ vẫn ôm cái khăn ra bến. Tiếng nước xối rào rạo. Một chiều tháng bảy, giữa mùa hạ, bông mù u rụng trắng bờ kinh.
    Xứ này người ta chẳng đánh số nhà chi cho phức tạp. Cứ theo cái sườn kinh mà gọi. Con kinh dài ngót nghét mười bốn ngàn rưỡi mét. Cứ mỗi một ngàn mét, lại có một sườn kinh mà chia dòng nước dẫn vào đồng sâu ruộng cạn. Tỷ như đầu con kinh là sườn một ngàn. Cũng là tên của cái xóm đó. Rồi coi như cột mốc mà tính tiếp cho tới cuối kinh. Cạnh bờ kinh, ngay sườn bảy ngàn, đâu ra dăm bảy cây mù u cao to, tán rộng phủ khắp mé kinh. Vậy nên, dân xứ này, gọi miết đâm quen, thành thử ra, cái tên nhà bảy ngàn mù u có hồi nào ngay cả ngoại hay má cũng hổng biết.
    Hồi thằng Mót còn ngây ngơ, có lần nó hỏi ngoại, không dưng hai bên bờ kinh toàn là điên điển, đâu ra ngay doi đất nhà mình, cả đống mù u, lạ lùng quá thể. Ờ thì, nhiều khi trái mù u theo con nước lớn, xuôi dòng về đây, kẹt ngay doi đất nhà mình mà neo lại. Rồi được phù sa bồi đắp nó nảy nở sum suê. Xứ này, mà hỏi tại sao cái này nó vậy, cái kia nó vậy, y như là đánh đố cắc cớ. Có những chuyện đâu ai biết, đâu ai quan tâm. Mặc định nó là như vậy, rồi mình sống trọn vẹn với nó, thì lòng mình thanh thản.
    Thằng Mót hỏi có một câu. Mà má trả lời một tràng. Má nói chuyện gì mà xa xăm nghe mông lung quá xá. Thằng Mót hổng hiểu gì ráo trọi. Chỉ thấy Út Lệ hay lụm mấy trái mù u mà chơi đồ hàng, hay đập mấy trái mù u vỡ ra làm đôi, rồi hì hục khoét lỗ xỏ chỉ, làm đôi bông tai mù u đeo lủng lẳng.
    Út Lệ hay cười hềnh hệch. Út Lệ hay chạy ra đường mỗi khi trời hừng hực nóng. Út Lệ cũng hay ngồi một mình nhìn chằm chặp vào con nước ròng. Nhìn rất lâu. Lâu như hàng thế kỷ trôi qua. Chừng như đã hết cơn nhìn, Út Lệ quay qua cạnh cái khạp nước mà xối rào rạo từ trên đầu xuống chân.
    
- o O o -

    Nhà Tư Thơm ở cách một con sông, đối diện ngay doi đất mù u. Trời phú Tư Thơm cái giọng hát ngọt lịm tím cả dòng sông. Cứ chiều chiều, nó ra bến, ngồi khật khưỡng bên ly rượu đế mà hát mấy bản sầu oán tương tư. Lời hát cứ theo gió lồng lộng, âm ba cả khúc sông.
    Tư Thơm mồ côi. Hồi còn đỏ hỏn, ai đó đặt nó trước cổng đình giữa một sớm mùa đông cô tịch. Thầy Năm Tú giữ đình xót phận đời thằng nhỏ mà đem vào đình chăm sóc. Ngặt nó quấy khóc dữ trời thần, nên thầy Năm đem gởi bà Hai Bưng, người phụ nữ luống tuổi không chồng con của làng. Cứ thế nó lớn lên, gạo chợ nước sông theo mỗi lần bà Hai Bưng xuôi dòng trên con đò nhỏ, bán vài mớ hàng tủn mủn vụn vặt cho cánh thương hồ.
    Nó nghiền cải lương y hệt bà Hai Bưng. Nghe đâu hồi còn xuân sắc bà Hai Bưng là cô đào trứ danh của đoàn Sóng Cửu Long. Hương xuân đang hé nhụy thì cuộc đời gặp phải một trận ghen tuông của bà vợ một lão trọc phú mê cô đào trẻ. Từ đó Hai Bưng thôi không còn đi theo gánh hát, về tá túc khúc sông này, kiếm sống qua ngày.
    Trai làng cũng mấp mé dòm ngó, nhưng Hai Bưng nhất định cự tuyệt, giấu mình sau chiếc nón lá, rộng vành. Người ta nói tới nói lui, đâu như là trên mặt Hai Bưng chục vết lưỡi lam rạch. Chỉ là những lời vô thừa vô nhận của mấy dì mấy thím sáng sớm rỗi rãi mà chỉ trỏ ngoài chợ mỗi khi Hai Bưng ghé ngang sạp thịt, tấp vào quầy rau. Chứ cho tới ngày Hai Bưng nằm xuống, chẳng ai thấy hết. Nếu có chăng người có thể xác định được điều đó, là Tư Thơm.
    Nhưng Tư Thơm thì lầm lì cục mịch, ai cũng tránh né, lấy ai dám trước mặt nó mà hỏi. Không khéo nó phang cho một trận, lết về nhà còn không kịp. Tư Thơm du côn có tiếng. Nó từng vì bà Hai Bưng mà vác dao chém mấy thằng cha già dịch say xỉn trêu ghẹo bà Hai Bưng.
    
- o O o -

    Hồi ngoại sanh Út Lệ, là cái năm buồn đứt ruột. Năm ông đi Nam Vang rồi không về nữa. Chuyện ông hú hí với cô nào đó trên đường làm ăn, nhiều người cũng to nhỏ cho ngoại nghe, nhưng ngoại cứ bỏ ngoài tai. Ngoại sống phận thủ thường, cun cút như cái nếp của dân miệt thứ. Chồng đi làm xa, mươi ngày trời mới về, ghen bóng ghen gió, thành ra gia đình hổng ấm êm. Cứ còn về là còn chồng mình. Chừng đi luôn, thì là chồng người ta. Cho nên, người bạn đi Nam Vang chung nhóm về gởi lá thư tay của ông cho ngoại, ngoại lặng lẽ mà nước mắt lưng tròng. Năm đó ngoại cấn bầu Út Lệ. Ông chưa biết tin này. Ngoại chờ ông về như mọi lần để báo. Nhưng không kịp nữa rồi. Ngoại khóc suốt bận đó.
    Út Lệ sanh thiếu tháng, trên y tế xã báo là do sức ngoại yếu. Bên cánh võng, ngoại đung đưa hoài câu hát ru: “Nước rằm chảy thấu Nam Vang. Mù u chín rụng sao chàng bặt tăm”. Ngoại hát nhiều đến nỗi má cũng thuộc nằm lòng. Sau này má cũng ru thằng Mót y hệt vậy. Là giống y hệt vậy luôn, tía cũng bỏ má mà theo một cô con gái chủ tiệm vàng trên huyện, dẫu tía biết má đang cấn bầu thằng Mót. Nhưng xứ này hồi đó cơ cầu lầm than. Tía với má cũng chỉ một cái đám cưới nghèo mà sống với nhau. Nghèo đến nỗi tía đi chở ghe cát cho nhà giàu xây tường. Rồi tía theo người ta luôn. Ngôi nhà thành ra hổng có đàn ông.
    
- o O o -

    Út Lệ mười tám, da trắng, dáng thon, gương mặt trái xoan, lúm đồng tiền lúng liếng. Ngoại nhận lời gả Út Lệ về Đại Tâm, làm dâu nhà thương lái gạo. Út Lệ có xin ngoại cho Út Lệ lấy chồng gần, chứ về Đại Tâm, xa xôi dặm nẻo, biết mấy lần được về thăm ngoại. Nhưng ngoại vẫn cứ gả, ngoại bảo chỗ người ta thương lái gạo, lại hay từ thiện cho dân nghèo, là nơi tốt để gởi gắm thân phận. Chứ như ngoại hay như má, cả đời hiu hắt bóng xế. Xứ mình, đàn ông bê tha nhậu nhẹt, hay lăng nhăng, chỉ khổ phận đàn bà mà thôi.
    Ngoại hổng biết, má hổng hay, ngày Út Lệ theo dòng làm dâu xứ lạ, cũng là ngày mà Tư Thơm bắt đầu cất mấy câu sầu bi thảm não trên bến từng chiều. Cái giọng điệu như trách đất gần trời xa, trách cái phận côi cút của nó. Chỉ mỗi người xuôi dòng về Đại Tâm là hiểu. Nhưng cái chuyện vì sao chục năm sau đó má với ngoại đi Đại Tâm rước Út Lệ về nhà thì thằng Mót không biết. Chỉ biết Út Lệ chẳng còn đẹp như ngày xưa. Xơ xác tiều tụy, thường la hét, khóc cười co ro một chỗ.
    Rồi thì thằng Mót cũng theo con chữ mà lên Sài Gòn, lòng vẫn canh cánh về cái doi đất có rặng mù u và phận đời ba người đàn bà nhà mình.
    Đôi lần giữa cái cồn cào da diết nỗi nhớ nhà, nó điện thoại hỏi thăm nhiều thứ. Má kể ngoại vẫn khỏe, cứ sẫm trời lại choàng cái áo lam mà ra đình tụng kinh. Thời kinh chiều cầu an cho mấy đứa con cháu. Chắc nhờ phước ngoại, nên Út Lệ dạo này cũng đỡ. Thì vẫn cứ nằng nặc đi gội đầu, nhưng đã bắt đầu biết chải tóc, biết lựa những bộ đồ tươm tất. Thỉnh thoảng lại trốn nhà ra ngoài rặng mù u mà thơ thẩn. Có hôm tận chiều tối, má từ bên bờ kinh í ới gọi, Út Lệ mới chịu về nhà. Mà dạo này ven bờ kinh không còn nghe mấy tiếng hát ủ rũ của Tư Thơm.
    
- o O o -

    Má gọi điện thoại, giọng hổn hển, hình như Út Lệ… ờ hình như Út Lệ có bầu con ơi...
    Bỏ dở công việc làm thêm mấy tháng hè, thằng Mót xuôi chuyến xe đò về bảy ngàn mù u, lòng ngổn ngang hối hả. Ngoại gặng hỏi, má dọa nạt, thằng Mót năn nỉ, Út Lệ vẫn co ro vào góc nhà. Nước mắt rưng rức, tay xoa đều trên cái bụng vừa lum lúp.
    Ngoại thở dài, hồi đó, Út Lệ lấy chồng mười năm trời, chẳng đẻ mụn con nào, gia đình chồng ban đầu chữa trị thuốc thang, thậm chí lên cả Sài Gòn khám bệnh. Người ta cứ bảo Út Lệ bình thường. Nhưng chờ chục năm thì ai chờ nổi, miệng đời khinh miệt, cây độc thì không trái, gái độc không con. Lại thêm thằng chồng bắt đầu vợ lớn vợ bé, rồi những lần say xỉn đòn roi tới tấp. Thành ra Út Lệ căng thẳng mà hóa ngây dại ngu ngơ khóc cười. Có lần Út Lệ cởi đồ chạy ra ngoài đường. Vậy nên người ta kêu ngoại và má lên trả về.
    Ủa vậy bây giờ, tự dưng sao Út Lệ có bầu. Thằng Mót chưng hửng. Nhìn má rồi lại nhìn ngoại. Rồi thở dài nhớ cái câu má nói hồi xưa, xứ này mà hỏi tại sao… Ờ thì thằng Mót không hỏi nữa. Hỏi cắc cớ vậy là nó làm cho cả ba người đàn bà cam khổ của nhà này thêm phần nặng lòng.
    Út Lệ vẫn nằng nặc ra bến gội đầu mỗi chiều, dẫu cái bụng bầu đã khệ nệ lắm rồi.
    
- o O o -

    Một chiều tàn hạ, rặng mù u trút đợt hoa cuối, trắng muốt cả bờ kinh. Út Lệ đau đẻ, má hối hả, hình như Út bây sanh non. Ngoại lập cà lập cập, run lẩy bẩy. Tiếng la oai oái, tiếng khóc của Út Lệ vang xa qua tận bờ kinh đối diện. Thằng Mót thấy bóng Tư Thơm nổ xuồng máy, thoáng cái đã cập bến nhà. Má đang gói vội mớ quần áo vào cái đệm, ngẩng mặt lên hỏi.
    - Chú Tư qua đây chi?
    - Dạ…dạ đưa vợ đi đẻ…
    Không gian im lặng chưng hửng. Má nhìn Út Lệ. Chỉ thấy Út Lệ gật đầu, rồi xuýt xoa ôm bụng. Tiếng xuồng máy nổ bành bạch vang xa trên khúc sông…

Kết Thúc (END)
Tống Phước Bảo
» Ong Bầu Đậu Đọt Mù U
» Mút Chỉ Cà Tha
» Di Bố Phù
» Thiềng Liềng Ơi
» Cách Một Quãng Đồng
» Hiên Chờ
» Ráng Chiều Cù Lao
» Hỗn Kỳ Đài
» Còn Thương Thì Về
» Nỏ Bao Giờ Sai
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79