Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bức Tranh Hoàn Hảo Tác Giả: Thu Hằng    
    Chừng nửa năm nay Diệp Vân không cầm cọ. Bài vở níu cô lại, bắt cô tư duy nhiều hơn. Sự khiếm khuyết của cơ thể buộc cô phải chậm lại trong khi dòng đời hối hả trôi quá nhanh. Cô từng vẽ hàng chục bức tranh về những sinh hoạt bản thân. Song, đó là những bức vẽ con người đầy đủ tay chân. Thực tế cô có đôi chân nhưng bẩm sinh nó đã không thể phát triển bình thường, mà cứ teo dần lại.
    Cô vẽ đến nỗi mệt bã bời, ngất đi bên giá nhưng phép màu vẫn không xảy ra. Cô vẫn chỉ là cô, với đôi chân tật nguyền không thể đi lại như bao người. Lúc khỏe, cô ngồi bên những bức tranh được vẽ vừa bằng ước mong, trộn những gam mầu cuộc sống sinh động. Tranh nào cũng tươi sáng. Diệp Vân và gia đình không thể ngờ cô có khả năng ấy. Đó là năng khiếu bẩm sinh. Hội họa là một điểm bấu víu quan trọng giúp cô sống lạc quan hơn. Thay vì ngồi u sầu về đôi chân không thể nâng đỡ cơ thể thì cô vui vẻ tư duy nghệ thuật.
    Càng lớn, cô càng chẳng muốn muộn phiền vì số phận buộc phải gắn bó cả đời với chiếc xe lăn. Xe lăn là đôi chân cô, bạn đồng hành cùng những ước mơ từ tấm bé đến thời thiếu nữ. Như thể đền bù cho sự khiếm khuyết về cơ thể, cô được ban cho khuôn mặt hiền từ trong sáng. Bố mẹ và hai em yêu thương cô vô bờ. Diệp Vân cảm nhận điều đó qua cách chăm sóc, nói năng, chia sẻ hằng ngày. Có lần, mẹ nói, ước gì có thể chịu thay con một phần. Như chia sẻ cho con một bên chân. Mỗi người sẽ có một chân, kèm theo cây gậy hoặc cây nạng nữa là có thể di chuyển. Cô thốt lên:
    - Ôi không. Dù thế nào con cũng không muốn điều đó xảy ra. Con chỉ muốn có một phép màu cho con chứ không muốn lấy đi một chân của mẹ. Mẹ còn làm lụng, nuôi chị em con.
    Mẹ ôm cô vào lòng, miệng cười, hai mắt rơm rớm. Cô nghe tim mẹ đập thình thịch trong cả ngực mình.
    Cạnh nhà Diệp Vân là xưởng tranh của bác Tảo. Hàng xóm, cũng là một bạn vẽ tốt bụng. Cô và bác chung niềm say mê với âm nhạc, thích vẽ và sống nội tâm. Thi thoảng cô vẫn sang hỏi bác kỹ năng vẽ, ngắm những bức tranh bác mới hoàn thành và nhâm nhi cảm xúc dội lại từ mầu xanh trong tranh.
    Thời gian gần đây nhiều người giàu có đánh xe hơi tìm đến bác Tảo nhờ vẽ gia đình họ. Người ta mang đến những bức ảnh chụp kỷ niệm, yêu cầu vẽ lại. Có thể vẫn người đấy nhưng cảnh cũ. Hoặc người họa sĩ nhìn gương mặt trong ảnh để sáng tạo thêm cho chủ đề gia đình hạnh phúc, hoặc đại loại đang thăng hoa vui sướng. Vân hiểu rằng những người đó đang muốn khuếch đại nụ cười của họ, tìm niềm vui qua những bức tranh. Công việc không nhàn nhưng theo đơn đặt hàng, người họa sĩ vẽ ra tác phẩm mà không cần phải rao bán. Bác Tảo nhận lời, cần mẫn vẽ. Càng vẽ bác càng nhận được những yêu cầu của khách. Yêu cầu đến từ một mối bức thiết nào đó ngoài xã hội. Bác Tảo nói:
    - Dường như đó là một phong trào cháu ạ. Dường như bên trong họ có một điều khó nói hay giải thích. Họ muốn níu kéo gia đình bằng những bức tranh. Hoặc dùng tranh để là phẳng những nếp nhăn của cuộc sống.
    Diệp Vân thấy đồng cảm. Trước đây, cô đã chẳng vẽ rất nhiều bức cô có đủ đôi chân khỏe mạnh, để giảm tự ti trong mình. Họ cũng như cô, cố nhân lên những khoảnh khắc đẹp, đủ đầy để che bớt sự khuyết thiếu. Tự dưng Vân thấy tội nghiệp cho những người đó. Đôi khi con người ta cứ phải tự lừa dối mình.
    Chỉ trong một thời gian ngắn, bác Tảo vẽ được hơn hai mươi bức cho gần hai mươi vị khách. Họ đều “xêm xêm” tuổi bác, cỡ gần sáu mươi trở lên. Trong số những khách lạ, một vị lạ hơn cả, nhờ bác Tảo giới thiệu nữ họa sĩ trẻ. Bác nghĩ ngay đến Diệp Vân. Và thế là vị khách ấy mau chóng đến gặp Diệp Vân vào một buổi sáng phố trùng trình se lạnh. Hơi nước từ mặt hồ bên kia công viên thổi sang. Cô ấn tượng đôi mắt ông. Đen, sâu và cuốn hút. Ông đưa cô hơn chục bức ảnh, có chiếc chụp hai vợ chồng ông, bức cả gia đình với ba đứa con, hai trai một gái. Hai người hợp đồng miệng về những bức tranh tả chân. Vị khách ra một cái giá rất cao.
    ★ ★ ★
    Khách sốt ruột nên đến xem ngay khi bức đầu tiên hoàn thành, và rất ưng ý. Về sau, mỗi khi hoàn thành một bức ông đều gọi điện nhờ Diệp Vân chụp gửi qua tin nhắn. Bố mẹ nghe việc Diệp Vân có hợp đồng vẽ tranh thì lòng đặng tự hào. Mẹ giúp cô đặt khung và nhờ người mua dụng cụ.
    Đúng hẹn, vị khách, giờ thì cô biết tên là Đàn, đến nhận tranh. Cô không ngờ mình lại được vị khách khen nhiều đến vậy. Ông nói, đã nhờ một số người, nhưng dù họ là họa sĩ tên tuổi, dùng cả acrylic cùng những chất liệu hiện đại, nhưng vẫn không làm ông hài lòng. Ông mang về, tiếc của thì ít bực bội thì nhiều. Cuối cùng ông đi đến quyết định đốt tranh. Hàng chục triệu đồng mỗi bức chẳng nghĩa lý gì khi nó không khiến ông thấy đẹp. Cảm tưởng họ chỉ cốt lấy tiền.
    Cũng đề tài ấy dưới tay Diệp Vân, ngay cả nụ cười của ông, cô cũng lột tả được một cách rõ nét, không gượng ép. Còn đôi mắt thì khỏi phải bàn. Nó đúng là mắt ông. Long lanh đấy nhưng ngầm bên trong là giông bão. Cuộc sống hiện tại dù đủ đầy, quần áo ông mặc dù sang trọng, cả chiếc xe hơi cáu cạnh ông ngồi dù làm chìm khuất cái giông bão, ẩn ý vào sâu trong màn sương, thì cô gái tật nguyền trong góc phố bình dị đã cố sức kéo nó trở lại. Để ông thấy mình đẹp, sang trọng nhưng vẫn là mình.
    Cô hỏi:
    - Ông sẽ treo tất cả số tranh này ở nhà ư?
    Ông Đàn gật đầu:
    - Nhà tôi khá rộng, từng này vẫn còn thiếu.
    Nhận nốt số tiền còn lại, trò chuyện với vị khách một chút. Sau khi ông tạm biệt ra về, cô lăn bánh sang bác Tảo. Ông nói một tuần qua mình cũng vừa “sản xuất” xong hai bức. Đúng là sản xuất theo yêu cầu, đơn đặt hàng của người khác. Cô thấy vui vì bác Tảo có thêm thu nhập. Bản thân cô cũng có chút tiền giúp đỡ bố mẹ trang trải chi tiêu trong gia đình.
    Lúc giải lao, bác Tảo đưa cho Diệp Vân xem hợp đồng, chồng ảnh vẽ hai mươi bức tranh cho một vị giáo sư già. Vị giáo sư muốn lột tả vẻ lãng mạn của ông bên người tình kém mình ba mươi tuổi. Trong ảnh thật, vị giáo sư ôm hoa rạng rỡ nhưng lộ vẻ nua già còn cô gái trẻ trung đứng khép nép bên cạnh. Nay giáo sư muốn hai người tình tứ, thật long lanh trong tranh. Giáo sư bất an nay muốn một sự bảo đảm, hay đó là điều ông ao ước? Vân không dám đoán. Bác Tảo cất bản hợp đồng cùng những tấm ảnh, rồi ngồi tựa lưng vào ghế. Lâu nay bác không muốn nói nhiều đến đạo lý công việc. Thế mà hôm nay bác đã mở lòng.
    - Chúng ta tạo niềm vui cho người khác bằng những bức vẽ đẹp hơn ảnh của họ, sáng tạo ra những chi tiết, những hoàn cảnh mà bản thân chúng ta không được chứng kiến, để lấy tiền. Chẳng hiểu sao, bác đang nghĩ đến một thứ bệnh. Đó là bệnh tự huyễn.
    Lời của bác khiến tâm trạng Diệp Vân bỗng hoang mang. Đột nhiên cô nghĩ đến mình. Ít ngày trước khi vẽ tranh thuê, cô đột nhiên muốn làm mới mình bằng bức tranh có đôi cánh. Không chỉ đôi chân, mà cô còn được chắp thêm đôi cánh để bay trong vùng trời bình yên. Dù thế nào, trong tâm thức của một thiếu nữ, cô vẫn hằng mơ đến sự vẹn toàn.
    ★ ★ ★
    Ông Đàn gọi điện, nói muốn đưa cô con gái đến gặp Diệp Vân. Cô đồng ý. Cô vẫn ấn tượng với một gia đình có hai con trai, một cô con gái. Con gái ông Đàn được đưa đến còn đẹp hơn trong ảnh, kém Vân một tuổi và cùng chịu sự khiếm khuyết. Cô bé tên Hoa. Hoa xin phép bố được ở lại nói chuyện, chừng hai giờ sau đến đón. Ông Đàn đồng ý. Diệp Vân chưa hiểu cô bé định nói điều gì mà xin những hai giờ đồng hồ. Song, cô đoán hẳn là có tâm sự của người một đồng cảnh.
    Quả nhiên, cô bé đã khóc nức nở trước mặt Vân. Hoa cảm ơn Diệp Vân đã vẽ cho gia đình cô những bức tranh tuyệt vời. Rồi cô gái lại khóc.
    - Em biết, khóc trước mặt người mình gặp lần đầu là điều không nên. Nhưng em đã biết chị khi bố em mang tranh về. Bố nói người vẽ là họa sĩ ngồi xe lăn. Em cũng như chị, nhưng em không có được khả năng ấy. Em nghĩ chị có một gia đình hạnh phúc. Không như em, gia đình em có của nả, nhưng chẳng ra sao cả. Bố em thực sự mệt vì mẹ em. Em cũng mệt vì cả bố mẹ và hai người anh trai.
    Diệp Vân nghe mà lòng se sắt buồn. Càng buồn hơn khi biết ông Đàn đang tìm mọi cách hàn gắn vết rạn nứt của gia đình mà bất lực. Những bức tranh là vật để níu kéo sự nhìn nhận lại của người vợ trong gia đình. Cuối câu chuyện, Hoa đề nghị:
    - Em cũng sẽ đặt chị vẽ cho em. Em không muốn bị giới hạn bởi chiếc xe lăn này. Em muốn có đôi cánh bay lên trời. Em đã lê la suốt thời thơ ấu. Giờ em là thiếu nữ rồi, không thể yếu đuối mãi như vậy. Giúp em chị nhé.
    Mắt Diệp Vân nhòe ướt. Không ngờ có người đồng cảnh và ao ước giống cô. Cũng như cô, cô gái không muốn giới hạn bản thân ở một chỗ ngồi. Cô gái còn tổn thương vì gia đình rạn nứt. Cô đang cầu cứu. Diệp Vân nhận lời…
    Có thêm một sự đồng cảm, Diệp Vân vẽ nhanh như lên đồng. Cả đêm cô phác thảo cô gái vươn đôi cánh lên trời xanh. Hôm sau, cô di chuyển ra công viên ngồi vẽ, hoàn thiện những chi tiết và biểu cảm. Mãi đến giữa chiều, khi nắng xuống, cô mới trở về. Một bức tranh ưng ý cho cả hai. Vân chưa thấy bức nào mình sáng tạo tốt đến vậy.
    Cô nghe thấy tiếng bố mẹ cãi nhau. Gay gắt. Đau điếng. Cô cố nấp đi để nghe được những lời hai người đay nghiến nhau bung ra trong không gian. Vậy là bấy lâu nay cả hai đã ngụy trang. Thực tế tình cảm của bố mẹ đã phai nhạt từ lâu.
    - Nó không phải con tôi thì trách nhiệm gì chứ. Cô cứ mang con bé tật nguyền ấy theo thằng cha đó đi.
    - Em xin anh, các con đang sống tốt - người mẹ van nài - Anh cũng đã coi nó là con gái. Đừng khoét rộng vết thương khi nó đang dần lành…
    - Tôi chịu đủ rồi! - Bố cô gắt lên.
    Mọi hình ảnh về một mái ấm, một gia đình giàu có tiếng cười như bục vỡ. Diệp Vân thấy đau buốt ở trong tim. Hẳn bố mẹ đã cãi nhau không ít lần. Nhưng họ đã bưng bít, cố để khỏa lấp mâu thuẫn và nỗi đau âm ỉ.
    Cô bịt hai tai lại. Bức tranh vẫn buộc phía sau xe lăn. Diệp Vân quay đầu. Cô hướng ra phía công viên. Mà công viên có hồ rộng. Cô rẽ dòng người để sang đường. Lá cây đang pha mầu nhập nhoạng tối. Cô dồn hết sức lực vào hai bàn tay, lăn bánh, chiếc xe lao đi nhanh hơn. Chợt có tiếng bố, mẹ gọi phía sau. Cô không dừng lại, cũng chẳng biết mình đã lăn xuống dốc tự lúc nào. Hai mắt nhòe lệ. Tiếng bố mẹ vẫn khản đục gọi phía sau, trong ập òa nhập nhèm gió và ánh đèn…

Kết Thúc (END)
Thu Hằng
» Như Một Dám Mây
» Bức Tranh Hoàn Hảo
» Trong Bời Bời Mây Núi
» Vườn Xuân Nương Náu
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Hoa Học Trò