Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nắng Lên Ở Mơ Kây Tác Giả: Đinh Phương    
    Tôi cùng vợ con về thị trấn vào sáng thứ bảy, trời mưa như trút, hun hút trắng mờ nhà cửa, cây cối bên ngoài. Đứa con nhỏ trong tay vợ tôi sau một hồi ọ ẹ đã ngủ. Ngán ngẩm, tôi đã tin vào dự báo thời tiết: cả tuần nắng đẹp, gió nhẹ, không mưa.
    “Thật chẳng biết thế nào, chẳng tin được ai”.
    Vợ tôi thở dài, chuyến xe đò ì ạch lẫn vào màn mưa xám bỏ chúng tôi lại ven quốc lộ thưa thớt người qua. Tôi không biết vợ đang nói đến chương trình dự báo thời tiết mà hai đứa cùng xem vào chập tối qua hay nói về vụ án buôn người mà tay phụ xe hào hứng kể. Về người dì lừa bán cả hai đứa cháu lấy tiền mua sắm điện thoại đời mới, váy vóc hàng hiệu, xong nói dối chị gái là dẫn hai đứa đi công viên nước chơi bị lạc. Tôi nhẩm tính lại cây số từ nhà hai đứa bé đến biên giới - người dì sẽ mất khoảng thời gian bao lâu cho cuộc giao dịch; có bao nhiêu đồng phạm cùng tham gia; rồi chúng sẽ sống sao với nỗi ám ảnh bị người thân lừa dối. Tôi còn muốn hỏi gã phụ xe thêm nhiều điều nữa nhưng xe đã về đến thị trấn Mơ Kây mất rồi. Câu chuyện vẫn chưa kết thúc, gã phụ xe tuồng như vẫn còn thòm thèm về câu chuyện mới bập vào đoạn hay nhất. Tiễn chúng tôi xuống gã còn vớt vát, “xe qua đây vào ba giờ đến ba giờ mười lăm chiều, cả nhà nhớ ra đúng giờ, biển sáu chín ba không, nhớ nhé, sáu chín ba không…”.
    Tôi cũng thở dài theo vợ, từ đây vào đến nhà còn non chục cây số nữa. Giá mà vào hồi còn sinh viên đại học tôi sẵn sàng đi bộ, băng mưa. Lãng đãng và ngây thơ. Ngớ ngẩn và rồ dại. Dễ thích nghi và cũng dễ yêu hoàn cảnh gặp phải. Nhưng bây giờ thì không còn thế nữa, tôi đã ngoài ba mươi, có vợ, con hai tuổi, tiền thuê nhà hằng tháng, các mối quan hệ rằng rịt khó nói hết trong một hai câu. Tôi dần dần nhận ra tôi không còn là tôi của ngày hôm qua nữa. Nhưng rốt cuộc thì bây giờ tôi là ai? Nhiều lần hỏi, nhiều lần đưa ra đáp án nhưng tôi không thỏa mãn được tôi. Tôi vẫn đi tìm mình là ai. Cuối cùng, tôi nghĩ tôi là một cái ti-vi nhiều kênh, mỗi người đều chọn cho tôi một tôi riêng biệt, ưa thích khi đứng trước mặt họ. Với đồng nghiệp cùng cơ quan tôi là một người dễ tính, rượu bia tốt, không có nhiều toan tính. Với hàng xóm tôi là một gã khó ưa, mặt lúc nào cũng lầm lầm lì lì, chẳng mấy khi nói chuyện với ai. “Gã là điệp viên của nước X đấy”. ‘Không, tôi nghĩ gã bị đau dạ dày kinh niên”. “Chẳng phải, khéo gã là trùm ma túy. Trùm giấu mình kỹ lắm. Tưởng thế mà không phải thế đâu”. Xin thề tôi đã nghe được mẩu đối thoại của mấy gã hàng xóm nhiều chuyện khi tôi bước qua như thế. Tôi chẳng hơi đâu giải trình, cứ để họ nghĩ tôi nguy hiểm lại tốt hơn. Còn với vợ tôi là một người khá vô dụng, nhu nhược, chẳng biết sửa điện nước, đến đóng cái đinh treo bức tranh trên tường cũng phải đi nhờ. Thu nhập phập phồng thoi thóp hằng tháng chủ yếu nhờ lương, chẳng biết mở rộng các mối quan hệ để kiếm thêm. Mồm miệng cứ liến thoắng đâu đâu, lúc cần thì lại câm tịt như hến chết, có nói cũng chẳng nên đầu nên đũa gì. Thôi thì tôi nghe hết, chịu hết, kết luận trong mắt vợ tôi là một gã chồng chẳng ra gì. Chỉ còn trong mắt con bé, tôi vẫn có gì đấy tốt đẹp. Nhìn tôi, nó vẫn cười, mắt đen láy, nhắc tôi phải là tôi chứ không ai khác.
    * * *
    Lần này về thị trấn tôi muốn thăm lại căn nhà mình đã từng ở khi xưa. Căn nhà mẹ tôi từng sống âm thầm những năm cuối đời. Giờ thì bà chết rồi, bà nằm với bố tôi trên đỉnh ngọn đồi ở Mơ Kây. Ngôi mộ của bố không có cốt, bố tôi là thợ mỏ, chết trong một vụ sập lò những năm chín mươi không tìm được xác.
    Khi tôi ra đời đã không có bố. Đồng thời, mười ba đứa trẻ sinh cùng năm ấy cũng không có bố. Ở thị trấn có nhiều đứa trẻ không có bố như tôi. Nếu được, chuyến này tôi cũng muốn tìm lại cửa hầm nơi bố tôi đã đi vào. Cái cửa hầm bỏ hoang tôi đã từng một lần đến đứng phía trước nhưng không dám bước vào. Tôi sợ, sợ mình sẽ giống bố, bị kéo xuống nằm lại mãi mãi dưới lòng những ngọn núi sừng sững nối nhau kia. Vì sợ, bao năm rồi tôi đã trốn chạy khỏi thị trấn. Lúc mẹ nhắm mắt cũng không có tôi bên cạnh. Tôi đã lấn cấn không về ngay lúc nhận tin mẹ ốm. Tôi cố tỏ ra mình bận, còn bao việc phải hoàn thành, bao người cần gặp. Tôi chưa từng nghĩ mẹ sẽ bỏ tôi đi nhanh đến như thế, không có một lời trăn trối hay dặn dò nào. Bà đi vào buổi đêm, tháng tám, sáng ra bà Hòa hàng xóm không thấy mẹ lập bập ra quét ngõ mới vào đập cửa gọi không được, quyết định phá cửa. “Bà bị trúng gió cậu ạ”. Ai đó nói vào tai tôi thế khi tôi khóc, gục xuống cạnh mẹ. Thân xác mẹ tôi còn lại một nhúm nhỏ bọc trong bộ quần áo nâu vẫn còn nguyên nếp hồ. “Quần áo bà cụ cũng chuẩn bị hết, gói lại để trong tủ. Bà có dặn chúng tôi… Sợ cậu con trai chưa vợ con gì về thì chẳng biết lo thế nào”. Tóc mẹ bạc trắng xóa khoảng gối. Theo trí nhớ tôi xưa tóc mẹ đen dày, có bạc cũng chỉ lốm đốm thôi, chứ có ai ngờ… Tôi chưa sẵn sàng đối diện với tình huống một ngày - mẹ - người cuối cùng nối tôi với ký ức ấu thơ nơi thị trấn lại bỏ đi dễ dàng như thế. Cho đến khi đưa mẹ lên đỉnh ngọn đồi, để mẹ nằm lại cạnh ngôi mộ gió của bố, về lại nhà tôi vẫn chưa hoàn toàn tin. Khói hương vẫn bủa ra nghi ngút, những người hàng xóm vẫn nói về mẹ, mà tôi tưởng họ đang nói về ai đấy…
    Tôi đã có ý định nhờ mấy người hàng xóm bán giúp nhanh ngôi nhà; được bao nhiêu thì được, rẻ đắt gì cũng bán gấp, nó sẽ giúp vợ chồng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này, khi giá thuê nhà nơi thành phố ngày một tăng cao, cứ ở thuê mãi thì đến già cũng chẳng có cho mình một mảnh đất cắm dùi, thoải mái chui ra chui vào. Chúng tôi đã đi xem, đặt cọc mua một căn nhà nhỏ, nằm trong ngõ, cách trung tâm thành phố hơn hai mươi cây số. Cộng bao năm tích góp, giờ ngôi nhà ở thị trấn bán dù rẻ như cho đi nữa cũng là gần đủ. Vợ tôi đã tính đâu vào đấy, trong các mối dây rợ tiền bạc cô ấy thường làm tốt hơn tôi.
    “Giờ mình phải làm sao?”.
    Làm sao, chính giờ tôi cũng không biết làm sao. Chẳng ai ngờ trời tháng mười một, chớm đông lại có cơn mưa quái ác thế. Nhìn bốn phía cố dự đoán cơn mưa, tôi chẳng biết nó sẽ kéo dài đến bao giờ. Chiếc xe khách thả chúng tôi giữa đoạn đường vắng, chẳng có xe ôm hay ta-xi gì có thể vẫy. Những chiếc xe đi lướt qua con đường ngoài thị trấn cũng lẻ tẻ, thưa thớt. Thị trấn Mơ Kây của tôi dường như không tồn tại. Cái lán bán hàng chúng tôi đang trú đây tuồng như cũng đã bỏ hoang rất lâu rồi. Đống vỏ dừa dồn ứ ở góc lên rêu xanh lè. Mấy con cóc nhảy ra nhảy vào tuồng như không thấy sự hiện diện của con người. Mưa vẫn quất từng đợt không ngơi nghỉ, tiếc phiền xuống mái. Nếu lán sập thì sao? Dám lắm, lúc ấy thật chẳng vui vẻ gì, cả đoạn đường lèo tèo vài cây bàng chỉ có cái lán này khả dĩ có thể trú tạm. Tôi nhớ lần trước về còn cả dãy lán dài xếp cạnh nhau. Hay quốc lộ đã chuyển sang hướng khác. Lần gần nhất tôi về thị trấn là bao giờ…
    “Hay mình về lại thành phố đi. Em sợ…”.
    “Sợ…”.
    Tôi hỏi lại. Tay ôm mớ quần áo, sữa bỉm nặng trịch. Con bé nằm trong lòng mẹ gặp lạnh khóc thét lên. Tiếng khóc hòa tiếng mưa âm âm váng vất. Vội vàng, vợ tôi kéo áo lên cho nó bú. Ngày xưa, hẳn mẹ tôi cũng cho tôi bú thế. Chỉ có khác không có người đàn ông nào bên cạnh. Mình mẹ với cái bóng của mẹ trên tường. Mẹ chẳng phải người con gái Nam Xương để có thể nói dối tôi cái bóng trên tường là bố. Người con gái Nam Xương còn có hy vọng về người chồng đi lính trở về, mẹ tuyệt nhiên không, một chút cũng không. Ngay từ khi có nhận thức đầu tiên tôi đã biết mình chỉ có một mình, với mẹ, sự khuyết thiếu hiển nhiên được xem là bình thường.
    Giờ tôi về đây giữa cái không bình thường của thời tiết và sự cầu mong về một gia đình bình thường nơi thành phố. Tôi sẽ cắt khẩu vĩnh viễn đi khỏi đây chứ không còn tạm trú tạm vắng nữa để nhập khẩu vào thành phố khi đã có nhà. Tất cả đều được trù tính trước, đời sống của những đứa con tôi cũng sẽ khác. Tốt hơn nữa khi tôi chính thức là người phố, thuộc về phố. Rồi một năm tôi sẽ về Mơ Kây vài ba lần, việc cúng giỗ thực hiện giản tiện ở nơi tôi đang sống, trần sao âm vậy, bố mẹ đừng trách.
    Nhưng sau này con tôi hỏi quê nội, biết nói sao…
    * * *
    Chập tối chúng tôi cũng về được tới căn nhà nằm ở giữa thị trấn Mơ Kây, trên một chuyến xe ngựa có mui che. Con ngựa thả lọc cọc từng bước hòa lẫn với màn mưa đi mất gần hai tiếng cho một quãng đường chẳng dài. Nhưng biết làm sao được, ngựa, xét cho cùng cũng là phương tiện tốt nhất lúc ấy. Người xà ích là người tôi từng quen. Xưa tôi thường bám xe ông mỗi khi ông chở hàng hóa qua nhà. Đặc biệt, khi có rượu trong người, hứng lên ông cho lũ trẻ con đi một vòng xa. Chẳng ai biết ông từ đâu đến, quê quán đâu, những con ngựa lần lượt đi qua đời ông, ngựa chết nhưng người vẫn dai dẳng sống.
    “Nhìn nhận ra cậu ngay. Mưa quá thể, giờ lũ trẻ chẳng về thị trấn nữa”.
    “Ngày nào ông cũng ra ngoài đường thế?”.
    “Ngày nào…”.
    Vế sau câu nói của người xà ích tôi chẳng nghe rõ. Con bé có vẻ thích nhịp di chuyển của con ngựa nên không khóc nữa mà cười, đùa nghịch khanh khách. Đường trước mắt là những con đường xa lạ, mờ mịt mưa trắng tôi chẳng quen; người xà ích khi đi qua mỗi cái cây, ngôi nhà đều cố nhìn vào thật sâu để kiếm tìm cái gì đấy. Tôi thì không, vợ tôi càng không, chúng tôi chỉ mong về tới nhà thật nhanh. Sau đó có thể bật bếp nấu ăn, tắm rửa, nghỉ ngơi một chút. Tôi nhớ từ ngày mẹ mất mọi thứ trong nhà vẫn còn nguyên, từ bếp ga, chạn bát, xoong nồi, bát đĩa, cả chăn chiếu cũng được giặt sạch sẽ bọc túi bóng để trong tủ. Đáng nhẽ ra tôi phải đốt hết quần áo, chăn màn mẹ dùng đi rồi sắm đồ mới. Song tôi không làm thế, tôi nghĩ, cái chết của mẹ chỉ là một chuyến đi xa mà thôi. Một chuyến đi xa không về. Đúng ra nó sẽ phải được diễn đạt như thế. Điện nước tôi gửi tiền cho bà Hòa hàng xóm, thỉnh thoảng sang bật điện, lấy nước lên téc cho công-tơ nhảy vài số, thế là được.
    * * *
    “Bà ấy báo nay cô cậu về nên tôi đợi”.
    Bà Hòa hàng xóm bàn giao lại căn nhà cho chúng tôi rồi tất tả về. Tôi nửa tin nửa ngờ lời bà nói. Hình như người ở trong thị trấn lâu có mối liên hệ rất đặc biệt, khó cắt nghĩa rõ ràng. Tôi giục vợ vào nhà cho ấm. Sau đó phủi sạch bụi bẩn trên giường, lấy chăn chiếu, gối màn dọn chỗ cho con nằm. Trong lúc đó thì vợ tôi chờ người xà ích mang gạo, thịt, rau về. Trước lúc xuống xe cô ấy đã nhờ người xà ích mua giúp thực phẩm vì không biết chợ nằm hướng nào, trời lại mưa, đi tìm thật bất tiện, cô ấy không quen thị trấn này.
    “Chỉ có người quen thì quên”.
    Người xà ích nói bâng quơ, nhận tiền rồi quất roi cho ngựa phi nhanh về trước. Khi tôi tắm rửa xong ra thì gạo thịt đã sẵn sàng chờ nấu. Cũng may bếp ga vẫn hoạt động tốt. Tôi mồi, bật èo èo cả hai bếp đun nước, vừa uống vừa nấu, kể cả tắm nữa. Bình nóng lạnh mấy lần định lắp nhưng mẹ tôi lúc còn sống bảo không cần. Bà thích đun nước rồi múc từng gáo ra xô xách vào nhà tắm hòa cùng nước lạnh. Từ thời bố tôi mẹ cũng làm thế, luôn luôn đun sẵn một nồi nước to đợi bố đi làm ca về.
    * * *
    Chúng tôi đã chuẩn bị hết cho chuyến trở về, làm một cắt bỏ, đoạn tuyệt với quá khứ mà không được. Đêm ấy, trong căn nhà đã sống thời thơ ấu của mình tôi ngủ một giấc ngủ ngon lành không mộng mị. Vợ con tôi cũng thế. Con bé có vẻ thích sự tĩnh lặng mà nơi nhà thuê trong phố không có. Nhìn nụ cười lúc sáng sớm của nó, cộng với tiếng chim, các tia nắng nhỏ qua khe cửa hắt vào làm tôi tin tôi đã tìm được mình. Tôi là một người sinh ra nơi thị trấn Mơ Kây, một phần linh hồn ký ức tôi ký thác nơi đây. Giống một cái cây xanh tươi, khi đã phạt gốc thì chỉ còn lay lắt chờ chết với phần ngọn úa tàn…
    “Nhà mình cũng cần một chỗ thỉnh thoảng đi về”.
    Vợ tôi đẩy bung cửa cho nắng ùa vào. Hôm nay, tôi sẽ nhờ người xà ích đưa cả gia đình lên đỉnh đồi để viếng mộ cha mẹ. Sau đó, tôi sẽ nhờ riêng ông đưa tôi đến cửa hầm lò bỏ hoang nơi bố tôi đã đi vào mấy chục năm trước. Tôi sẽ đi vào, sẽ nhìn thẳng vào nơi đáng sợ nhất đối với tôi trong thị trấn. Trong tôi, giờ nó chẳng còn gì đáng sợ nữa.

Kết Thúc (END)
Đinh Phương
» Đất Mới
» Nắng Lên Ở Mơ Kây
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt