Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chuyện Một Người Con Gái Tác Giả: Bùi Anh Đức    
    Mùa mưa năm 1968, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 (Đông Nam Bộ) chúng tôi được lệnh về tăng cường cho chiến trường Tây Nam Bộ.
    Về đến Tây Nam Bộ, Trung đoàn 3 chúng tôi mang tên mới: Trung đoàn 2 (gọi tắt là Đ2). Sau một thời gian hoạt động, Trung đoàn 2 kết nghĩa với Hội Phụ nữ Tây Nam Bộ. Khoảng thời gian từ năm 1968 đến năm 1975, một bộ phận cơ quan của Hội Phụ nữ Tây Nam Bộ đóng ở ngọn kênh 15 xã Biển Bạch, huyện An Biên, sát mé rừng U Minh Thượng. Lúc đó cơ quan Hội chỉ có hơn 10 người gồm: má Mười, chị Tư Xô, chị Năm Liễu, chị Tư Trang, chị Bảy Thiện; các em Bảy Tứu, Út Thơ... và Năm Hạnh. Hồi đó, là trợ lý chính trị của Trung đoàn đảm nhiệm công tác dân, địch vận, nên mỗi khi vào chiến dịch, tôi đều phải đến Hội để bàn kế hoạch phối hợp tác chiến. Dần dà, tôi trở thành người gần gũi với má, các chị và các em. Hơn nữa tôi là người miền bắc, nên mọi người rất quý mến. Mọi người ở Hội coi tôi như người nhà, gặp bữa thì sà vào ăn; áo rách thì cởi ra các em vá lại cho... Cả cơ quan quý tôi đến mức, có lần má Mười bảo: “Thằng Út ưng đứa nào trong Hội, tao gả cho. Xem ra con Năm (Năm Hạnh) nó thương mày đó nghe!”.
    Mỗi lần như vậy, Năm Hạnh tỏ ra thẹn thùng, nhìn tôi trìu mến. Tôi cũng cảm thấy lòng mình xao xuyến. Có một lần, bàn công việc xong tôi ra bờ kênh nhảy lên chiếc xuồng be bẩy có sẵn mái chèo. Tôi vừa đẩy tay chèo định quay đầu xuồng thì dây lèo bị đứt. Mất đà, tôi ngã nhào xuống nước, ướt sạch. Năm Hạnh đứng trên bờ nhìn thấy cười ngặt nghẽo, rồi chạy lại nắm lấy tay tôi kéo lên bờ. Bỗng em thốt lên:
    - Tay anh sao vầy nè?
    Thì ra khi tôi bị té xuống nước, một cánh tay đã va phải cái cọc, nên bị chảy máu. Hạnh rất xót xa. Em lấy nắm thuốc rê trong túi áo tôi đắp lên vết xước, rồi kéo cái khăn rằn đang quàng ở cổ xuống, xé ra băng lại. Hạnh nhìn tôi với ánh mắt rất lạ. Hai đứa chúng tôi thật sự có tình cảm với nhau từ đấy. Có lần Năm Hạnh bảo rằng, quê em ở Rạch Lùm, huyện Mười Tế, tỉnh Cà Mau. Ba má Hạnh đều làm rẫy (trồng khóm). Bao giờ kháng chiến thắng lợi, Hạnh sẽ mời tôi về thăm quê em. Hỏi về hoàn cảnh gia đình, Hạnh rất thương khi biết tôi chỉ còn mẹ già ở ngoài bắc, đang tháng ngày ngóng tin con ở chiến trường.
    Mùa khô năm 1972, đơn vị tôi lên hoạt động ở khu vực rạch Cái Nai, thuộc huyện Long Mỹ, Cần Thơ. Đánh hơi thấy lực lượng của ta, địch xua quân càn quét vào vị trí đóng quân của Trung đoàn. Địch dùng pháo ở các chi khu quanh vùng bắn vào đội hình của Trung đoàn bộ, sau đó dùng máy bay lên thẳng đổ quân, phối hợp với xe lội nước M113 đánh vào trận địa ta. Vì phía trước trận địa ta có một cái lùng sình lầy rộng vài trăm mét, nên địch không thể vượt qua được mà chỉ dùng hỏa lực các loại bắn vào. Trong công sự của tôi lúc này là một cán bộ đã đứng tuổi. Nghe anh Bảy Sa - Chính ủy Trung đoàn nói: Đó là bác Tư - Bí thư Huyện ủy. Biết là địch sẽ càn vào căn cứ của Huyện ủy nên các bác tạm lánh sang ở với Trung đoàn.
    Đạn địch bắn mỗi lúc một rát. Những cây dừa bị đạn pháo tiện ngọt, đổ rầm rầm quanh hầm. Thấy tôi đứng ở miệng hầm quan sát, ông Tư giục: Vô đi con, đứng ngoài nguy hiểm lắm!
    Trời tối, địch rút ra co cụm ngoài đồng trống. Tôi và bác Tư ra khỏi hầm. Bỗng ông Tư hỏi: Cháu là Út Đức phải không?
    - Dạ phải. Sao bác biết tên cháu ạ?
    - Con Năm... À mà thấy Bảy Sa nói vậy.
    Tối hôm đó, trong bữa cơm dã chiến, anh Bảy Sa hết nhìn tôi rồi nhìn về phía ông Tư, mỉm cười khó hiểu.
    Tháng 8-1974, Sư đoàn 4 (Quân khu 9) được thành lập. Sư đoàn gồm Trung đoàn 2, Trung đoàn 10, Trung đoàn 20 và một số đơn vị trực thuộc. Buổi sáng trước ngày thành lập một ngày, khoảng 9 giờ thấy không có máy bay địch quần đảo, chúng tôi rủ nhau ra sông Nước Trong tắm. Vì toàn là lính nên chúng tôi tắm “bài hai”. Đang khoan khoái ngâm mình trong dòng nước trong mát, chúng tôi thấy một chiếc xuồng máy từ bờ bên kia rẽ nước lao sang. Trên xuồng là mấy chị phụ nữ. Và người cầm lái lại chính là Năm Hạnh. Nhận ra tôi, Hạnh che miệng cười, rồi tăng ga đưa chiếc xuồng trườn lên bến cho các chị bước xuống. Thì ra, đơn vị mời Hội Phụ nữ miền Tây - đơn vị kết nghĩa, đến dự ngày thành lập sư đoàn.
    Lâu ngày gặp lại, chị em tay bắt mặt mừng, nói cười ríu rít. Chị Tư Trang xoa đầu tôi rồi nói: Nom cậu Út hồi này rắn rỏi hẳn lên. Vậy mà bữa nọ, nghe có người của Trung đoàn tên là Đức hy sinh, con Năm nó tưởng là em, khóc ròng mấy ngày, sưng húp mắt!
    Năm Hạnh đứng phía sau chị Tư nghe vậy liền chống chế: Đâu có! Liên quan gì đến anh Út mà khóc.
    Vừa nói, Năm Hạnh vừa nhìn về phía tôi với ánh mắt tràn đầy hạnh phúc.
    Chiều hôm đó, Năm Hạnh đến chỗ tôi. Hai chúng tôi rủ nhau đến ngồi dưới gốc cây dừa lão bên bờ sông Nước Trong. Nước sông đang lớn dòng. Không gian yên tĩnh quá. Tôi nghe rõ cả tiếng cá quẫy dưới đám lục bình. Sau giây phút ngượng ngùng, Hạnh bảo:
    - Lâu nay sao không tin tức gì cho em? Bộ hổng nhớ à?
    - Đâu có! Đánh giặc tối ngày, lúc nào mà viết thư.
    - Đùa vậy thôi. Em hiểu Út mà. Lần này em đưa các chị lên đây là để gặp anh, báo với anh việc này… Em sắp phải xa anh một thời gian dài đấy!
    - Em đi đâu mà dài?
    - Em được các bác bên Khu ủy cho ra bắc học.
    Tôi thất sự bất ngờ.
    - Chừng nào thì em đi?
    - Khoảng cuối tháng 9.
    - Trước khi đi em có định về Rạch Lùm chào ba má và gia đình không?
    - Có chứ!
    Như chợt nhớ ra điều gì, Năm Hạnh quay sang tôi nói như reo:
    - Ba biết anh rồi đó! Hôm rồi trên đường xuống Cà Mau, ba có ghé qua thăm em. Ba nói là đã gặp thằng Út rồi. Ổng có vẻ quý anh lắm!
    - Anh gặp ba khi nào đâu?
    - Ở chỗ chú Bảy Sa, hôm chống càn đó. Ba còn bảo: Thằng Út Đức được lắm. Nghe nói nó đang học đại học gì đó thì đi bộ đội, rồi vô trong này chiến đấu mà.
    - Em thưa với ba: Dở ẹc ba ơi! Tướng mã đó hổng biết làm ăn gì đâu!
    Nói rồi Hạnh ngả đầu vào vai tôi nũng nịu. Bây giờ tôi mới hiểu cái cười khó hiểu của anh Bảy Sa hôm nào. Im lặng hồi lâu, em nói giọng trầm hẳn xuống:
    - Em ra ngoài bắc học những bốn năm! Nếu ở trong này anh có mệnh hệ gì chắc em không sống nổi quá!
    - Thui cái mồm em đi!
    Hạnh vòng tay ôm lấy lưng tôi. Em nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:
    - Út biết không, em thương anh nhiều lắm!
    Nói rồi, Hạnh ngẩng lên:
    - Anh cho em địa chỉ để ra ngoài đó còn tìm về thăm má và gia đình.
    Tôi ghi địa chỉ gia đình tôi vào mảnh giấy rồi đưa cho Năm Hạnh. Tôi dặn em:
    - Về mùa đông ngoài quê lạnh lắm, em nhớ đem theo áo ấm nghe!
    - Em nhớ rồi! Lạnh thì em sẽ ngủ với má, ôm cho ấm chứ sợ gì!
    Tôi nắm bàn tay mềm mại của em, mà trong lòng dậy lên một nỗi xót xa. Năm tháng làm công tác binh vận, rồi xây dựng cơ sở trong vùng địch kiểm soát rất căng thẳng, khiến cho em ốm và nước da lúc nào cũng mai mái.
    Bỗng Hạnh ôm ghì lấy tôi, cắn vào vai tôi một cái thật đau, rồi em đứng dậy:
    - Em đánh dấu đó nghe! Nhớ bảo trọng. Hòa bình nhớ về Rạch Lùm, hai đứa làm rẫy cùng ba má nghe anh.
    Nói rồi, Hạnh vừa lau nước mắt, vừa đi như chạy về phía lán của các chị.
    Tôi không ngờ đấy lại là hình ảnh cuối cùng của Hạnh trong tôi...
    Đầu tháng 10-1974, Năm Hạnh cùng hơn chục cán bộ trẻ, theo đường giao liên để ra miền bắc. Đêm thứ mười, sau khi vượt qua cánh đồng mênh mông nước và cỏ dại ở vùng Long An, chuẩn bị vào đất Cam-pu-chia thì đoàn lọt vào ổ phục kích của địch. Cả đoàn có mười hai người, chỉ còn bốn người thoát chết. Hạnh bị thương rất nặng, được đưa về trạm quân y nhưng không qua khỏi.
    Sau này, tôi nghe các chị ở Hội Phụ nữ nói lại như vậy.
    Hòa bình, tôi trở về bắc, tiếp tục đi học và ra công tác. Tôi luôn mang hình ảnh người con gái miền Tây mà mình rất yêu quý, trân trọng. Năm 1978, tôi tìm về Rạch Lùm để tìm gặp ông Tư. Hỏi thăm người dân ở đây, người ta nói ông Tư hiện ở Cần Thơ.
    Theo địa chỉ mà bà con Rạch Lùm chỉ dẫn, tôi tìm được nhà ông Tư. Đó là ngôi nhà xây ba gian ẩn mình trong vườn dừa vùng ngoại ô thành phố. Vừa nhận ra tôi, ông xỏ vội đôi dép rồi đi về phía tôi:
    - Trời đất, vô hồi nào vậy Út?
    Ông nhìn tôi từ đầu đến chân:
    - Ba biết con thế nào cũng quay trở lại (ông xưng ba với tôi). Từ ngày con Năm hy sinh, đã mấy lần ba sang bên Hội Phụ nữ để hỏi tin tức về con, đặng trao kỷ vật này của con Năm, nhưng các đồng chí đều không nắm được.
    Sau phút xúc động, ông kéo tôi vào nhà rồi lần tìm chìa khóa mở tủ. Ông Tư đã già đi nhiều so với trước: Mái tóc trắng phau, cử chỉ chậm chạp. Ông đã nghỉ hưu sáu năm nay rồi. Ông lấy từ trong tủ ra một cuốn sổ tay mầu nâu - cuốn nhật ký của Năm Hạnh đưa cho tôi:
    - Đây là kỷ vật mà sau khi con Năm hy sinh, các anh ở đơn vị quân y đem đến cho ba. Bây giờ ba giao lại cho con.
    Tôi lần mở từng trang cuốn nhật ký. Nhiều trang đã ố vàng. Hầu như cái tên của tôi rải đều trong các trang nhật ký.
    Tôi để ý đến trang ghi ngày 27 tháng 9 năm 1974: “Chỉ còn ít ngày nữa là mình sẽ gặp mẹ anh ấy! Biết nói gì với mẹ đây? Thôi mình cứ nói đại rằng: Con là vợ chưa cưới của anh Út. Hòa bình chúng con sẽ về bên mẹ. Mình nói giọng Nam Bộ chắc mẹ và mọi người thương yêu mình lắm...!”.
    Nước mắt tôi trào ra, rơi lã chã trên trang nhật ký. Và tôi chợt cảm thấy đau nhói từ vết cắn của Hạnh hôm nào trên vai mình!

Kết Thúc (END)
Bùi Anh Đức
» Chuyện Một Người Con Gái
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Hoa Học Trò
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop