Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mai Cứu Tinh Tác Giả: Trần Quang Khánh    
    Ở cái làng Lộc An này, hầu như người nào cũng biết đến cội mai già ở nhà ông Dung, bởi nó chứa đựng câu chuyện có phần huyền bí của cuộc đời ông, được truyền miệng qua nhiều thế hệ…
    Như nhiều thanh niên lớn lên ở miền nam thời đất nước còn chia cắt, học chưa hết tú tài, ông Dung phải đăng lính. Suốt những năm tháng đóng quân trong rừng sâu núi thẳm, tự lúc nào ông bị hút hồn theo những dáng đá, dáng cây lạ lẫm, nhiều lúc đồng đội phải nhắc, ông mới giật mình bước tiếp.
    Cuối mùa xuân năm đó, tiểu đội ông được lệnh hành quân lên một điểm chốt cao. Khi hành quân qua đồi, cả tiểu đội lạc vào một rừng mai vàng như bất tận. Ông Dung cứ thẫn thờ nhìn những cành mai khoe sắc, những dáng mai khi thì mạnh mẽ vút thẳng vào trời xanh khi thì yểu điệu thả cành buông lơi. Và khi ông đang mê mẩn bên một cội mai già oằn mình qua vách đá, soi bóng xuống dòng suối trong vắt cũng là lúc ông nghe những loạt đạn nổ chói tai. Tiểu đội của ông đã rơi vào ổ phục kích, không còn ai sống sót…
    Đêm ấy, bên cội mai già, ông chập chờn thức ngủ, nước mắt cứ tuôn trào…
    Ông thoát chết trong trận phục kích ấy và lắt lay qua bao nhiêu trận mạc, cho đến ngày đất nước ngưng tiếng súng…
    Hòa bình lập lại, ông trở về làng Lộc An quê hương, sống bên thửa ruộng luống cày, song nỗi ám ảnh về một thời cầm súng, về trận phục kích ở rừng mai năm nào vẫn cứ hiển hiện trong từng giấc mơ, đêm đêm.
    Một ngày, ông quyết định tìm về lại nơi trận phục kích năm xưa. Và thăm lại cội mai già đã cứu ông thoát chết. Với ông, nó đã là vị cứu tinh. Hành trang ông mang theo là mấy bộ đồ, cơm đùm cơm vắt và mấy thẻ nhang.
    Gần hai mươi năm trôi qua, cánh rừng mai bạt ngàn ngày ấy đã bị giới sành chơi cây kiểng khai thác sạch sành sanh. Ông lần tìm đến vách đá bên bờ suối. Mắt ông chợt sáng lên khi thấy cội mai cũ vẫn còn đứng nguyên đấy, cái đọt cây như càng oằn xuống, già nua, khắc khổ. Nó thoát khỏi sự truy tầm của đám người chuyên khai thác cây cảnh có lẽ vì nằm giữa kẹt đá, rất khó khăn cho việc đào bứng. Ông Dung quyết định tìm mọi cách di trú cây mai. Ông thắp hương vái linh hồn đồng đội, cắm khắp nẻo rừng; vái thần linh, thổ địa xin phép được di trú cây mai. Ông trở về nhà và vài hôm sau trở lại rừng mai xưa cùng những thợ đục đá, thợ khai thác cây cội giỏi nhất vùng.
    Sau nhiều nỗ lực, ông đã di trú thành công cội mai kỷ vật.
    Được chăm sóc, uốn tỉa, cội mai đã ra dáng văn nhân, mảnh khảnh nhưng không yếu ớt. Thân cây khúc khuỷu, tán cành không bị câu thúc, gò bó khiến người ta nhìn vào đều thấy rõ vẻ trầm tĩnh nhưng lại tràn đầy sức sống…
    Một đồn năm, năm đồn mười, cội mai già của ông Dung dần trở nên nổi tiếng ở cái xứ sở mai nổi tiếng nhất nước này...
    
- o O o -

    Khi bước qua tuổi thất thập, điều buồn lo nhất của ông Dung là ai sẽ thay ông chăm sóc cho cội “Mai cứu tinh” này.
    Vợ mắc bệnh hiểm nghèo rồi bỏ ông ra đi vĩnh viễn khi mụn con gái vừa được mười tuổi. Mình ông chèo chống nuôi con. Giờ thì Quyên, con gái ông cũng đã trưởng thành. Tài sản còn lại trong những năm tháng tuổi già khiến ông bận tâm nhất là đứa con gái và cội mai quý. Quyên thông minh, xinh xắn được ông nuôi dạy, cho ăn học tử tế chắc rồi sẽ có một tương lai tốt đẹp… Ông chỉ lo cây mai khi ông ra đi cũng sẽ không còn. Đã có lúc ông nghĩ sẽ dặn con gái đem cội mai quý ấy trồng bên mộ ông khi ông qua đời. Lại nghĩ, sẽ không ai tưới tắm, chăm sóc thì nó sẽ bị chết khô, hoặc bị những kẻ hám tiền bứng trộm mang đi bán…
    Nhưng giao cho con gái chăm sóc ông lại không yên tâm. Quyên không yêu thích việc chăm tưới cây cối như ông. Dẫu từ nhỏ ông đã cố truyền dạy cho con tình yêu thiên nhiên. Ông thường bảo với Quyên: “Con không biết yêu vẻ đẹp của cỏ cây, không biết chăm sóc nó thì cũng khó trở thành người thiện lương…”. Nhưng ông nói gì thì nói, con gái ông có vẻ chỉ thích cây chứ bảo chăm chút cây như ông thật khó. Nhiều lần ông xa nhà mấy ngày và đã dặn dò kỹ nhưng khi trở về thì vườn cây héo úa hoặc vì tưới sót hoặc chỉ được tưới qua loa…
    Càng về già ông càng thấy cô đơn, chỉ còn mỗi cội mai để bầu bạn. Cứ tầm bốn giờ sáng là ông đã thức dậy, pha bình trà ra ngồi trước hiên đốt thuốc ngắm mai. Tàn xuân, khi những cánh mai vàng cuối cùng rụng xuống thì lộc biếc lại hừng lên, rồi chuyển biếc nõn sang xanh thắm. Đầu đông lá chuyển thâm vàng chờ trút xuống đất để trơ lại bộ khung xương cốt với lấm tấm những nụ trắng. Với ông, cội “Mai cứu tinh” đẹp bốn mùa với những vẻ đẹp khác nhau. Này cái bộ đế từng bám vào hốc đá Trường Sơn tạo nên hình thù cổ quái, không ngày nào ông không sờ đến khiến da nó nhẵn thín đến từng chiếc rễ trồi. Này là cái thân cốt xù xì đầy những u nứt, quặn thắt, trông mảnh mai mà mạnh mẽ…
    Ngày nào ông Dung cũng quanh quẩn bên cội “Mai cứu tinh”. Khi thì dùng bàn chải nhỏ chải bỏ từng lớp địa y, khi thì lấy nước rửa sạch sâu bọ trên từng phiến lá nên cội mai luôn tràn trề sức sống trong cái dáng vẻ trầm mặc, cổ kính. Cây mai cũng như hiểu được tấm lòng ông, năm nào hễ Tết đến là nó lại bung hoa vàng rực làm cho ngôi nhà vốn u buồn vì vắng người của ông trở nên tươi tắn, sinh động suốt cả mùa xuân. Đó cũng là lúc nhà ông rộn rã đón khách đến thưởng mai. Nhiều vị khách muốn được sở hữu cây mai quý bảo ông ra giá. Trong số khách hỏi mua có ông Quý ở huyện bên là người mà ông cho là “lì lợm” nhất. Ông Quý cũng thuộc giới sành chơi mai, bảo: “Ông muốn bao nhiêu cứ nói, tôi mua được hết!”. Nhưng ông Dung chỉ cười và lắc đầu: “Nó là kỷ vật của tôi, xin các ông đừng nói chuyện bán mua”.
    Qua các lần trò chuyện, ông Dung biết được ông Quý là cán bộ “nhảy núi”, chồng cô Liễu ở thị trấn…
    
- o O o -

    Tò mò vì quyết tâm chiếm hữu cây mai của ông Quý, ông Dung cố suy đoán. Ông nhớ lại, trước ngày hành quân qua rừng mai, ông cùng vài người bạn trong tiểu đội có ghé quán rượu của cô Liễu. Cô Liễu xinh đẹp và có đôi mắt đong đưa làm đắm say đám lính đồng đội của ông. Rượu vào lời ra. Hôm ấy ông Dung và đồng đội uống khá nhiều… Nhưng ông không nhớ là chính ông hay đồng đội ông đã tiết lộ điều gì về cuộc hành quân đó…
    Sau ngày đất nước thống nhất, cô Liễu trở thành vợ ông Quý. Ông Dung đã lờ mờ hiểu ra nguyên nhân của cuộc phục kích làm cả tiểu đội ông bị diệt gọn ở rừng mai…
    Rồi ông xác quyết, cội “Mai cứu tinh” của ông có liên quan đến cuộc đời ông Quý! Biết vậy ông càng cố giữ cội mai.
    Nhưng giờ thì ông đã già thật rồi, ông biết ngày tháng với ông bên cội “Mai cứu tinh”, bên đứa con gái mà ông yêu chiều rất mực không còn nhiều nữa…
    
- o O o -

    Và rồi cái ngày chờ đợi của ông đã đến.
    Đứa con gái sau khi đã ổn định công việc ở một xí nghiệp sản xuất thuốc tân dược đã đưa bạn trai về giới thiệu với ông. Cậu ta tên Hân, làm trong một cơ quan nhà nước ở huyện bên. Nhìn vẻ ngoài của Hân, ông Dung tỏ ra hài lòng. Nhưng khi trò chuyện về gia đình, mặt ông cứ tái dần. Hân chính là con trai của cô Liễu, ông Quý.
    Thật là oan gia ngõ hẹp!
    Ông thấy thương con gái nhưng bản thân ông cũng khó chấp nhận cuộc hôn nhân này. Ông hình dung một đám cưới giáp mặt ba con người là ông, ông Quý và bà Liễu. Rồi những cuộc gặp gỡ sui gia sau này… Chắc chắn đó là những cuộc giáp mặt sượng sùng với những câu chuyện đưa đẩy sáo rỗng, dù cuộc phục kích đã chìm sâu vào ký ức kia chưa có ai mở lời...
    Trong khi ông còn chưa nói điều gì với con gái, thì đã nghe phía đằng trai phản ứng dữ dội về cuộc hôn nhân.
    Ông Quý nói với con trai rằng “Gia đình mình là gia đình cách mạng, không thể kết sui gia với con nhà lính ngụy”…
    Nghe ba mình nói vậy, Hân kịch liệt phản đối: “Đó là chuyện của người lớn, chúng con không có tội tình gì cả…”. Ông Quý cũng rất quyết liệt: “Nhưng đó là tương lai của con. Con biết đó, lấy nó rồi đời con sẽ chẳng nên cơm cháo gì!”…
    Thực bụng ông Dung cũng không ủng hộ cuộc hôn nhân này. Ông từng mơ ước con rể ông phải là đứa hiền lành, biết yêu thương con gái mình và yêu cây cỏ, để ông có thể yên lòng gửi gắm những thứ mà ông coi là quý giá nhất đời mình.
    Tình yêu của Hân và Quyên càng sâu đậm càng làm nặng nề thêm không khí ở cả hai phía gia đình.
    
- o O o -

    Đến một ngày, Hân đưa Quyên về nhà và nói với ông Quý:
    - Con quyết định lấy Quyên làm vợ, mong ba mẹ chấp thuận.
    Ông Quý giận tím mặt:
    - Nếu mày muốn vậy thì bước ra khỏi nhà tao! Tao không chấp nhận…
    - Chúng con đã lớn, ba mẹ hãy để chúng con tự quyết định cuộc đời mình…
    Và Hân đã xin thôi việc ở cơ quan, bỏ nhà ra đi…
    Nửa năm sau, Quyên cũng gạt nước mắt xin phép ông Dung đi xa.
    Họ đi về phía cao nguyên…
    Thỉnh thoảng, Quyên lại trở về thăm cha nhưng Hân thì không thể vì ông Quý rất quyết liệt từ khước giọt máu của mình!
    
- o O o -

    Sống trong cô độc và buồn nản, mấy năm sau thì ông Dung ngã bệnh. Ông nhắn con gái về trước phút lâm chung…
    Chuyến về thăm cha không chỉ có mình Quyên. Gia đình nhỏ của cô giờ đã có thêm đứa con trai năm tuổi. Họ quây quần bên giường bệnh ông Dung. Hân nắm lấy tay ông Dung, run run:
    - Con xin lỗi cha. Chúng con đã không thể làm hai bên cha mẹ vui lòng. Nhưng con hứa sẽ bảo bọc, chăm sóc Quyên. Chúng con sẽ sống hạnh phúc, cha à!
    Ông Dung đưa đôi mắt mờ đục nhìn sâu vào mắt của chàng rể bất đắc dĩ:
    - Cha mất đi chỉ có hai điều gửi gắm cho con. Đó là con Quyên và cội “Mai cứu tinh” của cha. Cha gọi nó như vậy vì chính nó đã cứu sống cha qua chiến tranh. Con hãy cố chăm sóc thật tốt như cha đã làm.
    Dù không hiểu cây mai đã cứu ông Dung thoát chết như thế nào, nhưng Hân vẫn nắm chặt lấy bàn tay cha vợ:
    - Cha yên lòng. Con hiểu và sẽ làm theo ý cha.
    Ông Dung đã trút hơi thở cuối cùng đầy thanh thản!
    Trong buổi lễ thành phục, Quyên cắt một dải băng đen đem cột trên đọt cội “Mai cứu tinh”. Kỳ lạ thay, cây mai dẫu được tưới tắm đầy đủ nhưng lá nó cứ héo dần và trút sạch xuống đất khi quan tài của ông Dung rời nhà, đi về phía nghĩa trang…
    Lo hậu sự cho cha xong, vợ chồng Hân quyết định đưa cây “Mai cứu tinh” lên cao nguyên. Nơi đó gia đình nhỏ của anh đã xây được ngôi nhà có vườn cây xinh xắn.
    Được sự chăm sóc tích cực của Hân, cây mai dần trở lại tươi tốt trên vùng đất mới. Nhưng không biết vì không hợp thổ nhưỡng hay còn vì điều gì khác mà mấy năm liền “Mai cứu tinh” chưa bao giờ cho hoa đúng vào dịp Tết…
    
- o O o -

    Nghĩa tử là nghĩa tận, dù ông Quý có khắc nghiệt đến như thế nào với con trai thì Hân cũng đưa gia đình mình trở về chịu tang khi ông đã nhắm mắt xuôi tay…
    Mấy ngày lo hậu sự cho ông Quý, Hân chợt phát hiện ra trong vườn cây cảnh của cha mình cũng có một cội mai già. Dáng cao lênh khênh của nó rất đơn độc giữa vườn cây bon-sai thấp tè. Hân nảy ra ý định đưa cây mai này lên cao nguyên để chăm sóc, coi như một lời tạ lỗi khi đã không thể làm vừa lòng cha mình lúc sinh thời.
    Kỳ lạ thay, khi Hân hạ đặt cây mai của cha mình bên cạnh cây mai của cha vợ thì trở thành một cặp mai rất xứng. Dẫu mỗi cây một dáng thế khác nhau nhưng lại tương hợp từ chiếc lá đến độ già, mốc của da cây. Hân gọi cặp cây là “Mai ông ngoại” và “Mai ông nội” theo cách con trai gọi!
    Hân nói với con trai:
    - Đây là hai cây mai quý của ông nội và ông ngoại. Từ nay ba con mình sẽ cùng nhau chăm bón cho chúng, con nhé. Ba giao cho con việc tưới nước hằng ngày, ba sẽ lo việc cắt tỉa, chăm chút!
    Con trai của Hân hồn nhiên đáp:
    - Dạ, con biết rồi!
    Dù nó chưa hề biết có điều bất hòa giữa hai người ông của nó trong quá khứ.
    
- o O o -

    Giáp Tết, Hân về quê đưa mẹ lên cao nguyên ăn Tết cùng con cháu.
    Lần đầu tiên cây “Mai cứu tinh” đã nở hoa đúng vào dịp Tết, cả cây “Mai ông nội” cũng đồng thời bung hoa rực rỡ.
    Bà Liễu suốt ngày cứ thơ thẩn nhìn hai cây mai vàng rực, nước mắt rưng rưng. Bà quyết định ở lại chơi cùng con cháu đến hết mùa xuân, cho đến khi nụ mai cuối cùng trên hai cây mai bung nở và rụng xuống!

Kết Thúc (END)
Trần Quang Khánh
» Mai Cứu Tinh
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Hoa Học Trò
» Người Dưng Làm Má
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop