Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Rừng Hát Tác Giả: Sưu Tầm    
    Ngôi làng lạc giữa thung sâu, chỉ có cây rừng, tiếng suối, tiếng lá, chỉ có những bước chân của con thú mới tới được. Người dân ngày xưa phải vượt cả ngày đường rừng mới ra được thị trấn, ra được nơi để trao đổi hàng hóa. Mà gọi là trao đổi, buôn bán nhưng bà con làng Kông cũng chả có gì để trao đổi ngoài con gà, con heo nhà nuôi, nắm rau rừng hay vài con rùa suối.
    Nhưng vẫn thích được đi chợ cùng nhau để ngó nghiêng, xem xét hàng hóa. Cái đèn nhỏ tí mà để phơi ngoài nắng, tối về nó sáng trưng cả nhà, không cần phải máy phát điện đâu, cái xe nó chạy bằng xăng, nó chở người khỏe lắm, chạy nhanh hơn con bò rừng nữa, áo quần thì nhiều và đẹp, chăn ấm sờ vào mướt cả tay. Nhưng chỉ nhìn, chỉ xem vậy thôi, chứ bà con chỉ mua được ít cá khô, lòng lợn, muối, bột ngọt đem về để gác bếp ăn dần, còn lại ít tiền nữa thì mua cho mình và trẻ con cái bánh để ăn cho đỡ thèm. Ðàn ông thì mua rượu, rượu của người Kinh uống đau đầu lắm, không ngon ngọt như rượu cần. Nhưng nó rẻ, nhanh say, đàn ông uống xong hư lắm, nhưng vẫn thích uống.
    Chỉ ít lâu sau, làng trở mình. Cái xe mạnh như con cọp, nhanh như con ngựa, lác đác vài người có, rồi dần dần đông lên. Ðàn ông, trẻ trai trong làng bắt đầu biết lái cái xe để chở gỗ, chở thú, chở hàng đi bán. Dân làng Kông biết đến cái cưa máy để cưa cây rừng nhanh và khỏe hơn nhiều so với cái rìu, cái rựa, biết cưa cây nào thì có nhiều tiền để cưa, biết săn thú lớn, thú bé, nhưng không để chia về trữ trong gác bếp nữa, biết lấy phong lan trên cây cao, biết hái quả say trong rừng sâu… tất cả mọi thứ có sẵn trong rừng đều đem ra bán được cả. Dân làng vui mừng lắm, của rừng thì sẵn đấy, chỉ cần chịu khó đi cưa cây rừng, săn thú lớn là có tiền để mua xe, mua đèn, mua quần áo hết thôi, không phải làm rẫy vất vả nữa.
    Blup nhìn lại, làng đã phát triển hơn, không còn như ngày Blup ra tỉnh học nữa. Mới hơn hai năm mà mọi thứ thay đổi rõ rệt. Blup là con của làng Kông, người con duy nhất học được hết lớp 9 và được ra tỉnh để học trung cấp lâm nghiệp. Ngày Blup bước chân đi, con đường làng còn lầy lội, chỉ có đất, có cây chen lối, chân người phải rẽ ra mới có lối đi. Vậy mà giờ trở về, cây đã vơi hết, làng Kông trơ ra dưới nắng. Cái rẫy cũng chẳng cho nhiều bắp, nhiều lúa nữa, nhưng làng lại có nhiều xe hơn, có đường to hơn rồi. Mới nhận công tác tại khu bảo tồn, nhưng Blup đã nhanh chóng biết được cái khó của khu bảo tồn. Dân làng Kông không ưa cán bộ kiểm lâm vì cán bộ cứ bắt gỗ, bắt con thú dân làng đem bán, đấy là chưa kể, dân làng còn thấy một số cán bộ cứ bắt của dân, rồi lại đem thú rừng về nhậu, đem gỗ về nhà để cất, dân làng biết, rừng của mình, mình lấy được thì cũng phải cho cán bộ được ăn với. Ðến lúc cán bộ Tri về, nó không lấy thú, nó không lấy gỗ nhưng nó cũng không cho người dân lấy gỗ, không cho người dân săn thú lớn nữa là không được. Blup biết Tri là người tốt, nhưng làm sao để dân làng và Tri có thể hiểu nhau thì Blup không nói được. Blup hiểu, rừng rồi cũng cạn dần thôi, bởi cái chân đi tuần tra rừng không còn gặp nhiều dấu thú, cái cây to cùng ít dần đi, phải đi, đi nữa, đi vào sâu tuốt thì mới gặp được.
    - Rừng là của Yàng cho để dân làng Kông sinh sống, cái ăn cũng ở đó mà ra, cái mặc cũng ở đó mà có, nhà lớn, nhà nhỏ cũng lấy từ rừng mà dựng. Thịt con thú treo gác bếp, rau ở trong rừng, chỉ có bắp, chỉ có gạo là mình phải trồng lấy, chỉ có vải là mình phải dệt thôi. Vậy mà giờ, dân làng Kông đem bán hết cho bọn thằng Tăng, thằng Ðiền, bếp không còn thịt thú mà treo, rừng gần cũng không còn cây mà chặt. Muốn lấy cái ăn, phải đi sâu, đi sâu tuốt nữa mới đến chỗ có cái ăn, cái con thú lớn không còn, cái con thú nhỏ cũng ít, chỉ còn lá cây để mà ăn. Nay mai sẽ đói mất, muốn không đói thì phải dời làng vào sâu trong chỗ có cây lớn, có thú lớn thôi.
    - Không được đâu già ơi! Càng đi, lại càng vào sâu tuốt trong lõi rừng, lại chặt cây phá rừng là sai chính sách của Nhà nước đấy.
    - Thằng Blup, mày ăn cơm Nhà nước, mày có tiền Nhà nước nuôi nên mày không quan tâm đến dân làng nữa, đúng không? Ðây là đất của ông bà tổ tiên để lại, làng ta muốn đi đến đâu chẳng được, mày mặc áo Kiểm lâm rồi, mày định vào hùa với Kiểm lâm để giành đất với làng mình sao?- Tiếng già Khưi đanh lại. Blup cố gắng sắp xếp lại đám chữ trong đầu cho nó có lý, nói với người già phải có lý người già mới nghe được. Nhưng cái lý của Blup vẫn chưa đủ để thuyết phục được người già, mai Blup sẽ mời thêm anh Tri xuống để thuyết phục người già thôi.
    Tri là Giám đốc khu bảo tồn, anh xuất thân là kỹ sư lâm nghiệp, con nhà nông chính gốc, đã từng lăn lộn nhiều nơi trước khi về khu bảo tồn. Anh hiểu được, đối với người nông dân, đất có tầm quan trọng như thế nào, đó không chỉ là nơi để ở, là tư liệu sản xuất, còn là tình yêu, sự gắn kết của người dân đối với quê hương. Thế nhưng, đối với nhiệm sở mới, nơi bốn bề đều là rừng, người dân ở nơi đây lại có thói quen du canh du cư, cứ đốt rừng làm nương, làm rẫy được một thời gian, đất bạc màu lại dời làng đi tiếp. Mà bây giờ, theo chính sách mới của khu bảo tồn, để bảo vệ rừng thì chính cán bộ sẽ lâm vào thế đối đầu với người dân, sẽ bị người dân coi là kẻ cướp đất. Chính vì thế, công tác đầu tiên được Tri quan tâm đó chính là công tác dân vận, phải xuống làng, phải bám làng để vận động bà con thôi.
    Mới đầu tối, nhà rông làng Kông đã chật người lớn người bé đến rồi, nay phải họp mà. Họp chuyện quan trọng lắm, chuyện của làng, nên nhà nào cũng tranh thủ ăn cơm sớm để đến cho kịp giờ họp. Bếp lửa giữa nhà rông cháy đỏ, soi rõ mặt già Khưi đăm chiêu, cái trán người nhăn lại, đấy là dấu hiệu của việc người phải suy nghĩ lung lắm đấy. Tiếng già Khưi bắt đầu vang lên, những tiếng rì rầm im lặng, những cái tai dỏng lên để nghe cho kỹ lời người già:
    - Mình sẽ không dời làng nữa, mình sẽ ở lại để nghe lời của cán bộ Tri. Rừng là của mình mà, Yàng cho mình rừng để có cái ăn, Yàng cho mình rừng để mình có cái săn bắn, nước trong suối cũng nhờ có rừng che nên mới mát vậy, con thú có rừng mới có chỗ trú chân. Nên bà con mình hãy nghe theo lời cán bộ đi, đừng có phá rừng làm rẫy nữa, đất bạc màu thì cán bộ sẽ cho người chỉ cách làm cho đất tốt lên, không thể cứ vì đất bạc màu mà mình lại dời làng, rồi lại phải đi phá rừng để làm cái rẫy mới nữa. Cứ phá miết vậy, cứ đi miết vậy, rồi bà con mình cũng lại về chỗ cũ, rồi thì chỗ nào đất cũng bạc màu mà rừng mọc lại không kịp cho con thú sống, cây không kịp lớn lên cho mình làm nhà nữa đâu.
    - Nhưng nếu mình không làm rẫy, không đi rừng bắn con thú, không đi chặt gỗ xẻ cây cho người Kinh thì mình làm gì mà sống. Cái xe muốn chạy cũng phải có xăng, mà muốn mua xăng thì phải có tiền, muốn có tiền thì phải đi làm gỗ, bắt thú rừng thôi già ơi.
    - Chỉ cần bà con đừng nghe theo lời bọn thằng Tăng, thằng Ðiền đi chặt cây, đi săn thú quý cho nó thì Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm cho bà con tiền để bà con bảo vệ rừng - Blup nãy giờ khoanh tay đứng sau lưng già Khưi bất ngờ lên tiếng, anh bước lên thêm một bước cho bà con làng Kông nhìn rõ mặt.
    - Úi, mày nói thế là vì mày đi làm cán bộ rồi. Giờ Nhà nước nuôi mày, mày có cái tiền Nhà nước cho hằng tháng để ấm bụng, chứ dân làng mình có đi làm cán bộ như mày đâu mà Nhà nước nuôi.
    - Không phải do tôi đi làm cán bộ, được ăn lương Nhà nước mà tôi mới nói thế. Là vì bây giờ Nhà nước có chính sách mới, sẽ giao rừng về cho từng hộ gia đình trong làng mình chăm sóc. Mình không phá cây, không chặt cây nữa, mà cứ để cây tự nhiên sống quanh mình thôi là Nhà nước sẽ hỗ trợ cho mình tiền bảo vệ rừng rồi, không nhiều lắm đâu, nhưng nó cũng sẽ giúp được cho bà con phần nào để ổn định cuộc sống. Ðấy là còn chưa kể, nếu các anh em mình muốn vào đội kiểm lâm để đi tuần và bảo vệ rừng như tôi, thì cần làm đơn, trạm sẽ xem xét để nhận vào làm nhân viên hợp đồng.
    - Nhân viên hợp đồng là sao? Là được mặc quần áo cán bộ kiểm lâm như mày rồi được nhận lương phải không? - Các tiếng nói bắt đầu xôn xao và ồn ào. Già Khưi phải giơ hai tay lên ra hiệu thì bà con mới tạm lắng xuống để nghe Blup giải thích tiếp.
    - Làm nhân viên hợp đồng tức là mình sẽ ký hợp đồng với khu bảo tồn, sẽ được mặc đồ kiểm lâm và cũng sẽ làm một nhiệm vụ của người kiểm lâm là đi tuần và bảo vệ rừng. Nhưng khác ở một chỗ là nhân viên hợp đồng thì lương sẽ ít hơn lương của nhân viên chính thức.
    - Ồ, thế không được đâu - Nhiều cánh tay xua xua, tỏ ý phản đối, tiếng của Nhưn vang lên rõ nhất - Không được đâu, sao mình cùng làm như nhau mà lương mình lại ít hơn lương Blup được. Như thế không phải đâu, không được đâu.
    - Ồ, thằng Nhưn, mày là đứa hay đi theo bọn thằng Tăng, thằng Ðiền để săn thú, chặt cây này. Ngày xưa, nếu mày chịu khó học, không phá phách và bỏ trường nội trú trốn về thì bây giờ mày cũng là cán bộ được ăn lương Nhà nước như thằng Blup rồi - Tiếng già Khưi vang lên, khiến Nhưn giật mình, lùi vào góc, già Khưi đưa mắt nhìn một vòng khắp bà con đang tập trung trong căn nhà rông để dự buổi họp làng, đôi mắt của già phủ một màu nâu dịu như mật con ong rừng, nhìn hiền đấy, nhưng không một ai dám làm trái lời cái ánh mắt ấy đâu - Thằng Blup phải mất công theo Nhà nước ăn học ở tuốt xa tận thành phố hàng bao nhiêu năm về thì mới được Nhà nước cho làm cán bộ, chứ nếu không đi học, cứ ngồi ở nhà mà đi làm nương làm rẫy cho ấm cái bụng. Mà cái đầu ngu tối, không có chữ trong đó thì làm sao mà làm cán bộ được, thế bây giờ để mày làm cán bộ, mày có biết làm như nó không, Nhưn?
    - Không, không phải thế đâu Nhưn ơi! Rừng nó không đẻ miết ra cho mình ăn, cho mình uống nữa đâu. Rừng nó cũng như người mình thôi, phải chăm sóc nó, phải bảo vệ nó thì nó mới che chở lại mình chứ. Nhưn không nhớ là ngày xưa, cứ mỗi lần phải dời làng đi là lại một lần vào sâu tuốt trong rừng để ở sao. Rừng cho mình cây làm nhà, rừng cho mình đất làm rẫy, rừng cho mình con thú để ăn, rừng còn giữ nước cho mình uống. Nhưng bây giờ, có đi rừng đặt bẫy cả ngày, cũng không còn con thú nào, có chặt cây để làm nhà thì đến khi dời làng đi cây còn chưa to bằng cây cũ đã bị mình chặt. Ðã thế, lại còn nghe lời bọn thằng Tăng, thằng Ðiền, bao nhiêu cây lớn cũng chặt cho nó, bao nhiêu thú bẫy được cũng bán cho nó, hoa đẹp cũng lấy cho nó… Rừng sẽ chả còn lại gì cho mình nữa.
    - Ðúng vậy - Tri tiếp lời - Ðời mình bán hết rừng mà sống, thì đến đời con mình, đời cháu mình đẻ ra, làm gì có thứ cho con mình, cho cháu mình sinh sống nữa. Ðảng và Nhà nước sẽ hết lòng giúp đỡ, nhưng bà con mình cùng phải góp sức để bảo vệ rừng thì rừng mới còn đến đời con, đến đời cháu, đến nhiều nhiều đời sau. Bà con cứ yên tâm ở lại bám làng, năm nay trạm sẽ kết nghĩa với làng, sẽ cố gắng cho thêm anh em xuống giúp bà con làm ăn, mình phải làm từ từ, phải thay đổi từ từ mới được chứ.
    Nói là làm, hôm sau Tri và toàn thể cán bộ khu bảo tồn mua heo đến để làng làm lễ kết nghĩa. Kết nghĩa vậy thôi, chứ vài người vẫn chưa đồng ý đâu, Nhưn biết, Blup biết, già Khưi cũng biết, phải xem cái tay cán bộ có làm được như cái miệng cán bộ nói không đã, biết bao nhiêu lần làng Kông đã thấy, cán bộ trên cây (cái loa) nói hay, nhưng cán bộ dưới đất không làm được. Chính vì vậy Tri bàn với ban quản lý khu bảo tồn, sẽ sắp xếp thời gian để xuống tận làng, hỗ trợ bà con về kinh nghiệm trồng rừng, trồng lúa, làm rẫy để tăng năng suất, phải cùng ăn, cùng ở, làm bạn thì bà con mới tin tưởng vào mình được chứ. Những ngôi nhà bắt đầu có điện, dân làng Kông bắt đầu bén rễ nơi đây, cái chân không muốn bỏ đi nơi khác nữa.
    Những đứa trẻ đã bắt đầu đến lớp, cái lớp học lúc đầu được dân làng làm tạm bằng tre đã được Nhà nước xây cho kiên cố rồi. Cô giáo là cái La, con già Khưi đi học về dạy lại. Cái La nhanh nhạy lắm, nó lại là người làng, nó hiểu cái bụng mọi người muốn gì. Nó biết không chỉ con trai cần có việc để đi làm, nó bàn với cán bộ, bàn với chính quyền, nó dựng thêm ba cái nhà sàn để làm du lịch. Khách du lịch về đó ở, nếu muốn được ăn đồ ăn như dân làng nó sẽ nhờ người làng nấu, nó còn nói chị em dệt vải trở lại, khách du lịch tới, cứ thích ngắm các chị em dệt vải, rồi còn hỏi mua túi, mua khăn, mua váy áo nữa. Ðêm nào khách muốn xoang, lại mời cả làng ra để múa hát cùng, tiền ít thôi nhưng vui, vì cái bụng dân làng vẫn muốn được chơi hội, vẫn muốn được xoang, vẫn muốn cười. Nhưn cũng đã thay đổi cái bụng, nó đã nói với già Khưi, xin cán bộ Tri cho nó làm nhân viên hợp đồng, lương ít thôi, nhưng gần nhà gần vợ con là tốt rồi. Và cứ vậy, làng Kông vẫn lọt thỏm trong rừng, vẫn ngày ngày nghe rừng hát trong veo...

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân