Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bóng Dông Tác Giả: Nguyễn Thị Kim Hòa    
    “Gặp đói, tới đuôi mình dông còn dám ăn để sống đó con!”. Chị nhớ lúc nói câu này, mẹ đang làm dông. Tay mẹ đưa lên, trên bề mặt to bản của con dao mẹ cầm, chị soi được nửa bóng mặt mình. Lúc đó, mặt chắc còn bầu bĩnh. Thời nhỏ, ai cũng khen chị có cặp má nhìn muốn nựng.
    Lưỡi dao chặt xuống. Háo hức được cầm cái đuôi mập ù, mềm sụn khỏi thân mình còn nằm trên mặt thớt, chị không để ý bóng mặt mình có vỡ ra không. Chắc nó đã vỡ. Hoặc như một mặt gương đã bắt đầu rạn nứt, manh nha bể toác từ dạo ấy. Nên giờ, soi vào con dao nào trong quán, mặt chị cũng không có được cái bóng lành. “Nhìn mặt bà thiệt hết muốn sống!”. Bếp Chính hễ ngó trúng chị lại chặt lưỡi, lắc đầu.
    Dù vậy, mấy con dông chuyển qua tay Bếp vẫn rộn ràng khua trong thau. Lọt vào tai chị, lúc là tiếng mấy móng chân nhọn nhỏ xíu cào lên mặt nhôm. Lúc còn cả tiếng cựa quậy trườn đi của những bộ da nhám sạm đất.
    Cứ qua tay Bếp, lũ dông lại như đang sống. Chúng sống cả trên bếp than.
    Khi tiếng huýt sáo của Bếp Chính bắt đầu cất lên, rành rành trước mắt chị, những cẳng chân, cái đầu, thân mình tẩm đầy muối ớt đều đang ngọ nguậy. Lửa chồm qua chúng. Màu lửa làm chị nhớ tấm màn đỏ được kéo giữa tuồng cải lương chị từng xem. Chị thích tấm màn đó kinh khủng. Vì ít ra, người hát còn để lại được trên màn cái bóng.
    “Con không phải là Vũ Khắc Điệp mà tên thật là Nguyễn Thị Lan. Vì tình duyên đứt đoạn mảnh lòng…”- buồn thúi ruột. Chung quanh ai nấy sụt sịt chùi nước mắt, chị vẫn ngó lên sân khấu tỉnh queo.
    Buồn cỡ cô Lan thì xi-nhê gì. Cô còn có cái bóng trên tấm màn sân khấu buồn theo cô đó. Không đỡ hơn loại buồn ngó chung quanh tới bóng mình cũng chẳng thấy đâu. Bếp Chính không thích cải lương. “Nghe chi ba cái nhạc bà già!”. Bếp toàn bĩu môi, xì dài mỗi khi chị chọc: “Ngon huýt được câu vọng cổ nghe thử”. Bắt qua một đoạn nhạc nhộn nhạo khác, Bếp xóc cái vỉ nướng. Lửa và mấy con dông hùa theo Bếp, nhún nhảy theo điệu huýt sáo.
    Nhạc của Bếp, quán cà-phê sát bên hay phát rần rần, chị nghe hoài nghe mãi vẫn ưa không vô. Lạ nỗi qua miệng Bếp, thành tiếng Bếp huýt sáo, lọt tai sao dễ chịu lạ.
    - “Thằng đó có khạc đờm bả cũng thấy hay. Bị mê mà. Mê được phi công lái!”.
    Mấy nhỏ gái phục vụ bấm nhỏ nhau, cười hích hích sau lưng chị.
    Bầy dông ngày nào cũng nhảy nhót với lửa lại vui vẻ nhắc chị: “Thôi tụi nó còn nhỏ. Coi như không nghe đi. Chấp làm gì”. Mấy nhỏ gái sao nghe được lời bầy dông thầm thì dặn dò. Nên hay lầm ánh mắt chị mỗi lần hướng về mấy cái váy ngắn, mấy cái áo hở eo trật vai của cả đám là ganh ghét, săm soi. Dù sao, cũng chỉ mình chị thấy bầy dông tẩm muối ớt nhảy múa, lắc lư trên lửa lò than. Ai tin chị không nhìn đám áo váy xét nét? Ai tin nếu chị nói chỉ thích ngắm những cặp chân thon, vòng eo con kiến, bờ vai tròn? Chân, eo, vai chị có từng đẹp, từng đầy đặn trẻ trung như họ không? Lâu rồi, chị quên mất. Kiểu quên như mẹ chị đi chợ hay quên mấy cọng hành ngò, mấy trái ớt giữa một rừng thịt, cá, mắm, muối cần mua. Về tới nhà, thả mớ bịch ni-lông xuống thềm, sực nhớ, mẹ tất tả đạp xe vòng ra chợ.
    Hay quên như bữa có bà khách đi vệ sinh, ngang bếp thấy chị sà xuống: “Nhớ tui không?” đầy nghẹn ngào. Nhưng đành đoạn, chị lắc đầu.
    “Ở đó mà không nhớ! Bà mặc cảm không dám nhận bạn giàu chớ gì?”. Tới Bếp Chính còn ngó chị nghi ngờ. Sống lâu như chị, Bếp sẽ hiểu. Trí nhớ cũng như người ta, già đi nhanh lắm. Lùi nhùi cả đống nhớ, đầu óc nào kham hết miết được. Mà kham làm chi. Chuyện nào trôi tuột được cứ để nó tan đi. Nhớ để buồn thêm, để đâm đầu vào đường cụt. Mắc gì phải nhớ?
    Như chị, từ ngày vào phụ bếp quán đặc sản dông này chỉ cần nhớ đúng ba động tác: trụng, chà, mổ.
    Hai đời chủ quán, hơn chục lượt thay đầu bếp chính. Với ngón nghề làm dông gồm ba động tác thuộc nằm lòng, chị chưa khiến ai phật ý lần nào. Bếp Chính ngày mới về quán, còn đu sát rạt bên chị, hít hà: “Cha. Mai mốt chắc theo bà học làm dông quá!”. Là Bếp Chính nói thật. Mình chị phát hiện: nhìn con dông đang sống nhăn bị chị thả vào nồi nước sôi, Bếp Chính nhăn mặt. Rồi lúc con vật bỏng nước giẫy lên, lúc mấy ngón chân nhỏ xíu quơ quào, lúc miệng dông há hốc ra như muốn thét lên mà không cách nào ra lời vì tuột da, cháy lưỡi, Bếp Chính có ngước nhìn chị.
    “Chị ác lắm!”- Ánh mắt Bếp nói.
    Cũng một câu cũ rích, chị nhận riết quen. Nhưng sao lần này lại làm chị bỏng điếng. Như thể lũ dông đang chết hả họng đồng loạt vùng dậy, nhằm mặt chị tạt lại mớ nước sôi. “Nói người làm ác. Vậy còn đứa ăn?”. Mẹ trở về (như bao lần chị cần mẹ), cầm tay chị đổ ào đám dông chết bỏng ra rổ. Nước trôi sạch qua nan tre đan thưa. Nhưng những mẩu da xám xanh tuột khỏi mình dông vẫn dính nguyên xi, ùn lại thành mảng lớn, dưới đáy rổ.
    Gớm ghiếc!
    Lần đầu tiên, chị nghe thấy tiếng nói cất lên trong đầu mình. Lặp lại y xì câu mắt Bếp Chính đang nói. Người mẹ buồn bã nhìn chị. Rồi trôi tuột lại vào trong trí nhớ. Chắc mẹ thất vọng lắm. Mẹ dạy chị làm dông, dạy chị không biết sợ. Mẹ muốn chị như dông. Mạnh mẽ, đầy sức bật. Gặp mùa đói, dám ăn luôn đuôi mình. Con dông cồ ngày nhỏ chị nuôi đuôi xanh óng vút dài như mảnh lá dừa, hai bên lườn ngược lại, đỏ rực rỡ hơn cả lửa. Một trưa đi học về, chị gặp con dông ngoẹo đầu, há hốc trên tấm thớt. Chị khóc òa bên cái bụng bị mổ toang rỗng không, nức nở cả buổi cho cái đuôi bị chặt mất.
    “Mẹ ác lắm. Mẹ ác!”. Roi mẹ quật xuống. Càng quật chị càng gào.
    Roi gãy, mẹ lôi xềnh xệch chị xuống bếp, chỉ vô nồi canh chua lõng bõng toàn lá me:
    “Đứa nào nói con không ăn nổi canh lá me nữa? Đứa nào kêu con thèm thịt? Mẹ ác sao? Phải cắt thịt mẹ cho mày ăn được, mẹ cũng làm. Mày không biết sao?”. Chị không dám nhìn mẹ. Bởi ánh nhìn giận dữ đỏ kè. Bởi nước cứ ộc ra, như mờ hết mắt mẹ.
    Đành làm hòa với mẹ bằng cách xé, nhai ngon lành thịt người bạn duy nhất trong tuổi nhỏ. Chị muốn cho mẹ thấy. Chị đang trở thành dông. Chị xứng đáng con gái mẹ. Chị không kể mẹ nghe vẫn kêu con dông cồ ấy bằng Ba. Chiều kia ra thăm ba, chị gặp nó nằm im lìm trên gò mả, mầu đuôi xanh cứ óng ánh liên tục trong cát trắng. “Là ba đầu thai đúng không ba?”. Con dông đã đáp lời chị bằng cái ngúc ngắc đầu. Nhớ chuyện Tấm Cám ba kể, sau bữa cơm, chị đem chôn chút xương còn lại của con dông Ba cạnh lu nước trong vườn. Năm đó, dông bắt đầu có người mua, bán được giá. Mẹ theo người trong xóm đi đào đất, đặt bẫy suốt ngày. Khu mả đất cát trong rẫy nhà cũng lỗ chỗ hố nhỏ, hố to. Có hố khoét sụp luôn một góc bia trước mả. Ba chắc giận chuyện này. Nên miếng đất bên lu nước chị chờ miết vẫn không nứt lên được mầm cây nào. Không như cô Tấm, hết kiếp này còn kiếp khác. Ba không quay lại. Mẹ rồi cũng đi. Chị bán rẫy, lên phố. Mẹ luôn muốn chị mạnh mẽ, không biết sợ. Mãn tang mẹ, chị khóc với hai tấm hình giờ đã được ở cạnh nhau trên bàn thờ, thừa nhận:
    - “Con sợ lắm. Con sợ một mình”.
    - “Mẹ đừng sợ. Có con đây mà!”.
    Khi con trai mới lên năm, đã biết nói với chị câu đó. Chị nhớ vòng tay con. Hai cánh tay bé xíu, khẳng khiu mà cho mẹ cái ôm thật chặt, đầy hơi ấm. Được con ôm, chị chẳng cần gì nữa. Hai người già đã bỏ chị đi, những mối tình bỏ rơi chị. Có hề gì khi chị có con bên cạnh. Trong vòng ôm con, buồn dữ dội cỡ nào cũng bong sạch khỏi chị. Như lớp da đất được chị chà tróc khỏi mình dông trụng nước sôi.
    - “Mẹ lên xe đi, con chở về!”.
    Mười bốn tuổi. Con đã biết đứng chờ chị trước quán, dõng dạc gọi mẹ. Trong lúc đôi vai còm nhom cứ run lên, vì mấy tiếng ròng phơi gió bấc. Tối đó, ngồi sau ôm eo con, nước mắt chị cứ ứa ra. Thằng nhỏ đang tuổi lớn, thấy mẹ khổ, ăn mặc gì cũng tiện tặn. Sắp ra thanh niên mà người rờ đâu cũng thấy xương. Đến cái bóng in dưới đường cũng tong teo, ốm nhách. Còn bày đặt đội gió ra quán, chở mẹ về. Càng nghĩ, nước càng trào khỏi mắt chị. Chị khóc. Vì xót con. Vì cả hạnh phúc. Nào ngờ hạnh phúc như đuôi dông. Toàn lựa lúc chị đang say sưa miết, chà bỏ lớp da đất thì đứt phựt. Khối thịt đẹp đẽ, kết nối máu thịt, chỗ dựa cuối cùng cho dông trong chớp mắt đứt mất.
    - “Đau không?”.
    Nhiều lần, chị thấy mình hỏi con vật há hốc miệng trên tấm thớt trước mặt. Cầm cái đuôi đứt lìa, chị ráng gắn nó trở lại mình dông. Nhưng vô vọng. Như lúc khản tiếng gọi con bên hành lang bệnh viện. Lúc hoảng loạn kéo tay con choàng qua cổ mình, nhưng chỉ thấy một vòng ôm thõng xuống, lạnh dần.
    - “Nghe tụi nó đồn bà thích tui. Đúng không?”.
    Bếp Chính nửa buổi nhậu sần sần bỏ xuống bếp, đăm đắm ngó chị. Mấy con dông mất đuôi, phơi bụng trên mặt thớt gỗ cũng ngó chị. Bặm môi, chị nhấn mũi dao, rạch thay dông cơn đau cuối.
    - Tao xin lỗi!
    Bộ đồ lòng gọn ghẽ, hồng ửng như một quả trứng non rớt xuống. Mặt gỗ làm thớt vốn nhám xịt bỗng bừng sáng, lộng lẫy. Buông dao. Nhón nhẹ từng ngón tay, thật chậm, thật khẽ, chị nâng từng khối hồng lên. Xương thịt rồi cũng vụn nát dưới răng người. Chị ráng giữ cho dông chút nguyên vẹn cuối cùng.
    Điều chị chưa làm được cho con dông cồ ngày nhỏ.
    - “Sao? Trả lời tui đi chớ? Hay để tui nói trước?”.
    Sực tỉnh. Chị nhớ ra Bếp Chính đang chờ. Bếp Chính tới quán mới đây thôi. Bếp làm gì biết bữa quán ế, chị ra ngồi trước cửa, có bà già chống gậy đi qua bỗng ngó chị, bâng quơ.
    - “Đàn bà dính nghiệp sát sanh, số cả đời cô độc”.
    Nên thở hắt ra, dứt khoát như lúc ấn mũi dao nhọn, chị đứng dậy. “Tui thương chú lắm chớ. Thằng nhỏ ở nhà mà còn chắc cỡ chú bây giờ. Nó hay nói, mẹ ơi con thích làm đầu bếp...”. Nói xong câu này, chị đã đi gần tới cửa bếp. Trước cánh cửa hẹp, hơi chùng chình, chị khựng lại. Tự hỏi có nên quay lại coi Bếp Chính sao, hay ít ra nghe Bếp Chính nói gì đó. Nhưng rồi, không dưng, chân chị bước tiếp, thoát ra ngoài không gian quán ồn ào. Đến tuổi chị, Bếp Chính sẽ hiểu. Có những điều nên buông bỏ. Dù đau.
    

Kết Thúc (END)
Nguyễn Thị Kim Hòa
» Người Đi Qua Cầu
» Bóng Dông
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Đời Khổ
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam