Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mút Chỉ Cà Tha Tác Giả: Tống Phước Bảo    
    An tấp xuồng cập bến, mặt trời vừa mới lưng lửng qua ngọn tre, hối hả nói vọng từ chái bếp sau. Trời thần, Lọt ơi Lọt mầy xong chưa? Tao thấy cả đoàn dìa đến cầu Sò Đo rồi nhen. Mà cây cầu chút ét, cái xe thì chà bá, hổng qua được. Người ta chuyển xuống đò, đâu chừng chục người lận. Ủa trớt quớt vậy mậy, không dưng nay mặc chi cái áo bà ba, cái quần tà lỏn, kỳ thí mồ. Lẹ lẹ thay bộ đồ vía cái coi. Nội ơi, nấu nước pha trà chưa?
    An nhảy hết chỗ này, lại chạy qua chỗ nọ. Mặc kệ thằng nhỏ, nội vẫn đong đưa võng bên hiên nhà, miệng cười thủng thỉnh. Tội là tội thằng Lọt, mặt mày xanh lè, tim đập thình thịch, ngồi thừ người, hết nhìn thằng An lăng xăng, lại nhìn nội ung dung. Phải chi biết lòng dạ bồn chồn vậy, thằng Lọt không nhận lời đâu.
    
- o O o -

    Mùa hạn mặn. Đồng nứt nẻ từng vệt dài in hằn lên ánh mắt Lọt. Thằng kỹ sư nông nghiệp cầm tấm bằng loại giỏi, cùng sự háo hức xuôi dòng Cửu Long về miệt đồng bưng Sò Đo chỉ mới hai năm. Cái cơ cực thấm đẫm trong từng giọt mồ hôi, trong từng thớ da thịt bắt nắng đen sạm. Quần quật với ruộng, quay quắt cùng đồng. Một ngày hừng hực sức trai chẳng nề hà gì ráo. Nhưng cái nó lo là bao nhiêu lâu nữa dân Sò Đo còn phải chịu cảnh một mét khối nước ngọt giá ba trăm ngàn. Cách ngày là phải tưới. Hạn mặn đâu chỉ xâm nhập đất đai vườn tược. Nó xâm lấn luôn vào mâm cơm của dân xứ này. Những bữa cơm thịt thà thay dần bằng cá khô, bằng mắm trở. Đôi khi là mớ rau tập tàng héo hắt còi cọc ngoài bờ rào.
    Có những đêm nóng trời, Lọt nằm võng đong đưa, ngẩng mặt ngó đêm thâm sâu. Nghe con cúm núm gọi bầy. Tiếng kêu trầm khàn ran rát cả vùng tối. Có lần thằng An nói, cúm núm thiếu nước ngọt nên giọng lạc quẻ. Bữa đó, thằng An ngồi sát mái hiên, cầm cái tàu mo cau quạt phành phạch. Hay thôi, mày dẫn tao lên Sài Gòn đi mần công ty ăn lương đi. Chứ kiểu này, sống đặng thêm mấy tháng nữa đâu là chết sình vì đói. Mấy thằng con trai Sò Đo mình bỏ đất mà đi làm xa hết. Có đứa ngược cầu Mỹ Thuận lên Sài Gòn. Có đứa lên Gò Sầu Đâu qua Cam bán hàng ở chợ trời. Có đứa lên chùa bán nhang. Là bán nhang thiệt cho khách tứ xứ ghé Miễu cúng đó. Mà mày hiểu theo cái nghĩa tầm xàm là nó đi bán nhang theo diện đoàn tụ ông bà cũng đúng. Sò Đo hổng làm nông thì coi như đời cũng chết rồi heng.
    Thằng An về rồi, Lọt vẫn bần thần bụng dạ. Tâm thức nó hiện lên ảnh hình còn lưu giữ của những tháng năm trẻ dại theo ba trên chuyến xe đò mùa hè về thăm nội. Đó là những ngày hè rực rỡ nhất của khoảng đời nó. Má hay nói, miệt đó muỗi sáo đỉa lềnh, có gì đâu mà thằng con ham dữ thần. Cứ nằng nặc đòi về, rồi ở cho tận hết mấy tháng hè mới trồi đầu lên Sài Gòn tựu trường. Không dưng cái tên Dũng Tiến ông ngoại đặt nghe kiêu hãnh, thằng nhỏ chạy về quê nội mấy tháng hè, chừng lên Sài Gòn thỏ thẻ với má, ở quê người ta gọi con là Lọt. Thằng nhỏ của năm lớp hai, nhận thêm cái tên mà nụ cười toe tét. Mặc má nó cấm đoán dùng dằng chẳng để ai biết. Nhưng rồi cả đám bạn học, lẫn bạn chơi trong cái xóm nhỏ bắt đầu đứng trước cửa nhà réo gọi: Lọt ơi, Lọt à.
    Má la, nó cười, ra điều thích thú cái tên quê chớt. Cái tên cứ thế theo nó miết cho tới khi nó xin má lập nghiệp quê nội. Má khóc cho đã nư, má giận cho cạn cơn. Má cũng phải ưng lòng. Thằng Lọt của má hai mươi bốn tuổi, như sáo sổ lồng, chọn hướng tây mà rổn rảng bay về. Ai đời người ta học công nghệ, học kinh tế, thằng con trai nhà này lại học làm nông. Đất Sài Gòn thì đẻ ra vàng cây vàng miếng, chứ đất ở cái xứ mút chỉ cà tha đó, đẻ ra toàn cực khổ cơ cầu. Giờ chẳng hiểu nổi tụi trẻ nó nghĩ gì nữa?
    Bữa nó đi, má còn dặn với theo, má cho mầy hai năm thôi, không mần ăn được thì lên lại Sài Gòn nghen con.
    
    
- o O o -

    Nội nói thôi đừng thèm nghiên với cứu chi cho nó nhọc công, về Sài Gòn đi cho đời thong dong. Đất nứt toạc ra theo những đường chằng chịt, khô khốc bong tróc từng mảng. Rạch cạn trơ thấy đáy. Sông cái mực nước thấp quá chừng. Báo đài nói thấp nhất chục năm nay. Tỉnh cho mấy ghe nước ngọt len theo sườn kinh mà hỗ trợ dân mình, nhưng thấm đi đâu cho được với cái hạn mặn này. Nắng gió đồng bưng chẳng còn mát dịu mơn mởn như hồi đó. Hồi người ta chưa xây hơn chục cái đập trên thượng nguồn. Người ta chặn dòng, nước đâu đổ về. Cây nào mọc nổi? Châu thổ cằn cỗi xua đời dân Sò Đo trôi nổi hết rồi. Chỉ còn lại mấy ông già bà cả ngồi tẩn mẩn ký ức xưa cũ mà thôi. Lọt à, bây còn trẻ, về Sài Gòn đi.
    Cả một đời nội gắn trọn với Sò Đo, từ hồi miệt bưng biền còn hoang sơ, dân tứ xứ đùm túm nhau về dựng nhà, cơi nóc ở lần ở mòn. Đường từ bờ đê mà thành, xóm giềng từ bạn bè mà tụ tập. Rồi cứ vậy mà nhiều thế hệ con cháu tiếp nối sinh ra và lớn lên. Chừng đủ lông đủ cánh như đám sáo sậu thì sổ lồng mà bay. Như ba của Lọt, năm mười hai tháng chắc chỉ về thăm Sò Đo dịp giỗ chạp lễ Tết mà thôi. Vậy nên, ngày Lọt khoác ba-lô về, thiên hạ ngẩn ngơ. Đâu ra thằng thị thành ngon lành láng lẫy vậy mà chui về cái nơi này. Thằng Lọt cười, có những thứ trong cuộc đời này, đâu thể nói trọn bằng lời.
    
- o O o -

    Thằng An cự nự khi nghe Lọt kêu đi biển xách nước về trồng lúa. Đâu ra cái suy nghĩ kỳ cục, ai đời nước ngọt trồng còn canh đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con. Sợ lúa trổ đòng gặp rầy, sợ lúa cho hạt lép, sợ bán hổng được giá. Sợ thí bà cố luôn. Mà nay thằng “xì phố” kêu lấy nước biển trồng lúa. Ủa rồi hạn mặn riết mầy khùng hả trời? Nói thì vậy, nhưng bữa thằng An đi Phú Quốc cũng ráng đem chục can nước biển về. Mấy người đi chung xe đò hỏi quỡn nó vậy, đem chục can nước biển xa lắc lơ về Sò Đo, tính làm muối hả. Nó gãi gãi đầu, biết nói sao cho đỡ mắc cỡ. Nè tui có thằng bạn làm kỹ sư, nó đang lai giống giữa lúa đồng với lúa ma. Nó nghiên cứu mấy tháng trời rồi, bỏ ăn bỏ ngủ, thấy thương lắm. Nó kêu tui đem nước biển về cho nó trồng lúa. Cả xe cười cái rần. Ai đó xóc xỉa thằng kỹ sư học quá hóa điên, xứ này nè he, à mà cả nước này có ai trồng lúa bằng nước biển không? Nói ông kỹ sư bạn mầy đi học lại đi nghen. Hổng chừng nó mua bằng đó. Hay cũng có khi xài bằng giả nghen con.
    Thằng An nghe chói tai, tính sửng cồ cãi lại, nhưng nó ngồi nín khe. Nghĩ lại thì hai mươi mấy tuổi đời, cũng lần đầu tiên nó nghe cái sự tréo ngoe vậy.
    
- o O o -

    Năm đó thằng Lọt về quê nội, một chiều hè mưa đã trời, nó nhảy tưng trên bến tắm mưa thì trợt chân té sông. Thằng An đang bì bõm lội phía dưới, nhanh như rái cá, bơi tới chỗ thằng “xì phố” mà kè lên chân bến. Hai đứa ngồi hổn hển. Chẳng biết thằng “xì phố” tên gì. Chỉ biết mầy lọt sông, nên giờ tao kêu mày là Lọt nhen. Ông nội nghe chuyện cái tên “nhà quê” của thằng cháu thì gật gù. Ờ thì xứ mình vậy đó con, cái tên nghe quê chớt, vậy mà vô tai thành ra nó chân chất thân gần lắm nghen. Thằng cháu nội mới sáu tuổi chẳng biết tên xấu hay đẹp, nhưng biết một điều là nó nợ sóng nước Sò Đo một mạng. Nó biết cái tên Lọt này chắc hổng đẹp bằng cái tên Dũng Tiến, nhưng mà nghe dễ chịu và thương nhớ về một kỷ niệm ấu thơ.
    Sau bận hè đó, mỗi năm nó về, đều cùng thằng An dọc ngang khắp nẻo Sò Đo. Thằng thị thành, thằng miệt thứ, vẽ vời một ước vọng cho Sò Đo thôi cơ cầu. Cho người ta đừng bỏ Sò Đo mà ra đi nữa. Cho những đứa trẻ như thằng An thôi không còn côi cút lớn lên với ông với bà, thiếu vắng tình thương ba má. Xứ mình nè Lọt, chục thằng như tao đó, ba má lên thành phố làm hết, mỗi năm được gặp có vài ngày. Nhiều khi năm trước đến năm sau, nhìn mặt ba má mình mà còn ngờ ngợ nữa đó. Bận thằng An nói câu đó, là cái năm nó nghe tin ba má ly dị. Khoảng cách tình thương nay xa như một quãng đồng. Quãng đồng của lúa mênh mông còn biêng biếc xanh. Chứ quãng đồng của đời thì nó mút chỉ cà tha, nó vàng vọt cô tịch như một buổi chiều quê não lòng.
    
- o O o -

    Anh quay phim, chị phỏng vấn, có cả ông phó giám đốc đài truyền hình tỉnh. Thằng Lọt lóng ngóng. Biểu nó thay bộ đồ cho đẹp, nó trả lời tỉnh rụi, chứ lát nữa nó phải đi ruộng, nó làm nông dân mà, mặc vậy là đúng rồi. Hỏi nó sao hổng ở Sài Gòn lập nghiệp cho xán lạn, về cái xứ này có thấy khổ hông? Nó gãi gãi đầu, rồi thỏ thẻ, ai cũng sợ khổ mà hổng về đây, thì Sò Đo muôn đời vẫn khổ. Thắc mắc sao nó lai được cái giống lúa chịu mặn năm tới sáu phần ngàn, lại cho năng suất tương đương giống thường. Nó trầm ngâm một đỗi rồi nói, thì tự nhiên đó chị. Cái gì trong tự nhiên mình cũng vận dụng được, chỉ là mình có dụng tâm vào để làm cho kỹ càng hay không mà thôi. Ông sếp nhà đài nheo mày ủa rồi cái chuyện bây nếm đất để đo thành phần là có thiệt không? Thiệt chứ sao hông, con đâu có tiền mua máy móc phân tích. Thì mình bốc một chút lên nếm. Rồi mình dựa theo vị giác mà phân tích ra, rồi mình canh cái nồng độ, cân chỉnh lượng đất bón. Mình hổng làm vậy, đâu biết đất mặn ra sao? Đất nuôi xứ mình bao đời nay rồi mà chú.
    Cả đoàn nhà báo lục tục kéo về. Dáo dác nhìn nhau, hổng biết dựng cái đoạn phỏng vấn sao đây, cho nó hợp lên sóng. Ông sếp nhà đài khoát tay, nó nói sao để vậy, chân chất như cục đất cục phèn thì để y vậy mà lên sóng.
    
- o O o -

    Má gọi điện thoại cho Lọt, khi đài truyền hình quốc gia phát lại đoạn phóng sự của tỉnh đã phỏng vấn thằng Lọt. Khi mấy tờ báo đưa tin chuyện anh chàng kỹ sư trẻ bỏ thị thành xa hoa về xứ mút chỉ cà tha để nghiên cứu ra giống lúa chịu hạn mặn. Cả công trình chỉ để chia hạt giống miễn phí cho dân khắp các tỉnh sống sót qua mùa hạn mặn thấu trời này. Nhiều tổ chức ngỏ ý tài trợ, anh chàng lắc đầu nguầy nguậy, chỉ ngay ông nội, nè nhà tài trợ của con đây nè. Ông nội vẫn nằm võng đong đưa, miệng cười thủng thỉnh.
    Má hổng nói gì, trong điện thoại có tiếng khóc. Lọt cũng hổng nói gì, mắt rưng rưng đỏ. Chừng cúp máy, chỉ nghe thằng Lọt nói với ông nội. Mai ba má nó về thăm quê.
    

Kết Thúc (END)
Tống Phước Bảo
» Ong Bầu Đậu Đọt Mù U
» Mút Chỉ Cà Tha
» Di Bố Phù
» Thiềng Liềng Ơi
» Cách Một Quãng Đồng
» Hiên Chờ
» Ráng Chiều Cù Lao
» Hỗn Kỳ Đài
» Còn Thương Thì Về
» Nỏ Bao Giờ Sai
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh