Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Tơ Vương Tác Giả: Nguyễn Thị Kim Hòa    
    Rồi chừng nào mày đi?
    Anh Hai hỏi. Cái ghế bằng gốc neem, còn gọi là xoan, em đang ngồi chắc bào chưa tới, một gờ nhọn còn nhú ra, xước nhói bên chân em đang đong đưa đuổi muỗi.
    Tối chòm rẫy muỗi lúc nào cũng dày đặc. Dù lòng mương lớn đầu rẫy có tràn trề hay vào mùa khô queo không hột nước. Muỗi rẫy con nào con nấy bụng to oành. Em cứ thắc mắc muỗi bày đặt sắm cái bụng nặng nề vậy làm gì.
    Thì tụi nó chuẩn bị sẵn bụng, tính bay qua xứ khác đó. Ai dè chòm này hấp dẫn quá. Từ dê cừu tới người đều ngon mắt. Ði gì nổi! Ba từng cười khà khà giải thích cho hai đứa.
    Lúc đó, dì đang chặt đầu mèo bên mương nước. Nghe ba cười, quay qua nguýt, cái nhìn giằng dỗi, trễ dài phải cả cây số. Chỉ lúc hờn mát vậy với ba, em mới thấy mắt dì đẹp. Bình thường, nhìn sao cũng thấy mắt dì y hệt mắt mèo. Không phải cặp mắt linh động, rực rỡ của một chú mèo sống. Là ánh mắt to, bất động luôn làm em sợ hãi từ những cái đầu rời khỏi thân, nằm lăn lóc bên mương nước. Ẩn sau ánh nhìn lặng phắt, em cảm giác mình nghe thấy tiếng kêu gào, nghe quẫy đạp phẫn uất và cả tuyệt vọng.
    Chưa bao giờ em dám nhìn thẳng mắt dì. Dù dì có là mẹ anh Hai. Mà lúc ấy, anh vẫn chưa được làm anh Hai. Anh còn là thằng Nhát, vừa theo mẹ dọn tới kế rẫy em. Em nhớ rõ lắm ngày đầu gặp Nhát. Bữa đó, em đang vác đất cục rượt con cừu xồm ăn hỗn từ đám rau tập tàng ra mấy hầm nho. Ðứa lông lá trúng tới bốn năm phát đạn đất vẫn quắt đuôi chạy tốt. Chỉ thằng nhỏ thình lình chui ra chỗ hầm nho cuối giàn bưng mặt, khóc hú lên.
    Nhát, đúng như tên nó, là thằng bạn nhát cáy nhất em từng biết. Bị chọi trúng mặt, khóc đã đành. Thấy em vấp té, nó cũng khóc. Em không cho chơi chung, càng khóc. Nước mắt như chực hờ sẵn bên mắt nó, bị em động chút, liền tuôn ra. Em vốn ghét những thằng con trai mít ướt. Nhưng không hiểu sao, cứ nhìn Nhát khóc lại thấy tui tủi, rồi mắt chợt ưa ứa nước theo.
    Ba nói hồi anh Hai em còn, mỗi khi anh khóc, dù đang chơi vui, nước mắt em cũng rơm rớm theo, y chang vậy.
    - Sinh đôi mà. Tới ruột gan, tim phổi còn xài chung. Nói chi nước mắt!
    Ba cắn miếng thịt mèo mẹ Nhát gắp, bất ngờ dốc bụng dạ với người mới quen. Em ngơ ngác trong bữa cơm cùng mẹ con người hàng xóm. Mâm cơm chẳng hề có rượu. Không uống, ba có thích kể chuyện nhà với ai đâu. Chẳng lẽ thịt mèo lại làm người ta say như hơi men?
    Ba say thật. Nên chỉ ít lâu sau bữa cơm ấy, ba nói muốn em gọi Nhát bằng anh Hai. Xếp hết hình mẹ vô rương, ba mua nệm mới, áo gối mới, cả một tấm màn đỏ về quây kín giường ba lại. Chiếc giường nhỏ em nằm, ba kéo tuốt ra góc cửa sổ.
    - Ở đây sáng sủa. Lại gần anh con. Cho hai đứa tha hồ nói chuyện!
    Ba cười tươi rói, khiêng thêm từ nhà hàng xóm qua cái giường bố cũ, kê trước thềm. Ô cửa sổ sắt, song uốn mấy bông hoa vàng sơn tróc lỗ chỗ tự nhiên thành cửa biên giới ngăn hai chiếc giường của em và Nhát. Ngăn luôn hai thế giới trong và ngoài nhà. Em không nói với Nhát mình thích được ngủ ngoài thềm hơn. Khi mọi cánh cửa đều đóng lại, nhìn qua khe gỗ, thế giới ngoài nhà của Nhát trước mắt em cứ sáng bừng. Em thèm được ra đó. Thèm hơi gió thoảng mùi nước mương, nghe mấy con ếch ộp than trời hạn, rồi tiếng bầy cừu be be mơ ngủ đưa lên từ cuối giàn nho.
    - Ngủ ngoài nhà sợ ma muốn chết. Phải nhà mày rộng, tao nói chú kê giường tao vô nhà luôn...
    Nhát lại chép miệng, thèm thuồng vậy với em. Ðêm kia, hai đứa âm thầm đổi chỗ. Em sướng rơn, được ngủ thẳng một mạch tới sáng. Nhát không nói gì, nhưng ngó cặp mắt đỏ quạch, bộ mặt chảy dài, em biết, cũng như em, Nhát rốt cuộc đã thấy thế giới trong nhà chẳng gì vui hết. Kẻ vui, chỉ có tấm màn đỏ. Nên suốt đêm, cứ chợp mắt, là tiếng sột soạt, hổn hển, rồi tiếng rúc rích như chuột kêu vẳng vào tai em. Nhà đã chật lại kín, trong đêm sâu, âm thanh nào cũng bị khuếch to hơn, thành những mũi dùi đục cơn ngủ em rụng tả tơi.
    Em chỉ đổi chỗ được cho Nhát một lần duy nhất. Một tối, đang giữa chập chờn lăn qua trở lại, bỗng có bàn tay lạnh ngắt chạm chân làm em vùng dậy. Là Nhát. Không biết mở cửa sổ biên giới bằng cách nào, Nhát thò tay qua song sắt, lắc gọi em.
    - Mày... muốn ra đây nằm chung không? Dễ ngủ hơn!
    Thế giới ngoài nhà kể ra cũng biết thương em. Len lén mở cửa, ôm gối, chui vào cái mùng ngoài thềm, em quyết định từ đấy sẽ cho Nhát làm anh Hai em. Anh Hai mới! Anh Hai cũ và em lúc sinh ra đã dính chùm. Hai đứa cùng xài chung một bộ ruột gan, tim phổi. Chuyện cũng lâu rồi. Chỉ bà ngoại nhớ miết. Nên từ phố xuống thăm, tìm ra mương nước thấy em ngồi bên anh Hai mới, ngoại lên huyết áp, kêu mỗi tiếng: “Trời ơi” rồi ngã vật. Lúc tỉnh dậy, cứ nhè tóc ba, ngoại ghì lấy, dúi xuống.
    - Trả cháu cho tao! Mày hứa sao với con gái tao? Cháu tao, mày giết một đứa rồi. Ðứa còn lại, mày cũng hành. Mày nuôi cháu tao kiểu gì mà bắt nó đi làm đồ tể sát sanh! Nuôi kiểu gì mà bắt nó kêu người dưng là mẹ!
    Ngoại gào lên từng chặp. Em luýnh quýnh khóc theo tiếng gào. Ráng cạy, gỡ những ngón tay đang giận. Chừng ngoại chịu buông, cả mảng tóc ba rớt vụt qua tay em, xơ xác vương đầy chân màn đỏ. Chưa đã nư, lúc đi ra, ngón tay ngoại còn xỉa thẳng hai gương mặt tái mét nép bên cửa:
    - Hai mẹ con bây giỏi giở trò dì ghẻ con chồng đày cháu tao làm chuyện ác nhơn nữa coi. Biết tay tao!
    Lẽ ra phải nói với ngoại nào ai bắt, ai đày gì em đâu. Anh Hai mới nhát cáy, thấy máu là bủn rủn tay chân. Nên em lên mương nước phụ lượm mấy cái đầu mèo cho nhanh bớt. Ba đã chỉ em chục nấm đất nhỏ trong khu gò mả sau giàn nho.
    - Là mả dì con làm cho tụi mèo!
    Ba nói gọn. Ðúng kiểu ba, lúc đưa nhát cuốc dứt khoát bổ xuống mặt đất khô ran, ngày mới dẫn em về rẫy.
    Tạo hầm, ươm cây, làm giàn, dẫn nước. Mùa hạn cũng như mùa mưa, em chưa từng thấy tay ba ngập ngừng. Cả giàn lá xanh um, trĩu trịt trái, rồi khu chuồng nuôi rộn tiếng cừu cứ thế lần lượt xuất hiện trên miếng đất gò vốn khó ăn nước sông nhất. Năm đúng một lần, vào ngày giỗ mẹ, tay ba chùng lại, bần thần. Có năm, lo nhìn hình mẹ, bật quẹt đốt nhang, ba để lửa táp bỏng luôn hết mấy ngón tay. Mẹ mất sau khi sinh anh em em được vài ngày. Ca sinh khó làm mẹ kiệt sức. Hình hài hai đứa nhỏ người ta đem ra để mẹ cho bú càng khiến mẹ lịm đi, không trở về được nữa.
    Một mình ba đánh vật với tụi em trong bệnh viện. Một mình ba giằng co với quyết định giữ lại đứa con nào, em hay anh Hai. Ngày tiễn anh Hai, chắc ba cũng một mình gục đầu bên ngoài phòng mổ, rưng rức khóc.
    Mỗi lần nghĩ đến điều này, em đều gặp anh Hai trong mơ. Anh nói đã nhường em được đẹp, được sống. Ruột gan, phổi tim anh nhường, em phải dùng để an ủi ba, thương ba thay mẹ, thay anh. Nên người đàn bà ba chọn, giúp ba được vui, em từng hứa với anh Hai cũng sẽ thương.
    Khổ nỗi, yêu thương không phải cứ hứa là làm được. Trái tim càng ép buộc, trí nhớ càng lôi em ra mương nước, chỗ người vợ ba chọn giơ lưỡi dao to, bén ngót chặt phụp xuống các thân mèo đã trụng nước sôi.
    Càng bị bắt phải thương, mắt càng cho em gặp chiếc xe chiều nào cũng thồ hai giỏ cần xé đầy những mình mèo chết nhe răng, co quắp, xịch tới bờ mương. Chỉ khi câu nói gọn lỏn ba bổ xuống, bên mấy cái mả mèo tròn, mảnh đất thương khô rốc trong em mới nứt ra được một mầm cây. Lén canh mấy cái mả, em phát hiện, cứ chiều chiều rời mương nước, người vợ mới của ba lại đi thẳng ra đó, cầm theo chiếc cuốc.
    Không như tiếng cuốc dứt dạc của ba, từng nhát cuốc dì chạm đất cứ nặng trịch, mỏi mệt. Bỏ túm đầu mèo vô cái hố mới đào, dì ngồi xổm xuống, dùng chính những ngón tay mình lấp đất. Trong ánh chiều sót, mấy ngón tay tỉ mẩn cào, đắp, vuốt phẳng ngôi mộ đầu mèo cứ đỏ ửng lên, như mắt người đang khóc. Mầm cây thương trong em cũng rục rịch bật ngọn, vươn lên một chồi non.
    Lúc ngoại phát hiện em đang gom mớ đầu mèo là khi chồi non ấy đã thành cái cây cao, tẻ nhánh không biết tự lúc nào. Ngoại chỉ tay nhắc mẹ ghẻ con chồng, ngó ánh mắt phẳng lặng bỗng vụt un đầy nước, vỡ ra và bẽ bàng đau xót trào thành dòng, trái tim em được anh Hai nhường thắt lại.
    - Dì ấy cũng đáng được thương mà, nhỏ!
    Ðêm không hề mơ, em nghe giọng anh Hai cũ thoát ra từ lồng ngực mình.
    - Ra đó ráng học. Lâu lâu rảnh nhớ chạy về thăm ba chút, để ổng buồn…
    Câu nói thình lình vang. Kéo em khỏi đám nhớ tự nhiên dậy lại từ chuyện muỗi cắn. Tan nhớ, em thấy đối diện mình là ông anh cao lừng lững, da ngăm, mặt hiền queo, y chang ba. Người chòm rẫy đều nói anh Hai cũ nếu còn cũng chưa chắc giống bằng. Ðến mấy cái ghế bằng gốc xoan hai người làm từ kiểu dáng, đường cưa, mặt bào cũng y hệt, em còn không phân biệt được đâu ghế ba làm. Mắt ba dạo này kém hẳn, đeo kính vẫn bước nhầm bờ và hầm nho. Ðều đặn tháng hai lần, ba ngồi sau xe anh Hai đi bệnh viện. Ðều đặn, dì ra cổng đứng nhìn theo. Ánh mắt dợn lớp lớp sóng như dạo dì đem con dao chặt đầu mèo lên sông ném sau khi ngoại về.
    - Thôi. Bỏ nghề.
    Dì nói gọn, y chang ba. Sông đón lời dì lẫn lưỡi dao nhẹ bâng, không gợn chút sóng.
    - Hay... em không lên phố nữa. Học ở đâu cũng được. Mớ gì!
    - Bậy. Học dở như anh mới vậy. Mày khác… Trên đó, mày còn có nhà ngoại. Ở quen rồi, có khi còn quên luôn đường về chòm rẫy này hổng chừng...
    Cái ghế gốc xoan cạnh em chợt bồn chồn. Tìm mắt người vừa nói, trong đêm, em bắt gặp ánh nhìn hờn mát y chang ngày xưa dì từng nhìn ba bên mương nước. Không dưng, gò má em nóng bừng. Giả bộ cúi xuống chụp con muỗi, em né ánh mắt. Mai, chắc phải rủ cả nhà chụp với nhau tấm hình…
    

Kết Thúc (END)
Nguyễn Thị Kim Hòa
» Sau Giông
» Những Người Cưỡi Khói
» Nắng Đồng Cừu
» Mùa Gió Nghịch
» Mưa Lòng Hồ
» Tơ Vương
» Dưới Chân Quạt Gió
» Người Trong Nắng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng