Lều giấy đã cháy chưa? Tôi hỏi lại câu này một lần nữa. Lần trước, lâu lắm rồi, không thấy Nhiêm trả lời, hay Nhiêm không để ý, hay còn mải trả lời câu trước của tôi. Nên tôi im lặng đến tận bây giờ. Khi nhìn ra trời chiều một mầu trăng trắng dìu dịu, bông giấy đỏ nhà ai thõng xuống ban công như một đốm lửa châm vào hồn tôi, tôi bất chợt hỏi.
Nhiêm bảo, lều giấy cháy rồi, Xuân ơi về nhé. Đứng trên cống Cổ Cò nhìn ra, lều giấy bừng lên như một ngọn lửa, sưởi ấm cả triền sông, đồng đông gốc rạ lảng vảng sương khói. Trong vườn, mầu bưởi chín vàng nôn nao. Về đi Xuân. Nhiêm lại giục.
Nhiều mùa đông, tôi chỉ về nơi ấy trong những giấc mơ đứt gãy. Không có ai giục về. Từ khi tìm lại được Nhiêm, tôi lúc hối thúc mình muốn về ngay, lúc lại lần chần bởi những điều hết sức mơ hồ từ ký ức. Về đi, Nhiêm sẽ đợi Xuân trên sân ga. Chiều nay, tôi lên tàu về lại nơi đã xa hơn mười năm trước. Tàu vào ga Giằng. Lác đác vài khách xuống. Trước sân ga, vẫn cây bàng xưa đang trải lá vàng lên mái mấy lều quán lúp xúp, lên sân gạch. Bước chân ai lạo xạo trong tiếng lá. Gió thổi hun hút vào lòng tôi. Một người con trai cao lớn, da rám nắng, đội mũ nan đứng bên tường gạch cũ. Tôi nhận ra Nhiêm. Nhiêm nhận ra tôi.
Đã mười hai năm rồi. Nhanh nhỉ. Nhiêm nhìn nhanh tôi khi hai đứa ngồi uống nước vối, cái nhìn tựa hai đứa mới xa nhau hôm qua. Bà Vãn bán nước vối ở sân ga đã không còn. Người con dâu vừa rót nước vừa kể, bà cụ đi nhẹ như chiếc lá bàng cuối đông. Chiều còn ngồi bán nước, đêm về ngủ một giấc, sáng hôm sau con cháu gọi, bà cụ đã đi.
Tôi nhớ đến nghĩa trang đống Sen, bà cụ Vãn giờ cũng đã ra đấy. Chiều ấy, con chó Vện ăn trộm trứng gà nhà bà Vãn bị anh Công cầm gậy đuổi chạy bạt vía đi đâu mất. Tôi xới tung ngóc ngách trong xóm để tìm mà không thấy. Chỉ còn đống Sen là tôi không dám vào. Nhiêm đi giao bưởi cho mẹ về tới đầu xóm, thấy tôi cứ quanh quẩn ở cống Cổ Cò khóc, bèn kéo tôi vào bên trong đống để tìm. Màu hoang dã của cỏ dại chen lấn vai mộ làm tôi sợ. Nhiêm chỉ tay ra phía bờ sông. Mái lều rạ có vòm hoa giấy nở đỏ thẫm trong chiều đông. Mầu đỏ làm bước chân tôi dạn dĩ. Hai đứa tìm thấy con Vện nằm nép vào ngôi mộ cổ. Chị Làn hàng xóm đi dọn mộ các cụ đang đốt một đống cỏ khô cạnh đấy. Vài giọt máu dính bết ở đùi con Vện thấm lên cỏ. Tôi thổn thức ôm lấy cổ con Vện.
Xuân không nhận ra ai à? Khi hai đứa đi trong con ngõ còn thưa thớt mấy cây râm bụt kết hàng rào xen những bức tường xây cao thấp, Nhiêm hỏi khẽ. Tôi đăm chiêu. Chị Làn bán nước đấy. Chị ấy lấy anh Công. Họ có hai cậu con trai, anh Công giờ lái xe cá.
Tôi không nhận ra chị Làn. Người chị xổ ra, mặt rám nắng. Không biết anh Công giờ thế nào? Tôi vẫn chưa thể quên. Không phải vì cái vụ anh trừng phạt con Vện tội nó ăn vụng trứng gà chọi của anh. Không phải vì anh là người con trai lực lưỡng nhất trong xóm ga có thể phăm phăm bê những bao thóc năm mươi cân đổ lên máy xát gạo di động. Cũng không phải anh là chàng trai đã đứng lên bục cao nhất trong đợt hội làng mùa xuân năm tôi học lớp sáu ấy để lĩnh giải nhất chọi gà. Hay những vụ anh cầm đầu bọn con giai đi đánh nhau với giai làng khác trên cống Cổ Cò. Mà vì chiều cuối năm ấy.
Chiều bàng bạc. Tiếng đàn hát đã vang lên từ căn lều cá có giàn hoa giấy phủ đỏ rực như ngọn lửa. Ngọn lửa ấy làm sáng bừng một khoảng đồng vừa cày ải, làm nước dưới sông ánh sắc hồng. Tôi đã bỏ lại Nhiêm trong vườn bưởi nhà cậu ấy, nương theo tiếng hát, theo mầu hoa giấy đỏ mà tới. Bên căn lều giấy đẹp như vẽ, anh Công đang ngồi cạnh cầu ao gẩy đàn và hát: “Qua lối nhỏ vào nhà em. Muốn ghé vào thăm sợ ba má em buồn lòng...”. Cô bé mười ba tuổi tôi đã đứng nghe hồn mình nở ra như từng bông giấy đỏ xòe cánh trên mái lều. Có cái gì như sợi dây rung lên từng chặp trong lòng tôi. Má tôi nóng hôi hổi như đang ngồi cạnh đống lửa. Ngày bố tôi còn ở nhà, bố cũng hay hát bài này bên hiên mỗi chiều tan ca sớm. Tôi chơi đùa dưới sân, sà vào lòng bố nghe hát, cười đùa, và nhìn mẹ ngồi giặt áo hay chuẩn bị cơm chiều. Nhưng chưa bao giờ có cảm giác thế này. Cái gì đó xáo động dữ dội trong tôi. Hình ảnh cộc cằn khi anh Công cầm gậy đuổi đánh con Vện biến mất, khuôn mặt đỏ rực như say rượu khi anh ngồi trên cống Cổ Cò sau vụ đánh đấm biến mất. Chỉ còn là một người con trai đang say sưa thả hồn dưới lều giấy đang cháy đỏ rực một khoảng trời. Tôi hút theo. Khi vai chạm vào bức tường cũ thì tôi giật sững lại. Mắt tôi hoa đi, thấy muôn vàn cánh hoa giấy rơi lả tả như những giọt máu. Tim tôi tưởng như ngừng đập. Như khoảng khắc tôi nhìn thấy mẹ tôi, người đang đứng dựa lưng vào cây hoa giấy, quần ống thấp ống cao, tay bê cái nón, mắt nhìn đăm đắm về phía người chơi đàn và hát. Ánh mắt ấy đã khiến tôi thấy khoảng cách từ nơi cầu ao anh Công ngồi đến chỗ gốc cây hoa giấy mẹ đứng gần như một vành nón. Tôi giật lùi. Tôi muốn vùng chạy. Nhưng không hiểu sao tôi không thể nhấc nổi chân mình. Chợt một bóng người đã vùng chạy qua tôi, bước chân bối rối, nón đội vội vã sụp lên đầu. Tôi nhận ra mẹ. Mẹ chạy về phía triền sông. Triền sông quay quắt gió. Tiếng đàn rỏ từng giọt như nước rồi lắng hẳn. Gió thổi vù vù qua mặt tôi, xuyên qua tai, qua ngực tôi.
Nhiêm đi tới, gọi tôi. Tôi không trông thấy, không nghe thấy. Gió vù vù. Nhiêm dựng xe, chạy lại phía tôi. Làm cái gì mà thẫn người ra thế? Tôi chẳng trả lời, cơn bực tức vô cớ đùn lên, cổ họng nghẹn ứ. Lều giấy nhà Xuân chiều nay bung hoa rực rỡ quá, mất hồn vì nó chứ gì? Nhiêm dúi múi bưởi đào vào tay tôi, tôi vung tay, múi bưởi đào rơi xuống vệ cỏ, tôi lầm lũi bỏ đi. Nhiêm có nhìn theo tôi không? Về sau, những đêm mơ về chốn này, tỉnh dậy tôi thường hay tự hỏi, Nhiêm có nhìn theo tôi không? Hay Nhiêm nhìn theo mái lều có hoa giấy phủ? Để khi tìm lại được nhau, Nhiêm hay kể cho tôi nghe về mầu đỏ ấy. Cái mầu đỏ biết nhóm lửa sưởi ấm cả đồng chiều.
Nhiêm dẫn tôi tắt qua cánh đồng gốc rạ, men theo bờ ao tới lều giấy. Vẫn mầu hoa giấy lợp mái đỏ cho lều. Có cái gì đó như vừa nhói trên ngực trái tôi, mong manh. Gốc cây giấy đã to như cổ chân dựa vào tường trườn lên như một chú trăn. Những mảng lá xanh thẫm bện lấy nhau để nâng cho cánh hoa vươn lên cao ngạo nghễ trước gió. Nhiêm vung bát ngô luộc. Ao cá sôi lên. Đàn cá lao vào gần bờ. Nhiêm tung cánh tay chài, kéo lên hai con chép. Nhiêm chỉ bắt một con đem về, một con thả về ao. Bố tôi cũng có lần đãi khách bằng mẻ chài như thế. Khách là một người em gái họ xa. Cô ấy mặc váy xanh và hay cười với tôi. Đêm, cô ngủ với tôi ngoài phòng khách. Nhưng tới hôm sau cô khách đi, tôi thấy bố đưa ra ga, còn mẹ quang gánh ra đồng cắt cỏ cá mà hai mắt sưng mọng. Hai tuần sau, bố bảo về quê ăn cưới cô ấy, rồi mãi chẳng thấy ra. Chiều nào mẹ cũng đứng ngoài lều cá ngóng những chuyến tàu. Người ta đồn, bố cậu đã bỏ đi theo cái cô kia. Là người yêu cũ của bố cậu chứ chẳng phải em họ đâu. Nhiêm đã nói với tôi câu đó khiến tôi giận mãi. Cho đến lúc khăn gói theo mẹ rời bỏ chốn này, tôi đã không tới chào Nhiêm. Tôi cũng không biết sáng hôm sau, không thấy tôi tới cống Cổ Cò như đã hẹn, Nhiêm có buồn không?
Tôi đã buồn thật nhiều. Nỗi buồn ấy bị tôi chèn ép xuống tận đáy lòng. Tôi nhớ căn lều giấy mỗi chiều cuối đông. Tôi nhớ tiếng đàn và dáng mẹ đứng bên gốc cây nhìn đăm đắm người chơi đàn và cũng nhớ cả cảm giác xáo động dữ dội trong lòng. Tại sao mẹ không thể tiếp tục chờ bố trở về sau khi nghe tiếng đàn ấy? Tại sao mẹ lại vội vàng bán ao cá, lều giấy, và căn nhà? Mẹ từng kể để có cái ao cá này, bố mẹ mất ba tháng trời ngày đêm cắt đất đắp bờ. Khi hai nhà bên cạnh đắp xong ao thì bố mẹ còn chật vật đánh bùn lên. Chỗ đổ bùn ấy về sau bố ươm một cây hoa giấy đỏ. Mẹ thích mầu hoa giấy đỏ. Hoa như ngọn lửa cháy trong chiều đông. Vậy mà bố bỏ đi, đã ba mùa đông hoa giấy bung lửa, bố không về lại triền sông, mẹ vẫn đi dọc cánh đồng, thấy lòng mình nguội lạnh. Môi mẹ đã thôi hồng, mắt mẹ đã thôi cười. Cho đến buổi chiều ấy nghe anh Công đàn hát. Tiếng đàn hay ký ức xưa trỗi dậy? Anh Công, hay bố, hay tôi khiến mẹ rời bỏ nơi này? Đêm ấy, ôm tôi ngủ, mẹ bảo, vì tương lai của tôi, trong khi tôi chẳng hiểu tương lai mờ mịt của mình là gì khi lều giấy đã là quá khứ bị bỏ lại.
Sau bữa tối, Nhiêm vác cây đàn guitar dẫn tôi sang nhà cũ. Bên hiên nhà cũ, tôi cùng Nhiêm nghe gió bấc lùa về trong vườn bưởi. Mẹ Nhiêm vẫn đang cắt bưởi trong vườn, ánh đèn pin loang loáng. Bố Nhiêm sau khi chẻ xong đống củi để mai mốt chất bánh chưng đã ra trông ao. Mấy chùm bưởi sà vào tận chỗ hai đứa ngồi. Ngày mai, Nhiêm đưa Xuân ra chợ Tết chơi nhé. Chợ quê mình ngày Tết đông vui lắm, nhớ không? Tôi chạm tay vào quả bưởi đang sà vào vai mình. Giữa năm gặp ba trận bão lớn, bưởi rụng nhiều nên giờ được giá Xuân ạ. Nhiêm chỉ tay về phía cuối vườn. Tôi còn nhớ chỗ ấy xưa có cái hàng rào, tôi hay chui sang bên kia chơi với Nhiêm trong vườn bưởi. Mẹ và Xuân đi, nhượng lại đất ao cho bố Nhiêm. Vườn thì mẹ cuốc lên trồng bưởi. Nhà vẫn giữ đó. Mẹ Nhiêm bảo, Nhiêm là cả, lấy vợ thì cho sang đấy ở riêng. Đằng ấy yêu ai thì cưới đi còn gì! Tôi cũng đã từng bảo với mẹ câu đấy, nhưng mẹ nhìn tôi, chỉ cười. Còn Nhiêm thì nhìn sao trong đêm. Đôi mắt dài, sâu, đôi môi dày ấm áp. Má tôi bỗng lại nóng ran khi Nhiêm nói, Nhiêm cầm tay tôi: Xuân có hay nhớ về nơi này không? Anh thỉnh thoảng vẫn mơ lại cảnh hai đứa ngày xưa. Xuân về đây rồi, ở lại đây em nhé. Tôi đã rút tay tôi ra khỏi tay Nhiêm. Tôi sợ cái nồng nàn vừa truyền sang tôi kia sẽ làm tôi bùng cháy lên như lều giấy năm nào mất. Nhiêm so dây và bắt đầu đàn. Tiếng Nhiêm lẫn tiếng đàn. Những ngày đầu Xuân đi, buồn chẳng biết làm gì, anh chạy sang nhà anh Công nghe đàn, rồi học gảy đàn. Bản Thư gửi Elise vang lên. Tôi khẽ run người, tim đập thình thịch. Bản nhạc càng lúc càng da diết. Tiếng đàn của Nhiêm làm tôi nhớ tới anh Công, cái cách anh gẩy đàn và ánh mắt đăm đắm của mẹ tôi, khoảng cách hai người gần như một vành nón. Lòng tôi rung lên tưởng như muốn vỡ ra, tôi đã vùng chạy.
Sáng hôm sau, trong khi Nhiêm thồ xe bưởi đi chợ giúp mẹ, tôi đã vội vã ra ga cho kịp chuyến tàu lên.
Nhiêm có buồn khi về nhà chẳng thấy tôi đâu hay không? Ngồi trên tàu, tôi nhắn tin cho Nhiêm, Xuân đi rồi. Những giấc mơ về lều giấy đã dẫn dụ Xuân về.
Kết Thúc (END) |
|
|