Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Một Người Hà Nội Tác Giả: Sưu Tầm    
    Bà Trãu nhai trầu bỏm bẻm.
    Bà đưa bàn tay xòe các ngón quệt ngang mép rồi chùi vào cột điện làm sạch lớp quết trầu. Cô Loan bách hóa bế ngửa đứa con đến ghẹ ghẹ bên cạnh bà: - Bế thằng cu hộ em một lát bá.
    Bà Trãu chùi hai tay vào vạt áo, nhổ miếng bã trầu rồi sắm lắm: - Nào, để bá hầu thằng dáicho nào.
    Cô Bích cũng dắt đứa con gái đi lẫm chẫm đến cạnh bà: - Bá cho em gửi cháu, em chạy ù ra ngõ mua tý thịt bá nhé.
    Bà Trãu một tay bế ngửa đứa nhỏ, một tay dắt đứa bé. Vừa khi ấy cô Thoa cơ khí nhà ở cuối dãy cũng bế xốc nách đứa con trai ba tuổi đến đặt cạnh bà Trãu, bảo: - Nhờ bá trông hộ thằng cu để em nhóm bếp lò, bá nhé.
    Bà Trãu cúi đầu khẽ cộc trán vào đầu thằng bé, nói: - Nào, ngồi đây chơi với bà cu tý nhé.
    Những ngày thường người ta đi làm đưa con đi học, đi nhà trẻ thì cả cái ngách phố này vắng tanh, chỉ còn mình bà Trãu ở nhà. Cũng nhờ có bóng của bà mà bọn lưu manh trộm cắp không dám bén mảng. Bà lại xuề xòa tốt tính tốt nết nên ai cũng quý mến. Bà trở thành trung tâm đoàn kết của mọi người.
    Anh con trai bà dạy Đại học Bách khoa, mua vạt đất ven ao sau phố Bạch Mai. Đất lúc ấy rẻ. Rồi anh lại sang Mỹ học tiến sĩ. Trở về anh cắt hộ khẩu của mẹ từ Thanh Ba xuống.
    Anh mua bảo hiểm y tế và đăng ký khám, chữa bệnh cho mẹ tại Bệnh viện Bạch Mai gần nhà.
    Bà Trãu bế đứa nhỏ, rủ rê mấy đứa lớn vào nhà. Bà thèm có đứa cháu nội nhưng người yêu của anh con trai còn học tiến sĩ ở nước ngoài một năm nữa mới về làm đám cưới.
    Buổi trưa anh con trai đi làm về. Bà xếp cơm, hai mẹ con ăn, đoạn chẹp miệng: - Chả biết đến bao giờ vợ mày mới đi học về đẻ cho mẹ đứa cháu bế đây.
    - Mẹ không phải sốt ruột. Nhỡ sau này nó sinh đôi mẹ bế giã cánh tay lại kêu chúng con thôi.
    - Cha bố anh chứ, bận gì mà tôi kêu. Mà mấy tháng anh chưa về quê rồi đấy. Thỉnh thoảng phải về thăm bố với mẹ kế con ạ. Người ta dù thế nào cũng là máu mủ với mình.
    - Vâng ạ.
    - À, cái xe máy cũ rồi nên mua thay cái mới. Cái này đem về cho thằng em đi làm.
    - Vâng ạ.
    Thắng nhìn mẹ. Mẹ cũng nhìn anh.
    Cả hai cố nhịn cười vì câu nào mẹ nói Thắng cũng "vâng ạ".
    Thực thì mẹ nói đều trúng ý anh.
    Mẹ anh dù ít học nhưng mọi cư xử, hành động của bà đều không thể chê vào đâu được. Bà không hề được học hành từ sách vở mà chỉ do kinh nghiệm được trao truyền trong dân gian đã được sàng lọc trưng cất thành các giá trị cổ truyền do văn hóa làng tạo nên. Còn văn hóa Thủ đô cũng được xuất phát từ văn hóa làng nhưng phát triển cao hơn, tinh túy hơn, văn minh hơn trở thành tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam hiện tại. Mặc dù chỉ cách vài bước chân, ra mặt phố chính mẹ anh sẽ chỉ phơi bày bản chất quê mùa, giản dị đến thô mộc. Nhưng những người như mẹ anh đang tham gia làm giàu cho văn hóa Thủ đô, như những cái neo níu giữ cho nền văn hóa ấy đỡ trôi trượt trong thời kinh tế thị trường hội nhập này.
    Mỗi lần nghĩ về mẹ, Thắng vừa thương vừa kính trọng mẹ. Hình như mẹ anh không biết thù hận là gì.
    Người ta ai cũng bảo bà sướng về già. Nhưng đâu biết bà đã qua kiếp nạn tù đày. Hồi ấy anh Thắng mới lên năm. Bố anh, ông Lợi đang công tác ở Công ty Bách hóa. Một hôm ông bí mật về, bảo vợ: - Tôi bị quyết định đi B rồi. Chết mất xác là cái chắc.
    Bà thật thà nói: - Làm sao bây giờ hả anh?
    - Cô muốn cứu tôi thì chỉ còn cách này thôi. Nhưng phải tuyệt mật, không thì tù cả nút. Anh đưa cho vợ con dao phay bảo vợ hãy bập một nhát thật sâu vào bả vai. Còn anh cầm gậy rồi gào lên ra ý đuổi đánh vợ làm thế chứng tỏ chị vợ do cùng quẫn phải dùng dao. Chị nghe chồng nhắm mắt lại, chém một nhát. Anh tru tréo.
    Hàng xóm chạy đến đưa anh ta đi bệnh viện. Chị vợ bị công an xã giải lên huyện. Kết quả anh ta thoát đi B.
    Chị vợ bị đi tù. Lợi đưa thằng Thắng về tỉnh, gửi cô nhân tình bên Bách hóa nuôi hộ. Một năm sau anh ta toàn quyền ly hôn vắng mặt vợ và cưới cô nhân tình làm vợ.
    Dì Tràng, em bà Trãu bảo chị gái làm đơn tố cáo chồng nhưng bà nói: - Không, tôi dại thì tôi chịu, con tôi người ta nuôi cho là được rồi.
    Khi ra tù bà đón Thắng về nuôi.
    Hồi học cấp ba, Thắng cứ hỏi mẹ: - Có phải bố lừa mẹ vào tù để đi lấy dì không?
    - Không, ai bảo con thế. Tại mẹ đấy. Mẹ giận thì mẹ chém bố thôi.
    Thực ra bà Trãu không muốn con trai mang mối hận bố. Người ta bảo "Phúc đức tại mẫu". Mình ăn ở hiền lành rồi con mình khắc được hưởng phúc. Thời bao cấp thóc cao, gạo kém, cán bộ ăn gạo sổ có tháng phải mua phân ka-li thay cho gạo. Bà thỉnh thoảng phải đúc vài yến gạo vào túi tải sai Thắng "bề" xuống cho bố và các em. Bà muốn tình cảm bố con Thắng được tốt đẹp. Được cái con bà ngoan học giỏi. Đi thi được giải nhất quốc gia. Nó học xong đại học ở nước ngoài về dạy ở Trường Bách khoa rồi lại thi đỗ cao học, rồi học tiến sĩ ở Mỹ.
    Ai cũng mừng cho bà được sống nhờ vào con.
    Một buổi sáng chủ nhật bà Tràng em bà Trãu từ quê ra thăm chị. Nghe thấp thoáng thấy tiếng em gái, bà Trãu ngó ra đã thấy bà Tràng tất tưởi, tay xách nách mang quả mít, con gà rồi đấu vừng, cân lạc túm trong các túi tải.
    Thắng cũng ở trên tầng ba chạy xuống. Anh reo to: - Ố, dì! Dì giỏi thật, tìm đến tận nhà cháu?
    - Cho sang Mỹ dì anh cũng đi được nhá. Đường ở mồm chứ ở đâu.
    Bà Trãu và Thắng mỗi người xách một thứ cho bà Tràng. Hàng xóm kéo đến.
    - Bá là em bá Trãu hả.
    - Chị em thật giống nhau.
    - Các cô là người Thủ đô có khác, ăn mặc rõ diện. Bà Tràng nhìn chằng chằng từ đầu đến chân họ rồi nói tiếp: - Cô này, với cô này không làm bác sĩ cũng làm giáo viên là cái chắc.
    Đừng tưởng dân quê không biết gì đâu nhá.
    Thắng bỏ các thứ vào bếp, quay ra: - Mời dì, mời mọi người vào nhà đi, ai đứng mãi dưới đường thế ạ.
    Khệ nệ bê quả mít vào để giữa nhà, bà Trãu nói: - Của chả nặng bằng công là thế này đây. Vào đây để tôi bổ mít ăn, mọi người ạ. Cây mít nhà dì quả to, ngon lắm đây. Toàn mật ống là mật ống. Bà Trãu vừa nói vừa lấy tờ báo cũ trải ra nền nhà rồi cầm ra con dao phay. Thắng xắn tay áo nói: - Để con bổ cho. Mẹ yếu tay bổ sao nổi.
    Bà Tràng ngó nghiêng ngôi nhà.
    Từ cái lò sấy đến bình lọc nước... Cái gì bà cũng thấy lạ phải sờ tay xem thử. Bà hỏi: - Cái này có nhiều tiền không hả cháu?
    - Bốn triệu đồng thôi dì ạ.
    - Hôm nào mua cho dì cái nhá.
    Anh thì thiếu gì tiền.
    - Tháng sau cháu sẽ chở về cho dì cái máy tính.
    Bà đến xoa đầu Thắng: - Thế mới là cháu dì chứ nhỉ. Nhìn mọi người bà nói: Cháu tôi tốt có tiếng ở trên làng đấy các bá ạ. Bố nó lừa mẹ nó vào tù để đi lấy vợ hai...
    Bà Trãu mắng em: - Dì nói xấu người khác đấy à?
    - Em không nói xấu. Cả như em, bá phải tố cáo cho lão ấy vào tù mới đúng.
    Bà Trãu đưa cho mỗi người miếng mít giục: - Ăn đi, ăn đi.
    Bà muốn cắt đứt câu chuyện của em gái. Rồi bà đem mấy miếng mít chia cho nhà vắng mặt.
    Mọi người xít xoa khen mít ngon.
    Bà Trãu về vẫn thấy bà Tràng kể chuyện tình cảnh của mình. Bà nói: - Tôi nói với dì bao lần rồi, cái số mình thế thì mình phải chịu, tố cáo kiện tụng làm khổ người khác thì mình có sướng hơn được đâu.
    - Nhưng bá nhân đức kiểu ấy, em tức không chịu được...
    Mọi người qua câu chuyện của bà Tràng càng hiểu hơn con người bà Trãu. Anh Thắng con bà Trãu cũng học được nhiều ở tính vị tha nhân đức của mẹ.
    Có tiếng chuông điện thoại bàn.
    Bà Trãu úp ống nghe lên tai "a-lô" thật to. Sau khi nghe người đầu dây bên kia nói, cặp mắt bà tròn lên ú ớ hỏi: - Vậy ông ấy thế nào rồi, liệu có qua được không? Được, được, Thắng đang có nhà đấy, nói chuyện với cháu nhé. Rồi thở dài lắc đầu, bà nói: - Bố anh Thắng bị xuất huyết não đang đưa về Bạch Mai. Thế có tội nghiệp cho ông ấy không chứ.
    - Thật đáng đời. Bá không bận gì phải thương xót cho loại người ấy.
    Mọi người có biết không, ông trời ăn ở có mắt đấy...
    Nghe xong điện thoại, Thắng úp máy nói với mẹ: - Ô-tô sắp về đến viện rồi. Con ra ngoài này xem sao mẹ nhá.
    Bà Trãu cũng sốt sả: - Khéo mẹ cũng ra ngoài ấy xem sao.
    - Thôi, mẹ cứ ở nhà với dì. Có lẽ mẹ đi chợ mua thức ăn để nấu cơm cho nhiều người ăn đấy. Chắc chắn trên quê sẽ có nhiều người đưa bố con xuống viện. Chiều mời họ vào nghỉ ngơi, tắm rửa ở nhà ta. Chỉ thay nhau một người được ở trong viện chăm sóc bệnh nhân thôi.
    - Ừ, thế cũng phải, con cứ đi đi.
    Thắng đi, bà Trãu cũng xách làn để đi chợ. Bà nói: - Dì cứ ở chơi với mọi người nhé.
    Tôi đi ù một tý rồi về thôi.
    Khi bà Trãu đi rồi, bà Tràng mới chép miệng nói với mọi người: - Mẹ con nhà bà ấy tốt không phải đường, thế mà cũng dám cắt hộ khẩu chuyển về thành người Thủ đô kia đấy. Người Hà Nội nghe nói nhà ai biết nhà ấy. Họ sống tệ lắm.
    Nghe bà Tràng nói, mọi người chỉ biết nhìn nhau cười.
    Ngoài kia, nắng vẫn đang dát vàng đường phố.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân