Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Quen, Chuyện Lạ Tác Giả: Nguyễn Tam Mỹ    
    1.Tham gia trại sáng tác văn học do Hội Văn nghệ tỉnh tổ chức, tôi quyết định lên bám trụ ở vùng trung du Sơn Quang để thâm nhập thực tế viết về đề tài nông nghiệp - nông thôn. Sống và làm việc ở thành phố cũng đã lâu lắm rồi nhưng đời sống thị dân vẫn luôn xa lạ với tôi. Ngồi viết đến khuya, cả một bãi chữ hiện ra trên giấy trắng mực đen cứ nhàn nhạt thế nào ấy. Cố gắng mấy vẫn không thành công. Tôi là con nông dân. Sinh ra ở chốn quê kiểng. Lớn lên từ rơm rạ ruộng đồng. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân gắn bó máu thịt với tôi. Làng Hồi Gia là nơi tôi chọn lựa để bám trụ. Chủ tịch xã Lộc Trung, một chàng trai tuổi độ ba mươi, tiếp tôi niềm nở thân tình. Anh bảo: “Lộc Trung có cả thảy bảy làng. Và Hồi Gia từng được gọi là làng “ba nhất”. Nghèo đói nhất. Thất học nhiều nhất. Và tệ... trộm cắp vặt dẫn đầu toàn xã! Ấy là trước đây. Bây giờ Hồi Gia lại là nơi yên bình nhất, ấm no sung túc nhất và phong trào khuyến học cũng phát triển mạnh nhất! Về đấy “nằm vùng” một thời gian, anh sẽ được mọi người kể cho nghe khối chuyện hay!”.
    Cách đây mười mấy năm tôi cũng đã có dịp “cưỡi ngựa xem hoa” ở Lộc Trung. Lần đó, tôi được Sở Văn hóa - thông tin tỉnh bất ngờ tấn phong làm “trưởng đoàn” dẫn các em sinh viên khoa văn về huyện Sơn Quang sưu tầm văn học dân gian. Làm việc xong với lãnh đạo địa phương, tôi chia nhóm sinh viên thành từng tốp nhỏ tỏa về các xóm mạc. Nhiệm vụ được giao đã hoàn thành. Trong khi chờ đợi các em sinh viên đi thực tế, tôi quay về trung tâm huyện chơi với bạn bè. “Hồi Gia là “điểm sáng” của xã Lộc Trung. Có rất nhiều người đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Điển hình là ông Hai Đặng”. Phan Vĩnh - Trưởng ban Văn xã Lộc Trung, bảo với tôi trên đường chạy xe máy về làng Hồi Gia. “Hai Đặng làm ăn bài bản lắm! Trang trại vườn rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc gia cầm và cá nước ngọt của ông ấy đem lại hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi. Mỗi năm thu nhập không dưới vài trăm triệu đồng”. Tôi nghĩ thầm: “Cắm ở đây, nhất định thế nào mình cũng viết được một cái gì đó ra tấm ra món...”.
    Hơn nửa giờ chạy xe máy, Phan Vĩnh đưa tôi đến khu vực đồi gò sum sê cây trái. “Hai Đặng ở lỳ nơi trang trại, ít khi về nhà! Muốn gặp ông ấy phải chịu khó tới đồi Cây Sơn” - vừa dẫn tôi ngược con suối nhỏ, Phan Vĩnh vừa nói. Ngôi nhà sàn thoáng rộng bất chợt hiện ra trước mắt. Phan Vĩnh bắt loa tay gọi. Người đàn ông tuổi trạc ngũ tuần trông thấy tôi, thoáng chút bối rối rồi mỉm cười chào. Tôi không khỏi ngạc nhiên vì ông chủ trang trại này sao ngó quen quen? Hình như tôi đã có lần gặp gỡ...
    2.“Trí nhớ của ông hơi bị được đấy! Mười mấy năm trôi qua nhưng ông vẫn nhận ra tôi, cho dù tôi đã “hết quan hoàn dân” lâu rồi, người ngợm cũng gần như thay đổi hẳn. Ông muốn tôi nuôi cơm một thời gian? Được thôi, chuyện nhỏ! Có điều, ông nên nhớ rằng, tôi vốn là một thằng tù...” - Hai Đặng cười bảo. Tôi cũng cười nói: “Đời người, ai chẳng có lúc mắc sai lầm phải trả giá bằng những năm tháng bị cách ly khỏi xã hội... Vấn đề quan trọng là, sau khi được hòa nhập cộng đồng, anh sống như thế nào?”. Hai Đặng nắm tay tôi siết chặt: “Nói như vậy, có nghĩa là ông đã hiểu tôi!”. Mọi sự ý tứ giữ kẻ không cần thiết nhanh chóng được dẹp bỏ. “Ở làng Hồi Gia nhà cửa đàng hoàng, tiện nghi đầy đủ. Còn ở đây, mọi thứ không được như ý, nhưng bù lại, tự do thoải mái... Ông thích ở đâu, tôi chiều!” - Hai Đặng nói. Tôi cười: “Sống trong ngôi nhà sàn thoáng rộng dựng bên con suối nhỏ ở đồi Cây Sơn thú vị hơn nhiều!”. Xế chiều, Hai Đặng vác rựa đi quanh khu trang trại rộng mênh mông cắt đặt người làm công tự động thực hiện công việc được giao. Còn tôi, Hai Đặng bảo, cứ nằm nhà “nghỉ xả hơi cho khỏe”.
    Không khí chốn quê mát mẻ trong lành. Nằm đung đưa trên chiếc võng mắc dưới sàn nhà, tôi vừa lắng nghe tiếng chim lảnh lót, vừa nghĩ ngợi vẩn vơ. Hồi đó, tôi dẫn nhóm sinh viên khoa văn về vùng quê này sưu tầm văn học dân gian, Hai Đặng làm Chủ tịch xã Lộc Trung. Những tưởng Hai Đặng được cất nhắc lên huyện và đề bạt giữ chức này chức nọ, nào ngờ ngã ngựa giữa dòng, rơi vào vòng lao lý. Sau khi mãn hạn tù, Hai Đặng về quê làm anh “phó thường dân”. Cần cù chăm chỉ làm ăn. Bây giờ Hai Đặng có một cơ ngơi khiến nhiều người thầm mơ ước. Nhà cửa đàng hoàng. Khu trang trại đồi Cây Sơn trị giá cả chục tỷ đồng. Ba đứa con, hai trai một gái, đều đã lớn khôn, trưởng thành. Người vợ lành hiền lại đảm đang, giúp Hai Đặng quán xuyến việc nhà và tính toán làm ăn. Khu trang trại đồi Cây Sơn là minh chứng cho sự hợp tác “của chồng công vợ”. Trở thành người giàu có, Hai Đặng không ngại ngần cho nhiều hộ ở làng Hồi Gia mượn vốn liếng phát triển sản xuất chăn nuôi. Cuộc sống của mọi người, nhờ thế cũng khấm khá dần lên. Cái nghèo triền miên chỉ còn là dĩ vãng. Bà con chòm xóm ai cũng quý mến Hai Đặng. Họ giới thiệu Hai Đặng ứng cử Hội đồng nhân dân xã. Hai Đặng cảm ơn và kiên quyết chối từ. Hình như Hai Đặng luôn mặc cảm mình từng là một “thằng tù”?
    Không ngủ được, tôi đi ra suối, men theo lối mòn, ngược nguồn. Con suối nhỏ có nhiều vũng nước do độ dốc và ghềnh đá tạo nên. Hai Đặng dùng mành tre ngăn chia con suối nhỏ ra thành từng đoạn để thả nuôi đủ loại thủy sản nước ngọt. Và ven bờ suối, ở những nơi có những phiến đá bằng phẳng nằm dưới những tán cây lộc vừng sum sê cành lá chìa ra mép nước, ớt xanh mọc đầy. “Đấy là mồi nhậu của bọn tôi vào những đêm trăng sáng. Không gì vui bằng tụm ba tụm bảy ở đây, câu cá nướng lửa than hoa, bắt ốc đá luộc, chấm muối ớt xanh làm mồi nhắm với rượu gạo và chuyện trò với nhau”. Thấy tôi đứng ngẩn ngơ nhìn, Hai Đặng bất chợt hiện ra, cười bảo. “Đúng vậy! Hay là tối nay ta gầy cuộc nhậu ở đây thì tuyệt!” - tôi cũng cười nói. “Tối nay, ông và tôi cùng nhau đối ẩm ở nhà sàn, lỡ có say thì lăn ra đấy ngủ. Uống rượu nơi bờ suối này, ráng đợi ít bữa tới mùa trăng mới thấy thú vị...”. Trước khi vào nhà, Hai Đặng dặn tôi: “Ông lên phía trên độ vài trăm mét sẽ gặp thác nước trắng xóa. Chả có ai đâu, cứ tự nhiên cởi đồ “tắm tiên” một phát cho khỏe người!”. Tôi gật đầu. Hai Đặng khuất dạng. Tôi đi dạo lang thang ven suối...
    Mặt trời gác núi. Tôi lững thững quay về. Ở nơi ba bên bốn bề rừng keo lá tràm điệp trùng vây quanh lại có điện thắp sáng trưng ngôi nhà sàn khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng ngạc nhiên. “Có điện xài là nhờ mấy cái thủy luân lắp đặt ngoài suối...”. Hai Đặng nhìn tôi, đoán biết, nói. “Tối nay, tôi đãi ông mấy món nhậu bình dân và một món tống hạ”.
    Trải chiếc chiếu hoa ra giữa sàn nhà, Hai Đặng bày lên đó cả mớ thức ăn “cây nhà lá vườn”. Nào thịt gà luộc xé phay trộn với rau răm, hành lát. Nào cá lóc nướng lửa rơm thơm lừng. Nào ốc đá xào với lá ớt xanh... Can rượu năm lít ở góc nhà, Hai Đặng lôi ra sang qua cái chai 65 cho dễ rót vào hai chiếc ly thủy tinh hình trái khế. “Rượu gạo do tôi tự nấu lấy bằng lúa nếp nương ủ với men lá cây rừng, uống đằm lắm! Ưu điểm vượt trội của thứ rượu này, nếu lỡ uống say, tỉnh dậy cũng không bị nhức đầu”. Dẫu tửu lượng không cao nhưng đêm hôm đó tôi cũng cố gắng hầu rượu Hai Đặng. Vừa ăn uống vừa chuyện trò với nhau. Nhờ thế, tôi mới hay rằng, Hai Đặng đi tù vì tội tham nhũng do bị hàm oan nhưng kêu trời không thấu bởi tình ngay lý gian! “Hai trăm tấn xi măng “nuốt” không trôi: Ngồi tù ba năm”. Hai Đặng mở tủ lấy tờ báo chuyên ngành có đăng bài viết về mình cho tôi xem. “Ngày xưa, cụ Tú Xương tin bạn nên hóa thành người “thất thổ”. Còn ngày nay, tôi quá ngây thơ, hoàn toàn không nghi ngờ cấp trên gian manh xảo quyệt, đổi trắng thay đen nên phải vào nhà đá bóc lịch hơn một ngàn ngày! Và đấy là khoảng thời gian để tôi suy ngẫm về nhân tình thế thái và quyết làm lại cuộc đời mình sau khi thoát khỏi vòng lao lý” - Hai Đặng cười bảo.
    Phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” diễn ra rầm rộ ở Sơn Quang. Hai Đặng nhớ lại. Làng trên góp sức cùng xóm dưới chung tay. Xã này quyết thi đua với xã nọ. Do thấy được lợi ích thiết thực của đường giao thông nông thôn được bê tông hóa nên mọi người hăng hái tham gia. Huyện không đủ khả năng cung cấp xi măng cho các địa phương làm đường. Cơ chế xin cho, bỏ ngõ trước, chạy ngõ sau tái phát. Tay Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư huyện rỉ tai Hai Đặng: “Gì chứ giải quyết thêm cho Lộc Trung vài ba trăm tấn xi măng không khó! Có điều, ông phải tin tôi...”. Hai Đặng gật đầu. Sáu chục tấn xi măng nhanh chóng được chở về Lộc Trung. Đích thân tay Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư huyện áp tải đến tận nơi. “Phiền ông Chủ tịch xã ký vào giấy biên nhận hộ tôi!”. “Ơ...! Mới giao có sáu chục tấn, sao lại bắt tôi ký nhận đủ ba trăm tấn xi măng?”. “Số còn lại, mai mốt sẽ chở tới, khỏi lo!”. Hai Đặng chần chừ. “Nếu ông không ký nhận thì thôi, tôi cấp cho xã Lộc Thành!”. Tay Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư huyện nhếch môi cười. Hai Đặng hốt hoảng: “Tôi ký! Nhưng anh nói lời phải giữ lấy lời, không thì chết tôi!”. “Yên chí đi!”. Sau đó, Lộc Trung chỉ nhận thêm được bốn chục tấn xi măng nữa, rồi thôi! Hai Đặng rơi vào tình thế “bút sa gà chết”...
    3.Leo hết chín mươi chín bậc đá, tôi đã có mặt trên Đỉnh Gió. Mệt bở hơi tai. Hai Đặng nhìn tôi, cười. Ngồi bệt xuống tảng đá khá bằng phẳng, tôi đưa mắt ngó quanh. “Cả vùng đồi núi nhấp nhô này, trước đây mọc đầy sơn - một loại cây gỗ tạp, đến mùa trổ hoa, chả ai dám tới gần vì sợ bị dị ứng, da dẻ sưng phù. Mủ của nó cũng độc không kém. Ra tù, về quê thấy nơi đây bỏ hoang hóa phí quá, tôi làm đơn nhờ chính quyền xã chứng thực để xin huyện cấp làm trang trại. Lúc bấy giờ, cả làng Hồi Gia ai cũng bảo tôi điên!” - Hai Đặng kể. Nắm trong tay “sổ đỏ” chứng nhận quyền sở hữu cả thung lũng đồi Cây Sơn với tổng diện tích hơn hai trăm năm chục héc ta, Hai Đặng vác cuốc rựa lên dựng lán trại khai cơ lập nghiệp. Thoạt đầu, sơn “ăn” sưng tấy mình mẩy, tưởng đâu phải bỏ cuộc nửa chừng, nhưng rồi mấy tháng sau da dẻ “dày lên” và “chai lỳ” đến độ mủ sơn dính vào cũng chẳng hề hấn gì! Trở lực lớn nhất đã được khắc phục. Hai Đặng phấn khởi. Với con rựa bén ngọt trên tay, ngày qua rồi lại qua ngày, Hai Đặng chặt sơn, phát dọn thực bì. Hết đồi này tới mái núi kia. Trần lưng lao động vất vả một nắng hai sương, mùa mưa năm đó Hai Đặng đã trồng được năm chục héc ta keo lá tràm.
    “Làm chủ cả khu vực gò đồi bao la này, ông đích thị là một địa chủ thời nay!” - Tôi đùa. Hai Đặng phân bua: “Lúc đầu không đủ nhân lực vật lực để kham, sau đấy, thấy nhiều người ở làng Hồi Gia có lao động song lại không có đất đai sản xuất làm ăn nên tôi không nỡ... Vậy là sẻ chia, san sớt bớt! Bây giờ tôi còn độ trên dưới một trăm héc ta. Hơn ba chục hộ khác cùng canh tác ở vùng này, người nhiều cỡ mươi héc ta, kẻ ít chừng vài ba héc”. Đứng trên Đỉnh Gió, Hai Đặng đưa tay giới thiệu với tôi toàn cảnh trang trại đồi Cây Sơn của mình. Bao quanh sườn núi hình cánh cung tiếp giáp với dãy Ngàn Sâu là rừng keo lá tràm sắp đến kỳ thu hoạch. Thung lũng mé tây là khu vực trồng các loại cây lấy gỗ như sao đen, xoài nước, sầu đâu... Chếch lên mạn bắc là nơi chăn nuôi gia súc gia cầm với hàng trăm con trâu bò... Vùng gò đồi nằm thoai thoải ven con suối nhỏ là “vườn nhà”, trồng cây ăn quả và cây cảnh... “Con suối nhỏ chảy ngang qua vườn nhà là một lợi thế lớn mà tôi chưa khai thác hết. Chỉ mới tận dụng nó lắp đặt hệ thống nước tự chảy tưới cho các loại cây trồng. Trong tương lai không xa, tôi đầu tư vốn liếng xây dựng khu vực này thành điểm du lịch sinh thái. Bởi nó có nhiều thác nước đẹp như mơ, nhiều ao vịnh trong veo, nhiều loài hoa dại không nơi nào có, nhiều loài bướm lạ đủ sắc màu sặc sỡ...”. Hai Đặng “bật mí” dự định của mình.
    Tính toán làm ăn bài bản, Hai Đặng trở thành người giàu có ở làng Hồi Gia là điều tất yếu. Một ngày lội bộ tham quan trang trại đồi Cây Sơn, tiếp xúc với những người làm công, tôi nghe được nhiều chuyện lạ về một người quen. Đặc biệt, những thanh niên mới lớn luôn dành thiện cảm và sự hàm ơn chân thành với “chú Hai”. “Nếu không có chú Hai khuyên nhủ điều hay lẽ phải và tạo công ăn việc làm thì đám trai choai nhác học ham chơi tụi cháu nhảy lên các bãi vàng hết trọi. Ở đấy đầy cạm bẫy. Không thành dân dặt dẹo thì cũng thành những tên cướp cạn. Tàn đời!” - họ bảo. Bước vào mùa trăng. Hai Đặng giữ lời hứa, tối hôm ấy, tổ chức bữa nhậu ngoài trời nơi bờ suối, dưới tán cây lộc vừng. Tham dự cuộc vui còn có thêm Năm Em, Bảy Anh và Chín Râu. Đó là ba “ông chủ nhỏ” và cũng là ba người làm công giúp Hai Đặng lúc nông nhàn. Sản vật bắt lên từ suối chế biến đủ các món: xào, luộc, nướng lửa than hoa... Và can rượu nếp quê đầy ăm ắp. Năm người ngồi trên phiến đá khá to rộng, bằng phẳng, vừa ăn uống vừa chuyện trò với nhau dưới ánh trăng xuân. Chín Râu tợp ngụm rượu, khà một tiếng, cười nói: “Ông Hai làm trang trại, thoạt đầu ai cũng nghĩ rằng điên, sau rồi mới thấy ổng có tầm nhìn xa rộng...”. Bảy Anh góp lời: “Không những thế, ông Hai còn chia đất đai, cho cây con giống để các hộ khó khăn có điều kiện làm ăn...”. Hai Đặng xua tay: “Chuyện xưa như trái đất, nhắc lại làm gì!”. Rồi Hai Đặng phác thảo kế hoạch biến thung lũng đồi Cây Sơn thành điểm du lịch sinh thái.
    “Có ông Hai đứng mũi chịu sào, tôi nghĩ, bà con ở làng Hồi Gia nhất định sẽ nhiệt tình chung tay góp sức. Tiềm lực kinh tế của từng nhà cũng đã khấm khá. Qua báo chí, tôi thấy nhiều nơi làm cái “ham-xách-tay”(*) được lắm!”. Năm Em hào hứng nói.
    Tôi cắm ở làng Hồi Gia đã hơn mười ngày. Tư liệu khai thác để viết một cái gì đó về người quen chuyện lạ cũng đã hòm hòm. Vì thế, trong cuộc vui tôi chỉ xoay Hai Đặng những vấn đề mình còn băn khoăn. Hai Đặng cụng ly với tôi rồi trải lòng: “Nói thật với ông, bây giờ tôi rất sợ làm cán bộ lắm! Vậy nên tôi kiên quyết từ chối khi bà con ở làng Hồi Gia giới thiệu tôi ứng cử Hội đồng nhân dân xã. Làm anh cán bộ địa phương, lương ba cọc ba đồng không đủ sống. Ngày nào cũng tới cơ quan. Công việc chẳng có gì để làm đến trưa ngày trọn buổi. Nhưng không có mặt không được, khổ thế! Và rồi nhàn cư vi bất thiện. Cứ tầm mười rưỡi sáng lại nháy mắt kéo nhau ra quán nhậu ký sổ. Tích thiểu thành đa. Cha nào cũng nợ. Lương đâu có bao nhiêu để trả? Thế là tìm cách ăn chặn ăn bớt của công, sách nhiễu hành dân... Đó là một thực trạng đáng buồn vẫn đang tồn tại dai dẳng như một căn bệnh trầm kha khá phổ phổ biến ở các địa phương trong huyện trong tỉnh”. Giọng Hai Đặng bất chợt chùng xuống. Năm Em, Bảy Anh, Chín Râu và tôi ngồi im lặng. Lát sau, Hai Đặng khẽ khàng: “Thời gian làm một thằng tù ở trại cải tạo Đại Hưng Lâm, tôi mới có dịp suy ngẫm về nhân tình thế thái về cái thằng tôi tội nghiệp của mình. Mãn hạn tù, tôi về quê làm lại cuộc đời. Và bằng ý chí và nghị lực, tôi đã làm được điều đó. Với tôi, niềm vui niềm hạnh phúc lớn nhất là mình chỉ “phó thường dân” thôi nhưng đã giúp đỡ được bao người ở quê thoát khỏi cảnh đói nghèo triền miên...”.
    Mải hàn huyên tâm sự với nhau, những người bạn của Hai Đặng và tôi đâu có hay rằng đêm đã qua và một ngày mới lại đến. Tiếng chim chóc hót líu lo. Tôi ngỡ ngàng nhận ra trong ánh nắng mai xuân, trang trại đồi Cây Sơn khoác tấm áo màu thiên thanh tuyệt đẹp...

Kết Thúc (END)
Nguyễn Tam Mỹ
» Chuyện Lính Thời Viễn Chinh
» Điều Không Ngờ Tới
» Miền Quê Truyền Thuyết
» Chó Và Mèo
» Du Xuân
» Cô Gái Đến Phòng Tôi
» Người Quen, Chuyện Lạ
» Người Bỏ Phố Về Quê
» Bốn Xiềng Lập Dị
» Ba Đứa Trẻ Mồ Côi
» Bay Đi Chim Ơi
» Nhung Đen Và Tam Thể
» Kẹp Chewing-gum Ở Quê
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ