Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Xin Việc Tác Giả: Phan Hàn Huyên    
    Ông Tư hạ ga cho chiếc xe máy chạy chầm chậm, đã đến khúc đường cong rồi, qua khỏi đoạn đường là đến căn nhà màu xanh. Ông Tư đã hai lần rẽ vào con đường này, cũng một mục đích nhưng những lần qua trước ông thấy không nặng nề lo nghĩ như bây giờ.
    Hôm nay, ngồi sau lưng ông không phải là vợ ông mà là thằng Long. Những chuyện hệ trọng khác, lúc nào cũng có vợ theo bên cạnh. Lần này, vợ ông không cùng đi. Ông Tư biết đi đâu có vợ thì như có thêm đồng minh bởi trong giao tiếp vợ ông là người mạnh miệng, dạn dĩ, chả bù lại bản tính nhút nhát của mình. Nhưng bà lại rặt nông dân, ăn cục nói hòn, không khéo là hỏng việc. Hôm đầu, ông không vào nhà mà chỉ đi ngang đường quan sát. Nhưng đến lần thứ hai đi với vợ thì không gặp người ta, chờ chực cả buổi hai vợ chồng đành ra về. Không biết từ đâu, cái dạo thằng con ra trường, nỗi ám ảnh xin việc làm ông trở nên lo nghĩ rồi sinh cáu gắt, bực bội.
    Nhà có ba đứa con, đứa lớn thất học theo nghiệp ông làm nghề, không học không có việc thôi đành làm hồ, phơi nắng phơi mưa cam phận đi. Nhưng còn thằng Cam, học hành ra trường không lẽ thất nghiệp, bao nhiêu cơ cực của ông và đứa con đầu dồn vào đầu tư cho nó bây giờ không thu được kết quả. Ngày nó đậu đại học, mừng chưa thấy bao nhiêu ông đã vội lo, lo tiền trong bốn năm. Nhưng nỗi lo sâu xa nhất và ám ảnh ông là ngày thằng Cam ra trường. Bởi gia đình ông không thân, không thế. Xung quanh cái xóm Tro Bụi này, biết bao nhiêu cặp mắt dòm ngó. Ngày thằng Cam có giấy báo trúng tuyển đại học người ta xì xầm rằng học cái thứ xã hội nhân văn đó ra trường thất nghiệp đầy rẫy, thêm gánh nặng gia đình. Nỗi hoài nghi, xen lẫn chút xót xa lớn dần trong ông. Nhưng vợ ông bảo, bởi con họ không học được như con mình nên họ nóng mũi. Thôi thì vậy, tới đâu hay đó.
    Cái tới đâu hay đó, bây giờ nó tới thật. Ngày đó, cũng vì không học mà ông bây giờ mới làm nông, chứ nghe lời cha mẹ cố gắng học thì ông cũng đã thoát cảnh này rồi, có bạn bè chức cao quyền lớn thì cái đơn xin việc của con đâu phải không có chỗ nhận. Đám em vợ hiến kế rằng cứ xông đại vào nhà người ta, mời người ta đi nhậu, bỏ tiền vào trong giỏ trái cây. Thằng Bảy Ky cạnh nhà còn nói với ông rằng anh chai mặt vô, trình bày thật về hoàn cảnh để người ta thương hại. Đủ thứ, đủ thứ. Nói thì dễ, ai nói chả được, còn bảo trực tiếp làm, thì có ai dám. Bực bội, ông đổ điên với đám em vợ rằng: “Mấy dì giỏi thì tôi chung tiền cho mấy dì đi”. Mình lấy cái thân phận gì mà nói chuyện với họ, không quen không biết, chỉ có lần hai cha con đến nhà xin nộp hồ sơ, họ bảo về đi, có gì họ liên hệ. Vậy mà cả nhà chờ mòn mỏi hàng tháng trời. Tin tức thì bặt tăm, điều này đồng nghĩa với cơ hội trôi đi. Vợ ông sốt ruột, cho rằng hay là họ mở đường cho mình đi mà không biết cách. Phải tìm người quen nhờ vả. Thế là, sau khi bàn nhau, hai vợ chồng đèo ra thành phố.
    Mất một buổi mới tới phố, vợ ông cẩn thận mang theo hai con gà với lít dầu mè. Đến để nhờ vả người ta, người ta chịu giúp thì chừng đó nghĩa lý gì. Hỏi thăm, điện thoại về quê hai ba cuộc vợ chồng ông mới tìm ra ngôi nhà thằng Tí Đực. Tí Đực là tên gọi lúc nhỏ của thằng Long. Ông quen miệng gọi theo bọn thằng Bảy Ky. Là chỗ bà con trong tộc nhưng giữa ông và vợ chồng nó trước đây cũng như người dưng. Đây cũng là bài học cho ông về cái tính tự trọng không thích xu nịnh của mình, khác với tụi thằng Bảy Ky mỗi lần thằng Tí về là ào tới tâng bốc, nhậu nhẹt. Ông không tin chỗ thằng Tí nhưng trong xóm có còn ai. Nó là đứa ra đời sớm, giao du rộng, thành đạt ở phố. Hơn nữa, nghe cha nó nói vợ chồng nó đã xin cho nhiều người; trong xóm cũng có con của Bảy Lễ được nó xin vào làm ở công ty nước ngoài gì đó, bây giờ lương cao lắm, nhưng gia đình Bảy Lễ cũng mất khá nhiều tiền. Thôi tiền thì sau khi có việc hẵng hay, quan trọng là có công ăn việc làm để ông khỏi lo nghĩ.
    Ngôi nhà to đùng nằm trước mặt phố. Vợ ông dặn đi dặn lại ông phải khéo mồm khéo miệng, nhắc ông không được nói đến hai từ Tí Đực mà phải gọi là chú Long nhà mình. Ông cự lại, chú thì gọi chú chứ chú Long nhà mình cái nổi gì.
    Thằng Long tỏ ra tinh tường trong vụ này. Nó huyên thiên ba điều bốn chuyện. Nói toàn quen người này người nọ cấp sở, bộ trở lên. Theo cách nói của nó thì xin việc bây giờ điều quan trọng là tiền. Tiền ở đây phải tính bằng hàng chục chai (triệu) trở lên. Nài nỉ mãi nó không có cách nào chối từ mới chịu cùng ông tới nhà người ta nhưng bảo vợ chồng ông về chuẩn bị trước 10 chai để lo liệu. Chuyến đi coi như thành công, nhưng sao ông thấy cách ăn nói của thằng Tí Đực giống dân chợ búa quá, kiểu này mà đi nói chuyện với họ thì không biết có được không? Nghe bà con bên em vợ nói sếp chỗ xin việc tính cách khó gần, ta đây, lại thất thường. Nếu không thích ai thì khuôn mặt ông ta sẽ đỏ ửng lên và một cái tật nữa là lấy tay bẹo má. Khi ấy thì đám lính dưới quyền đường ai nấy chạy.
    Thằng Long thúc ông chạy xe vào sân, đã đến nhà rồi thì phải lịch sự, nhưng không lẽ không nghe lời nó, ông đành vặn ga thật thấp rồi tấp vội vào phía trái ngôi nhà. Xe chưa dừng thằng Long đã nhảy ra khỏi yên.
    - Chào anh! Thằng Long đã vào đến nhà xòe tay làm quen. “Thằng này coi bạo gan, chắc được việc”. Ông nghĩ thầm rồi cầm gói thuốc vợ cẩn thận mua khúm núm vào theo. Điều đầu tiên ông quan sát là khuôn mặt có vẻ khó chịu của người ta nhìn thằng Long. Gia đình đang ăn cơm. Mâm cơm gia đình có người lạ nên họ vội chuyển xuống nhà dưới nhường lại cho việc tiếp khách.
    - Chào anh! Anh cứ ăn cơm, làm phiền quá!
    - Xin lỗi các anh là…? Đến nhà có việc…?
    - Dạ! Dạ! Ông đáp lí nhí.
    - Tôi là chú thằng Cam. Còn đây là ba nó. Trước đây có nộp hồ sơ xin việc chỗ anh.
    Trong khi thằng Long nói, ông Tư tranh thủ rót nước. Vừa làm ông vừa quan sát, đôi mắt trố nhìn thằng Long của người ta vẫn chưa hết ngạc nhiên.
    - Anh vẫn khỏe chứ ạ! Công việc hiện nay thế nào rồi anh? Thằng Long hỏi.
    Ông bắt đầu lo lắng khi thằng Long cứ nói loạn lên. Đúng ra nó phải thưa trình sao cứ hỏi ngang như cua vậy. Rồi bất chợt ông Tư nghe như có sấm bên tai khi thằng Long tuôn câu nói.
    - Thế này anh, nói xa cũng không qua nói thật, chúng tôi đến xin việc cho cháu, không ai giúp không điều gì cả. Tiền bạc thì chúng tôi lo liệu.
    - Cái gì vậy Tí Đực. Ông Tư run run với chén nước trên tay. Ông nhìn thấy bên thái dương người đối diện mạch máu bắt đầu nhúc nhích.
    “Chết rồi”. “Hỏng việc”. Ông Tư vơ vội lấy gói thuốc rồi chìa ra mời.
    - Tôi không... Tiếng nói dường như bị mắc lại đâu cổ họng. Khuôn mặt nãy giờ vẫn chưa hết thái độ ngạc nhiên.
    Ông Tư lập bập:
    - Ý của chú nó nói là chỗ anh cố gắng giúp đỡ cháu, xin việc bây giờ rất khó khăn, cơ quan không chỉ mình anh mà còn người này người nọ. Tôi thì không biết phải trái thế nào nên hôm nay có nhờ chú nó, dù gì cũng đi ra biết đường đi nước bước sang nói chuyện cùng anh.
    - Thôi nói thiệt với anh - thằng Long chen ngang - trước đây anh có mở đường cho chỗ ba thằng Cam về chuyện tiền bạc. Hôm nay, chúng tôi đến đặt vấn đề với anh và gửi anh trước 10 chai.
    Lúc này hai mắt người ta nhíu lại. Khuôn mặt đang trắng bệch bỗng chuyển màu hồng. Tiếng thằng Long tiếp tục oang oang nhưng đầu óc ông dường như không còn nghe thấy gì. Ông đang tập trung vào quan sát. Đôi tay đang chuyển động. Bẹo má. Không! Đang vuốt cằm.
    - Hồ sơ nộp ở cơ quan tôi chất thành đống, chỉ tiêu tuyển dụng năm này không có, chúng tôi có muốn tuyển ai cũng khó - giọng người ta dằn xuống.
    - Anh là người thủ trưởng đứng đầu, anh có quyền đề xuất, ba thằng Cam gửi 10 chai trước để anh lo nước uống cho cấp trên, hết bao nhiêu chúng tôi sẽ gửi tiếp.
    Ông Tư lúc này mất bình tĩnh thật sự, thằng Long càng nói càng giống buôn bán mặc cả.
    - Ai nói anh tôi nhận tiền để tuyển người, quy tắc nào cho phép tôi làm việc đó?
    Bàn tay bây giờ đang chuyển từ cằm lên quanh má, chết rồi. Nghĩ đến lời em vợ, ông Tư đứng bật dậy.
    - Thôi bây giờ cũng đã trưa rồi. Em xin phép về để anh còn ăn cơm, anh đang ăn dở chừng. Chào anh! Em xin phép, em làm phiền anh. Anh giúp đỡ cháu.
    Thằng Long không hiểu gì, nó ngạc nhiên trước hành động của ông Tư.
    - Thôi chào về chú Long. Chuyện còn lại tôi tự sắp xếp.
    - Sao vậy chú Tư. Tiền bạc chú gửi chưa?
    Ông Tư không còn bình tĩnh kéo thằng Long ra xe, mặc cho thằng Long chưa kịp chào tạm biệt.
    Lên xe ngồi, thằng Long thắc mắc:
    - Có chuyện gì vậy anh? Sao bỗng dưng bỏ về giữa chừng?
    Xe vừa ra khỏi ngõ. Ông Tư quay lại nói:
    - Bẹo má! Bẹo má!

Kết Thúc (END)
Phan Hàn Huyên
» Xin Việc
» Hộp Thư Góp Ý
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Hoa Học Trò
» Người Dưng Làm Má
» Xác Ngọc Lam