Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Hai Xe Hũ Tiếu Tác Giả: Sưu Tầm    
    Tình yêu của những người vốn dĩ chưa từng nói lời yêu thường lãng mạn, thường là thứ tình yêu bình dị mà sâu sắc nhất. Họ không sôi nổi, không chỉ trích lẫn nhau, không cãi vã...
    Câu hỏi được đặt ra là liệu như vậy có nhàm chán quá không? Cũng không chắc nữa. Vì ai biết được ngày mai.
    Sự bình lặng là một lựa chọn. Sự khác biệt cũng là một lựa chọn. Lạc lối trong chốc lát, cũng chỉ đơn giản là một sự lựa chọn.
    Cuộc đời mà, biết đâu vào một ngày rất đỗi bình thường, khi xung quanh tình yêu bình lặng đó chỉ còn những vòng tròn lặp đi lặp lại quen thuộc, sẽ xuất hiện lựa chọn nào đó khác biệt, cần người ta can đảm nắm lấy để tạo nên những điều đặc biệt.
    Vậy đấy, dù chỉ trong một phút giây ngắn ngủ, vẫn có rất nhiều lựa chọn trong cách yêu. Để lạc lối chốc lát, vào một ngày rất đỗi bình thường.
    
- o O o -

    Sáng sớm khi vừa ngủ dậy, anh đã bồn chồn đi đi lại lại trước cửa. Ngoài sân, chị vẫn đang chuẩn bị những khúc xương heo thật to, một ít củ cải và cà rốt để ninh nước dùng cho hai xe bán hủ tiếu gõ.
    Mọi việc vẫn diễn ra bình thường, không có gì đặc biệt từ chị. Chị cũng không để ý đến sự nôn nao bất thường của anh. Hình như anh đang tính nói với chị điều gì đó. Rồi lại thôi. Rồi lại muốn nói, rồi lại thôi.
    Vốn là dân ở quê lên thành phố kiếm sống đã hơn hai mươi năm nay, anh chị kết hôn cùng nhau và có đến năm mặt con. Đứa lớn năm nay vừa học xong cấp ba, còn đứa bé nhất mới năm tuổi, không đi nhà trẻ mà cứ lẽo đẽo theo sau chị suốt cả ngày.
    Ngày trước, khi mới cưới nhau, chị làm phụ bếp trong một quán cơm bình dân gần nhà trọ, còn anh làm công nhân tại nhà máy. Công việc cũng khá bấp bênh, thu nhập lại không ổn định.
    Được một thời gian, khi đứa con đầu ra đời, chị quyết định ở nhà nấu hủ tiếu bình dân rồi tối đẩy xe ra bán. Ban đầu, do còn công việc tại nhà máy, anh chỉ phụ chị những việc lặt vặt. Về sau, anh cũng nghỉ luôn việc ở nhà máy về bán hủ tiếu gõ cùng chị.
    Mỗi người một xe, bán cách nhau khoảng một cây số, từ ba bốn giờ chiều đến hơn nửa đêm. Lúc nào hết thì dọn dẹp, đẩy xe về.
    Khách hàng của anh chị chủ yếu là sinh viên, công nhân, người lao động nghèo hoặc một số dân trọ trong các con hẻm ở khu vực. Mấy năm nay tiền nguyên liệu tăng cao, đắn đo mãi anh chị mới quyết định lên giá bán từ mười ngàn thành mười hai ngàn. Ban đầu, hai anh chị cũng sợ khách sẽ vắng hơn. Nhưng rồi thấy không ai thắc mắc gì về giá, lâu lắm anh chị mới quyết định nâng hẳn.
    Tính tình chị xởi lởi, dễ bắt chuyện và nhiệt tình nên ai cũng quý. Với nữa, người ăn cũng như người bán, cùng là dân thu nhập thấp với nhau, họ hiểu nhau hơn bất kỳ ai khác.
    Có lẽ do cuộc sống tất bật với mưu sinh, cả anh và chị hầu như không bao giờ để ý đến chuyện dành thời gian riêng cho bản thân và cho nhau. Trong suốt hai mươi năm kể từ ngày kết hôn, chưa có năm nào họ tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới.
    Anh không nhớ được ngày kết hôn, chị cũng chưa từng để ý về ngày kết hôn. Chị chỉ nhớ đó là một ngày mưa cách đây rất lâu. Một lễ cưới đơn sơ, vài ba mâm cỗ trước hai bên nội ngoại. Vậy là thành vợ thành chồng và sống với nhau đến tận bây giờ. Không điều tiếng, không mâu thuẫn, không so bì tị nạnh hơn thua.
    Nhiều lúc, chị và anh đều nghĩ cuộc hôn nhân của mình là một điều may mắn. Dĩ nhiên không phải vì vật chất, mà bởi chính sự hài lòng trong suốt nhiều năm kể từ thời điểm họ gắn với nhau vào chung một cuộc đời.
    Vợ chồng mà, sống với nhau không hẳn luôn vì tình yêu, mà còn là điểm tựa, trách nhiệm và sự sẻ chia trong mọi điều dù là nhỏ nhất.
    Anh đứng dậy, thoát khỏi vẻ bồn chồn và tiến đến cạnh chị.
    "Để anh cắt củ cải cho. Em đem mớ hẹ ra kia cho ráo nước đi."
    "Ủa nay có chuyện gì mà ra tranh việc với em?"
    "Thì..."
    "Sao, nói đi, có bao giờ thấy anh ấp úng vậy đâu."
    "Mai chắc bán một xe thôi. Rồi đến tối nhờ cậu ra bán hộ một lát, vợ chồng mình đi xem phim."
    "Cái gì? Đâu ra vậy ông?"
    "Ờ thì thằng Thành, sinh viên hay ăn bên xe của anh ấy, nó cho cặp vé."
    "Thì cho tụi nhỏ đi, chứ bán buôn mà nghỉ thì kỳ lắm."
    "Thì hỏi em vậy đó, để coi sao rồi tính tiếp vậy."
    Chị không nói gì, anh cũng vậy. Trên khuôn mặt chị lúc này là một vẻ gì đó vô cùng khó đoán. Vừa có nét hồi hộp, lại có vẻ hơi thắc mắc trước đề nghị lạ lùng anh vừa đưa ra.
    Chị chưa từng xem phim trong rạp. Hồi trẻ, chị đã nghĩ mình không đủ điều kiện và thời gian để làm việc đó, dù đôi khi chị cũng thấy hào hứng trước những câu chuyện được kể lại từ những vị khách trẻ.
    Giờ chị chưa già, nhưng cũng chẳng còn trẻ để nghĩ về chuyện hẹn hò với chồng của mình. Nét chân chất, thôn quê trong người chị vẫn là thứ nguyên vẹn sau gần hai mươi năm lập gia đình, dẫu đã trở thành mẹ của năm đứa con.
    Rõ khổ, chỉ có mỗi chuyện xem một bộ phim thôi mà cũng khó khăn vậy đấy. Không biết có phải do áp lực cuộc sống, kiếm tiền đè riết nên quen rồi, giờ không còn quen với yêu thương nữa. Mà hóa ra ông chồng khô khan này cũng có lúc đáng yêu. Chị nghĩ, rồi tự nhiên lại mỉm cười.
    Tối qua, thằng Thành đưa cho anh một cặp vé xem phim. Nói chú rủ cô đi coi đi, con mua nhưng chưa kịp coi thì bồ nói chia tay, "giờ chẳng còn tâm trạng nào nữa".
    Thằng bé như con cháu trong nhà vậy, nó ăn ở xe hủ tiếu của anh đã ba năm nay. Nó buồn, anh cũng buồn lây. Anh cầm tấm vé cho nó vui, cất vào hộc đựng tiền của xe hủ tiếu và tiếp tục bán hàng.
    Anh chưa nghĩ và cũng chưa biết sẽ làm gì tiếp theo. Cho đến tận khi đẩy xe về lúc hơn một giờ sáng, anh vẫn nghĩ về việc sẽ giải quyết hai chiếc vé xem phim thế nào. Có thể là cho hai đứa con lớn để chúng nó đi xem, nhưng rồi anh lại nghĩ vẩn vơ về lời thằng Thành lúc nó đưa cho anh cặp vé: "Chú rủ cô đi coi đi".
    Điều đó là một cái gì đó rất khác lạ, hoàn toàn khác lạ với cuộc sống của hai vợ chồng trước đây. Anh nghĩ về việc sẽ rủ chị đi xem. Đúng rồi, hơn bốn mươi tuổi, gần hai mươi năm nên nghĩa vợ chồng, anh chưa từng chủ động hẹn chị đi đâu. Cưới nhau về rồi thu xếp cuộc sống, vừa ổn định một chút thì đã có con. Đứa này nối tiếp đứa kia cứ lần lượt ra đời, gạt phăng đi toàn bộ thứ gọi là thời gian riêng tư của cả hai vợ chồng.
    Tự nhiên anh thấy mình là một gã chồng có phần tệ bạc. Cưới người ta nhiêu đấy năm, chưa một lần đưa người ta đi xem phim hay đi đâu đó du lịch. Vậy mà cô ấy cũng chẳng hề trách móc nửa lời. Giờ cả hai đã chẳng còn trẻ, đến cả việc xem một bộ phim như cách lũ trẻ vẫn làm khi yêu nhau, tự nhiên cũng trở nên khó khăn đến lạ.
    Anh nghĩ về quá khứ. Nếu không có cô ấy, cuộc đời của mình có được những tháng ngày dù vất vả nhưng an yên như vậy hay không?
    Chị chỉnh sửa bộ áo quần của mình, rồi đứng trước gương hồi lâu. Nếu cách đây chừng mười năm thôi, không làm cái nghề bán hủ tiếu thức khuya dậy sớm này, làn da của chị có lẽ cũng không tệ đến vậy.
    Anh đứng phía xa, nhìn chị, rồi vuốt lại cái áo thun màu đen mà anh đang mặc.
    Thằng Tí, đứa con út của hai người từ chiều giờ cứ ríu rít kể với mấy đứa bạn của nó rằng "Tối nay ba mẹ hẹn hò".
    Bộ phim bắt đầu chiếu vào lúc tám giờ tối. Đã lâu lắm rồi, chị mới lại được ngồi đằng sau xe của anh vào giờ đó. Nếu là một ngày bình thường như bao ngày khác, thì cả anh và chị đều đang cách nhau hơn một cây số, mỗi người sẽ bán ở một xe hủ tiếu riêng và luôn tay chuẩn bị phần ăn cho khách. Có khi còn chẳng kịp lau vội mồ hôi đang toát ra trên mặt.
    Sài Gòn đêm nay với chị là một Sài Gòn khác lạ. Vùng đất này vốn dĩ không phải quê hương của cả hai, nhưng lại là nơi cả hai gắn mảnh đời của mình thành một mảnh đời chung, và buộc vào rất nhiều những mảnh đời khác mỗi ngày. Vì tình yêu? Vì gia đình? Hay chỉ đơn giản là vì nhau... có thể chẳng cần giải thích cho rạch ròi, cứ vậy thôi, cho đến thời khắc hữu hạn của cuộc đời.
    Anh muốn đi chậm một chút, hẵng còn sớm và cảm giác này cũng thật lạ. Ánh đèn phủ kín thành phố về đêm vàng vọt. Phản chiếu dưới mặt đường là hình bóng của hai người đang chậm rãi chở nhau đi.
    Hình bóng cho thấy họ đang ở cạnh nhau, chẳng nói lên việc đã già hay vẫn đang còn son trẻ, và cũng chẳng diễn tả được hết việc họ hạnh phúc ra sao với cuộc đời của mình trong hiện tại.
    Tình yêu là thứ ẩn chứa trong muôn hình vạn trạng. Không phải để cầm nắm, mà là để cảm nhận.
    Đôi lúc, chúng ta quá bận bịu với ngàn nẻo mưu sinh, quên đi cách thể hiện tình yêu ra ngoài mặt, dù chẳng bao giờ quên việc bản thân đang vì ai đó mà cố gắng. Đó đã là một thứ cắt nghĩa trọn vẹn của yêu thương, chân thành và tử tế.
    Mọi thứ, trong anh và trong chị, có thể cũng chỉ cần lặng lẽ như vậy, mặc cho đời chảy trôi.
    Liệu có gì thay đổi sau lựa chọn của cặp vợ chồng trong câu chuyện hay không? Tôi nghĩ là không. Guồng quay của nhịp sống cũ sẽ cuốn họ trở về với thực tại của mưu sinh.
    Nhưng khoan đã! Chẳng phải những thời khắc lãng mạn họ vừa trải qua cũng là thực tại đó sao?
    Vậy nên, nếu bạn đang sống một cuộc đời nhàm chán, thi thoảng hãy để chân mình lạc bước dẫu chỉ là một nhịp, dành chút thời gian riêng cho người kề cạnh. Mọi thứ có thể không đủ để tạo ra khác biệt, nhưng sẽ khiến cuộc đời của bạn ý nghĩa hơn rất nhiều.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân