Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Con Bò Một Chân Tác Giả: Phan Văn Minh    
    Vừa ngồi vào bàn, Sỹ Lân đã nghe đám bạn nhậu hỏi dồn:
    - Này, ông nghe tin gì chưa?
    - Chuyện động trời thế mà ông không biết à?
    - Ôi, nhà báo với nhà biếc!
    Mặc dầu chỉ là nhà báo nghiệp dư nhưng bị chạm tới nghề nghiệp, Sỹ Lân bực mình gắt:
    - Mấy cái thằng khỉ đột! Chuyện chi mới được chứ?
    - Không phải khỉ mà là bò. Một con bò chỉ có một chân.
    - Truyện thần thoại à? - Sỹ Lân cười mũi.
    - Thần chi mà thần. Chuyện thật trăm phần trăm. Mới khi chiều.
    - Ở làng Gò Diều dưới kia kìa. Người ta đang ùn ùn kéo xuống đó như xem hội - Một ông bạn vung tay phán chắc như cua gạch.
    - Mấy ông đã sờ chân nó rồi chắc? - Sỹ Lân hất hàm, giọng mỉa mai.
    - Ừ thì... tụi mình vừa nghe thằng Tứ ngồi bàn bên kể. Cả quán kéo nhau xuống đó hết rồi.
    Sỹ Lân vẫn ngờ vực
    - Sao các ông không đi?
    - Bởi ngồi chờ ông đây. Gần cả tiếng đồng hồ rồi này.
    Một ông bạn khác giục:
    - Thôi, uống đi! Tôi đoan là ngay tối nay tin bài về vụ này sẽ đầy trên mạng.
    Cả bọn chạm ly. Sỹ Lân mới làm một ngụm đã đặt ly xuống:
    - Không xong rồi! Mình là cộng tác viên duy nhất của báo điện tử “Tin nóng nghìn độ” đứng cánh khu vực này. Mai mà báo mình không có bài thì khó ăn nói với tòa soạn. Ông cho tôi số của thằng Tứ!
    Sỹ Lân bấm điện thoại. Chuông vừa reo, giọng anh đã hối hả:
    - A lô! Xin lỗi, anh Tứ đó hả? Sỹ Lân “Tin nóng nghìn độ” đây. Khi chiều anh có đi xem con bò một chân rồi hả? Có thật không anh?
    - À, chào anh Sỹ Lân!Thật chứ sao không. Mình về dưới quê nghe chính mẹ mình kể mà - Giọng người tên Tứ từ đầu dây bên kia trả lời chậm rãi.
    - Ủa, chứ anh không tận mắt thấy à?
    - Ừ, mình cũng định ra đồng xem thử nhưng mấy ông bạn chí cốt lại gọi. Chuyện còn có đó chứ biến đi đâu được. Anh Lân có muốn thì sáng mai đi với mình.
    Sỹ Lân ngần ngừ:
    - À... thôi! Mai thì trễ quá. Cảm ơn anh nhé!
    Anh quay sang ba ông bạn, nâng ly uống cạn rồi vừa nói vừa nhổm khỏi ghế, giọng như nước sôi lửa bỏng:
    - Mấy ông cứ ngồi tiếp nhé. Tôi phải xuống quê tìm cho ra con bò.
    - Thôi mà! Tối mò rồi. Đường xuống làng Gò Diều xa lắm. Mà lúc này bò tất đã về chuồng, còn tìm chi nữa! - Một ông bạn kéo áo.
    Nghe cả ba người xúm nhau can ngăn nài nỉ, lại tưởng tượng thêm cái cảnh một mình lặn lội trong đêm dưới xóm quê heo hút, Sỹ Lân lại ngồi xuống, thở dài:
    - Vụ này chắc mình mất điểm với tổng biên tập rồi.
    * *
    *
    Hôm đó dù đã ngà ngà say nhưng cho tới nửa đêm Sỹ Lân vẫn không chợp mắt được. Anh vùng dậy bật đèn, mở máy vào mạng. Quả như lời ông bạn khi chiều, sự kiện con bò một chân đã lan khắp các tài khoản facebook và nhiều trang tin điện tử tổng hợp. Trang “Tin hot một giờ” mô tả khá chi tiết về một chú bê con lông màu vàng óng chỉ có một chân ở giữa ức. Nó di chuyển bằng cách nhảy lò cò như con... gà què và kêu bê bê rất thảm thương. Trang “Chuyện lạ bốn phương” tường thuật tỉ mỉ lời kể của bác nông dân tên Nột về thời khắc chú bê con ra đời. Đó là vào lúc nửa đêm, bác Nột nghe con bò mẹ rống một tiếng dài như tiếng tù và. Bác vừa cầm đèn chạy ra thì thấy một vệt sáng xanh lét từ trên không trung bay chéo vào chuồng bò. Bác rọi đèn và suýt bật ngửa khi thấy một bê con lông trắng như ngựa bạch trong chuồng. Nó đứng thẳng như loài chuột túi trên cái chân sau duy nhất, đôi mắt mở to trừng trừng nhìn bác... Tổng hợp lại, Sỹ Lân hơi hoang mang khi thấy giữa các tin bài có sự sai biệt khá lớn về màu lông và vị trí cái chân của chú bê. Tuy nhiên, khi đọc đến bài “Có bao nhiêu con bò một chân ở làng Gò Diều” trên trang “Nhà báo tác nghiệp”, anh mới tạm yên tâm với thông tin rằng có một con bò cái đã đẻ ra một lần bốn con bê, mỗi con một màu lông khác nhau, đều chỉ có một chân nhưng ở những vị trí khác nhau.
    Càng về khuya, trên các trang mạng càng xuất hiện nhiều tin bài khác về chuyện con bò một chân. Đáng khâm phục là một giáo sư sinh học đã thức trắng đêm để viết bài phân tích rất uyên bác về những yếu tố di truyền và đột biến dẫn đến hiện tượng này. Một ngài tiến sĩ sử học lại có cách nhìn sự kiện theo hướng khác. Theo đó, từ xưa đến nay đã có không ít lần xuất hiện những hiện tượng như chó một chân, gà bốn cánh, rắn sáu đầu... Và mỗi lần như thế đều là điềm báo cho một biến cố thảm khốc diễn ra sau đó. Nhà sử học tiên tri rằng một trận động đất lớn sắp xảy ra đến nơi rồi... Càng đọc, Sỹ Lân càng tá hỏa mù.
    * *
    *
    Sáng ra, Sỹ Lân dông xe thẳng xuống làng Gò Diều. Đó là một làng quê rất xanh gồm hai xóm đối mặt nhau qua một đầm nước khá dài. Bên này là xóm Trảng, bên kia là xóm Tre. Đầu tiên, anh hỏi đường tìm đến nhà bà Lục, mẹ của anh Tứ. Rất may, anh gặp bà ngay nơi đầu ngõ, tay cầm giỏ xách hình như sắp ra chợ. Sau khi chào hỏi mấy câu, Sỹ Lân liền thưa chuyện:
    - Cháu nghe anh Tứ kể làng mình vừa xuất hiện con bò một chân, có thật không hả bác?
    Bà Lục có vẻ vui tính, nói cười xả lả:
    - Có, có. Cậu đi xem hả? Úi dào, hôm qua đến nay dễ đến cả chục người hỏi rồi. Ở bên xóm Tre kia.
    - Vậy hả bác? Sỹ Lân như mở cờ trong bụng: Bò nhà ai vậy bác?
    Bà Lục chép miệng:
    - Bò của ông gì tôi cũng quên hỏi nữa. Nói thiệt ra thì trưa hôm qua tôi nghe con Ba Mách bên xóm Tre nó kể ngoài chợ. Cái con thiệt tình...! Nó nói huyên thiên, mình hỏi gì nó cũng không trả lời. Định bụng chiều qua đó coi thử nhưng thằng Tứ lại về chơi. Phải ở nhà nấu cái gì cho nó ăn...
    - Dạ, cám ơn bác. Thế bây giờ hỏi chị Ba Mách là chắc nhất phải không bác? Sỹ Lân vừa hỏi vừa rồ ga phóng xe đi.
    Bà Lục nói với theo:
    - Ờ...Cậu nhớ là con Ba Mách nặng tai lắm đó nghe!
    Sỹ Lân chạy xe qua một cây cầu nhỏ bắc ngang đầm nước. Nhà chị Ba Mách ở sau lưng xóm Tre, hướng mặt ra phía cánh đồng mênh mông đìu hiu chỉ gồm toàn cỏ lác. Có vẻ như chị Mách sống một mình, và quả thật rất nặng tai. Sỹ Lân phải gần như hét lên chị mới trả lời:
    - À, con bò một chân hả? Có đó. Thằng cu Bẹo bảo thế. Nó ở dưới kia.
    Chị Mách trỏ tay về hướng một căn chòi lá nằm xa tít phía cuối đồng lác. Đường xuống đó chỉ toàn là những bờ cỏ quanh co đầy gai ngủ ngày. Sỹ Lân phải gửi xe lại sân nhà chị Mách rồi lội bộ ra đồng. Thằng cu Bẹo đang cầm sào lùa bầy vịt dưới ruộng lác xăm xắp bùn nước. Đó là một thằng bé trạc mười bốn tuổi, quanh năm chăn vịt thuê ngoài đồng. Theo chị Mách, nó bị ngọng từ bé nên ít khi giao tiếp với ai, cho nên khó khăn lắm Sỹ Lân mới gọi được nó lên bờ. Thấy nó đang lập bập điếu thuốc lá đen, Sỹ Lân tặng luôn gói Ngựa Trắng hút dở rồi hỏi:
    - Này cu Bẹo! Hôm qua em thấy con bò một chân hả?
    - On ò nó ứng ột cân. Quả nhiên giọng cu Bẹo ngọng líu.
    - Nó ở xóm nào tới vậy?
    - Ở kên cời. Cu Bẹo chỉ tay lên trời.
    - Ở trên trời xuống à? - Sỹ Lân tròn mắt nhìn cu Bẹo. Anh vừa hình dung ra huyền tượng thiên thần giáng thế. Một cơn gió đồng làm anh nghe lạnh sống lưng.
    - Có nhiều người xuống đây xem không em? – Anh hỏi tiếp.
    Thằng bé rít một hơi thuốc dài, lắc đầu. Chợt nó kêu lên:
    - Ó... kìa!
    Theo tay cu Bẹo, Sỹ Lân thấy trên một mô đất cao giữa bờ ruộng lác, một chú cò trắng muốt đang đứng ngơ ngác nhìn trời... chỉ với một cái chân.
    Sỹ Lân ngẩn người, thở hắt một cái, hiểu ra tất tần tật đầu đuôi câu chuyện. Anh gào lên giữa đồng, giọng ầng ậc như nửa cười nửa khóc:
    - Con - cò - nó - đứng - một - chân. Trời... ạ! Hức... hức...
    

Kết Thúc (END)
Phan Văn Minh
» Chiếc Vòng Đá
» Thần Thi
» Con Bò Một Chân
» Linh Mộc
» Con Nết Và Ông Chủ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em