Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Biển Tác Giả: Đăng Ngọc    
    Bão đang về ầm ập. Gió từ phía biển mỗi lúc mạnh thêm. Chiếc ghe cào lắc lư theo nhịp sóng thỉnh thoảng bị hất tung lên mặt nước rồi chìm nghỉm dưới những đám bọt trắng xóa. Mưa xối xả. Trong bờ, mấy dải đất mờ mờ, thỉnh thoảng sáng rực lên dưới những tia chớp kèm theo những tiếng sấm đì đùng.
    Hớp một chén nước mắm nhỉ, Hai Đáy nói lớn với cái giọng ồm ồm xứ biển:
    - Tao xuống trước coi sao, tụi bay canh chừng hễ thấy tao giựt giựt dây ba cái thì kéo lên lẹ, chậm là hà bá “hốt xương” tao nghe chưa? Anh cười hô hố rồi bẻ tay bẻ chân nghe răng rắc, ngậm cái ống thở rồi phóng cái đùng xuống biển mất tăm.
    Chiếc ghe chòng chành trong khoảng tối om om. Những điếu thuốc rít lên tạo mấy đóm sáng đỏ lòm. Mười phút, hai mươi phút nặng nề trôi qua. Chiếc dây thừng vẫn lặng im. Hai Đáy vẫn đang còn dưới biển sâu.
    - Thằng cha này bữa nay “tưng tưng” rồi hay bị cô hồn về xúi quẩy tới giờ chưa thấy trồi lên. Hổng chừng bị đám cá mập rỉa xương ra xương, da ra da rồi. Tiếng Ba “lựu đạn” phá tan bầu không khí chờ đợi.
    - Miệng cha ăn mắm, ăn muối nói bậy. Thằng Đáy liều mạng này hà bá nuốt nó ba năm cũng hổng xong. Nó là lính đặc công chuyên gia đi lặn phá tàu địch hồi chiến tranh. Chết chìm mới là chuyện lạ. Tiếng Ba Đực cắt ngang.
    Nói trấn an chớ lòng anh cũng bắt đầu lo lo. Làm cái nghề lặn biển tuy có tiền chút đỉnh nhưng dễ bị bệnh hậu và sanh nghề tử nghiệp như chơi. Có xa lạ gì đâu, xóm này có mấy tay lặn mướn bị nước ép riết đâm ra bị chấn thương sọ não, liệt nằm giường, có người chết luôn dưới đáy biển vì kiệt sức, may mà lấy được xác đem về, chớ không thì làm mồi cho cá. Vậy mà có ai chịu bỏ nghề đâu? Nói cho cùng bỏ thì biết làm nghề gì để sống. Ruộng không có. Vườn không có. Ghe cộ cũng không. Chữ nghĩa thì cả xóm họa hoằn lắm mới có vài người học tới lớp một, lớp hai, còn bao nhiêu thì đốt đặc cán mai. Vậy là cha truyền con nối cái nghề lặn mướn. Ai mướn gì cũng lặn ăn công. Bù lại thanh niên, phụ nữ ai cũng mạnh cùi cụi, lặn, lội như rái cá, quanh năm không thấy người nào bệnh. Có lẽ vậy nên cái trạm y tế xã đầu xóm quanh năm vắng teo.
    Năm rồi cả đám thợ do Hai Đáy lặn kiếm đồ cổ trong một chiếc tàu buôn của Trung Quốc bị chìm đã mấy trăm năm. Nhờ coi trên “vô tuyến” cả bọn biết vụ tàu chìm gần cửa biển. Tưởng gì chớ luồng lạch xứ này ai mà hổng rành. Chỗ nào cạn, chỗ nào sâu, biết hết không cần máy định vị, la bàn cho mất công. Mấy giờ nước lớn, nước ròng. Biết tuốt tuồn tuột.
    Hai Đáy đem chuyện lên xã trình báo đề nghị cho phép lặn tìm đồ cổ. Đồ quý hiếm mà để hoài dưới biển hư hết còn gì. Xã biểu chờ huyện có ý kiến. Huyện nói chờ tỉnh chỉ đạo. Tỉnh trả lời chờ trung ương quyết định. Đợi mãi không thấy tăm hơi trong khi bọn buôn bán đồ cổ lậu cứ lén lút đem ghe ra trộm của. Nhiều thằng buôn lậu tới thuê dân xóm này lặn “lậu” với giá trên trời. Hai Đáy, Ba “lựu đạn” đứng ra phản ứng quyết liệt. May mà cả xóm cũng đồng lòng. Ban đêm cả xóm cầm dao, cầm mác ra mé biển dòm chừng coi có ghe lạ nào mò ra ăn cắp đồ cổ là “xử đẹp”. Tình hình lắng dịu. Tỉnh cho phép nhóm thợ lặn mò cổ vật rồi chia phần với nhà nước.
    - Mấy ông nhắm có lợi thì chơi, không thì “tẩu”. Coi vậy chớ nguy hiểm và khó ăn lắm đó nghe. Hên xui mà. Mà mấy cha có làm vụ này lần nào chưa? Rồi không có máy móc gì ráo, sao mần được? Tiếng chủ tịch xã hoài nghi.
    - Máy móc là chuyện nhỏ như con thỏ. Hổng có máy mà làm được mới mát trời ông địa. Biển này với tụi tui thuộc trong lòng bàn tay. Nhằm nhè gì ba cái lẻ tẻ. Cái cốt là tụi tui bảo vệ tài sản nhà nước, ai đời đồ quý hiếm lại để cho cái đám hải tặc, lục lâm tha hồ vơ vét. Tui chơi với tụi nó tới cùng. Tiếng Ba Đực cả quyết.
    Một chuyến, hai chuyến rồi nhiều chuyến nữa, cả bọn đã mang về khá nhiều “hàng hóa” đặc biệt. Nào tô, ly, chén, dĩa đến bình tích, tiền cổ… Lành lặn có, sứt mẻ có. Dù không một ai biết nó có tự hồi nào, làm ở bên Tây hay bên Tàu, giá trị bao nhiêu nhưng ai nấy đều hớn hở ra mặt vì ít ra cũng làm tròn trách nhiệm với nhà nước. Đó cũng là lời thề với biển khi dấn thân vào nghề gắn đời mình với sóng to, gió lớn.
    Năm ngoái đây, khi cơn bão số 9 đột ngột chuyển hướng vô Nam, nhiều tàu ghe bất ngờ không kịp vào bờ. Tín hiệu cầu cứu SOS phát liên tục vào đồn biên phòng. Bộ đội và người dân xóm đáy nhốn nháo không ngủ. Hai Đáy – người lính đặc công thủy năm xưa - huy động mọi người xung phong ra biển cứu tàu. Một người, hai người rồi thanh niên cả xóm đồng loạt hưởng ứng bất chấp hiểm nguy. Hơn lúc nào hết họ biết mình sẽ đương đầu với bao gian khó giữa cơn bão dữ nhưng hình ảnh những con tàu gặp nạn đang chìm dần giữa biển cả mênh mông, những cánh tay tuyệt vọng cố nhoi lên trên mặt biển hung hãn đang thúc giục họ. Và hơn lúc nào hết lời thề với biển là phải cứu người gặp nạn lại vang dội trong trái tim những người sống vì biển và chết cũng vì biển. Họ đã lên đường giành lại biết bao mạng sống con người giữa lằn ranh sinh tử.
    Có lần họ được thuê lặn lấy xác mấy thuyền viên nước ngoài trên con tàu buôn lậu bị đụng chìm ngoài biển Vũng Tàu. Ba Đực nghe tin xẵng giọng:
    - Dẹp. Thà nghèo cạp đất mà ăn, chớ hổng làm cái vụ này. Cho nó ở dưới làm mồi cho cá mập. Ai biểu làm cái chuyện tào lao chi.
    - Mày nói vậy sao đặng. Nó làm bậy thì bị quả báo rồi đó. Mình là dân biển, cũng là con người. Tụi nó bậy mấy thì cũng phải đem nó lên trả về cho gia đình nó. Làm phước gặp phước mà. Tiếng Tám “cải lương” xen vào.
    - Thằng Tám nói phải. Bớt giận đi. Người gì mà nóng như Trương Phi. Cha dám chắc cả đời mình hổng làm bậy chuyện gì hôn? Nhân vô thập toàn cha ơi. Hai Đáy cười hóm.
    - Thì… thì… giận quá nên nói vậy chớ lòng dạ nào để tụi nó lạnh lẽo dưới đáy biển. Tiếng Ba Đực dịu dần.
    Cảm giác sợ hãi, rờn rợn tóc gáy, nổi da gà mất dần đi khi cả bọn lặn thật sâu tận mắt chứng kiến những thân thể con người nổi lều phều kẹt trong khoang tàu. Có người đôi mắt to trừng như cầu cứu van lơn trong nỗi tuyệt vọng. Có người đang vói tay vào thân tàu như đang cố sức tìm lối thoát thân nhưng không sao làm được. Những kiện hàng đầy ắp nằm trong thân tàu chơ vơ dưới đáy biển. Những con cá lớn hung dữ xuất hiện quanh tàu rồi lặng lẽ bỏ đi. Trong khoảng thâm u lành lạnh đến rợn người, cả bọn thợ lặn nghe như có tiếng khóc nức nở nào đó vang lên đứt đoạn xen lẫn tiếng rên la. Ma chăng? Làm gì có. Nhưng tiếng kêu từ đâu vậy? Cả bọn lặng im không một lời giải thích. Chuyện đục thân tàu bắt đầu. Sau mỗi tín hiệu giựt dây ba lần, từng xác người được kéo ra khỏi khoang tàu và được kéo lên trên mặt biển rồi chở vô đất liền. Lần đó có tới mười sáu thuyền viên nước ngoài bị nạn được đem lên. Nghe nói thân nhân họ có qua Việt Nam nhận xác nhưng không một ai tới tìm những người thợ lặn âm thầm để nói một lời cám ơn ngắn ngủi. Đời là vậy. Bạc bẽo là chuyện thường.
    Chiếc dây thừng giựt giựt ba lần. Hai Đáy kêu đây rồi. Cả bọn nhanh chóng kéo mạnh dây. Thân người bóng láng, đen thui như con rái cá của Hai Đáy nhô cao lên mặt nước rồi trèo qua thân ghe, nước vẫn chảy ròng ròng theo mái tóc hoe hoe bạc của anh.
    - Tui tưởng cha đi bán muối cho diêm vương rồi. Làm gì lâu dữ vậy?
    - Bán cái đầu mày. Thằng này sống tới một trăm sáu mươi tuổi mới ngủm củ tỏi. Nè dưới này san hô, rong biển, cá lớn nhiều lắm, năm nay chắc trời độ mạng nên tìm được chỗ này. Thôi làm vài ly cho ấm, ăn bậy chén cơm rang rồi bắt đầu nhảy xuống. Sau đợt này có trúng mánh thì tụi bây nhớ sửa lại cái nhà cho đàng hoàng. Tụi mình già tới nơi rồi, làm sui gia mấy hồi. Nhà cửa trống hơ trống hoác mắc cỡ thấy bà nội.
    - Tui tính đợt này rồi giải nghệ luôn. Hổng lẽ làm cái nghề này hoài? Tiếng Ba “lựu đạn” buồn buồn.
    - Chuyện đó hạ hồi phân giải. Còn sức còn làm. Tại cái số mình gắn liền với biển nên chịu thôi, bỏ biển buồn lắm mấy cha ơi! Tiếng anh Tám “cải lương” phân trần.
    Bão bắt đầu tan dần. Gió bớt thổi từng cơn. Sóng bớt hung tợn. Mặt trời nhú lên đo đỏ sau những đám mây xam xám. Chiếc ghe cũ kỹ cứ chòng chành trên mặt biển. Cả bọn thợ lặn nhìn nhau không nói. Có lẽ họ đang nguyện cầu với biển.

Kết Thúc (END)
Đăng Ngọc
» Những Phút Đam Mê
» Biển
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Hoa Học Trò
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Xác Ngọc Lam