Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Rời Rạc Dấu Xưa Tác Giả: Tường Linh    
    Ông Lê mới chỉ nói ra ý định của mình với một số người thân thôi nhưng mọi người đều không đồng tình việc ông tính bán ngôi nhà đang ở tại Sài Gòn để trở về sống hẳn tại quê nhà. Họ cho là ông định lội ngược dòng chảy thời đại khi bao người không ngừng bỏ quê ra phố. Hơn nữa ông cũng đã cao tuổi rồi, về quê còn làm được gì; lại phải chịu nhiều mặt không thuận lợi về đời sống so với ở thành phố.
    Mọi người đều dồn vào câu hỏi “tại sao ông muốn về”? Ông Lê chỉ trả lời: vì tôi muốn về nơi quê sinh của tôi, con voi già còn biết quay đầu về núi.
    Chỉ có một người đồng tình với ông Lê. Đó là vợ ông. Điều đáng nói vì bà là người Sài Gòn chính cống. Qua mấy chục năm chung sống, bà chỉ theo ông Lê về quê chồng một lần, ở lại đó mấy ngày không đủ cơ sở để bà khen hay chê. Thật lòng bà không khen chê, không so sánh về cuộc sống giữa một thành thị lớn với làng quê chồng. Bà vui lòng chấp nhận sự tính toán vừa giản đơn vừa lãng mạn của chồng. Ông Lê dự tính bán ngôi nhà tại Sài Gòn mang tiền về xây căn nhà nhỏ trong vườn xưa gần nhà chú em út. Chắc chắn kinh phí sẽ dư bộn. Lương hưu của vợ chồng ông sẽ sống khá với mức sinh hoạt nông thôn. Xã quê ông đã có trạm y tế, bưu điện, tại khu chợ phồn thịnh có mấy tiệm thuốc tây là đủ những nhu cầu của người cao tuổi…
    Vợ chồng ông Lê cho như vậy là được rồi.
    Bà Lê giải đáp với mọi người còn đơn giản hơn. Bà trưng câu ca dao vốn xuất xứ từ quê chồng: “Có chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo”.
    Ông Lê về thăm quê chỉ đi có một mình. Chuyến này ông kết hợp việc thầm xem tình hình như thế nào sẽ thực hiện ý định hồi hương.
    Sau hai ngày đi viếng phần mộ tộc nhân và thăm bà con, xóm giềng, ông Lê đi thăm lại một số nơi có nhiều kỷ niệm với ông thời thơ ấu. Hồi trước đây là mùa câu cá của trò Lê và các bạn nam cùng học ở trường làng. Câu cá và đá banh là hai cách chơi ai cũng rất thích. Làng ông có hai nơi để câu cá. Khe Bà Đội thì câu cá rô, cá trê, bàu sen giữa làng câu cá tràu, cá giếc. Sau mỗi cơn lụt, cá từ sông cái vào hai nơi ấy để đẻ và ở lại luôn, năm này tiếp năm khác nên mật độ cá càng đông dày. Sáng chủ nhật, ngày nghỉ lễ, trò Lê cùng các bạn đi câu, chiều đá banh.
    Ông Lê háo hức vào thăm khe Bà Đội. Ông dạo một chặp dọc khe rồi đứng lại trên cầu bê tông cốt thép thay chiếc cầu gỗ cũ. Ông say mê nhìn lại mặt nước khe quen thuộc có nhiều cá móng hấp dẫn, khiêu khích. Ông nhớ lại từng chỗ câu, từng bạn câu ngày xưa. Nhiều người không còn nữa.
    Có một tốp nam thiếu niên đi qua cầu. Họ chào ông mà như hét: chào ông già!
    Ông Lê cau mày. Ông hỏi ra thì các cậu đều là con cháu của bà con hoặc người quen thuộc cùng xóm, cùng thôn. Ông hỏi họ:
    - Buổi sáng chủ nhật tốt trời như thế này các cháu không đi câu à?
    Cả bọn cười lớn. Một cậu nói:
    - Đi câu buồn muốn chết, việc ấy dành cho mấy ông già. Cần có cá ăn thì chích điện là có ngay.
    Ông Lê lại hỏi:
    - Vậy các buổi sáng nghỉ học các cháu làm gì?
    - Chơi game
    - Còn buổi chiều?
    - Facebook.
    Ông Lê không hỏi nữa. Ông cảm thấy bị hụt hẫng về cách chào, việc chơi và cách trả lời của mấy cậu choai choai kia.
    Ông bèn đi tiếp tìm gặp lại bạn già. Đó là ông Năm Mực, hai người cùng tuổi nhau, chơi thân và hiểu nhau từ thời thơ ấu. Nhà ông Năm ở gần chân núi. Từ trên căn nhà giữa đỉnh gò thấp, ông Năm đã thấy ông Lê liền vội vã chạy ra đón khách. Hai người gọi lớn tên nhau và ôm chặt lấy nhau vô cùng mừng rỡ. Ông Năm Mực gọi lớn vào nhà:
    - Bà ơi, có anh Cử Lê về đây nè!
    Bà Năm chạy ra tận bìa sân chào ông Lê.
    Vào nhà, chủ khách ngồi trò chuyện nơi bộ “salon” bằng mây do ông Năm Mực đan, bện. Thấy ông Lê chăm chú nhìn, ông Năm cho biết núi trước nhà thiếu gì mây, cứ vào đó bứt về làm. Ngó thì quê mùa vậy đó nhưng được nhiều người thích, tôi làm không kịp.
    Bà Năm từ bếp nói lên:
    - Xin lỗi anh Cử, ngồi chơi với nhà tôi, đợi tôi chút.
    Lát sau, bà Năm bưng một chiếc mâm gỗ lên đặt trên bàn. Mâm thức ăn chỉ có mỗi một thứ bánh. Nhìn kỹ, ông Lê nhận ra đây là một trong những thứ bánh làm bằng bột sắn, đặc sản dân dã của quê ông. Ông nói với bà Năm:
    - Mấy chục năm rồi tôi không thấy lại món bánh này. Cách làm nó như thế nào hả chị?
    Bà Năm nói:
    - Dân làng mình ai còn sống đến ngày hôm nay cũng không thể quên cái năm đói khủng khiếp hồi đánh Tây.
    Ông Năm tiếp lời vợ:
    - Đó là năm 1952. Làng ta và các làng ở cái rốn hạn hán bão lụt này bị mất trắng cả mùa tháng ba vì đại hạn, mất luôn mùa tháng tám vì bão to lụt lớn. Hoa lợi hai mùa bị mất sạch sành sanh, không nhà nào còn hột lúa, củ khoai. May là bà con ta biết phòng xa đã trồng được nhiều sắn. Chỗ nào có đất là có sắn. Loại cây cho củ này không sợ mất mùa. Dân làng ta và toàn vùng nhờ sắn mà thoát chết đói cả năm nghiệt ngã ấy.
    Lời ông Năm Mực dẫn ông Lê trở về với những tháng năm ấy khi ông là học trò tiểu học tại trường làng có đường hầm ra tận bìa ruộng để tránh máy bay giặc Pháp oanh tạc. Ngày học hai buổi, giờ nghỉ trưa thầy trò đều ăn bánh sắn thay cơm.
    Bà Năm lấy ra từng dĩa bánh đặt trước ông Lê và ông Năm, đon đả mời khách dùng. Vừa ăn, bà vừa nói cho ông Lê nghe về loại bánh này:
    - Bột sắn khô nhồi nước, dùng lòng hai bàn tay ép thành từng miếng bánh tròn và dẹp nên mới gọi là bánh xẹp, rồi bỏ tất cả bánh vào nước sôi. Bánh luộc chín dẻo dai, vớt ra chiên hai mặt trên chảo dầu phụng. Khi sắp ra dĩa, bánh được phết một lớp mỡ hành như vậy đó.
    Ông Lê ăn hết một miếng bánh, khen:
    - Chị Năm làm bánh này ngon quá! Lâu lắm rồi tôi mới được thấy và ăn lại.
    Bà Năm cười:
    - Còn nhiều loại bánh bằng bột sắn ở quê ta rất ngon như bánh tráng, bánh ít… Nhờ giã thành bột rồi lọc thải bớt phần lớn độc chất của sắn nên bà con ta ăn sắn thay cơm cả năm cũng không sao.
    Ông Lê rất vui vì được gặp lại người và vật tuy dấu xưa không còn liền mạch.
    Từ giã ông bà Năm Mực, ông Lê đi xuống chợ mua ít trà, sữa làm quà thăm cụ Thủ Kiệm. Cụ đã 102 tuổi, già nhất làng, vợ chồng người con trai độc nhất có nhà và việc làm dưới thành phố. Cụ vẫn ở tại căn nhà cũ với đứa cháu nội trai út đang học trường cấp hai của xã. Thời trước cụ là thủ từ của ngôi đình làng nên có cái chức nhỏ nhoi theo tập quán là Thủ.
    Khi ông Lê vào nhà thì thấy một cô gái đang đo huyết áp cho cụ. Nhìn thấy khách, cụ gọi lớn:
    - Cử Lê về đó hả? Mời vào.
    Cô gái dặn dò cụ gì đó rồi chào hai người ra về. Ông Lê đỡ cụ khi thấy cụ cố ngồi dậy. Chủ khách vẫn ngồi trên chiếc phản gỗ hỏi thăm nhau, trò chuyện. Cụ Thủ cho biết cô gái lúc nãy là bác sĩ trưởng trạm y tế xã. Xã đoàn thanh niên và trạm y tế chung lập đội tự nguyện chăm sóc, giúp đỡ những người cao tuổi, người nghèo neo đơn, đau yếu. Cô bác sĩ vừa rồi đã làm việc ấy với cụ vì đúng ngày theo lịch phân công.
    Ông Lê khen:
    - Tốt quá!
    Qua nhiều câu chuyện, cụ Thủ Kiệm quay lại sau mở ngăn tủ thờ lục tìm rồi lấy ra đưa cho ông Lê một cuộn giấy cũ đóng lề bằng chỉ. Cụ bảo:
    - Đây là bản hương ước của làng ta. Hương ước này đã lập hơn hai trăm năm qua. Năm 1947, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, phòng giặc Pháp tấn công lên chiếm đình làm đồn, ta phá đình. Ai lấy gì thì lấy, tui chỉ lạy rồi thỉnh nồi hương chính của đình và tập hương ước này. Cử Lê rành chữ Nôm, hãy đem về phiên ra quốc ngữ. Cứ giữ nguyên ý, đừng thêm thắt, sửa chữa. Tui nghĩ, dù thời đại mới, nhà nước có những quy định chung nhưng phải có những nét riêng theo phong tục, tập quán, nghề nghiệp, sinh hoạt, văn hóa của từng làng xã. Không có làng xã làm sao có nước và nếu làng xã yếu kém, lạc hậu thì nước mạnh sao được? Thời trước còn nói: phép vua thua lệ làng.
    Ông Lê lật lật những trang giấy vàng ố viết toàn chữ Nôm. Lần đầu tiên ông mới biết làng có hương ước và đang cầm trong tay một loại văn bản do tiền nhân tâm huyết lập nên thành thứ “hồn” bất diệt của làng.
    Ông Lê vòng tay cung kính nhận lời ủy thác của cụ già thượng thọ.
    Dứt cơn ho, cụ Thủ Kiệm nói tiếp:
    - Vào trong đó Cử Lê ráng làm xong sớm và đem về đây sớm vì quỹ niên tuế của tui đã…
    Cơn ho ngắt lời cụ già nhưng ông Lê đã biết cụ nói gì. Lòng ông rất ngậm ngùi.
    Nhìn đồng hồ tay thấy đã ba giờ chiều, ông Lê nhớ Cả Thiện mời dự đám giỗ thân phụ anh ta lúc bốn giờ. Ông chúc sức khỏe và từ giã cụ Thủ Kiệm.
    Đến nhà Cả Thiện, ông Lê thấy đã đông người, nhiều khách lạ. Ông thắp hương trên bàn thờ và xá. Gia chủ mời ông ngồi cùng bàn với mấy ông cao tuổi đều quen biết nhau.
    Tiệc giỗ dọn ra. Tuy không bao giờ để tâm về việc ăn uống nhưng vì lâu năm mới về quê, ông Lê nhìn qua các món thực phẩm cúng giỗ. Ông không thấy lại một món truyền thống nào mà toàn những món như tiệc cưới tại thành phố. Thấy ông Lê ngạc nhiên, ông Bảy Sáng nói khẽ:
    - Phần nhiều tiệc giỗ của những nhà khá giả ngày nay ở quê mình là vậy. Họ thuê thợ nhà hàng ở thị trấn nấu. Cả Thiện giàu nhất thôn ta nhờ buôn trầm. Anh Cử có thấy loại bánh đám giỗ xứ mình đâu mà toàn là bánh hộp.
    Ông Lê hỏi chung các bạn già:
    - Tôi nhớ Năm Trung cha Cả Thiện mất ngày âm lịch khác chứ đâu phải hôm nay? Và sao không giỗ trưa theo tục lệ mà giỗ chiều?
    Mấy ông đều nhẹ cười. Một ông nói:
    - Họ giỗ ngày chủ nhật dù sớm hay muộn vài hôm để tập trung đủ “chiến hữu” đặng có dịp… trả nợ nhậu. Giỗ buổi chiều từ giờ này họ sẽ nhậu tới nửa đêm.
    Phía mấy bàn kia đã ầm ĩ tiếng một hai ba… dzô… trăm phần trăm… chưa xỉn chưa về!
    Bàn tiệc của mấy ông già như bị cô lập giữa cuộc nhậu lớn.
    Đêm ấy tại nhà người em út, ông Lê không ngủ được. Dấu xưa của làng bị đứt quãng, lắm quãng bị mất hẳn.
    Ông tiếp tục suy nghĩ về ý định hồi hương của mình.

Kết Thúc (END)
Tường Linh
» Nghìn Sau Nước Mắt
» Người Thổi Kèn Đám Tang
» Rời Rạc Dấu Xưa
» Nhà Bên Chân Núi
» Ông Lái Già Và Cây Cầu Mới
» Phía Cầu Vồng
» Phân Khúc Mỗi Cung Đường
» Tiếng Vạt Sành Kêu Đêm
» Quán Đầu Ngựa
» Hai Quãng Sông Trống Vắng
» Nghĩa Khuyển
» Ngã Ba Cây Cốc
» Thằng Bối
» Bản Sao Không Chuẩn
» Người Chị Đồng Hương
» Mùa Xuân Và Mẹ
» Dòng Xưa Chuyện Kể
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ