Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Huớ Ky, Huớ Lu Tác Giả: Vũ Đức Sao Biển    
    Ky và Lu là tên hai con chó ở nhà. Lu thì không có một kỳ tích gì để người ta phải bận tâm tìm hiểu về nó. Chỉ biết một ngày ông vừa đi miền Trung về, bước vào đến cổng là có một con chó nhỏ cỡ con chuột bự, màu lông đen thui, chạy ra ngoắc đuôi. Ông bỏ ba lô xuống, bế cái hình hài nặng khoảng ba trăm gam giác ấy lên và hỏi: “Ủa, đứa nào đây vậy ta?”. Bếp Nhỏ nghe tiếng ông, chạy ra: “Thằng Lu đó ông. Mới xin bên hàng xóm về, ông coi nó có ngoan không”.
    Ông vào bàn uống trà, bế Lu lên. Lu lai đâu đó mười tám đời các loại chó kiểng gốc Nhật. Nó có bốn mắt: hai mắt thật, hai mắt giả. Màu lông đen làm nổi lên bốn cái chân lông vàng màu lửa. Lông trên lưng tuyền một màu, xẻ ra hai bên sườn như kiểu sư tử đực châu Phi. Chỉ có cái đuôi là hay, như cái bông lau ngoài bờ sông, cứ ngoắc mãi.
    Nó vừa được tắm rửa, mùi xà phòng vẫn còn thoang thoảng. Con chim nhỏ chút xíu nhưng cũng đủ bằng chứng công nhận nó là chó đực. Hóa ra, nó là con chó thứ ba của một bà mẹ sinh năm đứa con, thiếu sữa cho con bú nên chủ phải năn nỉ hàng xóm nuôi giùm. Bếp Nhỏ bợ nó về vì nó là chó đực. Ông nói giỡn: “Nuôi thằng này tốn kém lắm đây”. Bếp Nhỏ năn nỉ: “Nó ăn ít lắm, ông à. Có gì con chia cơm cho nó”.
    Ky mới là một nhân vật làm nên huyền thoại. Cạnh nhà ông, người ta xây dựng một loạt phòng trọ. Buổi sáng nọ, ông ra ngồi uống cà phê đầu ngõ thì có một cái gì đó động đậy nhè nhẹ dưới chân. Hóa ra đó là một con chó cái nhỏ, ốm nhách, dài thòn như trái bí đao, bộ lông màu cánh gián sát vào người, đang liếm chân ông. Ông tiện tay đổ một phần cà phê sữa vào cái đĩa nhỏ, bỏ xuống chân, nói: “Uống đi con!”. Vậy là nó tỉnh bơ uống hết, liếm cái đĩa sạch trơn.
    Từ đó, sáng nào ông uống cà phê, nó cũng chạy ra. Thì ra, nó là con chó của một người thợ hồ đem từ miền Tây lên. Anh thợ hồ này ăn cơm hộp hàng ngày, có khi không đủ cơm mà ăn nên phần chừa lại cho con chó cũng không nhiều. Anh gọi nó là Ky nên ông cũng cứ vậy mà gọi.
    Bếp Nhỏ hay lân la đến chỗ mấy người thợ hồ chơi, thấy Ky thì thích mê đi. Anh thợ hồ hỏi: “Mầy thích nuôi chó không?”. Bếp Nhỏ đáp: “Thích lắm”. “Vậy tao cho mầy đó”. Bếp Nhỏ sướng tê, bồng Ky chạy về nhà. Hôm ấy cuối tháng, ông đi Sài Gòn “gặt lúa” (nhận nhuận bút), thuận chân bước vào chỗ bán đồ dùng nuôi chó mua một cái dây cổ bằng da bò đem về tặng Ky. Vậy là Ky trở thành thành viên trong nhà.
    Thế nhưng, mấy hôm sau thì Ky mất tích. Bếp Nhỏ buồn muốn khóc, ông phải khuyên răn mấy lời vàng đá, Bếp Nhỏ mới nghe ra. Bẵng đi một tháng, mẹ Bếp Nhỏ đi chợ, tình cờ nhìn thấy Ky đang gặm xương trong một quán thịt dê; kêu tên nó, nó chạy ra ngoắc đuôi mừng rỡ. Bèn hỏi người chủ quán: “Anh ơi, con chó này trong nhà tôi, ai bắt bán cho nhà anh vậy?”. Chủ quán thịt dê: “Họ bán cho tôi đó chị”. “Bán nhiêu, anh?”. “Hai trăm ngàn đồng”. “Vậy anh cho tôi chuộc lại nghen?”. Ky được trả tiền chuộc về, đúng là đời hồng nhan lận đận.
    Về nhà, Ky không thèm ăn miếng cơm nào, kể cả cơm chiên có hột gà, chả lụa và lạp xưởng. Than ôi, nó đã quen với mùi thịt dê, xương dê – cái mùi mà Tô Vũ nhà Hán ngày xưa từng ăn bên Hung Nô để chờ Thiền Vu thả cho về lại Trung Hoa. Nó ốm nhách, mình lại càng dài ra, coi càng kỳ dị thêm. Ông hình dung nó là một trái mướp bị phơi khô, có cái đầu, cái đuôi và bốn cái chân, trước cổ thắt một chiếc cravate màu trắng. Hết.
    Chẳng những không ăn cơm, Ky còn lăn ra bệnh. Nó đi không nổi, chỉ nằm một chỗ, ói nước vàng. Ông cho tiền, bảo đưa nó đi bác sĩ thú y. Bác sĩ chích cho bốn mũi, lại đưa kim và thuốc về nhà bảo hôm sau chích bốn mũi nữa và đừng cho ăn cái gì cả. Nó nằm thiêm thiếp như con chó chết rồi, không ăn không uống năm ngày liền. Ông thương quá lấy miếng nước lạnh quẹt vào mõm nó. Nó le lưỡi ra liếm chút nước rồi… nằm luôn.
    Năm ngày sau, buổi sáng ông dậy sớm, nghe có tiếng động khẽ khàng bên hông cây piano. Ông biết đó là tiếng chiếc đuôi dài thòng của Ky gõ vào thùng đàn. Ông hỏi: “Con đó hả Ky? Khỏe chưa con?”. Nó rên lên một tiếng ấm ớ trả lời ông rồi bước ra, chân cẳng yếu xìu, tướng đi y như người say rượu. Ông lấy hai chiếc bánh quế bóp nhỏ, thả xuống dưới chân, Ky ăn hết rồi ngoắc đuôi. Ông cho Ky ăn thêm một miếng phô-mai Con bò cười và uống một miếng nước. Nó nằm bên chân ông một lát rồi ra sân tè.
    Bếp Nhỏ bước xuống đi học, thấy nó nằm bên chân ông thì mừng quá. Ông nói: “Con Ky khỏe rồi. Mạng nó to thiệt. Từ đây, nó sẽ lớn nhanh cho mà biết”. Trưa ấy, Ky ăn được ba muỗng cơm; buổi chiều ăn được nửa chén. Ngày hôm sau, mỗi buổi Ky xơi được một chén. Bà cắt dưa hấu, mãng cầu xiêm, mít, xoài, mận… thả xuống, Ky cũng xơi luôn; thậm chí đến cà phê đá nó cũng xin uống. Mới mười lăm ngày mà nó mập lên thấy rõ, lông láng on, coi phát ghét.
    Đã vậy, nó còn bày đặt học sủa. Ban đầu, tiếng sủa nghe ấm ớ nhưng đêm đêm nghe anh Bin chơi piano, giai điệu nhạc cổ điển thẩm thấu vào tai nó khiến nó bắt đầu sủa ra bài bản. Ai đi ngang nhà, nó sủa nhẹ kiểu allergretto (hơi nhanh); ai đến trước cổng, nó sủa hung kiểu agitato (nhanh và sôi nổi); ai vào nhà, nó sủa dữ kiểu largo (chậm và nặng nề). Nó là con chó thuộc loại lý thuyết chứ không thực hành nên không cắn ai bao giờ. Ông cho tiền chích ngừa dại, ngừa thương hàn, chống ve. Vài tháng sau, nó đã ra dáng một cô gái dậy thì; cho đến khi Bếp Nhỏ xin con Lu về thì nó trở thành bà chị - chị Hai Ky.
    Đại để, chị em nhà Hai Ky và Ba Lu rất phức tạp. Cả hai đứa ăn no rửng mỡ, cứ giỡn hớt rật rật từ lúc 4 giờ sáng khi ông bà dậy cho tới 12 giờ khuya khi cả nhà đi ngủ hết. Chúng rượt nhau chạy từ phòng ăn ra cửa phòng khách rồi quẹo hành lang chạy vào nhà bếp. Thằng em ngỗ nghịch cắn tai con chị; con chị cũng không vừa, cắn cổ thằng em; xông vào những gầm bàn, gầm ghế mà giỡn. Ông chửi: “Hai con chó mất nết coi chừng làm gãy chân bộ salon bằng cẩm lai đó!”. Vậy nhưng hai đứa vẫn đụng rầm rầm. Bà đang đi, hai đứa cũng xông lại, chen lấn giành đường khiến bà muốn ngã.
    Ba Lu ăn ít, mà chỉ ăn đồ ăn ngon như chả lụa, chả quế, xương heo hầm. Nó là con trai nhưng ăn nhỏ nhẹ như con gái. Hai Ky bình dân hơn, chỉ cần đĩa cơm trộn chút nước cá kho hay nước đồ xào là đã cảm thấy ngon miệng rồi. Nó là con gái nhưng ăn ào ào như võ sĩ sumo. Chuyện ngủ còn phức tạp hơn nữa. Ba Lu chuyên nằm ngủ dưới đất, khi trời nóng quá thì chun vào phòng tắm, ướt chèm nhẹp mà vẫn ngủ được. Nó nằm sấp xuống đất như con ếch, bốn chân lông màu lửa xòe ra. Hai Ky thì phải nằm trên ghế salon, trước cái quạt mát mới ngủ được. Nó là chó cái nhưng văn hóa rất thấp; ngủ cứ nằm ngửa, giơ bốn chân lên như con chó chết rồi. Ông thấy vậy, chửi: “Mầy nằm lại cho kín đáo coi Ky!”. Nó lơ mơ nhìn ông, cười một cái rồi lăn ra ngủ tiếp! Đúng là con chó mất văn hóa, giật gân, câu khách!
    Giận thì nói vậy thôi chứ hai đứa này rất được việc. Chỉ cần nghe tiếng động, đặc biệt là tiếng rao bắp nấu hay ve chai lông vịt là hai đứa chạy ra. Con chị sủa giọng alto, vang và khỏe; thằng em sủa giọng ténor, nhọn và đớt đớt. Ông la: “Thôi, người ta đi ngoài đường, đừng sinh sự ồn ào nữa”, hai đứa mới chịu nín. Nín mà như còn ấm ức, cứ hực hực hoài, thấy mà phát chán.
    Hai chị em Hai Ky và Ba Lu quá bợm. Chỉ cần lơ mơ một chút, hai đứa chạy lên lầu một, quậy. Buổi sáng, anh Bin đi học quên kéo cửa phòng lại, hai đứa chạy vào liếm mặt Bếp Nhỏ. Có khi, hai đứa leo lên cả lầu hai, vào phòng làm việc của ông, “thanh tra” từ ghế ngồi đến toilette. Khi ông ăn một cái gì đó – một miếng bánh tráng chẳng hạn, hai đứa ngồi ngó thom lom, y như đã nhịn đói ba ngày rồi. Ông mắng: “Thiệt là không ăn một miếng gì ngon miệng với hai đứa bay được. Đúng là quân chết đói!”. Mắng thì vậy nhưng ông cũng cho chị một miếng, em một miếng. Tất nhiên, ông phải ăn nhiều hơn, bởi nếu không ăn ông chết thì ai làm việc nuôi Hai Ky và Ba Lu?
    Hàng rào nhà làm giản dị, chỉ là những thanh sắt vuông hàn cho có. Ky hay đút đầu ra khỏi hàng rào quan sát còn thằng Lu thì… chun ra luôn. Ông sợ nó bị mấy tay bắt chó ẵm mất nên thường gọi “Huớ Ky, huớ Lu!” để kiểm tra. Ky nghe gọi, ngoan ngoãn chạy vào ngoắc đuôi nhưng Lu thì vắng mặt. Ông ra trước thềm, gọi: “Lu à, mầy đâu rồi con?”, nó mới nghe tiếng chạy về. Ông hét: “Mầy vào nhà coi!”. Nó đứng ở dưới đường, phóng một cái lên bực thềm cao gần cả mét gọn trơn giữa hai thanh sắt vào nhà y như một diễn viên xiếc.
    Mà chị em Ky và Lu có kỹ năng làm xiếc thật. Bếp Nhỏ cầm miếng dưa hấu đưa lên cao, hai chị em chồm lên đứng bằng hai chân sau, đi lòng vòng xin ăn coi rất ngộ. Ông bảo cho hai đứa ăn, Bếp Nhỏ mới chia phần từng đứa. Chúng ăn được mít, xoài, ổi, mận, dưa hấu, chuối, mãng cầu xiêm, bánh bông lan, bánh kem, bánh quế, kẹo đậu phụng. Thứ gì chúng cũng xơi láng. Tức cười nhất là chúng xin bà cho uống cà phê đá. Bà uống cà phê chiều, chúng chồm tới chỗ bà ngồi, mỗi đứa đứng hai chân lên đầu gối bà. Bà cho mỗi đứa vài cục nước đá có chút cà phê, chúng nhai rào rạo.
    Hai đứa “tiếp khách” mới ngộ. Khách đến chơi, hai đứa sủa. Ông nói: “Bạn của ông”, hai đứa mới nín. Cho đến khi khách vào nhà, ngồi lên ghế xong là hai đứa nhào tới mừng. Chúng chồm lên, hai chân đặt trên đầu gối của khách định hun hít chút đỉnh hoặc dúi đầu vào bụng khách tìm chút hơi ấm tình thương. Bữa có cô giáo lên thăm, thấy Hai Ky và Ba Lu cùng mừng, cô thích quá, ôm cả hai đứa vào lòng. Ông quay mặt đi, giấu một giọt nước mắt tủi thân, biết mình không bằng con chó! Chỉ có Ky và Lu mới dám làm như vậy. Than ôi, kiếp người thật đáng chán!

Kết Thúc (END)
Vũ Đức Sao Biển
» Bầy Chim Sẻ
» Huớ Ky, Huớ Lu
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Hoa Học Trò
» Người Dưng Làm Má
» Xác Ngọc Lam