Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chợ Người Tác Giả: Sơn Trần    
    Góc phố có tán cây xà cừ xanh um, đã mấy tháng nay, từ tờ mờ sáng đều có một đám người đứng ngồi lố nhố. Người quang thúng, kẻ xe thồ, đòn gánh… Họ từ quê ra phố tìm việc làm. Nhất là sau tết, công việc nhà nông rảnh rỗi, số người bổ sung vào đội quân chờ việc càng nhiều. Có người một ngày được thuê, kiếm vài chục có khi trăm ngàn. Nhưng hầu như nhiều người, nhất là mấy ông bà lớn tuổi, thường ít được thuê nên có hôm gặm bánh mì trừ bữa.
    Nhung theo chồng ra phố đã năm năm. Trước đây hai vợ chồng cùng làm công nhân trong công ty may nhưng do bị chèn ép, phải đi sớm về muộn mà lương lại thấp nên cả hai bỏ việc. Nhung lấy hoa ở chợ đầu mối đi dọc phố rao bán. Quang, chồng Nhung bốc vác hay ai thuê gì làm nấy tại khu chợ nông sản. Chưa có con cái nên căn phòng trọ tồi tàn nằm sâu trong con hẻm chật chỉ chừng hai bốn mét vuông cũng tạm hài lòng. Cứ sáng sớm hai vợ chồng ăn qua quýt khi thì gói xôi, lúc cái bánh mì rồi ra chợ. Đến tối mịt thì về. Ai về trước thì lo cơm nước, giặt giũ. Nhìn vào, cuộc sống hai vợ Nhung rất yên bình. Xóm trọ, nhiều người còn tấm tắc khen Nhung biết chọn chồng nữa. Bởi Quang không biết nhậu, lại siêng năng. Kiếm được bao nhiêu cũng đưa hết cho vợ. Nhung nghe chỉ cười, mà Quang hiền và chu đáo, chăm lo thu vén cho gia đình. Nhiều lúc muốn mua cho chồng chiếc áo mới, năn nỉ mãi anh ấy mới chịu. Quang bảo có đi đâu mà ăn mặc đẹp, để tết mới mua rồi về quê diện luôn. Mỗi buổi chiều muộn, ngồi trước phòng trọ, nói chuyện với mấy người phòng bên, Quang bao giờ cũng kiệm lời, chân thành khiến ai cũng mến anh cả.
    Những trận mưa chuyển mùa kéo dài lê thê, tối đất tối trời. Mọi công việc đều ngưng trệ. Góc phố vắng hẳn người chờ việc. Xóm trọ tồi tàn, trẻ con ngằn ngặt khóc. Nhung luộc mấy củ khoai lang, rồi ngồi vẩn vơ trước cửa. Phòng bên mấy gã đàn ông tập trung chuẩn bị nhậu. Mùi khô mực dậy lên mũi, kích thích vị giác, nước bọt chực ứa ra. Quang ngủ nướng, trở mình thở hắt ra như thể anh cũng vừa nghe được.
    Nhung khép cửa lại, bật đèn lên rồi giục chồng dậy. Mấy củ khoai lang luộc bốc khói làm ánh nhìn của Quang hút theo. Anh hít hà, nhớ về những ngày còn nhỏ ở quê đi mót khoai ngoài bãi, gặp chủ khó, rượt đuổi, cả bọn ùm xuống sông bơi qua bờ kia. Quang kể rành rẽ từng câu chuyện, toàn chuyện buồn khổ lúc ở quê, khiến Nhung càng thương chồng hơn. Nhung tính, ráng làm lụng kiếm tiền, về quê sống. Dù sao ở quê vẫn tốt hơn nếu có chút vốn xoay xở. Mở một quán tạp hóa, hay thuê một ki ốt ở chợ bán buôn. Còn Quang thì đi phụ hồ. Cũng tạm ổn. Hơn vạn lần ở đây, nhà thuê, ăn dè ở tiện, công việc bấp bênh, khổ quá. May chưa có con cái, chứ thêm đứa con, biết nuôi dạy ra sao, con đến tuổi đi học lại khó khăn trăm bề. Nghĩ đến việc có con, Nhung ngậm ngùi. Cũng gần sáu năm sống với nhau mà tiếng khóc, nụ cười con trẻ chưa vang lên trong căn phòng trọ này. Âu cũng là cái duyên. Hai vợ chồng động viên, an ủi nhau. Rồi nghĩ mông lung. Hay tại lao lực, lắm lo toan. Đi khám bác sĩ, bảo vợ bình thường, chỉ chồng hơi yếu. Anh ăn uống ngủ nghỉ điều độ sẽ cải thiện được. Mà công việc của Quang như thế, nhàn nhã bao giờ đâu mà mong, mà muốn. Buồn nỗi, mỗi lần tết về quê, bà con ai cũng hối, cũng giục. Thế nên, hai vợ chồng không ai bảo ai, tiện tặn dành dụm rồi về quê sống.
    Quang bảo không làm ở chợ nông sản nữa, tụi bảo kê ghê gớm quá, bóc lột sức lao động trắng trợn. Nhung lo lắng cho chồng. Anh nghỉ ngơi ít hôm rồi tìm việc khác. Chú phòng đối diện bảo, hay là ra phố chờ việc với tao. Quang gật, Nhung cũng đồng tình vì chị biết tính anh, không làm gì thì buồn chân buồn tay lắm.
    Quang khoe được những hai trăm ngàn đồng dù công việc làm loáng đã xong. Nhung gặng hỏi mới biết là chỉ hốt sạch rác trên máng và tỉa mấy cây xanh ngả phủ xuống mái nhà. Người thuê là một phụ nữ lớn tuổi nhưng còn độc thân. Một thoáng buồn lướt qua gương mặt Nhung trong lúc chồng vô tư huýt sáo. Một chút lo lắng cứ làm Nhung thấy tưng tức… Rồi Nhung nói, giọng run run rằng từ mai anh đừng đi ra phố chờ việc nữa.
     Quang biết tính vợ nên chỉ cười hề hề. Em khéo lo, nghèo kiết xác như anh, thân còn không nuôi nổi thì ai mà thèm… cướp. Anh kéo dài giọng ở chữ cướp nhằm trêu vợ. Nhung phụng phịu, không biết đâu, em đã nói rồi đấy!
    Xóm trọ lại thêm mấy người đến thuê. Họ cũng từ quê ra, bảo mùa màng thất bát, nên ra phố tìm vận may, kiếm tiền nuôi con ăn học. Mấy phòng cuối dãy lâu nay bỏ trống, mạng nhện, bụi bặm bám đầy được quét tước, dọn dẹp. Trong số mấy người mới đến, có một phụ nữ, không rõ vợ của anh nào trong mấy người đàn ông vì thấy họ cứ đi chung, trông sang trọng ngay cả dáng đi, ánh mắt. Mỗi lần chị ấy ra vào, người ta hay tò mò, bàn tán. Rồi nỗi nghi ngờ lớn dần khi mọi người ở đây không rõ mấy người mới đến làm gì mà chặp tối lại đi đến sáng sớm mới về. Cứ ngày ngủ tối thức. Họ ăn toàn món ngon, mặc toàn đồ đắt tiền.
    Buổi trưa, ngồi xích ra lối đi hóng gió, tiện thể Nhung ngả đầu cho chồng nhổ tóc sâu. Mái tóc cô gái thôn quê từng gội hương bồ kết mấy năm nay không còn óng mượt mà xơ rối, đuôi tóc thì vàng hoe. Soi gương, lấy tay nâng búi tóc Nhung không khỏi xót xa. Quang hiểu được nỗi niềm của vợ nên thỉnh thoảng ngồi với nhau, anh lùa đôi tay vào tóc chị rồi hít hà khen nồng nàn, dễ chịu.
    Mãi không thấy cảm giác sợi tóc sâu bị bứt khỏi đầu, Nhung ngẩng mặt thì bắt gặp Quang nhìn đẩu đâu. Thì ra anh bị hút bởi bầu ngực của người phụ nữ cuối dãy trọ đang cúi xuống giũa móng chân. Trông vòng một cứ nung núc, rung rinh như muốn vọt ra khỏi cổ áo mỏng trễ tràng, Nhung cáu, véo thiệt đau vào hông chồng, khiến anh la oai oái. Mấy gã đàn ở phòng khác thò đầu ra khỏi cửa, đánh mắt, cười rúc rích. Nhung lại càng bực, kéo tay chồng vào nhà.
    Chú phòng đối diện về muộn bảo ông già phòng sát bên bị trượt chân khi khuân đống xà bần lên xe, phải đưa đi trạm xá băng bó. Cả dãy trọ nhốn nháo. Tội nghiệp, già cả neo đơn, phải làm lụng kiếm sống. Nhung tất tả lấy xe đạp đi, còn ngoái lại bảo chồng ăn cơm trước. Quang với theo, cho anh đi cùng, ban đêm nguy hiểm. Mọi người tụm lại, kẻ lắc đầu, người ngậm ngùi, chép miệng.
    Nhóm bốn người trả phòng dọn đi buổi chiều thì chặp tối công an tới kiểm tra. Thì ra bọn họ chuyên bài bạc và dắt gái. Bị động lại đi nơi khác. Thiệt tình, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Rồi đồng loạt nhìn Quang khiến anh xấu hổ, quay đi. Anh biết mình chưa làm gì nên tội nhưng thái độ lén lút của anh hôm trước bị vợ phát hiện khiến anh không sao mở lời thanh minh với họ. Còn mọi người xung quanh lại muốn biết thêm thông tin lại nghĩ rằng Quang biết rõ… Thiệt tình, chỉ cái nhìn vô tình mà mắc oán. Quang cứ lẽo đẽo theo sau vợ khi biết Nhung làm mặt giận.
    Ông già xuất viện, có đứa cháu họ xa đón về quê. Chú phòng đối diện cũng bảo chắc tao cũng về chăm đàn heo gà, hít không khí đồng bãi thôi. Quang nhìn vợ. Nhung đang xếp lại mấy bộ quần áo mới phơi khô ngẩng lên. Ánh mắt nồng nàn thoáng buồn thể hiện sự sẻ chia, đồng cảm. Quang gật đầu bảo ra phố mua ít thức nhắm về nhậu tí chia tay xóm trọ!

Kết Thúc (END)
Sơn Trần
» Chợ Người
» Ngược Dốc
» Ngược Dốc !!!
» Bước Qua Vùng Tối
» Nàng, Hắn Và Con Chuột
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ