Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Bỏ Phố Về Quê Tác Giả: Nguyễn Tam Kỳ    
    
    - Anh nói đùa hay nói thật đấy?
    - Thật! Em thấy sao?
    Tựa đầu vào vai người yêu, Ngọc im lặng. Hà cũng chẳng nói gì thêm, đưa tay vuốt những lọn tóc đen dài mềm mại. Lát sau, Ngọc khẽ khàng: “Thiên hạ đua nhau rời quê ra phố, còn anh thì ngược lại, bỏ phố về quê. Như thế có hợp lý không?”. Hà không trả lời. Anh đã suy nghĩ kỹ khi quyết định hồi hương. Cũng đã gần năm năm anh chen chân ở chốn phồn hoa đô thị, lao động cật lực nhưng chẳng tích lũy được gì! Làm công nhân ở Sài Gòn, lương mỗi tháng khoảng bảy triệu đồng song chỉ đủ trang trải chi tiêu. Tiền ăn uống hằng ngày. Tiền thuê nhà trọ. Tiền xăng xe đi lại. Tiền đám tiệc, phải không… Cộng dồn lại, tay làm hàm nhai, đâu có dành dụm được mấy đồng. “Em hỏi, sao anh không nói”. Ngọc ngồi thẳng người dậy, giận dỗi. “Em làm công nhân may công nghiệp liệu kéo dài được bao năm? Còn trẻ, người ta thuê. Về già, người ta thải. Lúc đó biết làm nghề ngỗng gì để sống ở cái thành phố đất chật người đông này?”. Hà không trả lời, hỏi lại. Ngọc làm thinh, nén tiếng thở dài.
    Nếu vợ chồng chị gái không nhắn bảo Hà về phụ giúp chăm nuôi người mẹ già bị ốm nặng thì anh cũng chưa có ý định hồi hương. Bởi anh có công ăn việc làm ổn định ở phố, có Ngọc qua lại chuyện trò vào dịp cuối tuần. Thời gian ở quê, những buổi chiều tà, anh ra sông Đá Nhảy nhìn ngắm đôi bờ. Không ngờ người dân quê anh vẫn gắn bó với cây đậu nành. Đất nà bãi phì nhiêu. Hạt đậu nành gieo trồng, không cần bón phân vẫn lên xanh tốt, đơm hoa kết trái rất sai. Đậu nành là nguyên liệu làm phù chúc - thực phẩm chay khô, được nhiều người ưa thích. Cách thức chế biến phù chúc cũng đơn giản. Có lần Hà về miền Tây chơi, nhà người bạn thân làm nghề phù chúc. Tò mò tìm hiểu các công đoạn sản xuất, anh thấy phương thức chế biến món thực phẩm chay khô không khó. Tại sao mình không về quê khởi nghiệp bằng nghề làm phù chúc? Ý nghĩ đó chợt lóe lên trong đầu khi Hà lang thang nơi nà bãi sông quê. Làng anh bây giờ không còn khuất nẻo hẻo lánh, tách biệt với thế giới bên ngoài. Sông Đá Nhảy đã nối đôi bờ bằng cây cầu bê tông cốt thép. Đèo Giàng Xay cũng đã mở rộng, xe ô tô tải qua lại được cả hai mùa mưa nắng…
    “Anh chán em nên kiếm cớ về quê lập nghiệp?”. Ngọc nghi ngờ truy vấn. “Em nghĩ thế à?”. Hà hỏi lại. Rồi anh thổ lộ hết những dự định của mình với Ngọc khi quyết định bỏ phố về quê. “Khó khăn lớn nhất với anh là vốn. Quy mô cơ sở chế biến phù chúc ở mức khiêm tốn cũng ngốn cỡ bốn, năm chục triệu đồng”. Hà nói. “Hiện anh có bao nhiêu?”. Ngọc hỏi. “Độ non phân nửa”. “Vậy là ổn rồi! Bởi em dành dụm bấy lâu được khoản tiền mà anh cần có…”. “Em cho anh vay?”. Hà mừng rỡ hỏi. “Không! Em đầu tư có chiều sâu…”. Ngọc cười. Hai người bàn tính về dự định mà Hà ấp ủ. Anh rủ rê Ngọc: “Hay là em cùng về quê làm ăn với anh?”. “Nhất định là thế! Nhưng bây giờ thì không thể… Em tin anh khởi nghiệp thành công song chúng mình cũng cần phải dự lường những tình huống không mong đợi có thể xảy ra. Lúc đó, anh rời quê ra phố còn có em làm chỗ nương tựa…”. Ngọc nói. “Em tính như vậy cũng hay!”. Hà cười.
    Với số vốn nhỏ nhoi ấy, Hà khăn gói về quê xây nhà xưởng, mua nồi nấu, giá phơi, máy xay đậu nành, máy phát điện… mở cơ sở chế biến phù chúc. Dân làng kéo tới coi. Người vun vào. Kẻ xới ra. Ông Ba Khán băn khoăn: “Làng mình ở vùng sâu vùng xa, hàng làm ra biết bán cho ai? Hơn bảy chục hộ dân ở đây ăn riết vài ba ngày sẽ ngán! Đem đi nơi khác bán dạo không xong…”. Ông Tám Hàn lại nghĩ khác: “Bây giờ nhiều người không theo đạo Phật nhưng họ vẫn thích ăn chay. Thịt cá đã ngán. Vả lại, đài báo hằng ngày cứ nói về thực phẩm bẩn khiến người ta sợ. Cá ướp phân urê. Thịt tồn dư chất cấm. Rau củ quả nhiễm thuốc sâu trầm trọng. Chú mày làm phù chúc sạch, có chất lượng tốt, đầu ra không lo. Bởi ở đời hữu xạ tự nhiên hương…”. Hà thật thà bảo: “Ông Tám nói đúng! Trước khi bỏ phố về quê mở cơ sở chế biến phù chúc, cháu cũng đã lặng lẽ khảo sát thị trường rất kỹ. Vùng phụ cận chẳng có mấy người làm nghề này. Các quán chay ở thành phố Tam Kỳ, qua thăm dò, họ sẵn sàng bao tiêu sản phẩm với điều kiện phải sạch và ngon”.
    Công việc bộn bề. Có vợ chồng chị gái nhà ở kế bên phụ giúp, nửa tháng sau nhà xưởng đã làm xong. Chọn ngày lành, Hà sản xuất mở hàng với số lượng ít. Sản phẩm không đạt chất lượng như mong muốn. Màu sắc vàng sậm. Độ dày mỏng không đồng đều. Hương vị cũng không thơm mùi đặc trưng. Hà đem sách hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phù chúc ra đọc lại thật kỹ để tìm nguyên nhân. Thử nghiệm đến lần thứ ba vẫn vậy. Ông Tám Hàn đến chơi, nói: “Có khi tại nguồn nước. Giếng đồng nước không trong và ngọt bằng nước giếng vuông của người Hời ở chân đồi phía sau. Tết cổ truyền, dân làng mình gói bánh tét, làm bánh tổ… đều lấy nước giếng vuông. Chú mày thử xem”. Hà làm theo. Kết quả đúng như mong đợi. Sản phẩm làm ra có màu vàng nhạt, có hương vị riêng của đậu nành nguyên chất. Anh mừng vui không nói nên lời. Giai đoạn thử nghiệm đầy khó khăn đã kết thúc. Hóa ra, sản xuất phù chúc không đơn giản là hớt váng bột đậu nành nấu trên bếp lò trải đều ra khay inox sấy khô…
    Hà chở sản phẩm đem bỏ mối ở một số quán chay.
    Ngày lại ngày anh thắc thỏm đợi chờ ý kiến phản hồi của người tiêu dùng.
    Cuối cùng rồi điện thoại di động của anh cũng đổ chuông liên hồi. Các đầu mối cho hay, thực phẩm chay khô do anh sản xuất có chất lượng rất tốt. Màu sắc tự nhiên. Hương vị đậm đà. Và phù chúc hơi dai không bở, điều đó chứng tỏ nó không pha trộn thêm các nguyên liệu khác. Các đầu mối còn bảo, phù chúc do anh làm ra, nấu nhưn phở, nấu ca ri, gói nem rán, trộn gỏi… thực khách đều tấm tắc khen ngon. Và họ đặt hàng anh cung cấp thường xuyên. Mải lo kiện toàn lại cơ sở sản xuất phù chúc, Hà cứ lần lữa chưa báo tin vui với Ngọc. Hơn nữa, anh muốn dành cho Ngọc sự bất ngờ. Một hôm, Ngọc gọi điện thoại hỏi thăm tình hình, Hà giả vờ chùng giọng bảo: “Thất bại cay đắng! Phá sản toàn tập…”. Ngọc cười: “Xạo vừa thôi! Mọi người nói cho em biết hết rồi”. Hà cũng cười: “Em bỏ phố về quê được rồi đó! Tình huống mà em dự lường chắc chắn không xảy ra. Về quê, chúng mình cưới nhau…”. Ngọc đồng ý hồi hương. Và chẳng bao lâu sau, hai người tổ chức đám cưới…
    Với số tiền có được do bà con họ hàng và bạn bè mừng “ngày vui”, đôi vợ chồng trẻ dồn cho việc mở rộng nhà xưởng, thuê nhân công lao động. Cơ sở sản xuất phù chúc Ngọc Hà chính thức được thành lập. Ngoài làm thực phẩm chay khô theo đơn đặt hàng của các đầu mối ở Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… đôi vợ chồng trẻ còn tận dụng bã đậu nành chăn nuôi heo rừng, gà ta thả vườn… Họ ngày càng ăn nên làm ra. Ông Ba Khán sau nhiều lần đắn đo, dò hỏi: “Thằng Đối nhà tôi cũng muốn làm phù chúc, ngặt nỗi, nó không có mối tiêu thụ sản phẩm, chú mày có giúp được không?”. Hà cười: “Chuyện đó có khó chi! Cháu sẵn sàng…”. Ông Ba Khán ngạc nhiên. Ở quê, xưa nay người ta luôn giấu ngón nghề, đâu có chịu chia sẻ kinh nghiệm làm ăn vì sợ hàng hóa làm ra “khủng hoảng thừa”. Ông giãi bày suy nghĩ của mình. Hà lại cười: “Thời buổi bây giờ khác rồi, chú ơi! Hàng hóa làm ra càng nhiều, càng bán chạy, miễn là sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt. Vì vậy, trong làm ăn phải lấy chữ tín làm trọng, nếu không dễ sập tiệm như chơi…”.
    Hà e ngại nên giao kèo. Thằng Đối nhà ông Ba Khán và nhiều người khác có vốn liếng muốn mở cơ sở sản xuất đều nhất trí. Hà tận tình giúp đỡ họ làm ăn. Chẳng bao lâu, cái làng bên kia đèo Giàng Xay đã hình thành tổ hợp tác chế biến phù chúc với cả chục cơ sở sản xuất. Nghề làm thực phẩm chay khô phát triển đã tạo điều kiện cho bà con trong làng mở rộng diện tích trồng đậu nành, chăn nuôi bò nhốt chuồng, heo, gà… Cuộc sống mọi người khấm khá hẳn lên. Nhà cửa xây dựng kiên cố khang trang dần thay thế những mái rạ xập xệ, những túp lều tranh xám mốc. Diện mạo làng quê vì thế cũng khởi sắc hơn. Trai gái lớn lên bám trụ ở quê để làm giàu từ mảnh đất quê. Sự đổi thay ấy chỉ mới bắt đầu từ mấy năm nay, khi Hà và Ngọc bỏ phố về quê lập nghiệp. Người làng biết ơn đôi vợ chồng trẻ dám nghĩ dám làm. Bằng ý chí và nghị lực của mình, cả hai đã năng động trong việc làm ăn và trở nên giàu có. Nhờ đôi vợ chồng trẻ mở ra hướng đi mới, cuộc sống mọi người sung túc ấm no…
    Điều đó, ai cũng rõ. Dẫu vậy, mỗi lần đi ăn giỗ có tý hơi men, ông Bảy Hàn lại bảo với mọi người: “Từ khi vợ chồng thằng Hà con Ngọc bỏ phố về quê làm nghề phù chúc, làng mình không còn là chốn khỉ ho cò gáy, bởi hằng ngày có xe ô tô tải vào ra “ăn hàng”. Và quan trọng hơn, thanh niên không bỏ xứ đi tứ tán khắp nơi. Trước đây, bọn trẻ ly hương sạch. Làng còn toàn ông già bà cả và trẻ con. Mỗi khi có ai đó qua đời, tìm đỏ mắt vẫn không ra người khiêng chôn…”. Chuyện thời sự của làng được ông Bảy Hàn khơi gợi luôn là đề tài khiến mọi người bàn tán không biết chán. Rồi họ gật gù khen: “Đúng là hậu sinh khả úy!”.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Tam Kỳ
» Người Bỏ Phố Về Quê
» Đêm Ở Rừng Ma
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam