Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Biển Vọng Tác Giả: Lê Quang Trạng    
    Mẹ phát hiện gần đây tim mình nhiều khi đau thắt, không giống kiểu đau như lúc nhận tin cha Hải chìm trong một ngày biển không bão động, chỉ có những con tàu dong buồm theo gió mùa Đông Bắc vượt qua biên. Từ đó cha mãi mãi ở lại một đoạn biển buồn, buồn đến nỗi không ai dám ngoái nhìn khi nhắc lại. Từ đó cha và khoảng biển chỉ còn là cọng khói vọng xa xa, thường mất hút khi mặt trời ngập ngụa đỏ chói, lênh loang nơi đường chân trời hải phận. Những lúc vậy, cha hay len lén về thăm trong giấc mơ nhập nhòa của mẹ, trong những tiếng rên xa xôi tận đáy lòng, vẫn quặn nồng mặn chát mùi máu biển.
    Ban ngày nắng gắt gỏng khắp bờ cát trắng, mẹ không dám nghĩ nhiều. Lâu lâu chỉ dám vén nỗi nhớ ra, để chực giật mình khi thấy nỗi đau năm nào sao lại có bóng dáng tiếng rên của đứa cháu nội đích tôn mới vừa bập bẹ. Trùng hợp ngay khi đứa trẻ rên ngẫu hứng trong cơn mơ, mẹ cũng thấy đau tim, như ai đó bóp nghẹn hơi thở của mình. Gần như đang đứng bên một ô cửa, một chân của mẹ đã bước qua phía bên kia, lạnh ngắt.
    Cảm giác đó cũng giống với lúc vợ Hải bó tay và mẹ bó lòng. Cầm tờ giấy kết luận trắng toát trên tay mà nghe sóng biển như đổ sập lên mái nhà chất chứa ngập đầy gió chướng. Mớ giấy tờ truy tìm căn bệnh cho con ngày một dày hơn và những cuộc ở nhà của Hải dần ngắn lại. Biển không thôi ngừng sóng, tiếng rên của thằng con không ngừng thôi thúc cha. Mặc cho những chuyến ra khơi có dày thêm cách mấy thì mọi thứ vẫn vô vọng. Tất cả nơi vợ chồng Hải tìm đưa con đến, đều nêu cùng một câu, “không tìm ra căn nguyên bệnh lý”. Đôi mắt thuồng luồng đỏ quạch chưa kịp khô, thì chiếc ghe lại phải ì ạch thở hắt ra những luồng khói đen kịt màu uất chứa. Ra khơi! Mặc cho cơn sấm gầm gừ cảnh báo đang vào mùa biển động.
    Thằng bé có nước da trắng như bông, ngồi trong ngôi nhà ngó mặt ra biển. Trước mắt là những cây cột hàng ba nhà, xơ xác trơ xương, lỏng lẻo như không có quá nhiều sự níu kéo sau nhiều năm gió táp. Biển như khoảng sân vô tận, lúc xanh tươi nhưng cũng có lúc xanh xao. Mớ đồ chơi Hải mang về sau mỗi chuyến ra khơi không gì khác hơn vỏ sò vỏ ốc. Thằng nhỏ trải mớ bảo bối mới ra chiếu, chúng vẫn còn ngai ngái mùi muối mặn, hơi tay nó có nặng cách mấy vẫn không sao lấp nỗi ám ảnh đại dương, mênh mông, bất tận và có nét gì đó của sự lo sợ... Hải chăm chú nhìn theo từng cử động của con, như chờ đợi một điều gì đó đang thập thò trong cuốn họng đứa nhỏ, sẽ phóng ra như con rắn biển khổng lồ và nham nhúa, nó đang lườm lườm Hải. Có điều gì đó sờ sợ khi đứa trẻ nhìn cha, Hải ngó sang chỗ khác để con không thấy mình đang bị theo dõi. Thằng nhỏ không hờn trách, tiếp tục chơi với món biển không hề chán. Hải thở phào một luồng hơi muối, như vừa bước hụt ở cổng trời.
    Mải mê với mớ ốc biển mới, đứa nhỏ quên cả bước chân từ từ rời đi của cha. Bà nội nó nhẹ nhàng thế vào chỗ ngồi, sao cho đứa cháu có ngó ra biển vẫn không nhìn thấy Hải đang nhổ dây tàu. Sự thay thế ăn khớp làm bà nội an nhẹ trong lòng. Nhưng thằng nhỏ có linh cảm lạ, nó dừng tay, nhìn ra biển như tìm thêm một món gì đó cho bộ đồ chơi sắp ráp xong. Thấy bà nội ngồi chình ình ngay cửa, nó nghiêng qua trái rồi nghiêng qua phải. Không sao ngó thấy ra cửa được. Nó khóc ré lên. Mẹ Hải nghĩ, “thà nó khóc vầy còn hơn là nó…”. Nhưng thằng nhỏ chựng lại, rồi cất lên tiếng rên dài, như chó tru giữa đêm khuya, xong đợt nó lại nghẹn, từng tiếng lục cục như chim cu mắc nghẹn. Mặt đứa bé dần chuyển sang xanh, vợ Hải phải xốc con lên vai chạy mấy vòng thì mới kịp nắm lại màu da hồng hào như máu còn chảy được, sém chút là màu ấy sẽ bay đi mất, vĩnh viễn.
    Mùa biển động kéo theo những lợi lộc trong chuyến ra khơi của Hải. Đứa con trai buộc lòng phải nương vào mớ thuốc Nam thuốc Bắc. Nghe danh thầy nổi lên ở đâu, là vợ chồng Hải bồng con tìm đến, mấy đợt đi rong cả tháng trời. Hết tiền thì nương nhờ chùa chiền, “không chết vì đói, chỉ sợ chết vì rầu” - Hải vừa và mớ cơm chay vừa nói như uất nghẹn. Cạn niềm tin sau sáu tháng đi rong, vợ chồng cõng đứa con trở về nhà, Hải nói sẽ ra biển để nạp thêm niềm tin cho đứa nhỏ.
    Tàu của Hải khuất ở biển lâu rồi, đứa con sau cơn xanh tím tái vẫn không thôi rên những hơi dài thườn thượt. Vợ ngồi sau nhà tìm quanh coi có ai nghe thấy không, sợ rồi họ quở thì tổn thọ. Đó là mớ vô thức phản bội con người nhất đời, chẳng phải xóm này đã lục đục dọn đi hết rồi sao, khi mỗi lần thằng nhỏ rên, thì xóm sẽ có người trôi lềnh bềnh trên biển. Cứ như rằng, rên ngắn thì thấy xác đem về, rên dài thì chỉ còn cầm được cái mùi người níu lại. Y như rằng!
    Người xóm ban đầu thông cảm, sau bắt đầu than vãn, dần dần thì quở phạt và chịu hết nổi thì lục đục dời đi. Không ai dám bước lại nhà nói một lời chia tay với mẹ con bà cháu nhà Hải. Lâu lâu không thấy bà bạn đi chợ, thì biết bà ấy đã dời đi cách đó không xa, chỉ cần không còn nghe tiếng rên của đứa nhỏ. Bắt gặp ngoài đường hỏi cớ sao, người bạn xóm nhìn dáo dác rồi nói nhỏ vào tai mẹ một điều gì đó khá phũ phàng nhưng có lý.
    Thằng nhỏ lên bốn tuổi, tiếng rên có phần thê thiết hơn, đậm đặc hơn mùi khàn của biển. Bữa giận quá, Hải lôi thằng nhỏ quăng ra mé biển, hét lớn: “mầy làm ơn rên cho biển chết đi”. Thằng nhỏ nhìn cha, mặt mếu, không nói, cũng không rên. Hải hăm he mấy lần, nó mới cất tiếng rên dịu vợi. Người ta nói, sau tiếng rên ấy vài tháng, có một ngày rất lạ, biển không động, mưa cũng yên, cá chết dạt vào bờ như rạ.
    Hải bắt đầu thấy sợ, ngay cả đứa con mình sinh ra. Đến nỗi ngồi kề bên cũng sợ, tiếng rên của nó phát ra bất cứ lúc nào, có thể hóa thành một thòng lọng xiết lấy cổ mình cho đến nghẹt. Vợ Hải thì không nghĩ vậy, đứa nhỏ do mình sinh ra, dẫu nó có là thần thánh hay quỷ ma thì nó cũng từng nằm ngoan tròn chín tháng trong bụng mình. Vợ không sợ, chỉ thấy hoang mang, không biết những tai vạ gì sẽ ập xuống với mình, khi tiếng rên của đứa nhỏ vẫn không hồi dứt.
    Những chuyến buôn hàng trong chiếc ghe đánh cá có phân ra ngăn “bí mật” vẫn không làm biển bớt dài hơn. Hải ngồi ngó về phía nhà, khói thuốc vừa phà ra đã bị gió ngoạm mất, “không biết chừng nào mới đủ tiền đưa thằng nhỏ đi tìm thầy trị bệnh”. Cứ sáu tháng lênh đênh trên biển xong, Hải trút hết mớ tiền lo cho sáu tháng đi rong tìm thầy chữa bệnh “oan gia trái chủ” của con. Bà thầy lơ lớ giọng Quảng Đông ở Bắc Tế Miếu nói vậy, Hải nửa tin nửa ngờ, nhưng biết còn chỗ nào gửi nỗi lòng này nữa? Cõng thằng con ra khỏi cổng miếu, nó trờn trợn như mắc nghẹn, Hải nói với vợ “thôi, đi, tìm thầy khác”. Câu nói rất quen, mỗi khi thầy nào đó bó tay, nhưng lần này thì lại khác, Hải bó tay trước mớ tiền trị bệnh cho con, nên “thôi…”. Câu nói trượt dài nghe rười rượi hơi muối mặn của biển, của mồ hôi và của cả nước mắt. Chuyến tìm thầy khác lại kéo dài, thuốc núi này đến hang nọ mấy năm rồi vẫn không ăn thua.
    Có người bạn biển dúi vào tai Hải rằng, “vùng núi cách biên thổ hai trăm cây số, có ông thầy tóc thắt hình con rết, chuyên trị bệnh cho trẻ con bằng cách mài khúc xương người đã thủy táng bốn mươi năm, bài thuốc rất linh nghiệm. Trị không hết bệnh, ổng trả lại tiền gấp mười lần. Hay là đem đứa nhỏ sang đó trị thử xem sao, trời đâu đày ai đến đường cùng bao giờ, phước chủ may thầy”. Hải liệu định rồi, chuyến đi ấy sẽ ngắn thôi, nhưng mớ tiền sắp ra trước mắt thì phải rất dài. Không biết những chuyến buôn “hàng” và bán sự liều của mình có kịp đưa đứa con xuất ngoại hay không?
    Và bây giờ, mẹ Hải, cũng là người còn lại mãnh liệt nhất trong gia đình tuyên bố “không bị động” trước tiếng rên của đứa cháu, nay lại thấy mình rung rinh. Mẹ khóc không thành tiếng, nhưng mường tượng rằng nếu chụp hình mẹ lúc này, sẽ ghi lại rõ rành cái nhói ran đang ăn dần trên khuôn mặt một cách không khiên cưỡng. Mẹ ôm đứa nhỏ ru ngủ, nó lại rên. Tim mẹ lại lênh khênh trước từng hơi thở, như đang đi những bước nặng nhọc trên một sợi dây mỏng te, mỏng y hệt lưỡi lam, và mỗi bước chân có thể bị cắt như người ta xẻ ván gỗ, bất cứ lúc nào. Mẹ thở hơi dồn, đứa nhỏ ngó bà nội rồi hoang mang tột độ. Nó nhảy xuống võng chạy đi tìm mẹ, nói rằng bà nội sao thở kỳ lạ quá. Vợ Hải đến nơi thì mẹ trợn tròng không nói nên lời. Mẹ được đưa đi cấp cứu. Tin báo cho Hải cũng bay đi ngay lúc chiếc xe cấp cứu đổ hồi còi đầu tiên rời nhà.
    Hải ở biển khơi xa đang lấy mớ “hàng” vào khoang, đập tay lên đùi chửi đổng mà không biết chửi mình hay chửi biển: “bà mẹ nó, đồ chó”. Tàu bỏ ngang phi vụ, xé biển chạy về hướng nhà. Khi đến nơi thì mẹ đã qua cơn nguy kịch. Hải nhìn thằng nhỏ một cách tha thiết, không biết phải nói với con ra sao. Đứa trẻ không hiểu sao tiếng mình lại có những oan khiên đến như vậy. Đáng lý trong lúc buồn tủi đó sẽ rên lên một tiếng, nhưng nó sợ bà nội sẽ đứt hơi, bệnh viện này sẽ có người tắt thở. Nó ngậm miệng, như ngậm lại lời tiên đoán cho đến lúc ra biển thì mới dám xả cho hả hê lòng dạ.
    Thằng nhỏ không còn rên nữa, trước mặt mọi người trong một tháng qua. Mẹ đã qua cơn nguy kịch, vợ mừng rơn, sắc mặt Hải có phần tốt lại. Một bữa tiễn cha ra biển, đứa nhỏ ngậm đầy lời, nhưng không nói ra. Hải ậm ừ nghi ngờ, sao lần này đứa nhỏ lại lặng im đến lạ. Vừa mừng lại vừa lo, chuyến đi mới này, lần đầu tiên Hải “liều” bán đứt luôn chữ “liều” cho một người xa lạ. Họ nói chỉ cần dong tàu đến đảo, sẽ có người đón Hải tận tình. Vết ở bụng sẽ nhỏ thôi, nhanh hơn người ta mổ bắt con nữa mà. Hải vẫn sẽ sống tỉnh bơ với mớ tiền không biết đào đâu ra được. Đó là một khoảng đủ cho đứa con sang phía bờ màu khói xa xa kia, trị bệnh.
    Hải không nói điều đó với ai, ngoài biển. Bữa nay bờ vắng lạ thường, biển lặng như một nốt trầm trong bản nhạc nhiều tiết tấu, những hải lý xa xa tự dưng gần đến lạ. Tưởng tượng mớ tiền trong tay, đứa con không còn gây nên bao cơn chập chờn trong giấc ngủ, Hải nhẹ lòng như mớ rong nổi trên mặt biển. Phía đó là đảo, chỉ cần dịch mũi tàu chạy hai mươi mốt giờ là đến. Cuộc hẹn đã được lên lịch rồi, chiếc kim đồng hồ rơi những bước chân như tiếng guốc cao và đế nhọn. Hải vò đầu đứa con. Nó lặng im nhìn cha rồi cười tươi rói. Không một tiếng rên nào. Biển mù xa bỗng dưng vắng ngắt.
    Tàu đi một đoạn xa, gọi về nhà. Hải cố phân tách tiếng nói ngọng lếu của con với tiếng xôn xao của sóng, cố tìm cho được một chút tín hiệu gì đó vừa hồi hộp, vừa lo âu. Nhưng suốt cuộc gọi ấy đứa nhỏ vẫn tươi vui. Không hỏi nhưng mẹ cũng nói, “thằng nhỏ không rên chút nào!”. Lòng dậy lên những dấu hỏi giăng như chùm móc câu bén ngót. Nghi lắm?
    Có thể lần đầu, duy nhất, Hải quyết định bán mình cho biển vắng. Chiếc tàu chạy băng băng về phía người lạ. Vẫn còn ở biển nhà mà sao những con sóng chồm lên lạ quá, làm Hải thấy mình như đứng giữa một lằn ranh mờ mờ ảo ảo. Hình như biển đã bị phân ranh, một bên là nỗi sợ người - một bên là nỗi sợ mình. Hình như từ lâu, trong người đều luôn có một tiếng vọng nào đó của biển. Thầm, ngấm và lúc sôi lên lúc lặng mất...
    - Tiếng rên đó có phải của con mình không?
    Không biết Hải đang hỏi chính mình hay hỏi biển.

Kết Thúc (END)
Lê Quang Trạng
» Biển Vọng
» Giải Thoát
» Giải Thoát Hưu
» Tiếng Hót Sổ Lồng
» Người Ở Lại ...
» Con Trâu Cò
» Tiếng Vọng
» Khói Biên Phương
» Chú Gà Mộng Du
» Nhành Mai Ký Ức
» Hoa Trên Đảo
» Chú Gà Trống Mộng Du
» Bầy Chó Đi Du Học
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ