Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Những Ngày Nghỉ Khác Tác Giả: Thanh Thảo    
    Đương khi tôi còn đang nghĩ vẩn vơ không biết hôm nay sẽ chơi trò gì thì dì Châu gửi sang cho một hộp quà. Một hộp quà đến nhà trong buổi sáng trời đẹp thật thú vị biết bao. Vừa nghe tiếng chuông kính koong vang lên, chị em tôi đã sốt ruột muốn chạy ra. Mẹ tôi, cũng như bao lần dè dặt bảo: “để đó mẹ ra mở cổng xem ai, các con cứ ở yên trong nhà”. Chưa bao giờ thần kinh của tôi bị kích động bởi những tiếng chuông kêu cửa như thế. Tôi sợ sự xuất hiện của một người xa lạ nào đó, rất có thể họ không an toàn.
    Dịch bệnh đã làm tăng tính hồi hộp khi khui mở một món quà. Dì Châu vốn người cẩn thận, lại ưa thích cái đẹp nên lần nào cũng vậy, tặng quà gì cho chúng tôi đều gói giấy bằng báo màu sặc sỡ, món quà sẽ luôn luôn được tận hưởng như một phép thuật ẩn sau các lớp giấy gói. Tôi thích những tờ báo cũ được phù phép thành những lớp vỏ bọc thân tình, bên trong thường đính kèm một phong thư rất nhỏ. Có lẽ vì viết chữ đẹp nên dì Châu tận dụng những dịp hiếm hoi như tặng quà để giữ gìn nét chữ của mình. Còn tôi, tôi thích các bức thư của dì Châu nhất đời vì nó còn mang đến cho hai chị em chúng tôi thêm một trò chơi bí mật.
    Em gái tôi Phin Phin năm tuổi, chỉ biết các con số và một vài chữ lẻ nên tất nhiên không thể đọc các mẩu thư ấy. Thế là tôi tha hồ bịa đặt. Thay vì dì Châu viết: “dì chúc các con có những giấc mơ đẹp khi đọc xong quyển sách này”, tôi soạn lại cho Phin Phin: “chỉ có những em bé ngoan mới được đọc quyển sách này”. Căn cứ vào tiêu chí đó, tôi thích đọc cho nó nghe lúc nào thì đọc, những lúc không muốn chơi chung, tôi nằm khoèo đọc thầm chán chê trong cái nhìn thèm thuồng đầy tưởng tượng của cô em gái. Món đồ nào thích quá, tôi thường biên rất có lợi cho mình: “dì cho chị Hai chơi trước rồi mới tới lượt Phin Phin”. Nếu cô em gái không khóc ầm lên thì những bức thư bí mật của dì Châu sẽ biến thành chút quyền uy âm thầm của một đứa trẻ biết chữ lớp bốn. Trò ấy, ít khi mẹ tôi can dự vào vì biết rằng, tôi không nhịn nổi quá ba ngày, sang ngày thứ tư, chúng tôi đã cảm thấy ước ao một cái gì mới.
    *
    Phin Phin gần như không kiềm chế được cảm giác sung sướng nhảy cẫng lên khi nghe mẹ nói “dì Châu gửi đồ cho các con”. Nó chạy ào ra sân rồi chợt sững lại, “mẹ, có cần phải xịt khử trùng không mẹ”. Nhìn thấy vẻ chưng hửng của nó sao tôi thương thế không biết. Dịch bệnh, cụm từ đáng sợ ngày nào cũng nghe người lớn nhắc tới đã thực sự can dự vào đời sống của chúng tôi. Và như một phản xạ có điều kiện, em gái tôi mở mắt dòm lom lom chứ không dám lại gần. Cả tháng nay, mỗi khi nhận hàng online của mấy chú giao hàng đưa tới, mẹ đều không cho chị em tôi sờ vào ngay tắp lự như mọi bận. Mẹ tôi đưa tiền, rửa tay, sát khuẩn phơi phóng rồi mới mang hàng hóa vào nhà. Những thói quen cơ bản cũng đảo lộn một cách kỳ lạ. Tôi không ưa nhất mỗi bận mẹ đi chợ về, lệ thường nếu là ngày nghỉ cuối tuần, trên xe hàng lỉnh kỉnh của mẹ sẽ là một người phụ nữ mướt mồ hồi đang chờ chúng tôi chạy ào ra ôm chầm xoắn xít. Nhưng bây giờ, có một quy ước vô hình đã ngăn cách những vòng tay vô tư lự. Mẹ tôi muốn bảo vệ các con mình một cách tốt nhất có thể, và chỉ ôm chúng tôi sau khi đã cảm thấy giũ hết bụi bặm và tắm táp sạch sẽ. Còn tôi, tôi không thể nào hình dung được, có cái gì đang ở bên ngoài ngôi nhà của mình, một-cái-gì-đó thật đáng sợ.
    *
    Lần này dì Châu không biên thư. Bên trong hộp quà vẫn sặc sỡ là một bộ cờ ô ăn quan tuyệt đẹp. Năm ngoái về ngoại, mẹ tôi đã bày tôi chơi trò này bằng cách dẫn chúng tôi ra lượm những viên đá nhỏ ngoài vườn. Mẹ dùng một cục than bếp vẽ những ô làng ngay trong sân gạch, và ngoại tôi đã tặng hai viên đá to hơn, láng lậy hơn để làm quan làng. Tôi trở về thành phố còn tiếc nuối mang theo hai ông quan to cùng mấy mươi viên đá nhỏ nhưng rồi ngày tháng cũng trở nên quên lãng vì những trò vui khác. Giờ đây, khi nhìn bộ cờ bằng nhựa đen trắng láng kít, sạch tinh, tôi bỗng nhớ khoảng sân nhà ngoại đến nao lòng. Bàn cờ cũng bằng nhựa, tiếng quân cờ va vào nhau hoặc rơi xuống đất tạo ra một thứ âm thanh là lạ, vui tai.
    Nhưng âm thanh ấy chỉ làm tôi cảm thấy bớt buồn trong thoáng chốc. Phin Phin lần đầu tiên biết chơi ô ăn quan nên thắng được một ván thì cười như mở hội, lúc thua phụng phịu rơi nước mắt như thể sắp chịu đòn. Một đứa em gái như Phin rất dễ làm tôi chán. Nhưng không có em, chắc tôi còn buồn hơn rất nhiều. Mẹ tôi lúc nào cũng ở trong bếp. Từ ngày dịch bệnh xảy ra ở đâu đó, chúng tôi được nghỉ học, còn mẹ phải xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc những đứa con. Mẹ ở nhà nhưng mẹ thường ưu tư. Còn tôi, tuần đầu nghỉ vui, tuần thứ hai nghỉ vẫn vui, tuần thứ ba nghỉ đã thấy ít vui, tuần thứ tư đã muốn đến trường để khoe đôi giày mới hôm tết còn nằm im lìm trong tủ. Tôi chán nhất là khung cảnh vắng lặng của khu phố, những đứa trẻ nhà khác cũng không buồn xuất hiện.
    Giờ đây, tôi càng không thích xem tivi cùng ba mẹ sau bữa ăn tối, có cái gì đè nặng âu lo trong những lời qua lại của người lớn. Ba tôi, vừa khai trương công ty du lịch trong dịp tết, giờ đây ngày nào cũng đi đi về về trong những tiếng thở dài. Tôi ao ước những ngày đi học bình thường, buổi chiều ba tôi thường đón tôi xong hai cha con vội chạy tới trường mẫu giáo của em Phin Phin. Trên xe ba, những câu chuyện vui dài trên đường về. Giờ đây, ngày nào cũng là ngày Chủ nhật, nhưng những Chủ nhật nhàn nhạt chẳng bình thường.
    *
    Cuối cùng, mẹ cũng đã bớt tư lự và quyết định cho chúng tôi thức dậy bằng những sáng thứ Hai. Mẹ mua thêm cho tôi một chiếc xe đạp và tập cho em Phin đi chiếc xe hai bánh nhỏ của mình. Em tôi ưng lắm, hai lần té ngã xước đầu gối vẫn không làm em nản chí. Phin Phin thật kỳ lạ, không giống tôi một chút nào, cái gì thích em đều cố gắng cho bằng được. Không quá ba hôm em đã biết đi xe. Sáng sớm, tôi đạp xe trước, chiếc xe mới tinh màu hồng khiến lồng ngực tôi như căng lên vì sung sướng. Em tôi, lúc túc đạp chiếc xe cũ theo sau, hứng khởi hệt như tôi ngày mới vào lớp Một. Mẹ tôi đi sau chót, cả ba mẹ con như thể chơi trò rồng rắn chạy quanh công viên cạnh bờ sông đến lúc mặt trời mọc lên hẳn mới quay về.
    Ngồi vào bàn ăn sáng, tôi nhìn mẹ đã tươi vui hơn mọi hôm mới rụt rè hỏi, “mẹ ơi tụi con sắp được đi học lại rồi à mẹ?”. Em Phin nũng nịu, “con không muốn đi học, con muốn ở nhà với mẹ thôi”. Mẹ tôi cười, “mẹ chưa biết khi nào các con sẽ đi học lại nhưng mẹ sẽ không lãng phí những ngày nghỉ bất đắc dĩ của các con nữa. Chúng ta phải tập thích nghi ngay cả với những điều tồi tệ nhất, con biết không. Phin Phin, con chạy lên xem ba đã chuẩn bị xong chưa”.
    Tôi thực sự không biết chúng tôi sẽ tiếp theo một ngày mới như thế nào nhưng nhìn trong mắt mẹ, tôi thấy một cảm giác ấm áp và tin tưởng lạ kỳ. Tôi thích cái dáng vẻ lui tới dịu dàng của mẹ, tôi thích giọng nói mềm mại rắn rỏi như thường ngày của mẹ. Nhất định, xong bữa sáng, tôi sẽ rủ em Phin lên phòng học biên thư kể dì Châu về chuyện này. Thư tôi biên mặt trước, mặt sau dành chỗ cho em Phin Phin vẽ một bức tranh vì thực sự em vẫn chưa biết chữ.

Kết Thúc (END)
Thanh Thảo
» Mắt Cười Mênh Mông
» Những Ngày Nghỉ Khác
» Bầu Trời Rộng Rãi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop