Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ba Tôi Tác Giả: Thùy Trang    
    
    Ba tôi cố xới nồi cơm cho xốp lên bởi nó không còn nóng. Những hạt cơm của bữa trưa để tới chiều, ba cũng không buồn hâm lại. Một mình một chén ấy mà, chả khách khứa gì nên có chi dùng nấy. Nhưng rồi bất chợt tôi ghé, thế là thêm chén thêm đũa vậy thôi.
    
    - Ba để con xới cho. Cơm cứng như vầy mà…
    - Ừ, con thông cảm… tại dì đi làm chưa về…
    Tôi nhìn quanh căn nhà, cả khu bếp đã trống lốc những nồi, chảo, thau rổ... Chiếc tủ áo, tủ chén, những tài sản đặc trưng của phụ nữ đã biến mất. Có nghĩa là không phải dì “đi làm chưa về” mà đã có cuộc “di cư” của hai người già.
    Tôi gật gù qua chuyện, gắp thêm miếng cá, còn kỹ lưỡng lừa xương xong mới cho vào chén ba. Dù sao thì ba tôi cũng ngoài bảy mươi rồi, mắt kém hơn nhiều mà ông vốn không phải là người tỉ mỉ trong chuyện bếp núc. Cứ “có gì ăn nấy, bỏ bụng no là quý lắm rồi”. Đó là quan niệm của ba tôi.
    Ba đi qua cả cuộc chiến tranh dài, ở những ngày tháng mà “cơ ngơi” một người chỉ có chiếc võng, cái ba lô hoặc hai mét vải tăng thì cuộc sống sau thống nhất đất nước với nhà riêng vài chục mét vuông, sân vườn chục mét nữa là “quá sức tưởng tượng” với ba rồi.
    Nhà ba tôi bao năm qua vẫn một bức tường rêu nhiều vết nứt cùng mái tôn đã lỗ chỗ như sao sa. Tôi đã mấy lần bàn với ba việc sửa nhà. Ba cười hệch hoạc:
    - Vậy là con không biết về nghệ thuật rồi! Tường cũ nứt nhưng xanh màu rêu, mỗi mảng rêu là một hình thù, là một mái gia đình, mình đập tường là phá nhà chúng đó! Ví lại ba thấy… dù ba ở cái nhà chưa được tinh tươm nhưng vẫn tốt hơn các đồng đội mãi mãi nằm lại ở khe suối, góc rừng đó con à.
    Lý lẽ của ba như thế, tôi làm sao dám cãi. Chỉ là lâu lâu cùng chồng mang tấm bạt thật to đến giăng lên mái nhà hứng cho đỡ dột. Mớ dây điện trong nhà ba cũng đã quá cũ kỹ do dùng hàng chục năm rồi. Vậy là thay dây điện, trám chỗ tường nứt toác cho liền lạc. Mảng nền nhà chỗ bếp cũng đã sụt lún khiến dì suýt té mấy lần. Ba bảo, chỉ là đắp ít đất vô chỗ lún thôi, chứ lót lại nền chắc phải mấy khối đất vì nền đã cũ lắm rồi.
    Cuộc sống ba tôi cứ đắp đổi như thế, dì phụ bếp ở một quán ăn gia đình, lương đắp đổi nhưng vẫn bảo chồng an tâm với nghiệp làm họa sĩ. Mà… họa sĩ ấy mà, thường thì tranh chỉ bán được khi họa sĩ về với trời đất thôi.
    Mỗi bức tranh vẽ ra, ba yêu nó như yêu đứa con của chính mình. Nên ba chẳng bán cho ai cả. Cứ chất đầy rương đầy tủ, nhà thì từng mảng tường là một mẫu họa của ba. Ba bảo, đó là “của gia bảo” ba để dành cho các con sau khi ba khuất núi, nó sẽ có giá gấp mười lần hiện tại. Tôi không chắc có như lời ba nói hay không, vì quả thật bây giờ họa sĩ, ca sĩ, thi sĩ… đều nở rộ như hoa buổi sớm.
    - Hay là bây giờ nhân dịp có người mua, ba cứ bán vài chục bức, có tiền xây nhà đẹp, cho chỗ ở tinh tươm. Ba có biết bao nhiêu là tranh, bán chục bức có sao đâu ạ?
    Ba hay lắc đầu mỗi khi tôi đề cập như vậy. Rằng chỉ là tôi không phải là họa sĩ nên mới có cách nhìn đơn thuần như thế. “Đơn giản như vầy nhé! Con là mẹ, một đứa con mà mình rứt ruột sinh ra, con có bán không? Tất nhiên là không! Ba cũng như vậy, tranh là đứa con tinh thần của họa sĩ đó”.
    Rồi dì tôi lại nói vào, nào là chỉ vài chục bức tranh thôi, ông sẽ có bạc tỷ, tha hồ nhà cao cửa rộng cho chúng ta. Tôi không phải thức khuya dậy sớm đi làm mướn, ông thì cũng có cuộc sống đầy đủ hơn. Ba tôi nhìn vợ như vừa phát hiện điều xa lạ sau hơn chục năm chung sống. Hóa ra… bà chỉ yêu tiền của chồng chứ không trân trọng tâm tư của chồng sao? Ôi dào, tiền mà ai chả yêu? Ngày xưa tôi bảo ông an tâm vẽ, tôi nuôi ông là vì tôi quá tôn trọng ông rồi, nhưng ông cũng phải đền đáp xứng đáng cho tôi chứ?
    Sự “đền đáp” mà dì tôi muốn là số tiền bạc tỷ mà người khách ướm mua tranh, nhưng ba không bán. Rồi dì bỏ đi. “Kệ bà ấy đi con, nếu bà chỉ yêu tiền thì sẽ chẳng có gì, còn nếu bà yêu ba thì bà sẽ có cả gia tài”.
    Tôi thua với lập luận của ba. Nhưng ba tôi đang rất cô đơn và thiếu hụt. Sự cô đơn của người già sẽ tăng gấp bội vì họ không thể đi cà phê hay bia bọt như đám trẻ. Sự thiếu hụt về vật chất lắm khi sẽ khiến người ta mất cả nhuệ khí khi tuổi đời không cho phép làm lại từ đầu.
    Ngày đó…
    Ba tôi cưới người vợ đầu tiên từ khi còn chung chiến khu. Sinh với nhau được một người con thì bà mất. Ba gà trống nuôi con hết mấy năm thì giặc càn quét quá, nuôi trẻ em sẽ bị phát hiện, không bảo toàn tính mạng cho đứa trẻ và cho cả đơn vị nên ba tìm một người em họ của vợ, gửi nuôi đứa bé. Chiến tranh nhiều việc không ngờ, ba ở rừng mà không lạc mất con, gửi ra thành thì trong một lần chạy giặc, người em họ nọ đã làm lạc mất đứa trẻ.
    Sau năm 1975 ba xuôi ngược tìm núm ruột của mình mãi không được, rồi đành nhận đứa con nuôi là tôi để an ủi nỗi lòng. Tôi sống với ba được chục năm rồi cũng lấy chồng và theo chồng xa nhà gần trăm cây số.
    Ba vẫn nhịp sống cô đơn của người nghệ sĩ, cơm chả buồn nấu mà cứ đặt cơm tháng ở quán ăn gia đình. Rồi quen dì, người phụ nữ lỡ thời muộn duyên vì mãi lo cho gia đình, em út đó.
    Ba thương dì tính cần cù chịu hy sinh vì người khác. Dì thương ba vì tuổi già cô đơn nên gá nghĩa cùng nhau. Ba nói thật là ba không nhiều tiền, thu nhập bấp bênh qua việc dạy học trò luyện thi môn kiến trúc, nhưng tranh của ba rất nhiều, nó sẽ là gia tài vô giá cho dì lúc về già.
    Mới đầu thì dì ừ hử, rằng bữa cơm chỉ là hai cái chén chứ bao nhiêu. Thức ăn ở quán lâu nay tôi vẫn dùng không hết, tiền tôi làm cũng coi như là cất đó, thì như là mình nương tựa vào nhau, tôi ngoài bốn mươi rồi, xuân sắc cũng chả còn, ông hơn năm mươi cũng đã bắt đầu mệt mỏi.
    Ba và dì quyết định không sinh con nữa, vì biết sức mình khó nuôi được con thành người. Mai này mình già cả, cứ trông vào “bé Hai” là được. Bé Hai là tôi.
    Cuộc sống êm đềm đâu cũng chục năm, tiếng là ba tôi không thu nhập cao nhưng tiền từ các lớp vẽ năng khiếu, vẽ ôn thi, vẽ chuyên sâu… cũng dư sức để trang trải gia đình.
    Rồi có người tìm tới mua tranh và ba cùng dì sinh ra cớ sự.
    Tôi gọi định năn nỉ dì về nhưng số đã không liên lạc được. Tìm tới chỗ dì làm thì họ nói dì nghỉ lâu rồi. Em ruột dì có vài người ở Định Quán - Đồng Nai nhưng bao năm qua ba tôi cũng ít liên lạc nên giờ chẳng biết tìm dì ở đâu nữa cả.
    Bây giờ ở tuổi cuối con dốc đời người, qua hai cuộc hôn nhân nhưng ba vẫn một mình một bóng. Tôi xót ba nhưng không làm gì hơn được. Chiếc nồi cơm điện mà ba đang nấu đây là của một học trò tặng, mùi sơn mới còn ám cả mùi gạo mà cơm thì khô xát. Ba nói chắc tại lâu ngày không nấu nên không biết lường nước cho gạo. Nhưng tôi thì thấy khác, gạo không lường vừa nước thì cơm sẽ nhão hoặc khô thôi mà. Còn lòng người không lường được thì dù đi bên nhau cả đời tâm vẫn không hướng về nhau huống chi ba và dì chỉ bên nhau có mười mấy năm.
    Ba tôi như héo hắt thêm sau ngày vắng vợ. Nhưng ông bảo không phải buồn vì chẳng có người bầu bạn, mà buồn vì tuổi trời sắp hết mà vợ chồng vẫn không hiểu được nhau.
    Tôi khẽ chào ba ra về mà lòng còn rớt lại bên nồi cơm khô cứng cùng mẻ cá đã kho đi kho lại nhiều ngày.
    

Kết Thúc (END)
Thùy Trang
» Ba Tôi
» Hoàng Hôn Dịu Dàng
» Vuờn Trưa
» Mùi Tóc Má
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má