Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Vài Câu Chuyện Rừng Tác Giả: Nguyễn Tấn Tài    
    Xung quanh xã tôi là những cánh rừng bất tận. Rừng ông Lãnh, rừng bà Góa, rừng Cồn, truông ông Chiêu, rồi núi Lạc Sơn, núi Liệt Kiểm, cồn Cao Lao. Mỗi cánh rừng gắn với một huyền thoại nhiều khi huyền hoặc. Cụ Luyện đã ngoài tám mươi, khề khà ly chè xanh bốc khói, kể với tôi những ký ức rừng.
    - Nhà báo nghe tui kể, có công thì ghi lại, về sau con cháu có cái mà nhớ quê. Tụi con cháu bây giờ Sài Gòn, Hà Nội đâu đâu cũng biết, mà lại không biết chút gì về quê cha đất tổ. Sở dĩ có rừng ông Lãnh vì ông Lãnh giàu có, mộ công khai khẩn rừng rồi nhờ tranh củi thú hiếm, ông giàu có lừng lẫy. Lý trưởng thèm thuồng dòm ngó, ý muốn chiếm đoạt. Một ngày giữa trưa, ông lý tự thắt cổ mà chết ở bìa rừng, chân tay co rúm, mặt mày như vừa qua cơn khiếp đảm. Đám con cháu nhà ông lý từ đó phiêu tán không dám về làng. Phong thanh đâu đó tiếng đồn ông lý không tự lượng sức, dám đấu với nhà cự phú, bị đám đàn em ông Lãnh trừng trị. Quan chức cỏn con thì mùi mẻ gì với đám đầu cơ.
    Còn ông Chiêu gánh một gánh bạc đồng lên xã nộp thuế ruộng, bị bọn hàng tổng giữa ban mặt ban ngày ra tay cướp giựt, ông giận dùng mấy miếng võ gia truyền quay tít đòn gánh, đánh bọn hàng tổng quay lơ, bò lết la liệt. Có ba thằng chết. Hàng huyện về truy bắt, ông bỏ trốn lên truông, trở thành cướp đường, khí phách lắm, tuyên bố thà làm cướp còn hơn bị cướp. Dân lành đi qua không hề gì, hễ chức dịch ngang đấy mà không đủ một đội quân gươm giáo thì thế nào cũng thành mồi ngon cho ông. Từ đó cái truông mang tên ông.
    Bà Góa không phải là tên riêng, mà tên là bà Tín. Bà góa chồng sớm, nhan sắc còn hơ hớ, hào lý ra vào. Về sau cánh rừng phía tây sắp sửa về tay bà. Tú Chiêu là tay tú tài, nhiều chữ, thấy rừng của dân bị quan lại đem đổi trôn, làm đơn kiện. Quan phủ về tận xã để xử. Đám hào lý bị cách chức hàng loạt. Bà Tín vừa đau trôn vừa mất rừng, uất quá thắt cổ chết trên cánh rừng ấy. Có tên rừng bà Góa vì tích ấy chứ không phải của bà.
    Tôi hỏi cụ:
    - Cụ tú nào mà gớm nhỉ? Dăm ba chữ đã dám kiện đám chức dịch hàng xã, không tự lượng sức à?
    Cụ Luyện trừng mắt:
    - Chú mới là dăm ba chữ. Ngày xưa học hành quy cách lắm, ba năm thi một lần. Đỗ cả ba trường mới là hàng tú. Kể cũng danh giá lắm rồi.
    - Đỗ cả ba trường là sao hở cụ?
    - Ừ, cái này nhiêu khê. Xưa trường Hương chia làm bốn kỳ, kỳ một thi kinh nghĩa, kỳ hai thi thơ phú, kỳ ba thi chế chiếu biểu, kỳ bốn thi văn sách. Đỗ cả ba trường đầu thì được gọi là tú tài. Là người tài hoa ưu tú đó, chứ chẳng phải cấp ba là cấp hai cộng cấp một như bây chừ đâu.
    - Thế đỗ cả bốn kỳ thì sao hả cụ?
    - Bốn kỳ là cử nhân, nghĩa là người trên mọi người, được tiến cử lên vua để tham gia việc nước chính ngạch. Thi Hương chỉ đến bậc cử nhân thôi. Còn học vị cao hơn như phó bảng, tiến sĩ thì phải vào thi Hội, tận ngoài kinh kia chú à.
    - Dạ, may mà cụ giảng giải cho, chứ không con đâu biết cái chữ cũng có ngày xưa huy hoàng đến thế.
    - Chứ không à. Dân ta xưa bị hào lý đè đầu cưỡi cổ vì không biết chữ. Chứ có cái chữ như cái roi, quất đám hào lý chạy té re. Mọi cái oan cứ nhờ con chữ, địa phương không xử thì lên phủ huyện. Phủ huyện bị bịt thì đáo tụng triều đình. Có chữ thì oan tày đình cũng gỡ nổi. Xưa quan lại sợ chữ mà ghét chữ chứ không khinh chữ, chữ không là cục phân, thằng chữ không là thằng đầy tớ đâu. Vậy mới có câu “nhất tự cách trùng”.
    - Thế làng ta xưa có cụ nào đỗ hàng cử trở lên không ạ?
    - Có chứ sao không. Cử Ý là cụ Lê Ý, cử Hoán là cụ Nguyễn Mậu Hoán, nghè Quỳ là cụ Đào Quỳ. Xa hơn chút nữa, dưới Quế Sơn có cụ Phan Quang đỗ tiến sĩ, trong kia Tiên Phước có phó bảng Phan Chu Trinh, tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Đất này cũng văn vật lắm chú à.
    Tôi ngơ ngơ ngất ngất, té ra rừng thuở nguyên sơ lắm chuyện huy hoàng. Rồi chiến tranh, bao sự xưa tích cũ bị vùi chôn.
    Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, người dân chạy loạn, hồi đó gọi là tỵ nạn, rừng đã hoang sơ lại càng hoang hóa. Chiều chiều từ khu tản cư nhìn về quê cũ chỉ thấy một màu mây mờ mịt phủ lên những cánh rừng. Rừng lại thành nơi tranh chấp. Đại đội 109 của đại úy Phương trấn giữ Lạc Sơn, đại đội biệt kích Mỹ tọa lạc Liệt Kiểm thành hai gọng kiềm phong tỏa cả cánh tây huyện Thăng Bình. Ngày quốc gia đêm cộng sản. Cộng sản thì không sợ chết, lính quốc gia tổ chức càn quét đủ cả súng ống, xe bọc thép, truyền tin thì chẳng thấy ông Việt cộng nào. Vừa quay về núi đã thấy các ổng ngời ngời đi lại.
    Sau 1975, dân quê lại về chốn cũ. “Về thôn quê ta hát khúc hoan ca”, mà đói quá chưa hát được, ruộng đồng hoang hóa, phải bám lấy rừng kiếm cái ăn. Đoàn người lũ lượt lên núi khống chế rừng. Củ khoai củ sắn củ chóc thì dùng qua bữa. Lại sáng kiến tận dụng đồ quân dụng vương sót lại làm trang bị gia đình. Thằng Sáu còm nhom cũng nhón chân lặn lội với các cha chú bươi chải rừng kiếm sống. Một bữa suýt trúng quả, trúng đến thất kinh hồn vía. Sáu với chú Mười đào bới hố rác ở Lạc Sơn. Soạt một tiếng, cái cuốc thằng Sáu chạm vào cái bọc dù to tướng. Dễ chừng là bên trong chứa toàn thịt hộp. Đồ quân dụng tiếp tế người Mỹ chế rất tinh xảo, dù có ngâm cả năm trời dưới đất cát khi bới lên vẫn y nguyên. Hai chú cháu mừng rơn, phen này cả nhà thả cửa ăn uống. Mở múi dây dù, hăm hở. Hỡi ôi, bên trong chiếc bọc lổn nhổn những xương người. Lấ..ấp...lấp! Hai chú cháu toát mồ hôi, vội vàng cào đất lấp nguyên chỗ cũ.
    - Đúng rồi Sáu, tau nhớ ra rồi, đó là cái bọc trực thăng câu từ Cao Lao qua vứt ở đây.
    Chú Mười là lính đại đội 109. Chuyện này chú nắm tường tận. Một bữa thấy chiếc trực thăng câu cái bọc dù to tướng, bay lừ lừ trên trời. Chắc là hàng quân tiếp vụ. Đại đội bung quả khói màu làm hiệu. Nhận được tín hiệu phe mình, chiếc trực thăng liền thả cái bọc ấy xuống. Đại đội lính vừa bu lại đã tản ra, kêu ré, chửi rủa. Tổ cha thằng trực thăng vận hết trò chơi, lại chơi khăm tụi mình. Trong cái bọc là thây người chết. Chắc lại chiêu trò của biệt kích Mỹ. Đại đội kéo cái đùm lổn nhổn bầy nhầy ấy vứt xuống hố rác. Bây giờ lại gặp đây. Rồi chú Mười chép miệng:
    - Đói cũng được, lội bộ qua cuộc chiến, còn giữ được cái mạng kể như may mắn lắm rồi.
    Mùa mưa sắp đến, lại lên rừng đốn củi về để dành chụm mùa đông. Rừng thuở ấy của dân, chưa phân lô cắt khoảnh, mạnh ai nấy làm. Công đi củi toàn là trẻ em chưa đến tuổi lao động, cánh người lớn còn lo đóng công điểm cho hợp tác xã nông nghiệp, mỗi hộ chưa đủ ngàn công điểm chưa được lên rừng. Được cái cánh nhỏ biết đoàn kết, toán đi ít nhất năm bảy đứa, chặt rồi bó, lo đủ năm bảy gánh mới còng lưng đem về. Cái nấu tụi nhỏ lo, cái để nấu người lớn lo, rạch ròi. Cha mẹ thương con còn nhỏ đã lao động cực nhọc, mỗi bữa cơm đều tấm tắc khen, nhỏ mà biết toan lo là nhà có phúc, tụi nhỏ hăng tiết vịt, triệt hạ không biết bao nhiêu là cây con trong rừng. Hợp tác xã phát triển quy mô, xây cả một lò gạch lớn, huy hoàng, hình bóng công nghiệp hóa ban đầu có hình hài cái lò gạch. Hiềm nổi than đá, khí đốt còn ở tận ngoài miền Bắc, miền Nam mới giải phóng, hầm mỏ bị chiến tranh phá toang hoang cả rồi. Thì tận dụng củi làm chất đốt. Công trẻ em được đem ra trưng dụng. Củi đốt cho nhà còn thừa thì nộp cho hợp tác xã lấy công. Bốn gánh củi một công. Tính ra bốn trẻ em cũng bằng một người lớn. Khói lò gạch ngất ngưởng. Trường học, cơ quan mọc lên, đỏ tươi, roi rói. Rồi chủ nhiệm hợp tác xã phát hiện ra củi tươi dùng làm chất đốt năng suất hơn củi khô. Thế là củi tươi bị triệt hạ. Rừng chẳng mấy chốc mà phẳng phiu. Thế này có mà phá rừng à? Đoàn thanh tra trên về. Chủ nhiệm bị kiểm điểm, cách chức. Cơ cấu một cán bộ ủy ban qua thay thế. Vài tháng sau thì hợp tác xã làm ăn thua lỗ cũng bể theo ông chủ. Cho đến ngày rừng nguyên sinh thành rừng keo lá tràm.
    Tin cụ Luyện mãn phần trên đất, tôi tất tả về thăm, một ký ức rừng đã vào cõi tiên. Mộ cụ được lập trong vườn nhà. Tôi băn khoăn:
    - Sao không an vị cụ trên những cánh rừng kia? Cụ là người rất yêu rừng, để chiều chiều cụ còn nghe tiếng thì thầm của rừng già.
    Người nhà trả lời:
    - Khó lắm anh, mấy cái gò cao làm nghĩa địa tự phát quy hoạch cả rồi, mồ mả rùng rùng cải tán. Sống cái nhà chết cái mồ, các cụ yêu nhất là mồ yên mả đẹp. Thôi, chôn cất vườn nhà là tốt nhất.
    Bất chợt ở đâu chú Mười thổ vai tôi:
    - Chú Sáu về bao giờ? - Tôi chưa kịp ứng lời, chú tiếp - nhà báo còn tý thì giờ rảnh rỗi không? Ghé lại chỗ xưa, nơi ấy có cái miếu mới lập, để yên vị những người vô danh trong cái bọc thuở chiến tranh ấy mà.
    - Ơ, chứ chú nói miếu mới là ai lập vậy?
    - Tụi tui chớ ai. Ngẫm chiến tranh, thương nhất những người chết vô danh, nghĩa tử là nghĩa tận mà.
    Lặn lội hai chú cháu mò lên núi xưa. Không còn gai góc với sim mua, chỉ xào xạc lá keo khô. Đứng trên đỉnh đồi cao nhìn xuống làng, những mái nhà lúp xúp yên lành, những nóc nhà lừng lững vươn cao. Chiến tranh đã cào bằng, chúng ta đang nỗ lực xây dựng lại. Để có cục diện này, chúng ta đã đi dài hơn bốn mươi năm.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Tấn Tài
» Vài Câu Chuyện Rừng
» Bắt Ốc Hái Rau
» Khai Cuộc
» Tao Ngộ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Đời Khổ
» Người Dưng Làm Má