Mùa hè năm 1933. Buổi sáng chưa tỏ mặt người. Bóng đêm còn vây phủ mờ ảo trên con đường rải đá từ Miếu Bông đến đầu cầu Ngũ Giáp. Nghe tiếng chó sủa, bà Hương trở mình thức giấc. Bà sè sẹ xỏ chân vào đôi guốc xà lan làm bằng gỗ mứt, thường mang trong nhà và bước nhẹ ra cửa. Bà sợ tiếng động sẽ đánh thức ba đứa con ngủ ở phòng trong nên đưa tay khẽ kéo ô cửa song thưa dòm ra ngoài. Ngôi nhà rường ông Hương ngày xưa đã lặn lội tận Kim Bồng thuê thợ về làm ngày mới cưới bà cách đây đã mười lăm năm vẫn như còn mùi mồ hôi, vẫn như âm vang tiếng cười tiếng nói chậm rãi của ông, một ông thầy thuốc nam kiêm võ sĩ nổi tiếng một vùng…
Bên ngoài có một bóng người đang đứng hút thuốc. Cái dáng người nhỏ con, bờ vai hơi gù ấy không lẫn với ai được. Chú Bội đây mà, sao không lên tiếng gọi, để chó sủa, bà Hương nghĩ trong bụng, rồi đưa tay kéo cái then cài. Nghe tiếng động cửa, người thanh niên vứt vội điếu thuốc hút dở, quay lại:
- Em định hút xong điếu thuốc rồi mới kêu chị!
- Chớ cậu về khi nào?
- Dạ em từ Huế đi xe về thẳng đây. Em dặn bác tài cứ đến bến đò Ngũ Giáp thì cho em xuống nên đánh một giấc no…
- Cậu về nghỉ hè hả? Sao không về thẳng trên Gò Nổi để thắp hương cho ông mà vô đây?
- Dạ em bị đuổi khỏi trường Pellerin luôn rồi vì cái tội xuống đường ngày kỷ niệm cách mạng tư sản Pháp! Sẵn xe vô thăm chị rồi chiều về cũng được!
Mùi thuốc bắc trong nhà bà Hương thoang thoảng trong sương sớm. Bội hít một hơi dài cho khí trời căng đầy lồng ngực rồi xách cái túi may bằng vải xita Bà Tân theo chủ nhà vào trong.
- Cậu mau đi rửa ráy đi, tui xuống bếp nấu ấm nước chè nghe!
Trần Văn Bội là cháu gọi cụ Bạch Sĩ Trần Công Thọ (tức chí sĩ Trần Cao Vân) bằng chú họ. Lúc cụ Hường Hiệu và Phan Bá Phiến, kẻ nộp mình cho giặc, người uống độc dược quyên sinh thì Nghĩa hội Quảng Nam tan rã, cụ Trần lánh về chùa Cổ Lâm ẩn dật. Trước khi vào Bình Định, ông ghé lại Thanh Quýt mấy tháng, ở lại nhà người bà con là cụ Trần Hàn vốn có mối thâm giao đã lâu lại đồng chí hướng. Theo lời bà Hương, hai cụ giống nhau ở chỗ cùng chung họ tộc và đều lao đao trên đường hoạn lộ và có mối đồng cảm về ý chí nên rất thân nhau. Những lúc gập ghềnh trên đường hoạt động, cụ Trần Cao Vân thường về chơi nhà bạn, như một cách để lấy lại trạng thái cân bằng! Có lúc ông ở lại Thanh Quýt đến hơn 3 tháng và cùng bạn dạy học cho lớp trẻ…
Vợ chồng ông Hương là con gái và rể cụ Trần Hàn, lại buôn bán dọc đường thiên lý nên Bội thường đi lại như người trong nhà…
2.Cũng trong mùa hè năm 1933, cái tiệm vừa bán thuốc bắc vừa bán tạp hóa của bà Hương nhộn nhịp hẳn lên. Nhớ lúc trước, khi chiếc cầu gỗ Giáp Năm chưa hoàn thành, khách trên đường thiên lý qua lại sông Thanh Quýt bằng đò, thì hiệu buôn Nam Xương của bà Hương lúc nào cũng có khách thương hồ dừng chân, những người chở cá từ biển lên hoặc chở củi và nông sản từ nguồn xuống thường dừng lại. Ghe thuyền sau khi xuống hàng ở chợ Vải thì chở vải sợi và cót tre đi Hội An để bán cho khách chú. Ông Hương là con rể của cụ Trần Hàn, thọ giáo từ cha vợ mấy vị thuốc bắc ngâm rượu trị các chứng nhức mỏi, đau lưng, tráng thận rất được ưa chuộng. Thỉnh thoảng ông còn gửi mua ở dưới phố hoặc Tourane mấy cuốn tân thư về cho bạn bè đọc. Những vị quan viên hưu trí trong làng chiều chiều cũng ghé chơi, đàm đạo thời cuộc bên vài chén rượu.
Bà Hương nay tuy là bà góa ở vậy nuôi con từ ngày chồng mất vì trọng bệnh, nhưng do tính tình vui vẻ, mềm mỏng nên ai cũng quý mến, Tiệm Nam Xương tuy không còn cái tên cũ là Nam Xương tửu quán như lúc ông Hương còn sống, nhưng vẫn là nơi nhiều người lui tới vì ai cũng biết, nhưng không nói ra, cái gốc gác của bảng hiệu này.
Khi người Tây bắt đầu xây dựng các con đập ngăn nước, gọi là bara Thanh Quýt ở làng này và bara An Trạch ngoài Hòa Vang, thì không khí ở Nam Xương có phần thay đổi. Khách hàng đến Nam Xương đông lên và có thêm nhiều thành phần của tứ xứ đến mua bán. Dần rồi biết thêm nhiều vị khách mới, bà Hương có thể kể vanh vách tên tuổi. Nào là ông thầu khoán Thông Kỳ lo việc đo đạc và cùng các kỹ sư người Tây vẽ thiết kế, tính toán kết cấu. Thông Kỳ người Hà Lam, có dinh thự to đùng, vườn tược nuôi đầy chim công, hươu nai đủ thứ. Ngồi rảnh rỗi, ông còn kể nếu xây xong cái cầu Giáp Năm và cái đập Thanh Quýt, ổng sẽ sắm mấy chiếc xe đò chở khách Đà Nẵng - Tam Kỳ cho nhàn nhã, chớ làm nghề thầu khoán cực quá. Người thuê thợ xây đập là thầu khoán Nghè Phụng, người Đà Nẵng gốc Kim Bồng, nghe nói cũng giàu lắm. Ông này tướng tá cao ráo, có hàng ria mép và nói tiếng Tây như gió, lại có anh em chi đó đi lính Tây, nên ông ta chẳng ngại va chạm với bất cứ tên mũi lõ nào. Còn ông Cai Mùi người Phú Chiêm thì coi ngó, thuê và đôn đốc thợ thầy mỗi ngày. Ngoài các kỹ sư người Tây và người Việt, đa số nhân công là người khỏe mạnh ở hai làng Thanh Quýt và Ngũ Giáp, kể cả phụ nữ, làm những công việc đơn giản như phụ hồ, khuân vác, đào đắp và nấu bếp. Cai Mùi nói cái bara này muốn xong ít ra phải mất 3 năm nếu mưa gió thuận hòa...
3. Trần Cao Bội ngồi trên tấm phản gỗ lim trong nhà, đối diện với bà Hương. Trời bên ngoài vẫn chưa sáng tỏ. Giờ đó hãy chưa có khách, lính gác bên đồn Ngũ Giáp vừa thổi hồi kèn báo thức, nên chị em họ bình thản uống trà và nói chuyện. Bội kể anh bị đuổi học cùng với một người bạn tên Đỗ Vinh, ngoài Miếu Bông vì tham gia bãi khóa và biểu tình. Người bạn ấy lại là cháu gọi ông Đỗ Tự bằng chú, người gốc làng Diệm Sơn bên kia núi Bồ Bồ. Theo lời Bội:
- Một lần Vinh dắt em về quê, ghé thăm ngôi đình làng Nhơn Hòa xây bằng gạch, uy nghi giữa hai cây cổ thụ, Nhơn Hòa có ý là thuận lòng người, dù nói ở đất Nhơn Thọ và Miếu Bông. Trong đình có một tấm bia viết bằng chữ Hán. Đại khái là: Vào mùa xuân năm Nhâm Thân 1872, đời vua Tự Đức thứ 26, ông thủy tổ tộc Phạm là Phạm Đức Tú đến nơi đây mua đất lập vườn thuộc xứ Nhà Đảnh, xã Nhơn Thọ, Tổng Thanh Quất Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Sau đó ông Đỗ Tề, cha của nhà cụ chí sĩ Đỗ Tự (tức ông Tú Tự) từ Diệm Sơn xuống mua úp toàn bộ xứ đất này để quyết lập viên cư, làm ruộng. Đến khoảng năm 1915, ông Thông Phiên đưa ông chú Trần Cao Vân về đây giới thiệu với ông Tú để bàn việc ra Huế khởi nghĩa. Cũng tại đây ông Tú đã giới thiệu bà con gái họ Trần ở làng Quan Châu cho ông Thông tái giá…
- Chị có thấy trái đất chật hẹp không? Đi đâu rồi người tốt cũng gặp nhau hết! - Bội nhìn chị, nói.
Bà Hương nói thêm:
- Ông Thông Phiên bị tù ở lao Hội An, sau khi ra tù chú Trần cũng hay đưa ông ghé về thăm chơi và vài lần ngủ lại nhà mình. Tuy chị dựa cột nghe chuyện người lớn nhưng biết ông Hương của chị rất yêu quý ông Thông Phiên. Ổng lấy cái tên hiệu Nam Xương của ông Thông mà đặt tên cho cái tửu quán này sau khi cơ mưu cùng vua Duy Tân bại lộ và bị hành quyết, ý là để tưởng nhớ một người tài và sau là ngầm làm chỗ cho những người đồng chí hướng gặp nhau… Tiếc là ông Hương nhà chị lại vắn số…!
Bà Hương, sau tiếng thở dài lại buông một câu như than thân trách phận: Cũng là tại trời cao chưa ngó xuống…
Trong giây phút bồi hồi, bà Hương nhớ mồn một những gì cha bà, ông Trần Hàn từng kể cho nghe…
Ông Trần Hàn và Trần Cao Vân không chỉ cùng họ tộc mà còn là bạn đồng môn và cùng lao đao trên đường ứng thí nên đồng cảm nhiều chuyện. Họ gặp nhau nhiều lần tại làng này trong ba thời kỳ: sau khi chùa Cổ Lâm bị giặc Pháp khám xét và trước khi cùng vợ rời Quảng Nam đi Bình Định; sau khi bị tù ở Phú Yên vì học thuyết Trung Thiên dịch quay về; và cuối cùng là giai đoạn sau khi rời nhà tù Côn Đảo cho đến ngày khởi nghĩa 1916. Cha bà, sau khi được tin cụ Trần Cao Vân bị hành hình ở Huế, thường đọc lại những câu thơ cụ ứng tác khi về làng Thanh Quýt:
Bếp lửa tắt khó vùi khó thổi/ Mượn vầng trăng thay đổi đêm thu/ Con thơ đang khóc hu hu/ Vì chưng khát sữa nên ru lấy chừng.
Hay:
Chim trên rừng còn biết thương con nọ/ Huống chi người nỡ bỏ nợ vay.
Lại chuyện có ba học trò của cụ Trần Hàn và Trần Cao Vân ở Thanh Quýt đánh lộn nhau, cụ Trần Cao Vân đã có thơ dạy rằng:
Ba thằng nho nhỏ đánh nhau chơi/ Ất ví (đuổi) Nhược thua, Nhược chạy cời/ Ngó đi ngó lại dòng Trần, Nguyễn/ Nhủ bảo các con khá nghe lời!
Bà Hương biết có nhiều bài thơ kiểu tức cảnh sinh tình như vậy của chính cụ Trần Cao Vân vẫn lưu truyền ở Thanh Quýt, nhưng bà không nhớ hết. Nhưng ông Trần Hàn vẫn nhất quyết rằng “Bài Vịnh Tam Tài chính là một tuyên ngôn sớm nhất về vạn giáo nhất lý, đặt nền móng cho đạo Cao Đài mà cụ Trần Cao Vân đã viết từ rất sớm ở làng mình…”.
Bà Hương nhũ danh là Trần Thị Từ, con gái cụ Trần Hàn. Sau này, con cháu họ Trần thường nhắc rằng: Tộc Trần Phước đến đời cụ Trần Hàn tuy giỏi giang về học vấn, lại giỏi nghề thuốc nhưng vẫn lao đao lận đận trên đường khoa cử. Cụ Trần Hàn, tuy học giỏi nhưng nhiều lần ứng thí vẫn không đỗ đạt gì, lại về quê dạy học, bốc thuốc cứu người. Bạn cùng học trường Huấn là cụ Trần Cao Vân đến kỳ thi lại đau ốm nên họ lại càng gần gũi nhau hơn…
4. Ba cuộc chiến tranh đã không tha người dân làng Thanh Quýt. Từ cuộc kháng Pháp, đánh Nhật đến năm 1945, rồi năm 1965 quân Mỹ vào với tư cách đồng minh của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam cho đến năm 1975. Con đường từ cái đồn Ngũ Giáp lên đến đập Thanh Quýt vẫn sừng sững chứng kiến những tang tóc và chia lìa. Cái đập vẫn hàng năm ngăn nước cho các trạm bơm tưới cho những cánh đồng, nhưng dòng chảy ấy đã hòa vào nó bao nhiêu máu lẫn nước mắt…
Tôi (tác giả thiên truyện này) có người cha là bạn của con trai ông bà Hương, chú Năm Duyệt, cháu ngoại của nhà nho Trần Hàn. Nhờ gia cảnh khá giả và tấm lòng của người mẹ góa ở vậy nuôi con, chú Duyệt học giỏi chữ Hán, Quốc ngữ lẫn tiếng Tây, có điều kiện ra làm công chức. Nhưng ông nhận phần hương hỏa, quyết định ở quê, lo thờ phụng tổ tiên trên khu vườn ông bà Hương để lại. Ở đó, ngôi nhà ngói ba gian ẩn mình trong một vườn cây quanh năm rộn tiếng chim và hương thơm hoa trái ở đầu cầu Giáp Năm. Ở đó, hàng ngày gia đình ông vẫn gánh nước chảy từ phía bara Thanh Quýt về ăn uống, tắm gội…
Năm 1962, cha tôi và ông cùng vài người bạn trong làng lập ra một xưởng ngói ở ngay trên bến ghe thuyền mà ngày xưa khách vãng lai vẫn dừng ở đây để vào Nam Xương tửu quán. Chú Năm Duyệt quyết định chặt bỏ một phần vườn cây ăn quả để làm nhà xưởng vì nghe theo sự thuyết phục của cha tôi. Những ngày nghỉ học tôi thường theo cha mình đến xưởng và được nghe câu chuyện giữa những người lớn.
Trong chuyện của họ, tôi biết được rằng mối quan hệ huyết thống của những con cháu phái Hai họ Trần ở làng Tư Phú và con cháu của cụ Trần Hàn vẫn bền chặt cho dù vật đổi sao dời. Họ vẫn qua lại thăm hỏi nhau, vẫn có mặt bên nhau những ngày giỗ chạp để ôn lại quá khứ của ông cha. Tôi lại còn nghe trong những dịp như vậy, con cháu hai vị họ Trần còn đi cùng nhau ra làng Nghi An để thăm viếng, thắp hương tưởng nhớ cụ Thông Phiên rồi ghé lại đình làng Nhơn Hòa, quỳ lạy cụ Tú Đỗ Tự…
Trong những người mà ông Năm Duyệt kể lại, còn có người con trưởng của ông Trần Cao Bội, lúc ấy là một nhà khoa học đang giảng dạy ở nước ngoài về lịch sử cận đại Việt Nam và rất sùng kính cụ Thông Thiên. Ông Duyệt nói với cha tôi: “Chỉ tiếc là chiến tranh liên miên, cái bảng hiệu Nam Xương tửu quán ấy không còn nữa!”.
Kết Thúc (END) |
|
|