Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mẹ Em Là Nông Dân Tác Giả: Miu Ngô    
    Mẹ – người phụ nữ quê hiền hậu. Mẹ – một nắng hai sương tảo tần. Mẹ – gánh cả cuộc đời 3 anh em trên đôi vai hao gầy nặng trĩu, dáng mẹ hao gầy đổ bóng dưới cái nắng hè gay gắt, nhọc nhằn đi qua những ngày mưa rét căm căm, trên con đường quê dài hun hút, một mình!
    Thuở bé, bố chẳng có ở nhà, và vì lý do bố bị bệnh, ốm đau liên miên nên vì thế cũng chẳng giúp được gì cho mẹ. Một mình mẹ vẫn cứ cặm cụi bước thấp bước cao, từ việc to tới việc nhỏ trong nhà đều một tay mẹ lo toan.
    
    Cuộc sống ở làng quê, cái nghèo cứ bám riết lấy, người phụ nữ ấy một nách 3 đứa con, chỉ lo ăn đủ bữa qua ngày đã mệt mỏi lắm rồi, nói gì tới việc cho chúng em một cuộc sống bằng bạn bằng bè, mua cho chúng em những bộ quần áo mới, như những con nhà có đủ cả bố lẫn mẹ.
    Em vẫn thường nghe các bác hàng xóm nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà giữ tổ”, trong cái đầu ngây ngô lúc đó của em, em chẳng hiểu gì câu nói đó, lớn lên và đi qua nhiều chặng đường mới thấm thía, mẹ vừa phải xây nhà, vừa phải giữ tổ, một mình!
    Đã có những lúc em tủi thân, khi nhìn nhỏ bạn được bố tổ chức sinh nhật cho, còn mẹ chả biết sinh nhật của con là gì, em chưa bao giờ trách mẹ, chỉ thấy cái nghèo giống như một cái tội. Mẹ vừa làm bố, vừa làm mẹ, những gánh lúa nặng trĩu trên vai từ ngoài đồng về nhà, dưới cái nắng hè đổ lửa hay trong mùa nước ngập lụt. Cứ như thế mẹ nuôi chúng em lớn khôn, trong căn nhà vách đắp đất được ông bà làm cho từ khi về làm dâu.
    Mỗi mùa tháng 7 khi những cơn lũ kéo về, mùa mưa, những cơn mưa cứ xối xả ập từ mái tranh đổ xuống, cả bốn mẹ con lại phải chui xuống gầm giường vào giữa đêm, trong lòng thì lo sợ nhỡ cái nhà đổ xụp xuống cả bốn mẹ con chết thì sao. Mẹ lo không thể bảo về được chúng em qua những ngày bão như thế, nên lại vay tiền lãi, và nhờ ông bà ngoại, xây cho một cái nhà nửa đắp đất, nửa có bờ tường gạch, vì ko đủ tiền nên phải làm tạm cái bờ hậu có gạch cho vững hơn và cái nhà này đặc biệt hơn là có mái ngói thay vì lợp dạ, nhọc nhằn lắm mới cất được cái nhà như thế.
    Khi con người ta nghèo về vật chất, thì sẽ kéo theo nhiều cay đắng trong cách xã giao hay đối nhân xử thế với gia đình, vì mẹ nghèo nên mẹ chẳng thể có tiếng nói hay chỗ đứng gì trong gia đình nhà chồng, dù vẫn cứ cô đơn một mình nuôi ba anh em trong cái nghèo, trong sự cô đơn. Mẹ hiền, hiền lắm, hiền tới mức nhu nhược, chẳng nói nặng với ai bao giờ, mỗi lần ấm ức với ông bà nội, mẹ thường khóc về đêm, cũng chẳng hề kêu than hay phàn nàn, cứ như thể lẽ đời phải chịu đựng một cuộc sống cơ cực như thế.
    Ngày nắng cũng như ngày mưa, vụ hè cũng như vụ đông, mẹ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quần xắn ngang ống chân, người cao gầy mảnh khảnh, đánh đổi cả cuộc đời mình để chúng em được đi học như các bạn, được ăn cơm trắng ko phải độn ngô, độn khoai.
    Hồi nhỏ nhà nghèo, không có nổi cái bật lửa, mẹ cũng không bao giờ chịu bỏ tiền mua cái bật lửa, cứ bắt chúng em phải đi xin lửa nhà hàng xóm, rồi gói cái viên than vào cái nắm rơm, mỗi lần như thế phải chạy thật nhanh về nhà để ko bị tắt, rồi thì rất sợ những lúc nấu cơm bị tắt lửa, phồng mang trợn má lên thổi phù phù, ấy thế mà nài nỉ bao lần mãi mẹ mới chịu mua cho cái bật lửa. Nhà cũng chẳng có cái Tivi, mỗi lần có cái phim Tôn Ngộ Không thần kỳ đó, chỉ mong được đi đến nhà hàng xóm ngồi ngó từ ngoài hè, toàn bị bọn trẻ con nó xua đuổi. Lúc đó chỉ ước giá mà mẹ mua cho 3 anh em cái Tivi đen trắng cho thỏa nỗi thèm khát xem Tôn Ngộ Không hay những phim hoạt hình Thủy Thủ Mặt Trăng..…Nhưng đó là ước mơ không có thật vì mẹ chưa bao giờ dám nghĩ tới điều đó.
    Lúc bé, trong ba anh em, em là đứa khỏe nhất, chẳng bao giờ ốm đau, còn em gái và anh trai thì ốm liên tục, mỗi lần như vậy lại được mẹ mua thức ăn hay là liều thịt con gà, và được mẹ chăm đặc biệt hơn. Có lẽ những lo toan cơm gạo áo tiền làm mẹ không có được những cử chỉ chăm sóc nhẹ nhàng với em, và vì lẽ đó, em tủi thân lắm, thường hay khóc một mình, rồi lại cầu trời khấn phật cho mình được…ốm, chỉ vì muốn được mẹ quan tâm, nhưng lạ thay cái sự cầu xin ốm của em chưa một lần được ông trời nghe thấy suốt thời thơ ấu. Sau này lớn lên xa nhà, mỗi lần ốm là không dám gọi điện về vì sợ mẹ lo.
    Ở quê ngày đó, con gái thường không được cân nhắc tới việc học mà mốc tối đa cho những đứa con gái nhà nghèo được tới trường là hết lớp 7. Cái số 7 đáng ghét, khi mỗi lần em nghĩ tới việc hết lớp 7 là sự nghiệp học hành cũng bị kết thúc, em thường chui vào một xó nào đó và khóc, cầu mong sao cho cái lớp 7 trôi đi thật chậm. Suốt năm học lớp 7, em thường chia sẻ với thầy cô dạy Văn, Sử, Địa về trường hợp của mình, các thầy cô thương em hiếu học, lại hay được đi thi lớp năng khiếu của cả 3 môn, rồi thi vở sạch chữ đẹp, nên thầy cô mến. Thầy cô giúp bằng cách năm đó miễn cho em một nửa học phí vì là con hộ nghèo, và được tặng 1 cái áo sơ mi mặc tết.
    Giải pháp 50% học phí quả là quá hữu hiệu, và như một tia sáng tràn trề hi vọng trong em, em về nói chuyện với mẹ, mẹ chỉ chia sẻ vấn đề không phải chỉ là học phí, nếu em nghỉ học thì có thể giúp mẹ được nhiều việc hơn cho gia đình. Em biết thế là hi vọng kia lại bị dập tắt rồi, em buồn và lại đi tìm cô giáo nói chuyện, cái trường làng đó có mấy học sinh là con nhà khá giả, có chăng cũng chỉ vì các bạn có cả bố lẫn mẹ, thầy cô nào đi lo được hết cho số lượng học sinh con nhà nghèo chiếm 2/3 trường như vậy.
    Thầy Bảo dạy Sử nhìn em xót xa, nhưng thầy cũng chỉ là một giáo viên trường làng, hàng ngày đi dạy bằng chiếc xe đạp cọc cạch, thầy cũng phải nuôi gia đình, ai lo được cho em. Em biết thế là số phận đã an bài, cuối năm học lớp 7 cứ ngày một gần tới, cuối cùng thì nó cũng tới thật. Cô giáo hỏi em lần cuối cùng, em mơ ước điều gì cho tương lai. Em vẫn thỏ thẻ “Em ước gì được học hết lớp 9, rồi sau này em sẽ được học đại học và được làm giáo viên dạy văn giống như cô”.
    Em về kể lại đoạn hội thoại về “ước mơ” với mẹ, lần này mẹ không nói gì, chỉ im lặng, sáng hôm sau ngủ dậy, em thấy gối mẹ ướt, và biết rằng mẹ đã khóc suốt đêm. Chẳng có lý do gì theo việc học nữa, biết rõ câu trả lời từ mẹ dù mẹ chẳng nói lời nào. Ngày nhỏ em thường biến lũ trẻ trong xóm làm học sinh, rồi em giả vờ làm cô giáo, tay cầm cái “thước” được bẻ ở ngoài bờ dào, từ cành củi khô, cứ lúc nào lũ trẻ nhao nhao lên, em lại vung cái thước”thần kỳ” ra vẻ uy quyền lắm. Vì thường ở nhà bà ngoại, cậu làm giáo viên nên em thích đọc truyện, thích học văn, thích viết lách và cứ thế ước mơ hình thành là một cô giáo dạy văn, nhưng ước mơ đó chẳng thành chỉ vì mẹ nghèo quá. Một ngày cuối tháng 5, em cầm tấm giấy khen cuối cùng của đời học sinh tại thời điểm đó, về khoe mẹ, rồi trong cả mùa hè vẫn hi vọng mong manh, rằng có một phép mầu thần kỳ sẽ cho em được đi học lớp 8.
    Ngày khai giảng lớp 8, cô em vào an ủi “Thôi đi khai giảng 1 ngày cùng các bạn cho vui, rồi về không đi học cũng được”. Em xấu hổ nên không dám đi như thế, rồi lại lấy sách lớp 8 của anh trai ở nhà tự học, và nhờ anh dạy, nhưng vì ngày nào cũng phải đi làm đồng với mẹ, cũng chẳng có thời gian mà tự học nữa, vậy là bỏ dở. Em biết, hằng đêm mẹ vẫn khóc thầm, mẹ ko nói ra, cũng chẳng biểu hiện gì, nhưng em biết mẹ đau.
    Mùa xuân năm sau đó, ở quê rộ lên “phong trào” đi lên Hà Nội làm Osin, có đánh chết em cũng chẳng biết Hà Nội là ở đâu, chỉ hình dung nhân vật Osin trong phim Osin của Nhật Bản, nghĩ tới là đã sợ rồi. Anh trai cứ bám theo mẹ nhằng nhẵng phân tích cho mẹ hiểu là đừng cho em đi, như thế mất lòng tự trọng, anh không muốn xa em vì hai anh em mến nhau nhất nhà, nhưng mẹ cũng chẳng nói thêm câu gì, và em cũng hiểu, một lần nữa mẹ lại rất đau đớn trong tâm, và những giọt nước mắt sẽ lại rơi đầy bất lực. Nhưng rồi mẹ càng ngày càng ốm đau, dường như gánh nặng cuộc đời làm mẹ trở nên già nua đi quá nhanh, tóc mẹ bạc nhiều lắm, rồi nghĩ tới việc cần cho anh trai và em gái đi học tiếp, một con bé 13 tuổi như em quyết định phải đi, lên Hà Nội, chả biết Hà Nội là ở đâu, cứ đi, làm Osin trông em bé, dù biết xa mẹ sẽ khổ lắm.
    Lần đầu tiên xa nhà, xa mẹ, những lúc nhớ nhà em cũng chỉ biết cố chờ tới đêm mới dám khóc. Làm Osin còn khổ hơn những gì trong suy nghĩ trước đó của em, những lúc bị nhà chủ mắng, chỉ ước được chạy ùa về với mẹ, thà cả tháng không được ăn cơm với thịt cũng được, nhưng cứ nghĩ tới việc anh trai và em gái sẽ phải nghỉ học, thì lại ko dám nghĩ tới việc quay đầu lại, cũng không bao giờ dám kể với mẹ hay bất kỳ ai về những gì đã xảy ra ở Hà Nội. Mấy tháng sau mẹ đi Hà Nội thăm em, em nghe mẹ kể, mẹ chẳng thể liên lạc được với em trong hai tháng đầu tiên, lúc đó không có điện thoại, chỉ là liên lạc bằng những lá thư viết tay nên mẹ cứ chờ thư của em mà không thấy, nhiều đêm mẹ khóc và lại quờ tay vào cái chỗ em hay nằm ngủ cạnh mẹ và thao thức, tưởng tượng tới việc em bị bán đi Trung Quốc. Và đó cũng là năm Bố không vượt qua cuộc chiến bệnh tật và qua đời.
    Cuộc sống cứ như thế trôi đi, anh trai cũng có cái xe đạp “second hand” đầu tiên đi học, bằng những đồng tiền em kiếm được: 150.000/tháng, làm việc từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm.
    Nhiều năm về sau, những khó khăn vẫn cứ chồng chất, em một mình vật lộn với cái gánh nặng cơm gạo áo tiền, những lúc cô đơn giữa lòng Hà Nội, ốm cả về thể xác lẫn tinh thần, em thường nhớ tới lời cầu nguyện “được ốm” hồi nhỏ, và thương mẹ nên chẳng dám nói với mẹ rằng con ốm lắm, hay con muốn về nhà. Mỗi kỳ được về với mẹ vài ngày thì vui lắm, rồi lại lo sợ những ngày phải đi xa.
    Cuộc đời đưa em qua nhiều ngã rẽ khác nhau, nhiều công việc khác nhau, có nhứng lúc tưởng không thể đi tiếp được, nhưng cứ nghĩ về mẹ là lại có động lực hơn. Rồi lại nhớ tới câu mẹ dạy thuở bé “sống sao để đi người ta nhớ, ở người ta thương, mẹ không thể cho các con một cuộc sống đủ đầy, nhưng mẹ mong các con luôn giữ tâm thật sáng, mình nghèo nhưng không hèn, đừng nhận sự thương hại của người khác”. Đó là hành trang lớn nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ tuổi 13, bước ra ngoài cuộc đời, tập thuộc lòng những bài hát ru cho trẻ con để làm Osin, tập cách đối nhân xử thế với các gia đình giàu có, tập làm một người con gái đảm đang. Mẹ đã chẳng thể có đủ điều kiện dạy em điều gì nhiều, vì em xa mẹ từ nhỏ, nhưng cứ nhìn vào cách mẹ sống, em tự biết mình phải làm gì.
    Sau bao nhiêu nắng mưa của cuộc đời, em lại chọn cho mình con đường học, mẹ phản đối kịch liệt vì không muốn em lao đầu đi theo những thứ ảo tưởng. Đã có nhiều lần em giận mẹ, cả mấy tháng trời không nói với mẹ câu nào. Lý do mẹ đưa ra chỉ là “Thời nay các sinh viên đại học ra trường còn không xin nổi việc, con học lại bổ túc lớp 8, rồi còn muốn thi đại học sư phạm, con có biết rằng nó hão huyền tới thế nào không?”. Em bỏ ngoài tai những lời mẹ nói, lúc đó giận mẹ lắm, trách mẹ sao không lo cho con rồi còn cản trở con.
    Rồi em chẳng để ý rằng mẹ ở nhà khóc với bác hàng xóm sau mỗi lần hai mẹ con tranh luận như thế, chỉ vì mẹ ko muốn em chạy theo những ảo tưởng vô vọng. Em không giải thích với mẹ điều gì, sáng sớm dậy từ 2 giờ sáng nấu xôi đem bán cho bọn trẻ ở trường tiểu Trung Yên, Cầu Giấy, ngày về đi lau nhà thuê, chiều bán bánh khoai, bánh chuối, rồi tối đi học bổ túc lớp 8, và về lại lao vào bán hàng như thế, tối ngủ ở gầm cầu thang, sống trong một khu ổ chuột. Một ngày ngủ 2 tiếng đồng hồ, cứ như thế, mẹ cũng chẳng biết chi tiết em ở Hà Nội làm gì, em cũng chẳng bao giờ kể với mẹ nên mẹ cũng cứ yên tâm là em sống an toàn, chỉ là đang lao theo ước mơ.
    Chỉ biết rồi thì anh trai cũng trở thành một chiến sĩ công an nhân dân, sau bao nhiêu năm hai mẹ con đánh đổi mọi thứ nuôi anh ăn học, em gái cũng đã được học phổ thông.
    Mẹ ở quê vẫn mong ngóng em từng ngày trở về, em lì lợm nhất quyết không về, và mỗi lần như thế hai mẹ con lại xảy ra xung đột khi nói về việc học, nhưng mẹ không mắng nặng lời, không bao giờ đánh, chỉ khóc, còn em thì chỉ thấy đau, nhưng em vẫn biết, mẹ còn đau hơn. Em vẫn chỉ nói với mẹ “Thành công chỉ tới với những ai dám nghĩ, dám làm và biết đánh đổi, con đang đánh đổi cuộc đời mình cho một ước mơ”.
    Cuối cùng thì cũng tới ngày tất cả sự đánh đổi được bù đắp, em có cơ hội đi học nghề, rồi học xong phổ thông, rồi đi làm ở khách sạn 5 sao, rồi làm trong văn phòng, và giúp mẹ được nhiều hơn, mẹ được xem Tivi ở ngay trong nhà mình, mẹ được đi bệnh viện khi ốm đau, những điều mà mẹ chẳng bao giờ mơ tới trước kia.
    Nhưng không phải vì thế mà mẹ không còn giận em, mẹ không còn giận em vì em đã chứng tỏ cho mẹ thấy em đã đi đúng hướng. Mẹ vẫn cứ đau ốm liên miên, nhưng ít ra cuộc sống trong nhà cả ba anh em đều trưởng thành hơn, lo cho mẹ được nhiều hơn.
    Ngày anh trai và em gái lấy vợ, lấy chồng, mẹ lại đứng đó khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc. Cuộc sống cứ như một giấc mơ, khác ở chỗ ta không chỉ giữ nhiệm vụ mơ, mà ta còn giữ nhiệm vụ thực hiện ước mơ đó. Sẽ luôn có những ước mơ kỳ lạ xuất hiện, chỉ là ta phải lý luận nó sao cho logic và thực hiện nó một cách bài bản. Em đã từng chẳng biết phải lý luận thế nào với mẹ về ước mơ thi đại học sư phạm của em, khi em đi học bổ túc lớp 8, còn các sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm thì có nhiều người về nhà làm ruộng. Càng lớn lên, em càng biết cách giải thích rõ hơn cho mẹ hiểu những ước mơ của mình. Một ngày em về, giải thích với mẹ về ước mơ đi du học, lần này có giả thiết, có chứng minh, có cơ sở, có nền tảng vững chắc, nên mẹ tin và ủng hộ, chứ chẳng còn chênh vênh như cái ước mơ làm cô giáo ngày xưa.
    Trước ngày em đi du học, mẹ ôm em vào lòng và nói nhỏ nhẹ “Cảm ơn con vì đã làm cho cuộc sống của mẹ dễ dàng hơn, mẹ chưa bao giờ dám mơ tới một cuộc sống như ngày hôm nay”, mẹ khóc và đó là giọt nước mắt hạnh phúc nhất mà em từng nhìn thấy.
    Thời gian ở Úc, trong mỗi bài phát biểu trước các sự kiện em tham gia, em thường nói về sự thành công, bởi nhiều người cho rằng những gì em có ngày hôm nay mới là thành công. Em không phủ nhận, nhưng sự thành công trong em chính là được nhìn thấy giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên gò má cao gầy của mẹ khi mẹ nói với em những lời từ đáy tim mình như thế. Và đằng sau sự thành công của em, mẹ đã lặng lẽ đánh đổi cả cuộc đời cô đơn của mình để cho chúng em sự trưởng thành hôm nay.
    Đặt chân tới nước Úc xa xôi, hành trang lớn nhất em gói gém mang theo chính là mẹ, mẹ vẫn dõi theo như thế. Hơn một năm xa nhà, lần đầu tiên xa nhà lâu nhất về mặt thời gian, dài nhất về mặt địa lý, chỉ được nhìn mẹ qua những bức ảnh anh chị gửi cho, nghe giọng mẹ ấm áp qua chiếc điện thoại bàn. Mẹ vẫn vậy, dù con cái có trưởng thành bao nhiêu, thì mẹ vẫn cứ là người phụ nữ quê hiền hậu như thế. Mỗi lúc nhớ nhà gọi điện về, mẹ dường như cảm nhận được cảm giác của em qua giọng nói, mẹ lại trấn an. Mỗi lúc mẹ ốm, chẳng bao giờ mẹ dám để em biết chuyện, chỉ lấp liếm nói mẹ bị ho qua loa thôi.
    Em đã đi quá xa so với những gì em được phép đi, nhưng mẹ luôn ủng hộ con đường em đi, dù đã sắp ở tuổi 27, nhưng chẳng một lần mẹ tạo áp lực rằng em nên dừng lại việc học và nên về nhà lấy chồng này nọ, như các mẹ vẫn thường lo lắng cho con gái, mẹ em, chỉ lặng lẽ nhắn nhủ em “Học giỏi con nhé, và giữ sức khỏe, mẹ ở nhà mọi việc đều ổn”.
    Trong rất nhiều bài giảng của môn Kinh Tế mà mà thầy giáo em mới dạy, nói về những ảnh hưởng của cung và cầu, em trả lời rành mạch nhiều câu hỏi, và nhớ rằng đó chính là những gì hồi nhỏ em học được từ mẹ, từ việc tại sao mẹ giữ khư khư lúa, lạc, ngô, khoai, chờ cho người ta bán xong rồi mẹ mới mang đi bán, cho tới việc tại sao mẹ đi trồng ngô trái vụ, chẳng giống ai. Thầy giáo bảo em gọi điện về cảm ơn mẹ, vì mẹ cho em những bài học chân thực nhất về môn Kinh Tế Vi Mô ngày hôm nay.
    Em nghiệm ra rằng, đâu phải mẹ em là nông dân mà không thể dạy em học Kinh Tế Vi Mô, mẹ có thể không dạy em làm toán, cũng chẳng có cơ hội dạy em ra ngoài đời phải sống như thế nào, nhưng cứ nhìn vào những việc mẹ làm, cách mẹ sống, em đã học được vô số điều tốt đẹp từ mẹ rồi. Có thể cái tuổi dở cô dở chị, em chẳng được mẹ trang bị cho những bài học về cuộc sống, cũng chẳng ở bên em sau những bước đi chệnh choạng của em, để dạy em phải đi thế nào cho an toàn, nhưng chính lòng tin của mẹ dành cho em, đã uốn nắn em đi vững vàng hơn từ những bước đi như thế.
    Mẹ em là Nông Dân, mẹ không có làn da trắng, mái tóc xanh, không biết trang điểm, thậm chí không biết đi giày cao gót, không cả biết sử dụng điện thoại di động, nhưng mẹ đã đánh đổi cả cuộc đời của mẹ để lấy sự trưởng thành trong 3 anh em em. Trong mỗi bước đường em đi, đều có hình dáng mẹ đứng đó, dõi theo, ủng hộ và tin tưởng. Mẹ đã dạy chúng em như thế, rằng sống trong cuộc đời phải giữ một cái tâm, thật sáng, thật trong. Cuộc đời bụi bặm tới đâu, cũng không làm cho tâm mẹ bớt sáng, cuộc đời nghèo khó tới đâu, cũng luôn thấy mẹ thật giàu, vì chúng em có mẹ, vì mẹ có chúng em. Mẹ em, chẳng phải là giáo sư kinh tế, nhưng mẹ cho em những bài học về Kinh Tế Vĩ Mô tuyệt nhất mà em từng được học. Mẹ từng nói số em khổ, tại mẹ vì mẹ sinh em ra ở xó nhà, nhưng em biết mình sẽ không khổ, vì em có mẹ.
    Mẹ ơi, sắp tới ngày của mẹ, con ước gì con đang ở nhà, để lại được ùa vào lòng mẹ, nghe mẹ vỗ về, để con thấy đời thật bình yên, dù ngoài kia cuộc đời vẫn rả rích bao nhiêu thứ bộn bề của cuộc sống, để con thấy con có hơn tất cả trong cuộc đời này, một người mẹ. Mấy hôm nay mẹ ốm, lòng con nóng như lửa đốt, con ước gì nước Úc và Việt Nam chỉ cách nhau 70km, để con lại được phóng xe về nhà chăm mẹ như những lúc con còn ở Hà Nội. Dẫu biết rằng tuổi già đang ập đến, con sợ, nhưng con tin mẹ sẽ được sống những ngày mạnh khỏe , bình yên bên con cháu, bởi mẹ đã dành cả cuộc đời cho anh em con. Để giữ cho mẹ những nụ cười, con nguyện đánh đổi bất cứ thứ gì trong cuộc đời mình, để có được sự bình yên trong mẹ.
    Anh em con chưa bao giờ nói yêu mẹ, mẹ cũng chẳng bao giờ nói những lời hoa mỹ với chúng con, nhưng từ sâu thẳm trong trái tim mình, mẹ con ta đều hiểu, chỉ cần con có mẹ, là con có đủ mọi thứ trên đời này, để con luôn thấy mình thật giàu, và chỉ cần nhìn sự trưởng thành trong anh em con, là mẹ đã thấy sự bình yên tuyệt vời nhất. Cảm ơn mẹ đã nhặt nhạnh những vụng về, khờ dại của chúng con những lúc chúng con mải chơi và đánh rơi nó trên những chặng đườngdài, mẹ gom góp nó để lại biến nó thành con thuyền đưa chúng con tới bến bờ hạnh phúc. Mẹ, mẹ là tất cả, một trời yêu thương.
    Chúng con yêu mẹ nhiều!!!

Kết Thúc (END)
Miu Ngô
» Mẹ Em Là Nông Dân
» Khoản Lặng Tâm Hồn
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Hoa Học Trò
» Người Dưng Làm Má
» Xác Ngọc Lam