Cô ngồi giữa. Xung quanh cô là lũ trẻ con cái những người cùng cơ quan. Một lát sau thì lâu đài bằng cát ở giữa. Xung quanh là cô và lũ trẻ. Hì hục xây đắp bằng cát ẩm. Trên cát ẩm. Sóng biển ngấp nghé đe dọa xóa sạch thành quả của đám người ngây thơ. Cả cháu và cô sắp được bài triết học sơ khai đầu đời về lâu đài trên cát.
Cô đầu đời thật. Hai mươi tuổi vừa tốt nghiệp, cháu của một người quen của vợ của thủ trưởng của cơ quan, thủ trưởng cơ quan ở cái thế nhất thiết nên nhận. Con gái ngày nay không ai dạy nữ công gia chánh. Mỗi ngày một người trực phòng, chỉ việc đến sớm đun nước, pha trà cho cả phòng uống. Hôm nào phiên cô thì đến muộn, hồn nhiên: Cháu ngủ quên. Hồn nhiên khác: Cháu bị tắc đường. Hồn nhiên nữa, có đến sớm cũng không rửa chén đun nước: Cháu không uống chè, báo người ta viết uống chè hại tim đấy các anh các chị các chú các bác ạ.
Đầu giờ buổi sáng, cô huỳnh huỵch đôi giầy bánh mì xách túi đến rồi ra đứng chắn trước lối ra vào cửa mở toang, tận dụng làn gió trời thổi vào qua hành lang và luồng gió điều hòa nhiệt độ thốc từ trong ra. Nghiên cứu viên Một cảm thán: Chao ôi cơn gió cái. Nghiên cứu viên Hai bẻ vần: Cô kia mặc lụa Hà Đông, đứng ra trước gió tôi trông rõ... rồi. Đến thế vẫn đứng nguyên trước cửa không hiểu gì. Hồn nhiên.
Khi cô vắng mặt trong phòng, nghiên cứu viên Hai gật gù, đúng là nhìn rất rõ, đùi đĩa tươm ra phết. Nghiên cứu viên Một vẫn cảm thán: Nhưng mà hôi lách cực kỳ. Nghiên cứu viên Ba lúc này mới nhảy vào giữa cuộc hội thảo: Ngày trước tớ cũng hôi lách, may mà tìm đúng thuốc. Cả phòng mười bốn người thì tám người buột miệng đồng thanh: Thuốc gì? Chỉ một câu mà làm những tám người phải tự thú lúc bình minh.
Kết thúc hội thảo người ta đi đến nghị quyết, từ này mùi hành tây ủng ủ trong đống rác nhiệt đới trước những cổng chợ được mã hóa thành thỏ lon (thỏ lon = hôi lách). Chữ thỏ lon hợp với một cô gái hồn nhiên hơn.
Rồi cô Thỏ Lon được bầu vào công đoàn. Ở cơ quan nào khác được bầu vào công đoàn là niềm vinh quang. Cô Thỏ Lon được bầu ở đây là để rèn luyện lao động và rèn luyện tính hồn nhiên. Cô rèn luyện bằng cách cửu vạn cho ông chánh và chị phó công đoàn. Đi công tác đường xa với thủ trưởng, cô nôn ọe rũ rượi trong xe hơi. Đến nơi thì anh lái xe đẹp giai phải nhảy vội đi thay quần áo vì bị cô nôn vào. Thủ trưởng thì phải mở cửa xe cho cô nhân viên, thủ trưởng phải đỡ cho nhân viên ra khỏi xe, thủ trưởng phải xách cặp xách dép cho nhân viên.
Thế rồi công đoàn tổ chức đi biển bốn ngày, đặc biệt khuyến khích đám mầm non trước khi vào năm học mới. Cô Thỏ Lon phải đối đi xe, nhưng không ai ủng hộ phương án của cô đi tàu hỏa. Đổi lại với hai mươi bốn con người trên xe phải chịu thua mình cô chịu hít bụi đường xa vì cô đòi mở cửa sổ tắt điều hòa.
Đến bãi tắm cô Thỏ Lon mới lấy lại được sinh khí công đoàn. Cô giật bằng được hai đứa con của Nghiên cứu viên Hai khỏi tay mẹ và bà ngoại của chúng. Bà già mặc áo tắm hoa cúc, tóc bạc phơ như ma nữ đầu bạc đành thả hai đứa trẻ ra, chuyển sang dắt tay bà con gái như một củ tam thất lùn chạy xuống giỡn sóng. Cô Thỏ Lon rồng rắn toàn bộ sáu đứa trẻ đi xây lâu đài trên cát, vẫn chưa thôi lẩm bẩm ra đến đây mà vẫn nhà nào riêng nhà ây thì tan cả công đoàn.
Nghiên cứu viên Hai nhìn theo vợ và mẹ vợ tâng tâng nhảy sóng, lại nhìn hai đứa con trong nhóm xây cát. Nháy mắt: Cô đúng, ra biển mà cứ mỗi nhà một cụm thì ở nhà mà cụm cho xong, còn gì là tập thể. Anh ta nói vậy nhưng không xuống tắm, vẩn vơ trên bãi tắm đầy người. Quần soóc cây dừa.
Quần soóc cây dừa ở bãi tắm là tiện nhất. Muốn tắm thì cứ thế mà nhúng, cần gì phải quần bơi. Không tắm thì cứ khô quần lang thang trên bãi biển. Rộng rãi mát mẻ, lại là quần chun dễ tụt. Chả khó khăn như quần soóc có cạp luồn dây lưng được.
Cũng vẫn quần soóc cây dừa, Nghiên cứu viên Hai quay về nhà nghỉ nhập vào nhóm tá lả. Nhóm này ra biển chỉ để tá lả, tá lả thay cho tắm biển, tá lả đến mức cứ một tiếng lại đi đổ gạt tàn một lần. Văn hóa may rủi có tá lả là đỉnh cao của một chặng tiếp sức từ chắn, tiến lên, ba cây, cho đến bây giờ là tá lả. Văn hóa bình dân bây giờ có tá lả là hình thức giải trí khắp nơi nơi. Mấy ngày ở biển, đám công chức tá lả suốt ngày tá lả thâu đêm. Mười hai giờ đêm còn bị vợ mò sang gọi về đi ngủ, Nghiên cứu viên Hai mắt vẫn không rời quân bài: Tạm ứng lúc trưa rồi, còn đòi gì nữa, về cho con nó ngủ đi. Vợ ngồi ám được hơn một tiếng không chịu nổi phải ngúng nguẩy bỏ về mách mẹ. Tất nhiên bà ma nữ đầu bạc, hay như ông con rể thường gọi là bà Bạch Cốt Tinh, cũng chỉ an ủi con gái đôi câu. Rồi bà lại chìm tiếp vào cơn mơ đang chụp ảnh trên bãi biển, chiếc áo tắm đã đổi sang màu hoa đào.
Mỗi ngày tắm biển hai lần, hai ngày là bốn lần, cộng thêm hai lần của ngày đầu và ngày cuối, tổng cộng là sáu lần. Sáu lần bà Bạch Cốt Tinh thay sáu cái áo, sáu màu sáu đi-dai khác nhau. Gã thợ ảnh bám theo bà ăn theo vào sáu lần áo tắm mười lăm kiểu ảnh. Gã cũng quần soóc cây dừa, áo phông Kiss Me đeo huy hiệu thương binh tróc sơn, gặp khách nào cũng bảo mình thuộc diện chính sách. Mấy bà bán quán thì bảo chính sách gì nó, nó có tiền sử động kinh, cả đời nó chẳng đi ra khỏi hiệu ảnh tầm nhìn xa trên mười ki lô mét, ảnh viện của nó ngay đằng sau cây dừa cụt ngọn kia kìa. Ảnh viện của gã có hai cái phông. Một là đứng che nón nghiêng nghiêng bên cây liễu Bờ Hồ, xa xa có Tháp Rùa đền Ngọc Sơn cầu Thê Húc. Một nữa ngồi ghế xích đu trước tòa lâu đài cột đá trắng Hy Lạp. Bao giờ giơ máy lên gã cũng hét như đại đội trưởng thúc quân xông lên quyết tử. Bà Bạch Cốt Tinh cũng bị gã thúc như thế. Hân hoan đi. Mơ màng đi. Âm u đi. Rồi gã cũng chẳng thèm đếm xỉa đến tuổi tác của bà, gã hét như thể với những cặp tình nhân vừa là tình cuối vừa là tình đầu. Đằm thắm đi. Lả lơi đi. Lãng mạn đi. Bà con gái thấy mẹ rộn ràng quá cầm lòng không được cũng chạy tới đòi chụp. Chụp riêng hẳn hoi một mình củ tam thất. Chỉ có một kiểu chụp chung cho mẹ khỏi phật lòng. Mọi rắc rối bắt đầu từ mấy kiểu ảnh này.
Cô Thỏ Lon và sáu đứa trẻ vẫn mải mê xây lâu đài trên cát. Trò chơi này cũng như đánh bạc, càng thua càng ham. Hôm sau ra bãi biển, thấy thành quả của mình đã bị sóng xóa sạch không còn một dấu vết, cô cháu lại hùng hục lao vào xây mới. Cô Thỏ Lon bắt đầu linh cảm rằng muốn được lòng công đoàn viên thì phải yêu con cái họ. Chuyến đi này của công đoàn mà tốt thì mới gây dựng được uy tín ban đầu cho cô.
Thằng con bé của Nghiên cứu viên Hai đang cắm những vỏ ốc trang trí cho lâu đài, bất chợt dừng tay. Nó mổ mổ con ốc giáo dài như một cái tẩu thuốc về phía ngực cô, thản nhiên đòi cho cháu sờ ti cô một cái. Thằng anh ngượng, mắng át, mày im đi. Thế là thằng bé sáu tuổi gào lên đòi sờ ti. Thằng anh đạp cho thằng em một cái, thanh minh, ngày nào cũng thế đấy, cứ năm giờ chiều là nó đòi sờ ti. Có hôm mẹ cháu bận, bà cháu đi đón thay, giữa đường nó cứ gào lên đòi, bà cháu cố đạp xe về nhà cho nhanh mà cũng chẳng được. Cuối cùng bà cháu đành phải xuống xe, che nón cho nó sờ ti mới thôi khóc. Thằng anh mới mười tuổi mà đã biết kể chuyện cho cô Thỏ Lon đỡ ngượng, khôn thế. Nhưng cô đỡ ngượng không có nghĩa là thằng em đỡ đòi. Nó dọa không chơi với cô nữa, nó sẽ bỏ đi tìm bà tìm mẹ để sờ. Nó không dọa, nó bỏ đi thật, chạy lao vào đám người chen chúc trên bãi. Cô Thỏ Lon phải chạy theo. Một lát sau hai cô cháu tung tăng trở lại. Cô Thỏ Lon thật khéo dỗ trẻ. Không tìm được bà và mẹ, nhưng thằng bé vui vẻ lắm.
Đến buổi chiều thứ ba thì hội xây nhà có nguy cơ tan rã. Củ tam thất băm bổ chay tới lôi xềnh xệch hai thằng con về. Chị ta nước mắt ngắn nước mắt dài đòi đi xe khách về Hà Nội ngay. Bà Bạch Cốt Tinh mới thay được năm cái áo tắm trong tổng số sáu áo, bà còn tiếc rẻ, bà tỉ tê mãi bà con gái mới nằm vật ra không dọa về nữa. Nhưng không cho hai đứa trẻ đi xây nhà ban ngày hát hò thiếu nhi buổi tối. Giờ ăn thì không ăn với cả đoàn. Không khéo chỉ một tay con mụ này mà công của công đoàn thành công cốc. Chánh phó công đoàn họp với cô Thỏ Lon, sau rốt cả ba người đến gặp củ tam thất. Người lớn giận dỗi gì nhau chúng tôi không cần biết, nhưng nên nhớ trong đoàn còn có trẻ con, chuyến đi này chủ yếu là cho trẻ con.
Bấy giờ củ tam thất mới sụt sùi kể chuyện. Chiều nay ở bãi tắm, gã thợ ảnh đem ảnh gã chụp buổi sách ra trả. Bà Bạch Cốt Tinh mừng rú, ảnh nào bà cũng đẹp hơn trẻ hơn. Củ tam thất thì càng xem ảnh càng tím tái cả người, chả còn chỗ nào mà tím tái hơn được nữa. Ảnh nào của chị ta cũng bị chụp hầu như ngược sáng, chỉ thấy một cái rễ cây bụ bẫm đen đen trên nền biển xanh lơ. Chị ta uất quá, dứt khoát không lấy ảnh, dứt khoát không trả tiền, mồm cứ nhai nhải ảnh xấu quá, xấu quá. Gã thợ ảnh uất hơn, ở thế cố cùng, gã quàng quạc. Mặt như mặt chó mà còn đòi ảnh đẹp. Câu này gã đã thành công rất nhiều lần với những cô gái trẻ dễ ngượng. Nhưng lần này không may cho gã. Nghiên cứu viên Hai không tắm nhưng đang loanh quanh gần đó, chen qua đám đông hiếu kỳ để xem thì hóa ra vợ mình. Một dịp tốt cho anh ta chứng tỏ tinh thần hiệp sĩ thấy sự bất bằng chẳng tha. Anh ta túm cổ áo gã thợ ảnh, chỉ dọa thôi, nhưng gã cứ leo lẻo, tao thuộc diện chính sách, tao bao nhiêu năm hy sinh xương máu, đừng động vào tao, tao mà lên cơn thì mày bỏ mẹ. Gã làm luôn. Gã trợn mắt lăn đùng ra cát, giẫy giẫy mấy cái, nhưng mồm khô khốc không sao sùi được tí bọt mép. Thấy không lên cơn động kinh được, gã lồm cồm bò dậy, đánh một đòn khác hẳn. Đừng tưởng tao đi chụp ảnh tao không biết gì, chúng mày xua vợ con ra biển, giả vờ lảng vảng ở gần rồi biến mất, chúng mày đi thuê phòng với mấy con mắt xanh mỏ đỏ một vài tiếng rồi quay lại. Cứ quần soóc cây dừa mà dễ tụt.
Phút chốc người ta quên bẵng gã thợ ảnh. Người ta tính ra có đến sáu mươi phần trăm đàn ông trên bãi tắm mặc quần soóc cây dừa hoặc kiểu dây chun như cây dừa. Củ tam thất rú lên khóc khi nhìn thấy rành rành hình vẽ trên cái quần chồng đang mặc. Lại nhớ anh ta hầu như bỏ mặc vợ đi tắm với mẹ vợ. Ba chị khác trong đoàn có chồng mặc cùng một loại quần soóc thì điềm đạm hơn, không khóc nấc lên, không giằng con về, không bỏ cơm chung với cả đoàn, nhưng sáng hôm sau ra tắm gỡ lần cuối thì cứ bắt chồng kè kè cầm tay cùng nhảy giỡn sóng. Nhảy tưng tưng mà mặt cứ nặng như đeo đá cho đến buổi chiều lên xe về Hà Nội.
Trên xe trở về chả ai nói gì với ai. Sáu lần tắm đã lấy hết sinh lực hào hứng. Bốn ngày tắm chung chơi chung ăn chung đã chán phè. Hiểu nhau hơn là nhờ những chuyến đi. Ngán nhau hơn cũng là vì những chuyến đi.
Các bà các chị dứt khoát đòi đóng cửa sổ bật điều hòa, không nhượng bộ như lượt đi nữa. Họ hiểu chỉ một mình cô Thỏ Lon chịu trận. Như thể bằng cách ấy họ đã trả đũa công đoàn bày ra chuyến đi này. Làm như công đoàn chỉ là cô Thỏ Lon. Làm như mọi chuyện rắc rối là từ cô Thỏ Lon mà ra cả.
Cô Thỏ Lon nôn ra một đống túi ni lông. Mắt lờ đờ, mí mắt sưng húp, tóc tai rũ rượi, cô lả lướt ngoẹo đầu nhắm mắt cho quên nỗi đường còn dài. Mấy đứa trẻ con bây giờ mới quay sang mời cô nước, vuốt tóc cho cô, bị mẹ chúng lườm nguýt. Thằng bé con nhà Nghiên cứu viên Hai nhìn ngực áo xộc xệch của cô Thỏ Lon rồi ngang nhiên tuyên bố: Con đã sờ ti cô Thỏ Lon rồi. Thằng anh hét lên: Mày im đi. Thằng em cáu kỉnh: Hai lần cơ. Em nói điêu em chết. Cô ấy cho mà. Củ tam thất giật thằng bé ngã ngửa sang ghế mình, phát vào đít nó mấy cái, hấm hứ lườm sang chồng: Con với cái, rõ rau nào sâu ấy.
Cả cháu cả cô đều khóc. Cháu khóc ré lên. Cô khóc âm thầm trong cơn say xe.
Bỗng rầm một cái. Chiếc xe đâm phải cái gì đó. Một vật cứng quật xuống nền đường, còn chiếc xe lạng sang bên phải, cắt xiên qua mép đường rồi mất thăng bằng. Rất từ từ nó nghiêng mình đặt sườn bên phải xuống bờ ruộng, lại đang đà lăn thêm cho nóc xe áp hẳn lên mặt ruộng, bốn bánh chổng lên trời.
Hai mươi bốn con người bị lắc xúc xắc trong xe. Sây sát nhẹ. Sưng phồng rất nhẹ. Đập vỡ cửa kính chui ra được hết. Chỉ có mỗi củ tam thất bị khung ghế đè lên chân cứ nằm kẹt trong xe mà gào. Chết tôi rồi. Cứu tôi với. Anh ơi anh đừng lấy vợ mới, anh nuôi lấy hai con. Nghiên cứu viên Hai mặt tái mét, chạy quẩn chạy quanh bên ngoài khung xe. Cứu vợ tôi. Xăng đang chảy kia kìa. Xe sắp nổ rồi.
Kêu lên thùng xăng sắp nổ thì rõ ràng anh ta thường xuyên nghiên cứu phim Mỹ. Số hành khách vừa chui ra cộng với đám thanh niên bên đường nhảy xuống ruộng, nâng cái khung xe lên từng chút một. Củ tam thất rút được cái chân ra, tưởng mất hóa ra chỉ bị kẹt phần mềm. Chị ta vồ lấy chồng, ôm chặt lấy chồng mà khóc, nhất định không bỏ ra nữa. Trong lúc ấy bà Bạch Cốt Tinh đã như một nữ tướng sắp xếp đám hành khách đứng thành một dây chuyển hết số hành lý từ trong xe lên mặt đường. Cô Thỏ Lon thì cứ ra khỏi xe là tỉnh, cô dẫn hết lũ trẻ con vào ngồi nhờ một căn nhà ven đường, cô cháu vạch áo nhau tìm xem có thương tích gì không.
Gần hai giờ sau cả đoàn đã ngồi trên một chiếc xe khách chạy tiếp về Hà Nội. Ông chủ tịch thị trấn đã xuống tận hiện trường, ông điều ngay chiếc xe khách đường dài này đưa đoàn về. Xe của đoàn vẫn nằm dưới ruộng chờ cẩu lên. Lái xe còn phải làm việc với cảnh sát giao thông. Ông lái mới mặt mũi hằm hằm, vừa lái vừa oang oang độc thoại: Cáu nắm rồi đây. Hận đời nắm rồi đây. Vừa mới ở Đà Nẵng ra tưởng được ngủ ngon một giấc thì cái não cha căng chú kiết dựng ngay dậy.
Ông ta vừa chạy đường dài về. Lại đang buồn ngủ. Cả xe thế là im re. Nhưng chỉ im được một lúc. Hóa ra xe mình đâm phải một thằng xe ôm. Nó từ đằng sau vượt lên, cứ nhùng nhằng mãi trước mũi xe mình, không chịu nhường đường. Rồi đáng lẽ tạt vào bên phải để nhường thì bất đồ nó tạt sang trái để sang đường. Xe mình đâm phải đít xe nó, ông lái tạt vào trong để cứu mạng nó nên mới lăn xuống ruộng đấy. Nghe đâu thằng ấy cũng là người thị trấn, vợ nó mới chết bệnh, thấy cái xe mấy chục người xuống ruộng, nó càng hoảng loạn, bỏ cả xe máy đấy chạy trốn. Mà tay xế cũng lạ, đổi hai mươi tư nhân mạng trên xe lấy một thằng xe ôm.
Chuyện trò cứ thế râm ran cả lên. Cứ như có phép thần, chẳng ai bị mất cái chân cái tay. Bấy giờ một chị mới nghĩ ra. Có cái Đền Cô thiêng lắm, hôm đi cả xe mình đều ngủ mê mệt lúc đi qua đền, không ai vào trình Cô, chắc cô phạt. Củ tam thất vội vàng mô phật rồi bảo chồng, thôi đúng rồi, lát nữa tới Đền Cô, chúng mình mua hương hoa rồi anh lên với em, chúng mình xin cô tha cho, cô giơ cao đánh sẽ. Thảo nào.
Kết Thúc (END) |
|
|