Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Dã Hương Tác Giả: Phạm Thanh Thúy    
    Năm tôi mười ba tuổi.
    Một buổi sáng tôi nói với cha: 'Cha ơi! Ngày nào bà ngoại cũng lên đồi nhìn sang rừng dã hương cha ạ'.

    Cha tôi chớp đôi mắt to, vẻ nghĩ ngợi. Ngay tuần sau, cha bảo tôi thu xếp một chuyến về thăm bà ngoại.
    Nhà bà ngoại nằm dưới chân một ngọn đồi trồng keo lá tràm xào xạc, trước nhà có dòng suối nhỏ nước đầy vơi theo mùa. Con suối này rất đặc biệt, vì lúc nào, dù đầy hay vơi thì cũng nhiều lá xanh, lá vàng trôi, và nước luôn có một mùi thơm rất nhẹ. Tú nói nó bắt nguồn từ trong núi sâu, chảy qua rừng dã hương. Lá dã hương rụng nhiều xuống suối làm cho nước có mùi thơm.
    Tú là con gái của bác tôi, một người phụ nữ lấy chồng làng bên. Từ khi dì Út bỏ đi, không đành để mẹ già đơn chiếc nên bác cử cô con gái nhỏ của mình về sống với bà. Tú không hài lòng với cuộc sống này cho lắm:
    “Ở với bà ngoại chán chết. Lúc nào trong nhà cũng sực mùi dầu gió”.
    Tú nói bà ngoại ốm yếu quanh năm ngày tháng, và bà chẳng chữa bằng thuốc gì ngoài dầu gió. Mùi dầu gió lưu cữu lâu ngày trong quần áo, quẩn trong không khí và ám vào từng vật dụng trong nhà.
    *
    Lúc cha đưa tôi về, bà ngoại đang ngồi trên thềm. Tôi chào. Bà nhìn tôi rất lâu, không biểu lộ chút cảm tình nào. Khuôn mặt bà nhăn nheo, gân guốc, nhưng vẫn phảng phất nhan sắc thời son trẻ. Bà già nào chẳng nhăn nheo, gân guốc, nhưng tôi có cảm giác tôi, hay ai đó là thủ phạm chính gây nên nông nỗi đó của bà. Bà không vồ vập âu yếm tôi như tôi đã hình dung suốt chặng đường dài đằng đẵng từ thành phố về thăm bà, lần đầu tiên. Đúng thế, lần đầu tiên trong đời tôi về thăm bà ngoại.
    Bữa cơm đoàn tụ diễn ra đơn giản và nhiều phần gượng gạo. Cha tôi nói chuyện mà như thông báo với mẹ vợ tình hình gia đình trong nhiều năm gộp lại. Mùi dầu gió nặng nề khiến cả ngôi nhà y như đang ốm.
    … Sáng hôm sau Tú dẫn tôi trèo qua ba ngọn đồi thấp trồng keo phía sau nhà. Đến đỉnh đồi thứ ba, chúng tôi dừng lại. Đứng dưới những tán keo rắc phấn hoa vàng tả tơi trong gió, tôi nhìn xuống một thung lũng nhỏ mọc đầy sim mua. Hết thung lũng sim mua là đến một khoảng rừng xanh. Dưới nắng thu vàng trong trẻo, khoảng rừng như ánh lên một màu xanh khác thường, rất đẹp.
    “Rừng dã hương!” - Tôi thốt lên khe khẽ.
    “Sao Khoa biết? Rừng dã hương đó”.
    “Mình vào đó chơi đi!” - Tôi hào hứng, đôi chân như muốn bay lên ngay tức khắc.
    “Không! Bà ngoại cấm đấy. Bà mà biết là chết” - Tú tỏ vẻ hoảng sợ, nhưng đôi mắt không rời màu xanh tuyệt đẹp của rừng dã hương trong nắng.
    Tú sớm bộc lộ nhan sắc đằm thắm của một sơn nữ ở tuổi mười bốn, giống dì Út. Cha tôi nói bà ngoại có ba cô con gái thì cô nào cũng đẹp. Người đẹp nhất là dì Út. Tiếc là dì mắc chứng tâm thần, hay bỏ nhà lang thang vào rừng dã hương.
    Dì Út bị tâm thần từ khi đứa con của dì chết. Không ai biết đứa bé được sinh ra khi nào, vì sao chết, chỉ biết dì từng mang thai, và khi đứa bé không còn nữa, dì trở nên ngớ ngẩn. Vào năm phát bệnh, dì Út mới tròn mười bảy. Cuối cùng, một ngày nọ, dì vào rừng dã hương và chưa một lần thấy quay về. Người làng đồn dì đã làm vợ một người đàn ông trong xóm Củi.
    Xóm Củi là xóm duy nhất của con người ở sâu trong rừng dã hương. Và khắp một vùng núi đồi rừng ruộng rộng lớn, dã hương chỉ mọc tập trung thành một rừng mà thôi.
    “Đừng bao giờ nhắc đến xóm Củi trước mặt bà ngoại. Nhắc là chết đấy” - Tú dặn, rồi khẽ thở dài.
    “Tại sao?”
    “Vì dì Út cãi lời bà, lấy chồng xóm Củi. Ở đây không ai thích người xóm Củi hết”.
    Ngày hôm sau, tôi một mình trèo qua ba ngọn đồi trồng keo. Khi đứng trên đỉnh ngọn đồi thứ ba, phấn keo vàng theo gió rắc đầy lên tóc, lên vai tôi. Rừng dã hương xanh thẫm trong nắng vàng êm dịu. Có một mùi thơm thoảng nhẹ trong gió. Đó là mùi của dã hương.
    Một cô gái xõa tóc từ trong rừng dã hương đột ngột xuất hiện. Dường như cô đang bỏ chạy. Chỉ giây lát sau, một người đàn bà cũng từ rừng dã hương chạy ra, đuổi theo và rất nhanh túm được cô gái:
    “Tao cấm! Tao đã cấm cơ mà!”.
    Cô gái trẻ rũ xuống trong trận mưa roi phủ lên người. Tóc xanh khỏa trên lưng, tràn xuống mặt đất phủ dày chạt những chiếc lá xanh bóng tỏa mùi hương thơm ngát.
    “Đừng! Xin đừng đánh!”.
    Tôi không hiểu sao đã rời đỉnh đồi đầy phấn hoa vàng và lao vào cơn mưa roi. Lưỡi roi từ tay người đàn bà hung dữ lia trên lưng tôi nhon nhót buốt.
    Thoắt nhiên, khuôn mặt hung dữ của người đàn bà biến thành khuôn mặt nhăn nheo lạnh lẽo của bà ngoại.
    Một đám người đang xúm quanh. Tú đứng ngoài cùng, tóc xõa ngang lưng. Tóc Tú dày và đen như tóc người con gái chịu đòn roi của người mẹ dữ dằn trong giấc mơ tôi vừa thấy.
    Những người xúm quanh tôi nhanh chóng bỏ về, chỉ còn bà ngoại, cha tôi và Tú. Cả ngày không thấy tôi về, cha tôi buộc phải vào làng nhờ người tìm kiếm. Họ tìm thấy tôi ngủ say dưới gốc dã hương bìa rừng, nơi con suối thơm chảy qua mang theo những chiếc lá.
    “Sao em dám vào rừng dã hương? Bà ngoại biết rồi.
    Chết đấy!”
    Tú luôn chêm từ “chết” vào bất cứ câu nào có liên quan đến lệnh cấm của bà ngoại, như thể đó là một lời nguyền khủng khiếp.
    Cha tôi bảo lời nguyền ấy khởi nguồn từ việc bà để vuột mất khỏi vòng tay đứa con gái út xinh đẹp nhất của mình về một chốn không xứng.
    Dì Út tôi đã cãi lời bà, lấy một người đàn ông xóm Củi. Xóm Củi nằm sâu trong rừng dã hương. Vì sao xóm Củi lại ẩn mình trong rừng dã hương? Tú bảo là bởi vì họ bị những người quanh vùng từ chối. Từ lâu lắm rồi không có ai bình thường chịu tiếp xúc với người trong xóm ấy.
    Tôi đứng trên đỉnh đồi keo ngắm rừng dã hương xào xạc. Ý nghĩ về một xóm nhỏ với những nếp nhà bình yên trong một rừng cây ngát hương khiến đôi chân tôi như muốn bay lên. Mùi thơm nhẹ nhàng thoảng qua của những cây dã hương hút tôi, và dường như có một người phụ nữ đẹp, đầy nhân ái, bao dung đang đợi tôi ở đó…
    Tôi không biết giải thích về việc mình ngủ dưới gốc dã hương thế nào cho Tú hiểu. Tú nhìn tôi dè dặt và thoáng những muộn phiền. Mười bốn năm sống cách rừng dã hương ba ngọn đồi và một thung lũng, từng thấy vẻ đẹp kiêu hãnh và bí ẩn của rừng dã hương, nhưng chưa bao giờ Tú có ý nghĩ sẽ bước chân vào khu rừng đó. Tú biết, đó là nơi không bao giờ Tú thuộc về. Đó là thế giới của những người bị chối bỏ, bị cố tình lãng quên.
    Một thế giới bị người ta chối bỏ, thì hẳn chứa đựng trong nó nhiều điều khủng khiếp. Chính điều này càng làm tôi tò mò. Tôi muốn biết họ, những người xóm Củi là ai.
    Lẽ dĩ nhiên bà ngoại không bao giờ nói cho tôi điều tôi muốn biết. Đôi mắt, khuôn mặt bà như vĩnh viễn bị khắc dấu, dấu của sự hằn thù. Bà thường tránh xa tôi, như thể tôi là một con bệnh lây truyền. Dường như bà muốn tôi nhanh chóng biến mất khỏi ngôi nhà sặc mùi dầu gió. Việc cha tôi, con rể thứ của bà, và tôi, đứa cháu ngoại thành phố xuất hiện đột ngột là điều bà không bao giờ muốn.
    Nhưng đôi mắt của Tú thì chứa đựng những bí mật.
    Tôi rủ Tú đi chợ. Tú nói không muốn đi, và một cậu trai trẻ ở nơi khác đến như tôi thì càng không nên đi. Chợ quê đồng rừng thì có gì mà thăm thú.
    Tôi thích những phiên chợ quê, chợ quê miền núi thì càng hấp dẫn. Tú không đi, tôi sẽ đi. Tú nói đừng đến chợ, vì sẽ có người xóm Củi ở đó.
    Tại sao?
    Bởi người ta đồn đại người xóm Củi đẹp lắm, như tinh cáo trong những truyện liêu trai. Những người phụ nữ xóm Củi tóc thường đen dài, da trắng lạ thường. Hễ cứ khi nào họ xuất hiện ở chợ, hay những lễ hội là lại thêm một hai người đàn ông trong làng đòi ruồng rẫy vợ con để đi theo họ. Đàn ông xóm Củi cũng thế, ai cũng đầy vẻ quyến rũ, họ chỉ cần thả một chút đắm say trong đôi mắt to màu hạt dẻ của họ dành cho người phụ nữ nào là người phụ nữ ấy ruồng rẫy chồng con để tìm cách đi theo họ.
    “Mua đi cháu. Mật ong phấn hoa rừng đấy, hiếm lắm”.
    Tôi nhìn cái chai mật ong vàng sánh đựng trong cái giỏ lạ lùng đẹp mắt đan từ sợi mây rừng. Màu mật tuyệt đẹp, tự nó toát lên như người ta nhốt trong đó một ngôi sao rực lửa.
    Ngước nhìn người đàn bà bán mật ong, tôi ngỡ ngàng: Một đôi mắt nâu màu hạt dẻ cũng tuyệt đẹp và buồn bã nhìn tôi. Một cú nhói ở tim tôi khẽ khẽ, rồi lan khắp lồng ngực, tỏa đi khắp cơ thể. Đôi mắt của người phụ nữ như hút tay tôi chạm vào chai mật ong đang tỏa sáng.
    “Đừng!” - Tú thình lình giật tay tôi lại. Tôi sững người nhìn chai mật ong. Nó như ánh lên một lời từ biệt.
    “Đừng có mua. Muốn chết thì mua. Hiểu chưa”.
    “Tại sao?” - Tôi vùng vằng với Tú. Tú không nói gì nữa, kéo tôi lùi xa khỏi chợ.
    Từ trên một mỏm đất cao bên rìa chợ nhìn xuống, tôi bàng hoàng nhận ra trong đám đông ở chợ có mấy người bày những món hàng mà không một ai lại gần hỏi han. Họ như tâm của những vòng tròn cô độc. Tại sao?
    … Choàng mộng dưới gốc dẻ gai bên rìa suối, tôi mỏi mệt ngắm cây dẻ gai đang mùa quả rụng, gió lay và những quả nâu nhỏ xinh rơi lõm bõm xuống lòng con suối đang mải miết chở hương thơm đi xa khuất. Trên cành dẻ gai, một con sóc nhỏ run rẩy nép nhìn tôi. Sóc cũng có đôi mắt nâu màu hạt dẻ. Cả người con sóc nhỏ ánh lên màu hạt dẻ.
    Người ta bảo những người ruồng rẫy vợ, hay chồng vì người xóm Củi đều không có được hạnh phúc. Rất nhanh họ đều chuốc lấy bẽ bàng. Người xóm Củi không những ma quái mà còn bạc tình. Xóm Củi vì thế mà bị người trong vùng xa lánh. Ngô thóc bí bầu của họ trồng đem ra chợ bán không ai dám mua. Con thú hay mật ong họ lấy trong rừng mang biếu tặng cũng không ai dám lấy. Không gia đình có con trai con gái nào muốn lọt vào mắt dân xóm Củi…
    Vậy mà tôi chưa bao giờ gặp một người dân xóm Củi, như thể họ chỉ tồn tại trong truyền thuyết.
    *
    … Năm tôi hai mươi ba tuổi.
    Một buổi sáng tôi nói với cha:
    “Cha à. Bà ngoại nằm ngủ dưới gốc cây dã hương”.
    Cha tôi khẽ thở dài, đôi mắt to màu hạt dẻ của ông chơm chớp. Sáng hôm sau, tôi và cha lái xe về ngôi nhà của bà ngoại bên bờ suối.
    Bà ngoại ốm nặng, đang nằm trên chiếc giường gỗ. Trong nhà đã có nhiều người, con cháu và xóm giềng. Khi tôi đến, bà nhìn tôi, mắt ầng ậng nước. Tú nói bà sắp về với tiên tổ rồi, và bà mong tôi biết mấy. Vừa mới đây thôi, dì Út và chồng con về thăm bà. Họ sống ở xóm Củi, trong rừng dã hương.
    “Em biết. Dì Út để tóc dài đến khoeo chân, da trắng, mắt to màu hạt dẻ”.
    “Sao Khoa biết?”
    “Chị giống dì” - Tôi nói. Tú mỉm cười, nửa hãnh diện, nửa buồn bã.
    Căn nhà không còn mùi dầu gió. Những cánh cửa sổ mở toang, gió từ những đồi cây đuổi theo nhau xào xạc. Cha tôi nói bà ngoại nghiệt ngã là vì cả cuộc đời u buồn đằng đẵng trông theo bóng người chồng bội bạc như cánh chim trời bay xa mãi. Hình như ông ngoại đã ruồng rẫy vợ con theo người phụ nữ trong rừng dã hương xanh ngát.
    Người ta đồn rằng người xóm Củi dù có giả dạng thế nào cũng không qua mắt được dân quanh vùng. Rừng dã hương bao bọc họ trong từng giọt nước họ uống, trong không khí họ thở. Họ đi đến đâu, mùi hương từ họ tỏa thơm đến đó.
    Người ta cũng đồn rằng người xóm Củi rất đặc biệt, họ có thể thấy tiền kiếp của họ, hay cuộc sống của người khác qua những giấc mơ…
    Tôi ngồi bên bà ngoại của tôi, người chưa từng ôm tôi vào lòng, chưa từng nói với tôi một lời âu yếm.
    Giờ đây, ngôi nhà không còn mùi dầu gió, trong không gian có một mùi hương nhè nhẹ, mùi dã hương tỏa ra từ mái tóc, từ tấm thân gầy mong manh như gió của bà…

Kết Thúc (END)
Phạm Thanh Thúy
» Vườn Trinh Nữ
» Đêm Dương Cầm
» Lặng Nhớ Mùa Đông
» Cây Sầu Đông Trước Ngõ
» Ngày Của Gió
» Quái Xế
» Hoa Hồng Xác Pháo
» Quái Xế!
» Hạt Bụi Lơ Lửng
» Duyên Cây
» Dã Hương
» 12 Chiếc Bánh Flan
» Hoa Thả Bùa
» Rong Rêu Từ Biển
» Sông Dài
» Tiếng Hót Của Họa Mi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng