Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Một Nhành Xuân Tác Giả: Dương Duy Ngữ    
    Đại viên lan đích thực là của một người Hà Nội, đã có đến bốn đời ở con phố gần chợ Trời và chùa Vua. Anh là một trong số ít thanh niên chơi lan sớm nhất ở Hà Thành vào năm 90 cuối thế kỷ trước. Khi ấy các cụ tuổi cao chơi lan ở Hà Nội chỉ còn vài ba cụ. Nhiều người đã nghĩ, có lẽ thú chơi tao nhã, tinh tế vương giả này đã hết người say mê. Hóa ra họ lầm. Từ năm 2000 kinh tế dồi dào, cái ăn, cái mặc phong phú no đủ thì tinh thần không thể thiếu. Mọi người đua nhau chơi vương giả lan. Thú chơi lan đã trở thành phong trào. Nhà nhà chơi lan. Người người chơi lan. Từ Hà Nội, Hà Tây cũ đã lan tỏa đi các tỉnh. Nào Tây Bắc, Việt Bắc. Nào Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Nào Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh... Tiếc thay, phong trào chơi lan đã bị thương mại hóa. Các tỉnh thi nhau mở hội lan, thi lan quảng bá cho chủ vườn. Họ còn thống nhất với nhau đẩy giá những cây lan quý hiếm lên cao. Có bạn chém gió vù vù. Chậu lan mới nhập đặt dưới phòng có hai triệu một dẻ hành. Anh ta đặt cho nó một cái tên thật quyến rũ: Xanh mê ly và bán luôn chín triệu một thân. Ông chủ cũ chứng kiến lắc đầu ngán ngẩm.
    Vương giả lan biến thành thương mại. Có anh chàng thấy người ta chơi lan, bán lan lãi quá, liền dốc hầu bao một số tiền lớn mua. Vợ anh ta kêu trời, chơi bời gì mà tốn kém tiền bạc đến vậy. Anh ta bảo tôi làm kinh tế, tôi vui chơi có thưởng đấy. Khi những thân lan bắt đầu đẻ con, đêm đêm anh ta bấm đèn pin bắt sâu, bắt sên. Anh ta khoe với vợ, lãi to rồi. Giò lan giá 800 nghìn một lá đẻ rồi. Đại thanh cũng đẻ. Được những ba mầm. Đại hoàng cũng đẻ hai mầm. Đêm nào anh ta bắt sên, xem lan xong lại diễn bài ca lan đẻ, vợ anh ta chối tai bảo, đẻ... đẻ lắm thế. Không làm gì thì đẻ thế nào được. Anh ta vẫn vô tư nghĩ đến lan. Lan đẻ. Tháng bảy còn đẻ thêm lần nữa. Đại thanh, Đại hoàng, mỗi năm đẻ hai lần cơ. Lãi to rồi. Vợ anh ta chép miệng. Rồ. Rồ rồi. Anh ta cự lại. Nhìn những mầm lan lớn từng ngày đẹp quá cơ. Hoá ra, trồng lan cũng như người nông dân trồng lúa. Ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả. Ai có thể ngờ, có một đêm, đúng một đêm thôi, lũ chuột đói khát, cắn bỏ lá non, đào xuống gặm sạch củ và rễ non. Nước rãi chuột, răng chuột đối với lan cũng ác độc như rắn độc cắn người. Nhìn vườn lan tan hoang, anh ta rũ rượi, ngồi ôm mặt khóc. Vợ hỏi, anh tiếc tiền hay tiếc lan? Anh ta giật mình, xấu hổ. Cắn răng, gạt nước mắt, đứng dậy. Làm lại. Phải làm lại. Vợ bảo, đừng đếm cua trong lỗ nữa. Nghe chuyện anh ta, anh cười ra nước mắt.
    Lại có xuân, hai cậu bên Đông Ngàn dắt nhau đến nhà một vị cao nhân. Một cậu gầy đen cóc cáy, áo quần nhem nhuốc như thợ hồ giữa ca, một cậu mặt lưỡi cày. Họ tìm đến xin cụ cố vấn về lan. Cái cậu mặt lưỡi cày than vì dốt lan nên bị lừa mua toàn lan rởm mất ngót 100 triệu đồng. Con trai cụ ra hiệu mời bố vào phòng trong nói nhỏ, bố ơi, năm nay bố nghe người ta, mua phải con chó phản chủ. Bố đừng bày vẽ cho họ. Nhất là cái ông mặt lưỡi cày. Con nghi lắm. Cụ bảo, mặc họ. Bố có chút vốn liếng nào về lan thì bảo họ cũng tốt chứ sao. Còn họ có lật đi lật lại như cái lưỡi cày cũng chả sao. Chả phương hại gì đến mình. Cái chú mặt lưỡi cày đến nhà cụ thường ngày thân tình như con cháu trong nhà. Chú ta chở cả ghế cao, chum rạn từ Đông Ngàn sang cho, chú bảo: Cái chum này cụ kiếm tí xi-măng hàn lại. Đựng nước tưới lan. Thường ngày chú lái con xe lít đưa cụ đi “trên từng cây số”. Hết Sơn Tây, đến Thành Nam, xoành xoạch để tầm lan cổ. Bạn chơi lan gặp cụ như gặp lại cố tri, tay bắt mặt mừng. Họ nể cụ nên lan nào quý hiếm chú ta cũng mua được. Vậy mà hậu duệ cụ Phúc Thái chỉ mời cụ vào xem lan chứ nhất định không cho chú ta bước qua cổng ngõ. Tầm hết lan quý đi qua nhiều vườn lan đẹp ở Hà Nội giao lưu với bạn chơi lan, học hết võ thầy. Gặp vợ chồng cụ ở hội lan chú ta phớt lờ như không biết. Ồ, hoá ra cái người anh vẫn gặp vác máy ảnh lăng xăng ở hội thi lan. Chơi vương giả lan mà lại thế ư? Anh lắc đầu. Cơ chế thị trường mà. Có gió lành và gió độc. Thú chơi vương giả lan tao nhã trở thành trò chơi thương mại. Do vậy anh quyết giữ sạch lòng để chơi vương giả lan. Đại viên nhà anh có đến hàng trăm loại lan quý hiếm và đặc hữu. Bạn chơi lan bảo anh phải có duyên với lan lắm mới có thể tầm được, bấy nhiêu lan đẹp. Có loại hoa nở vàng rực rỡ, óng ánh mà vẫn e ấp, kín đáo như có sương che, tuyết phủ. Đẹp quá. Anh lấy tên con gái thứ hai là Bảo Châu đặt cho hoa. Bởi hương sắc rất hợp với con. Còn con gái lớn thì hơi khó. Anh còn lựa chọn, còn sàng lọc trong hơn 40 loại lan đặc hữu xem loại nào hợp với con nhất. Dù thời tiết hằng năm dẫu thất thường đổi thay, nắng đầu hè như lửa đốt cháy lá, dù gió bấc giá buốt như kim chích vào da thịt, hoa lá cũng không đổi màu, luôn luôn xanh thắm, vươn thẳng mà vẫn dịu dàng uyển chuyển hợp với tính nết của con.
    Hưng bảo, anh say đắm tìm kiếm lan rừng. Ở lan rừng anh luôn được khám phá, ngắm nghĩ cái mới, cái đẹp, cái tinh hoa còn lẩn khuất cả nghìn năm trong những cánh rừng mà hương thơm tinh khiết vẫn lan tỏa, vẻ đẹp vẫn ánh lên như vầng trăng lặn tận cùng đáy nước mà ánh sáng vẫn lung linh, sáng ngời trên mặt sóng. Còn như lan cổ, các cụ ta đã định hình xếp loại hết rồi. Như Đại mặc là Quân vương, Mặc biên là Thừa tướng, Tiểu mặc là Thái tử, Thanh ngọc là Hoàng hậu, Hoàng vũ là Hoàng phi... Các loại khác là tướng là lính, là cung tần, mỹ nữ. Sưu tầm được nhiều lan rừng quý anh mới thấy, còn bao chàng trai trẻ đẹp, bao vị tướng oai hùng, dũng mãnh, bao giai nhân ẩn cư nơi rừng thẳm, thung sâu.
    Càng chơi vương giả lan anh càng thấu hiểu tại sao các cụ lại dành lan gió cho phái yếu. Bởi cuộc đời lan nào có khác gì nữ giới. Lan Hoàng thảo đấy. Trưởng thành. Ra hoa. Đẻ con. Rồi héo dần. Khô dần. Trơ thân như đoạn củi giữa thanh thiên. Thương lắm! Thời đại đổi thay, nữ giới lên ngôi. Lan gió hoàng thảo cũng theo đà bốc lên. Lan cánh bướm trắng tuyết, có giá đến hai triệu đồng một xen-ti-mét. Mỗi nhành dài ba bốn mươi phân thì giá bao nhiêu? Ai tin? Bạn chơi lan tin. Có người bảo, anh giàu không cần tiền, không cần hồi vốn nên không bán lan. Ô hay thật! Đã có ai không cần tiền? Hay vì cái dạ dày tham mà nhục mà chết. Ở thời kinh tế thị trường giữ cho tấm lòng trong sạch khó lắm. Tổ tiên vẫn răn con cháu, Thanh tâm phúc tự lai. Ở đời nhiều kẻ giàu hơn anh nhiều. Họ ở nhà sang, đi xe xịn vẫn mua lan, bán lan với lãi khủng đấy thôi. Lòng tham. Cái lòng tham thì biết bao nhiêu tiền cho vừa túi. Lòng tham biến thành kẻ tử thù của thú chơi vương giả lan. Anh cười tươi, đấy là chuyện của họ. Anh cao ráo, gương mặt đầy đặn, nụ cười rạng rỡ đẹp xao lòng. Anh chỉ biết cố giữ cho được cái văn hoá tinh tế tao nhã của người Hà Nội. Bạn bè thân thiết đến chơi. Xem lan. Tấm tắc. Nước chả thèm uống. Bàn ghế tiếp khách chả muốn ngồi, chỉ quanh quẩn trên vườn lan. Ngắm nghía cây này. Sờ lá cây kia. Lúc ấy, cái thú say lan, ngắm lan còn hơn cả ngắm người đẹp. Có những loại lan bạn bè thích lắm nhưng không thể có tiền mua bởi nó có đến năm triệu một dẻ hành. Hưng sẵn sàng sẻ biếu một thân. Nhưng phải đến Tết ta, anh mới phân lan mở hàng cho bạn. Bạn sướng. Anh vui. Các cụ dạy của cho là của được mà!
    Bạn của Hưng là Bách “ngoác” khoe, chỉ với hai thân đại thanh, hai thân đại hoàng được Hưng mở hàng, Bách cũng ăn đủ. Lúc anh Hưng mang về chưa biết hoa nó thế nào. Lúc hoa nở màu xanh to đẹp long lanh, màu vàng rực rỡ quyến rũ. Mấy anh chơi vương giả lan, chong đèn suốt đêm, uống rượu ngắm hoa, bình hoa mà vẫn không đã mắt. Anh Hưng đặt tên cho hoa là Đại thanh, Đại hoàng. Vài năm sau, người chơi lan đông dần. Nhiều người thích đại thanh, đại hoàng. Cung không kịp cầu. Hiếm như thanh ngọc của cụ Trưởng chàng ở Ngọc Hà. Anh không bán, Bách “ngoác” độc quyền. Nhưng Bách không bán ngay. Bách nhận tiền rồi hẹn họ xếp hàng. Bách nuôi cho Đại thanh, Đại hoàng, đẻ theo cấp số nhân thành khóm to, bụi lớn, mới phân ra. Cứ một cây vàng một thân Đại thanh. Nửa cây vàng một thân Đại hoàng. Khi vàng lên cao thì đại thanh mười lăm triệu một thân. Năm triệu một thân đại hoàng. Bách kiếm cả chục năm. Bây giờ, Đại hoàng đẻ nhiều xuống giá. Nhưng Đại thanh vẫn khoảng giá ấy. Lại còn địa lan lưỡi vàng cánh đỏ màu quả thanh long chín hồng thắm cũng từ nhà Hưng ra. Dẫu ngày nay, người ta khai thác được cả địa lan Đại thanh, Đại hoàng ở Yên Tử, Ba Vì và Hòa Bình. Nhưng bạn chơi vương giả lan vẫn nhớ đến thương hiệu của Hưng, và gọi với những cái tên khá kêu: Đại thanh Hưng Hà Nội, Đại hoàng Hưng Hà Nội, Đỏ Hưng Hà Nội như ngày xưa các cụ gọi Mặc Phúc xuyên, Mặc Phúc thái Sơn Tây. Thanh ngọc Trưởng chàng Ngọc Hà... Chơi lan đạt đến độ có đến ba bốn thương hiệu cho ba bốn loại lan quý là hiếm lắm. Có lẽ chỉ mình anh, duy nhất có mình anh đạt được ba thương hiệu vương giả lan cao sang này. Đấy là chưa kể đến một số giò lan gió đặc hữu cũng được bạn chơi lan gắn với tên anh.
    Nhiều bạn chơi lan bảo anh chỉ cho Bách “ngoác”, mỗi loại vương giả lan vài thân mà Bách “ngoác” còn ăn đủ, thì ở nhà anh hẳn những loại lan quý hiếm ấy phải phát triển dày đặc thành những chậu to, chậu nhỏ. Anh ý tứ mỉm cười.
    Anh sinh ra, lớn lên ở phố cổ. Mấy chục năm trồng lan ở phố cổ. Lan được ví như người quân tử giấu mình dưới thung sâu. Vì vậy lan không hợp con phố nhỏ trở thành chợ Trời ngột ngạt hơi người, náo động ồn ào, chất đầy phụ tùng xe cộ, máy móc. Năm nào cũng có những cây lan khó ở, anh phải đem đi gửi bè bạn ở nơi tĩnh lặng thoáng đãng, khí trời trong sạch lan hồi sức mới đem về. Đấy là chưa kể đến việc chọn giá thể, thay giá thể và tưới tắm, tìm sâu, bắt bọ thường ngày.
    Chăm cho lan sống và phát triển là khó lắm. Cái thú chơi lan ở phố cổ chợ Trời vất vả, cầu kỳ chứ đâu phải chỉ có thanh nhã, cao sang. Do vậy, chơi vương giả lan phải mê say đến mức một ngày không ngắm lan lòng dạ đã cồn cào, xôn xao. Vắng nhà dăm bảy ngày đã sốt ruột lo lan. Bao bất ngờ đổ ập vào lan. Nắng. Gió. Chuột. Chỉ một đêm, chuột có thể cắn mầm, đào gốc ăn củ, ăn rễ non phá tan cả vườn lan. Còn nuôi mèo diệt chuột thì mèo biến luôn những chậu lan thành toa lét. Dẫu có chậu xỉ, chậu cát để riêng nhưng mèo không thích thế. Ở phố cổ, càng khó tránh tai họa cho lan.
    Giờ đây kinh tế dồi dào. Hưng đã làm nhà ở nơi đất đẹp, trời trong, khí lành. Vương giả lan bày khắp ba tầng nhà. Chắc chắn ở chốn mới này lan sẽ phát triển. Anh sẽ có nhiều lan quý hiếm biếu bạn. Anh vẫn ước mong, đến mỗi cái Tết ta có thể mở hàng cho bạn một nhành xuân.
    Đó là cách mở hàng đặc biệt. Cách mở hàng sang trọng của một người Hà Nội.

Kết Thúc (END)
Dương Duy Ngữ
» Anh Cảnh Sát Khó Ngủ
» Một Nhành Xuân
» Nghệ Nhân Hoa Lan
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Hoa Học Trò
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má