Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ngủ Biển Tác Giả: Hoàng Hiền    
    Nhà nằm chênh vênh lưng chừng dốc.
    Lúc cha cắm rựa xuống núi hỏi mẹ cao chừng ni được chưa, mẹ lắc đầu thì cha lại leo thêm một đoạn dốc, lại hỏi: Được chưa? Được chưa? Khi mẹ gật đầu thì cha mới cắm cọc, phát luồng dựng cột, buộc kèo. Mẹ muốn ở thật cao giữa rừng luồng bạt ngàn, thật xa bà nội, để tiếng bà gọi cháu, gọi con trai sẽ rơi hẫng ở lưng đồi.

    Nhà lọt thỏm giữa rừng luồng bạt ngàn, gió bốn bề thản nhiên lục lọi, mưa lung lay những vì kèo chắp nối thách thức cha ràng cột hết ngày này sang ngày khác. Mỗi lần trèo thang sửa nhà sau trận mưa dông, mồ hôi cha nhỏ xuống cả tóc Xuân đang cố ghìm thang tre sợ cha bị ngã. Cha lầm bầm những gì không rõ, còn mẹ bền bỉ thản nhiên thu gom cành lá gãy rụng quanh nhà. Sau cơn mưa, nền đất trong nhà sục lên lớp bùn đỏ, đất đá núi không vồ nện nào làm cho phẳng được, trải phên phên mục, lót gỗ thì lên nấm lên men. Nhà bà nội dưới chân dốc rộng thênh thang mẹ không muốn ở, mẹ leo thật cao lên dốc làm gì, rút cục có chia rẽ được ai đâu, bà nội vẫn canh giờ Xuân đi học về là vẫy vào dúi cho Xuân củ khoai cái bánh, quả na trong vườn vừa chín, hay cái đùi gà, nắm xôi trong mâm cúng mồng một hôm rằm. Xuân chỉ ước được thu mình giữa chiếu chăn giường bà, nằm đấy mưa gió ngoài kia tha hồ gào thét, thứ hương thoang thoảng của miếng trầu bà nhai cứ ấm êm ve vuốt giấc ngủ lành.
    Nhưng Xuân cũng thương mẹ, em hay ngồi trong bàn học nhìn qua ô cửa sổ nơi mẹ giặt đồ mà đong đếm từng chút xà bông, gáo nước. Trên đồi chỉ có củi là không thiếu, còn thì cái gì mẹ cũng chắt chiu. Bữa cơm thường chóng vánh, mẹ và cha tránh nhìn vào mắt nhau. Cây sào phơi đồ bên hông nhà gió kẽo kẹt trêu ngươi, quanh năm phất phơ mảnh áo cha bị luồng cào rách mướp, mẹ cứ vá víu nơi này luồng lại cào rách nơi khác. Nhiều lúc Xuân giận mẹ khi đứng giữa rừng luồng hun hút, gùi măng trên vai thì nặng mà không biết tiếng gọi cha gọi mẹ vướng víu trên ngọn cây nào. Mãi sau này, Xuân cũng quen, rừng luồng em thuộc nằm lòng từng hướng, lối cha vác luồng xuống đồi đã tạo thành con đường mòn nhỏ. Em như con sóc nhanh nhẹn chạy lên chạy xuống nhắn cha mẹ nấu xong cơm, nhưng cha còn nấn ná rửa cái bể xi-măng cho bà hứng nước mưa, cha muốn ngồi lai rai với mấy ông bạn hàng xóm, cha mải mê ngắm người ta thu gom cá tính tiền hàng chục triệu, cha nói khơi khơi:
    - Mẹ con mi cứ ăn trước đi…
    Mấy lần đầu thì mẹ ngồi chờ, sau mẹ dọn cơm ăn trước, có khi đang ăn lại vứt đũa bỏ dở bát cơm.
    Trời vào mùa mưa, cha phủ lên mái nhà tấm bạt hai lớp, mưa không nhỏ từ trên mái xuống, nhưng gió hợp sức với mưa xô cửa táp vào nhà. Làng nằm trong rốn bão, trước kia dân làng ở trên đồi nhiều lắm, còn trỉa ngô trồng khoai, nhưng cứ một trận bão đi qua là bao nhiêu công sức đổ rạp ngổn ngang trên nền đất nhão. Tháng tháng năm năm dân làng chuyển dần xuống chân dốc, thanh niên trai tráng trong làng hè nhau đi biển, đàn bà trẻ con ở nhà trồng cói dệt chiếu, đan lưới đan phên. Bây giờ, trên đồi người ta trồng bạt ngàn luồng, thứ cây dẻo dai cứ vươn lên xanh mướt, từng cụm gốc già nua bao bọc lấy măng non, chúng nương tựa vào nhau trước bão dông, vút cao tăm tắp, rễ bám sâu vào đất đồi cằn cọc miệt mài tích nhựa nuôi cây.
    Qua mấy mùa bão dông, cha đã chán ngán việc chèn giữ cửa, mẹ xiêu lòng với cơn hen của Xuân sau mỗi trận mưa rào. Mỗi lần thấy trời kéo mây đen, gió đổi chiều gai gai da thịt mẹ lại giục Xuân chạy ù xuống nhà nội mà trú, mẹ ở lại một mình. Bà nội ở dưới chân dốc cũng canh chừng, thấy gió đổi chiều là đong thêm nắm gạo, chọn thêm con cá khô dầy mình nhất, hái thêm nắm rau trong vườn, mẹ con bà cháu quây quần bên mâm cơm nghi ngút khói. Có bữa đang ăn thì Xuân khóc, xin bà mang cá mang cơm về cho mẹ, bà gật đầu ngay nhưng đi được nửa chừng dốc thì cha giật lấy gói cá liệng vào giữa rừng luồng bảo mang về mẹ giận, lần sau con đừng xin.
    Những lần trốn mưa Xuân lao vun vút trên con đường mòn, em bỗng thấy mình như mũi tên tre bé nhỏ, những thân xanh óng ánh bao bọc lấy em cho đến khi em áp mặt vào gối chiếu nhà bà thì luồng răng rắc vặn mình. Không một ai ngoài rừng luồng biết khi cha và em đã yên trí bên mâm cơm nghi ngút nhà nội, có một người lặng lẽ, nhanh nhẹn băng lên ngôi nhà ọp ẹp lẻ loi.
    Luồng chở che cho thân hình mảnh dẻ của Xuân, và luồng cũng chở che cho kẻ si tình tội lỗi.
    Rồi mẹ sinh em. Xuân xách cà men xuống đồi, bà nội bới cho em đầy cà men cơm trắng, ít thịt nạc kho gừng để mẹ ăn chiết dạ. Hôm mới sinh mẹ lắc đầu bảo Xuân ăn hết đi, mẹ không ăn. Nhưng cu em bé bỏng cứ dứt dứt núm vú mềm teo, cựa quậy khóc bứt rứt cả đêm không tròn giấc, mẹ xót con, chồng xót vợ, Xuân van mẹ ăn đi rồi từ từ con tập nấu cơm, qua hôm sau mẹ cũng cầm thìa vừa ăn vừa trào nước mắt.
    Sáng nào Xuân xuống, bà nội cũng đón từ đầu ngõ, vừa tất bật xới cơm gắp thịt kho gừng vừa tíu tít hỏi thằng cháu đích tôn của bà thế nào? Có khá không? Tóc có nhiều không? Xuân tả tỉ mỉ cho bà mớ tóc tơ của em, cái chân xinh xinh đôi mắt tròn đen láy, da dẻ hồng hào trắng nhất xóm mình. Dù đã hỏi dễ mấy chục lần, lần nào bà cũng tròn mắt rứa à, rứa a và thường bất giác đưa tay ra trước Xuân người hơi nhịp nhịp như đang bế bồng thằng nhỏ. Xuân cứ cười rũ ra rồi về kể lại cho cha mẹ, mới đầu mẹ chau mày, sau thì mẹ cười, rồi có lần mẹ khóc.
    Xuân ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó mẹ đưa cu em xuống dốc, em được ngủ ngoan trong chăn gối ấm hơi trầu. Thằng bé sẽ lớn lên, Xuân sẽ chia cho em mấy cây na trong mảnh vườn thênh thang của nội, sẽ đào khoai sọ lùi vào than củi, chị em chia nhau cắn những miếng bở tơi, Xuân sẽ cõng em đi khoe với mấy đứa bạn trong xóm cho chúng nó thấy da em trắng muốt, môi đỏ tươi, mái tóc tơ mềm…
    Xuân lên kế hoạch của một người vá víu tấm chăn đã rách lâu ngày. Ngày ngày xuống dốc lên đồi, em nói với mẹ bà muốn lên thăm em, nói với bà mẹ hỏi bà có khỏe, cái chân bệnh khớp lúc trở trời đã bớt đau chưa. Cha mỉm cười khi thấy con gái mình đã ra ràng chị cả, em lo toan nhiều quá... Rồi bà cũng nhận lời, sẽ nấu xôi chè cúng mụ bà cho cu em ngày đầy tháng, mẹ cũng gật đầu nhờ bà lên giúp. Xuân háo hức trước mấy ngày, em hát líu lo giữa rừng luồng, chạy lên chạy xuống không biết mệt. Luồng cũng vít vu như reo hát, chung niềm vui, chung chiến công với em.
    Nhưng tấm chăn em vá víu rộng và dài quá mà sợi chỉ yêu thương em nối mãi chẳng đủ dài…
    Nhìn bà tấp tểnh cái chân bị khớp từ dưới dốc lên, bao nhiêu bát đĩa xôi chè em giành mang hết, bà vui, cháu vui là thế mà khi mở cửa không thấy mẹ và cu em đâu. Xuân chỉ sợ bà giận, em níu tay bà bảo bà đợi cháu một tị một ti, chắc mẹ chỉ loanh quanh đâu đó. Em háo hức ra sau chái nhưng không thấy mẹ, em tìm quanh nhà, rồi rộng hơn, xa hơn, em khản cổ gọi mẹ, gọi cu em nhưng rừng luồng im bặt, những thân cây mảnh khảnh vươn lên cao vút lặng im, chúng che giấu điều gì tội lỗi, chúng xấu hổ không nhìn em lấy một lần. Cha tìm thấy em khi em đang ngồi khóc, lặng lẽ xốc em lên vai. Bàn tay thô ráp vò mái tóc rễ tre bết bát mồ hôi, nhẹ nhàng vỗ vỗ tấm lưng gầy guộc. Em cun cút theo bà xuống dốc, cha buộc dây thừng vào cây cột cái, bặm miệng vắt sợi dây lên vai, lấy đà bước xuống dốc. Tổ ấm xiêu vẹo rồi đổ đánh huỵch, em sững lại nhìn những kèo những cột, những lá những phên ụp xuống giữa rừng luồng. Bà kéo tay em giọng nghẹn đi:
    - Mình về thôi cháu.
    Cha bước xuống đồi, thân hình cao lớn rũ ra như vừa bị ai rút mất xương sống, bước chân liêu xiêu như người say. Bà dặn Xuân đừng bao giờ hỏi gì về mẹ, đừng làm đau lòng cha. Cha uống rượu nhiều hơn, có khi tối mịt cũng chưa về nhà ngủ. Chiếu nệm vẫn ấm mùi trầu mà em thấy lạnh lẽo quá, tấm thân gầy guộc của bà không đủ ấm cho em. Xuân vẫn mơ thấy mẹ ngồi trên cái chõng tre vạch áo cho cu em bú, vừa rung rung đùi cho cu em ngủ vừa phe phẩy quạt cho Xuân. Người mẹ thơm mùi sữa, má thằng cu em thơm mùi của mẹ, Xuân hít hà đôi má bầu bĩnh mãi không thôi…
    Nhiều đêm Xuân chong đèn đi tìm cha, tìm khắp xóm trên xóm dưới, người ta nói cha đi ra biển, Xuân cầm đèn ngược gió mà chạy, đèn tắt từ khi nào Xuân không biết, tay em vẫn nắm chặt sợi dây thép treo đèn. Dưới trăng, em thấy cha áp mặt vào mạn thuyền, còng queo như chưa bao giờ lực lưỡng. Biển hát ru những lời ầm ì tẻ nhạt, từng đợt sóng đánh dạt vào bờ, rồi lại vội vã chạy vút ra khơi. Xuân không đếm được bao nhiêu đêm như thế.
    Rồi một hôm cha đi đâu thật sớm, lúc trở về mang theo thùng nhựa đường, cha lật chiếc thuyền vẫn nằm úp bên hông nhà chăm chút quét lớp nhựa đường đen bóng. Bà đứng bên bụi khoai sọ sụt sùi nước mắt. Bà nói khẽ:
    - Con ơi! Ăn của biển bạc lòng!
    Hôm sau cha lên huyện cả buổi chiều, tối muộn về lụi hụi nhét mấy cái áo quần vào túi. Bà bật dậy níu tay cha ở lại. Cha gắt lên:
    - Mẹ thật rầy rà, con sức rộng vai dài, còn phải nuôi con Xuân ăn học.
    Bà cố níu:
    - Mi ở nhà thêm vài ngày, sớm mai ra chợ, tau mua ít thịt thăn giã cho hộp ruốc mà mang theo.
    Cha dứt khoát:
    - Mẹ quên rồi sao, người ta ra biển theo ngày trăng con nước, con đi thuyền với người ta.
    Đêm đầu tiên cha lênh đênh ra khơi, hai bà cháu trằn trọc không ngủ được, Xuân hỏi bà ngày ông không trở về từ biển, và mẹ mình bà còn giấu điều gì. Bà luồn bàn tay nhăn nhúm vào tóc em, bảo, người mẹ phải chọn cách rời xa giọt máu mình mang nặng đẻ đau thật chẳng dễ dàng. Mẹ ra đi vì cu em không phải con của cha Xuân, vì mẹ còn thương người cũ.
    Mẹ trở đi trở lại trong ý nghĩ của Xuân. Em thường trốn bà chạy lên đồi, nơi căn nhà đổ ụp mà ngồi khóc, chỗ chái nhà lu nước vẫn còn, chỗ ấy mẹ hay ngồi gội đầu chải tóc… Em cũng thường đi về phía biển ngóng cha trở về, em thường thắc mắc, trên thuyền lênh đênh giữa khơi xa cha có uống rượu không, lúc buông lưới giăng câu cha có nghĩ gì đến mẹ. Bà nhận cói về đan, cói giăng đầy ngõ, bà bảo phải tìm việc gì làm cho đỡ nôn nóng tay chân. Người trong xóm bảo cả làng đi biển đấy thôi, đàn ông đầu sóng ngọn gió. Bà tắc lưỡi rằng biết vậy, nhưng lòng không khỏi cồn cào.
    Xứ này nhà nào nhà nấy tựa lưng vào đồi, mặt nhìn ra biển. Người ta bảo tốt cho phong thủy, nhưng bà bảo rằng để tiện ngóng người từ biển trở về.
    Ngày cha Xuân còn nhỏ bà thường dẫn con ra ngủ biển, con vốc cát lấp chân còng gió, mẹ trằn trọc đợi sớm mai giúp chồng đẩy thuyền ra khơi hay chờ thuyền cá trở về. Bao nhiêu đêm ngủ biển và những chuyến khơi xa của ông nuôi cha lớn, những câu chuyện về nước săn nước dịu, về tiếng chim sẻng tíu tít nhắc cá duội, cá cơm, cá me đang chạy theo đàn cha thuộc nằm lòng. Biển sống cuộc sống phóng khoáng và mạnh mẽ, đau thương nhiều nhưng cũng ung dung ngạo nghễ. Con trai trong làng, thuở thủng đáy ở trần đã mơ giấc mơ khơi xa. Ngoài đó lòng người bao giờ cũng dậy lên thứ tình cảm rộng lớn và ấm áp, người ta nương tựa vào nhau khi biển giận dữ. Khối mênh mông xanh biêng biếc mịn như xa tanh cần mẫn vuốt ve những gay gắt đời thường. Biển thúc giục người ta mạnh mẽ, quyết liệt trước bão dông và cũng rù rì nhẹ nhàng thổi vào lòng người thói quen bình tĩnh, gột rửa những muộn phiền.
    Nhưng biển cũng cướp mất ông.
    Từ đó bà cấm cha không đi về phía biển. Bà vẫn giữ thói quen trông ra phía biển sớm hôm chiều muộn. Bà biết mẹ Xuân vẫn nhung nhớ người xưa. Một chiều, hoàng hôn đã buông, mặt trời rệu rã tìm về chốn nghỉ, ráng mỡ gà còn rơi rớt đủ trông tỏ ánh mắt mẹ Xuân nhìn người xưa rưng rức… Bà vội vã trở về nhà, bàn tay run rẩy lần giở cuốn lịch, miệng lầm bầm tính ngày tính tháng, bà gặng hỏi Xuân sinh ngày tháng năm nào. Mẹ đánh rơi bọc cá trước thềm nhà, đêm hôm ấy mẹ thu gom đồ đạc, trí nghĩ bị lấp đầy vì uất ức. Đàn bà khi đã nghi ngờ nhau, thật khó mà đi ra đi vào chạm mặt, điều nghi ngại khiến người mẹ đau đớn nhất không gì khác là giống dòng máu mủ của đứa con. Nhiều lần một tia nghĩ ác độc nhen lên trong đầu mẹ chỉ vì Xuân giống cha như đúc, từ mái tóc rễ tre, mồ hôi muối bết bát đến đôi chân nhỏng giò như ống đồng, nhưng ý nghĩ ấy cũng vội vàng bị dập tắt khi Xuân cất tiếng gọi:
    - Mẹ ơi!
    Bà không cản cha vác rựa vác cột dựng nhà trên lưng chừng dốc, bà tự trách mình đã cấm cha ra biển, làng mình trai gái nào mà không nhờ biển se duyên. Nếu bà không cấm cha đi về phía biển, biết đâu đấy mẹ Xuân không phải cô Mùi…
    Rồi cha cũng trở về, một buổi sáng trời trong xanh như ngọc, Xuân thấy dáng cha vạm vỡ từ xa, em áp mặt vào vòm ngực mặn mùi của biển. Những ngày ở nhà, không lúc nào cha để chân tay nghỉ ngơi. Cha mang rìu đánh gốc luồng già trồng lứa mới, phát luồng đan phên phơi cá để cho bà cháu ăn dần, cha cũng đan lại hàng rào, đánh luống trồng thêm khoai sọ, thay mới cái bóng đèn leo lét chỗ bàn học cho Xuân. Cha không quen nựng nịu, câu âu yếm nhất cha nói với Xuân mà rằng:
    - Mi giống tau như đúc mi hầy.
    Mãi về sau này, Xuân thường theo cha ra biển mỗi lần thuyền ra khơi, đứng nhìn thuyền cha rẽ sóng về phía mặt trời đang mọc, ngắm từng đợt sóng đánh vào bờ ào ạt, đợt sóng này bị đánh lùi ngay lập tức những đợt sóng khác lại đánh vào bờ liên tiếp. Có lần cha bảo: “Sóng vỗ bờ hát khúc hát tiến lên”. Những lần cha trở về, Xuân hay bắt gặp ánh mắt đàn bà xóm chài nhìn cha óng ánh khác thường. Em cũng như những người đàn bà làng chài sớm có nếp quen ngóng ra phía cổng. Bà nói: Biết đâu sau này sẽ có thêm người ngóng cha từ phía biển cùng em. Em cũng mơ về tấm chăn mới tinh tươm khi thi thoảng lại thấy cha đi ngủ biển. Biển nuôi xóm làng khôn lớn và biển muôn đời vẫn cần mẫn se duyên.

Kết Thúc (END)
Hoàng Hiền
» Ngủ Biển
» Đào Phai
» Sau Lưng Là Rừng Thẳm
» Cây Cô Đơn
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má