Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Tình Câm Tác Giả: Phong Điệp    
    -Bộ bà mót lấy chồng lắm hả?
    Vừa đặt phịch túi xuống ghế, con Vân đã gióng giả hỏi bà. Cái giọng sắc lạnh như dao miết trôn bát của nó, bà rùng mình ớn lạnh. Bình thường mẹ con vui vẻ thì nó sẽ ôm chầm lấy, hôn hôn hít hít như thể tình nhân đi xa lâu ngày thèm hơi nhau, thậm chí còn thò tay lùa áo mẹ sờ cặp ti nhăn nheo rồi lăn lê ra giữa nhà tỉ tê đủ thứ chuyện. Có hôm muộn quá mà nó vẫn con cà con kê, bà sốt ruột phải giục đứa con gái ương ổi vì sợ chồng con nó ở nhà đợi. Nghe mẹ nhắc nhở, nó vâng dạ như sắp đi về đến nơi, đoạn móc điện thoại: “A lố a lồ, chồng yêu hả, bố con ở nhà tự chăm nhau, em ngủ lại với bà. Thế có muốn hỏi thăm mẹ vợ mấy câu cho tình cảm không? Không hả? Vậy cứ ngoan chăm cháu cho bà, rồi bà bảo con gái bà về đấm lưng bóp vai bù cho nhá. Hí hí!”. Bà nghe con gái gọi điện mà cứ ớ người ra. Đàn bà con gái không có cái kiểu buông việc cho chồng thế được con ơi. Đàn ông sinh ra không phải để lo mấy chuyện vặt vãnh như đàn bà chúng mình. Không có mẹ cơm nước thì bố con nó biết ăn gì? Không có hơi mẹ thì con Thóc nó ngủ làm sao? Thôi về đi. Rồi lúc khác chạy sang chơi với mẹ cũng được. Chỉ có mẹ con mình thì không sao, đằng này còn nhà nội ngay gần đấy, người ta nói cho mất mặt lắm. Trong khi bà lo lắng, nó chỉ ừ hữ chống chế rồi lăn ra đi văng xem ti-vi như chả có chuyện gì. Nó càng dửng dưng bà càng hối thúc. Bà giục nhiều thì nó nổi cáu. Dào ôi, có mỗi đứa con, việc khó nhất là sinh đẻ thì con đã làm cho rồi, giờ chăm con thì có gì mà không làm được. Tủ lạnh đầy đồ ăn đấy, chả nhẽ thằng bố không biết làm gì cho con bé nó ăn? Bà yên tâm đi, con Thóc nhì nhèo một lúc là ngủ thôi. Con là cứ phải đào tạo thế bố con nó mới không hư. Nghệ thuật cả đấy mẹ ơi! Bà nghe mà ù cả tai. Ôi chao, giờ đám trẻ nó còn có món dạy chồng như thế nữa! Gần sáu mươi tuổi đầu, chồng mất năm bà mới ba mươi hai tuổi, khi con Bí đỏ, tức con Vân mới được bốn tuổi. Bà ở vậy nuôi con đến giờ, nên “nghệ thuật dạy chồng” thế này, bà chịu thua! Bà còn thua con cả lúc nó lên cơn nóng lạnh bất thường. Sợ nhất những lúc nó lên cơn giận dỗi, cái mặt nó phẳng như mỡ đông, rồi nó lạnh nhạt gọi người đẻ ra nó là “bà” bằng cái giọng xa xôi cách trở, hoặc theo cái kiểu quan tòa truy vấn tù nhân, lạnh lẽo. Nhà chỉ có một mẹ một con, bà còn mong mỏi nào hơn là mẹ con đùm bọc, thương yêu nhau. Ngày bé, nó có sai quấy điều gì, bà cũng đâu dám đánh con. Roi chưa chạm vào mông con, mẹ đã ứa nước mắt. Con nghịch dao đứt tay, nhìn máu con chảy mà bà thấy máu trong người mình như sắp cạn đến nơi. Bà thương nó như thế, nhưng cái tính ương ngạnh, nóng lạnh bất thường của nó thì cứ nảy nở như mầm cỏ dại. Thôi thì bà cũng chỉ biết nín nhịn làm lành. Bà thấp thỏm lo ngại rằng với tính khí bất ổn như thế rồi cuộc đời của nó sẽ gặp nhiều sóng gió. Gieo tính cách gặt số phận, bà luôn tâm niệm điều đó. Gieo phúc đức, gặt bình yên. Chứ cứ chăm chăm gây gổ sinh chuyện rồi thì tai vạ lại đổ xuống đầu. Nhưng cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Con Bí đỏ của bà tính ương ngạnh thế, bà nói nhiều rồi nhưng cũng chỉ như nắng sém ngoài da thôi, tính nết nó chẳng mảy may suy suyển. Giờ thì nó lại vác cái mặt sưng tấy như bị ong châm về hỏi bà rằng “Bộ bà mót lấy chồng lắm hả?”. Vậy là nghĩa làm sao?
    Chừng này tuổi, bà bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thế mà ai xui ai khiến mà nó dám bảo bà là... Con ơi là con! Nếu bà muốn có người đàn ông bên cạnh cho đỡ cô đơn, thì bà đã làm điều đó từ khi nó vào đại học, khi mà những cuộc hẹn hò yêu đương đẫm mùi sến súa của nó không khi nào kết thúc trước 11 giờ đêm. Khi mà nó đột ngột bỏ nhà, cắt mọi liên lạc hàng tháng trời để đi theo cái người đàn ông mà nó cho rằng số phận của đời nó. Nhưng nào bà có tha thiết gì đâu. Chỉ cần có nó nói cười xôn xao bên cạnh là đủ. Giờ bà còn được nhiều hơn thế, bà có thêm thằng rể ngoan ngoãn, hiền lành và đứa cháu ngoại xinh như thiên thần. Bà ước gì hơn nữa đây?
    - Sao bỗng dưng con lại hỏi mẹ thế? - Bà cố giữ giọng ôn hòa để gặng hỏi con.
    - Con tưởng bà mới có nhiều chuyện vui để kể cho con cháu nghe rồi còn nhận lời chúc phúc nữa chứ. Ai lại âm thầm tận hưởng một mình như thế!
    Trời ơi, sao nó cứ nói câu gì là như thể dao cứa vào tim.
    - Mẹ con mình có phải người ngoài không con?
    Đứa con gái bà khẽ khựng người lại. Bộ mặt đang sẵn sàng “chiến đấu” của nó có chút bối rối. Nó chờ đợi sự phản pháo từ bà.
    - Nếu không phải người ngoài, nếu có chuyện gì, con cứ nói thẳng với mẹ. Đừng vòng vo, rào trước đón sau thế. Mẹ cũng biết tổn thương chứ con...
    - Người ngoài hay người trong thì mẹ tự biết. Nếu không có chuyện gì thì hàng xóm láng giềng người ta đã chả nói ầm lên kia kìa. Thích thì cứ công khai, việc gì mà phải thậm thà thậm thụt.
    - Người ta nói sao? Ai thậm thà thậm thụt? Con càng nói mẹ càng không hiểu?
    - Còn nói sao nữa. Rằng bà chuẩn bị tái giá. Hay quá đi. Rằng người ta trẻ hơn bà vài tuổi. À cũng tại vì là bà trẻ lâu, nhan sắc mặn mà nên chênh lệch thế chứ thêm vài tuổi nữa chả sao. Nhưng cái này thì hay hơn nữa. Rằng vợ người ta mất vừa đủ đoạn tang. Mà người ta quấn quýt với bà cũng đủ chừng ấy năm. Con cái nhà người ta cũng quý mến bà lắm mà. Giờ hai ta về một nhà là vừa đẹp!
    Trời ơi! Nó phải làm bà thật đau nó mới hả hê hay sao? Bà cố chắp mối những thông tin con Vân vừa đưa ra... Ai trẻ hơn bà? Ai vừa đoạn tang? Thôi, chết... Khu phố nhà bà có chú Quân, vợ bị bệnh hiểm nghèo, mới qua đời năm kia. Lúc chị vợ bị ốm, bà cũng hay sang giúp đỡ chợ búa, cơm nước, thậm chí tắm giặt cho chị vợ và chăm đám trẻ bên ấy. Thì cũng là tình nghĩa hàng xóm, nhìn cảnh nhà người nheo nhóc, lấn bấn quá mà thương. Vợ chồng nhà ấy lấy nhau muộn, chị vợ gần 40 tuổi mới sinh con nên đến khi vợ chồng chớm già mà con cái vẫn còn như củ khoai, củ sắn, chưa đủ cứng cáp để tự lập. Sinh liền hai đứa nên sức khỏe người mẹ thêm phần ốm yếu. Anh chồng chân chất, thật thà, chả ngại gì việc nhà, kể cả chợ búa, giặt giũ, thậm chí tết tóc cho con. Lúc người mẹ qua đời hai đứa con vẫn còn đang tuổi cắp sách đến trường, mặt mũi đứa nào đứa nấy bần thần, xơ xác như gà con lạc mẹ. “Mất cha ăn cơm với cá, mất mẹ liếm lá dọc đường”, xót cảnh côi cút của mấy bố con nhà ấy nên thỉnh thoảng bà vẫn tạt qua trò chuyện động viên, hoặc có gì cần hỗ trợ bà lại đỡ đần. Hôm thì bà tiện thể đi chợ luôn cho mấy bố con nhà ấy. Hôm thì bà đón con bé về ăn trưa cùng để chiều còn kịp đi học. Chứ ai lại bạn bè cùng lứa dậy thì, phổng phao cả rồi mà con bé người ngợm vẫn thẳng như cái then cửa. Ừ, thì bà có thân thiết hơn với mấy bố con nhà ấy, vì cũng có chút đồng cảnh ngộ. Nhưng chuyện chỉ dừng lại thế thôi. Chứ bà ngần này tuổi đầu, cháu ngoại đã chuẩn bị đi học. Vậy mà ai nỡ đơm đặt chuyện gì? Họ nói về bà những gì khiến con gái phải nổi sung lên? Sao bà không hay biết gì hết vậy?
    - Mẹ là mẹ con, mẹ như thế nào chẳng lẽ con không hiểu?
    - Ôi dào, trời đất còn thay đổi huống hồ con người... Thôi, con là con chỉ nói thế thôi. Con thì chẳng cấm đoán gì cả, tùy bà. Có bầu có bạn cho đỡ cô quạnh cũng tốt thôi. Chỉ có điều nếu có việc gì thì cũng nên đàng hoàng cho con cháu biết để mà lo...
    Ngực bà nghèn nghẹn.
    
- o O o -

    Thôi bà chừa! Bà không lo chuyện bao đồng nhà người. Bà không cần tốn công thương vay khóc mướn nhà người.
    Từ hôm con Vân ghé đến, bà như người bị trúng gió, không dám bước chân ra ngoài. Nhà còn gì thì ăn nấy. Có hôm bà chỉ bỏ nắm gạo với ít đậu xanh làm nồi cháo mà nhệu nhạo cả ngày không hết. Được cả tuần lễ ăn tạm ăn bợ thì bà thèm rau. Sáng bà dậy thật sớm, chạy nháo nhào ra chợ, mua đủ thứ rau về để ăn trong mấy ngày. Bà còn cẩn thận đi vòng đường khác cho đỡ phải ngang qua nhà bên ấy, đỡ gặp đám trẻ nhà bên ấy ríu rít: “Bác Hạnh, bác Hạnh ơi”. Gặp người quen bà cũng chỉ ừ hữ chào hỏi qua loa cho xong rồi rảo bước về. Chỉ khi nào cánh cửa đóng lại, chặn mọi lời đồn đoán ác ý ở bên ngoài, bà mới thấy dễ thở.
    Cả ngày bà ngồi như tượng trước ti-vi, xem hết từ bản tin tài chính, phim tình cảm Hàn Quốc cho tới tin nắng nóng đổ bộ miền bắc, giải bóng bàn toàn quốc vừa kết thúc, học sinh lớp 12 đi thi đoạt giải... Bà cố nạp hết biển tin tức cho chật chội đầu óc để khỏi phải nghĩ ngợi, rồi lại tủi thân. Nhưng càng cố không nghĩ ngợi, thì những suy nghĩ trong đầu bà càng mọc lên tua tủa như giá đỗ ủ lá tre, khiến lòng dạ bà thêm ngổn ngang.
    Tối qua con bé nhà bên ấy sang. Nghe tiếng gọi lảnh lót của nó mà bà giật thót người.
    - Bác Hạnh ơi bác Hạnh. Con là Tiên đây bác Hạnh ơi.
    Bà định lờ đi. Coi như bà không nghe thấy gì. Coi như bà không có nhà. Miễn sao bà không phải đối diện với con bé, không phải nói những lời xã giao, nhạt nhẽo. Nhưng đèn trong nhà vẫn sáng trưng, tiếng ti-vi lao xao, bà định trốn cách nào đây?
    Bà ngồi lì trên gác. Kệ con bé ấn chuông dưới nhà. Ấn chán không có người mở cửa rồi nó cũng phải về thôi. Nhưng đợi chừng dăm phút thì bà thấy không nỡ. Bà xỏ dép, lệt xệt đi xuống:
    - Có chuyện gì không... Tiên?
    Bà định gọi nó là con, như mọi bữa, rồi thôi... Tự nhiên bà bắt mình phải nắn nót từng câu chữ. Sợ ai đó hiểu nhầm...
    - Bố con đi công tác, có quà miền nam bảo con mang sang biếu bác.
    Phải như mọi hôm, bà sẽ mở cửa. Bà sẽ ríu rít hỏi han con bé. Mười sáu, mười bảy tuổi đầu, nhìn con bé cứ ngơ ngác lớn mỗi ngày bà vừa thương vừa lo. Tuổi ấy là phức tạp lắm. Giờ vắng người mẹ ở bên là thiệt thòi lớn cho mấy chị em bé Tiên. Bởi vậy lúc trước hễ có điều kiện bà lại tỉ tê hỏi han, chuyện gì khuyên nhủ được thì bà khuyên nhủ.
    - Bác xin. Cho bác gửi lời cảm ơn bố nhé.
    Bà he hé cái cửa, nhận túi chôm chôm từ tay con bé rồi nhanh tay đóng cửa lại. Cái cung cách là lạ ấy của bà khiến con bé ngạc nhiên:
    - Bác bị ốm hả bác?
    - À, không... Tại... bác đang dở chút việc.
    Bà gượng gạo chào con bé. Trước khi kịp đóng hẳn cánh cửa, mắt bà bất chợt chạm phải ánh mắt dò xét phát ra từ ngôi nhà phía bên kia đường. Bà thót tim như thể vừa bị điện giật. Ánh mắt ấy... sao bà từng gặp đâu đó... Họ nhìn bà và con bé Tiên, họ thì thầm điều gì đó. Bà hối hả đóng cửa, chặn những tia nhìn soi mói.
    Lên gác rồi, bà vẫn chưa hết băn khoăn.
    Giờ thì bà nhớ rồi... Bà nhớ ánh mắt ấy.
    Tối hôm ấy nhà bà bị chập điện, mùi dây điện cháy khét, khói bốc lên nghi ngút. Hoảng quá bà gọi cái nhà chú Quân sang xem giúp. Chả phải hai nhà vẫn tối lửa tắt đèn có nhau đấy thôi. Cũng may chú Quân vừa đi làm về đến nơi, nên chạy luôn sang. Trong bóng tối, người soi đèn pin, người loay hoay nối dây điện, đóng lại cầu dao. Hì hụi chừng nửa tiếng đồng hồ thì sự cố được giải quyết. Đúng lúc ấy thì trời đổ mưa, sấm chớp đùng đùng. Bà cắt đĩa cam mời khách ăn trong lúc đợi mưa ngớt. Rồi câu chuyện đưa đẩy làm quà xoay quanh chuyện con cái cũng rôm rả. Đến khi cái nhà chú Quân về thì trời cũng đã khá muộn. Lúc mở cửa tiễn khách bà bắt gặp đúng ánh mắt soi mói ấy. Nhưng bà ở đây mấy chục năm trời, là người như thế nào, cả tổ dân phố đều biết, việc gì phải thanh minh? Bà cứ thanh thản sống là mình thôi. Ấy vậy mà hình như người ta không để bà yên. Dứt khoát những tin đồn thất thiệt từ đó mà ra, tới tai con gái bà, khiến con bé nhảy dựng lên như thể vừa bị cả đàn ong tấn công. Rồi nó về tấn công lại bà.
    Giờ thì người đàn ông ấy đang ngồi trước mặt bà. Người mà bà vẫn gọi là chú Quân. Khuôn mặt vuông chữ điền, đen sạm, khắc khổ như tượng đá ngồi ủ rũ trước bà như kẻ đang chịu tội. Sau dăm lần bảy lượt sang tìm gặp bị bà khước từ, cuối cùng người đàn ông ấy cũng đã tìm được lý do để gặp. Lý do chỉ đơn giản là “gặp một lần nói rõ mọi chuyện rồi thôi”. Nhưng gặp thì bà biết nói chuyện gì đây? Rằng con bé nhà tôi không muốn tôi qua lại bên ấy. Rằng thiên hạ người ta đang đồn tôi với chú. Ngần này tuổi đầu, tôi không muốn dính vào ba cái chuyện rắc rối ấy, mang tiếng lắm, xấu hổ lắm.
    - Hạnh...
    Bà giật thót người. Mọi bữa người ta vẫn gọi bà là “chị Hạnh”, sao bữa nay...?
    - Các cháu bên nhà vẫn ngóng Hạnh sang chơi. Các cháu cứ thắc mắc sao dạo này bác Hạnh bận thế. Chúng nó thấy Hạnh gầy đi như người vừa ốm. Có chuyện gì, còn có hàng xóm láng giềng... Hạnh đừng như thế. Tôi lo.
    Hai tay bà vò vào nhau nát nhừ. Có cái gì khang khác trong cách nói của người đàn ông kia. Chẳng phải lâu nay bà vẫn coi người ấy như cậu em trong nhà, mấy đứa trẻ bên ấy như con cháu. Nhưng rồi từ bữa con Bí đỏ vác cái mặt ong châm, mang tới cho bà cái tin động trời nọ thì tự nhiên bà muốn tuyệt giao, cắt đứt.
    - Vâng, quả là dạo này tôi cũng có mấy việc bận rộn, chú và các cháu thứ lỗi.
    - Tôi biết chuyện cháu Vân nói với Hạnh...
    Người bà Hạnh lạnh toát. Sao lại liên quan gì đến con Vân, con gái bà ở đây? Chẳng lẽ nó sang gặp người đàn ông này? Trời ơi! Tính cách của nó thì bà còn lạ gì. Nó dám hùng hổ kéo đến nhà người ta làm tanh bành lên lắm. Liệu nó có sỉ nhục người ta không? Nó có dằn mặt người ta, yêu cầu người ta đừng đeo bám, làm phiền mẹ nó? Còn mấy chị em con Tiên nữa. Chúng nó sẽ nghĩ gì?
    Ngày xưa... Cũng có người tới với bà. Người ta nghiêm túc. Người ta hứa thương con Hạnh như con đẻ. Người ta sẽ chăm lo cho cả hai mẹ con. Trong lúc bà con bối rối, lưỡng lự thì con Hạnh đã làm gì? Nó lấy dao bằm nát lốp xe người ta. Nó trợn mắt, chống nạnh, trân trân nhìn người ta bước vào nhà. Rồi nó thi gan bằng cách ngồi bệt ngay giữa nhà xem người ta nói gì với mẹ nó. Người ta kiên trì cả năm trời để lấy cảm tình của nó thì cả năm trời nó biến thành con sói con dữ dằn, không chấp nhận thỏa hiệp. Quà cáp người ta mang cho nó, nó xếp đống góc nhà, đến cả nilon bọc quà nó cũng không thèm bóc ra. Rồi người ta lặng lẽ biến mất khỏi cuộc đời bình lặng của hai mẹ con. Khi đó con Bí đỏ ương ngạnh mới vui tươi trở lại. Bà biết vậy nên suốt bao nhiêu năm xác định lòng nhất quyết đóng băng trước mọi sự quan tâm, trước mọi lời yêu thương... Bà không muốn mất con. Bà không muốn đứa con tội nghiệp của mình bị tổn thương.
    - Con dại cái mang. Cháu nó có điều gì không nên không phải với chú, chú cho tôi xin lỗi. Cũng chỉ vì nó nghe lời thiên hạ đàm tiếu rồi…
    - Không, cháu nó nói đúng.
    Người đàn ông nhìn thẳng vào mắt bà Hạnh. Ánh nhìn lạ lẫm, khiến toàn thân bà bỗng run rẩy.
    - Là thằng đàn ông mà tôi hèn quá. Tôi để Hạnh bị mang tiếng. Lẽ ra tôi nên nói thẳng với Hạnh.
    Bà muốn đỡ lời cho con người tội nghiệp ấy. Rằng mọi chuyện chỉ là hiểu nhầm mà thôi. Nhưng qua miệng lưỡi của thiên hạ, nó bỗng biến thành con rắn mang nọc độc, quay đầu tấn công những người có liên quan khiến cho họ bị tổn thương. Cả bà và người ấy. Vậy mới biết muốn sống yên ổn sao mà khó. Thôi thì cứ lánh bão còn hơn là đương đầu với những thị phi để rồi chính mình bị thương tích. Bà nghĩ kỹ rồi, mọi sự qua lại giữa hai bên sẽ giãn dần ra, không còn quá thân thiết nữa. Người ta hết cái để soi mói, bàn tán thì mọi sự lại đâu vào đấy thôi mà.
    - Tôi muốn đặt vấn đề với Hạnh.
    - Là sao? - Bà Hạnh hoảng hốt
    - Là... chính thức đặt vấn đề qua lại với Hạnh.
    - Kìa, chú... đừng đùa tôi thế chứ?
    - Không, tôi không đùa, tôi nói nghiêm túc mà. Tôi thương Hạnh thật lòng. Tôi cũng cố đã giữ lòng mình, sợ có gì thất thố, khiến Hạnh tổn thương. Nhưng nhà tôi cũng mất được ba năm rồi, nếu Hạnh cho phép.
    - Chú nghĩ gì vậy? Tôi ngần này tuổi rồi.
    - Vậy Hạnh nghĩ gì? Tôi cũng qua cái tuổi xốc nổi lâu rồi. Tôi cần người hiểu mình, thương mình, làm bầu bạn tâm tình với mình hằng ngày. Hạnh chỉ cho tôi xem có ai hơn Hạnh không?
    - Chú nói lạ! Việc ấy đâu liên quan tới tôi. Chú chỉ như tuổi em trai tôi thôi.
    Bà nói đi nói lại hai chữ “em trai” như xác quyết một ranh giới bất khả xâm phạm.
    - Có nhiều người trẻ trung, phù hợp hơn cho chú lựa chọn. Làm ơn... đừng đùa cợt tôi như thế!
    - Tôi không đùa cợt. Tôi chân thành. Tôi thật lòng. Bữa cháu Vân tới tìm tôi, làm rõ xem chuyện của tôi với Hạnh mà thiên hạ đang bàn tán, tôi cũng có phần ngạc nhiên. Vì đó là cảm tình của riêng tôi, tôi không hề thổ lộ với ai mà sao họ lại biết? Nhưng cháu Vân nói đúng, nếu thương Hạnh thật lòng thì phải gặp nói cho rõ. Đàn ông dám làm dám chịu, chứ cứ giữ trong lòng khổ tâm lắm...
    - Thôi, chú về đi. Tôi không muốn nói đến chuyện này nữa. Đừng nói với tôi chuyện này nữa.
    Bà Hạnh cố ghìm chặt hai hàng nước mắt. Bỗng dưng bữa nay tim bà nhức nhối như thể vết thương lâu ngày bị mưng mủ, sắp bục ra.
    - Thế tôi về.
    Bà không còn hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bà như con thú bị quăng vào giữa mê cung mà không biết cách thoát ra bằng cách nào. Ước chi tất cả những gì bà đã nghe từ người đàn ông ấy chỉ là một giấc mơ hoang đường nhất trên đời. Cả chuyện con Bí đỏ nhà bà đến gặp người ấy nữa. Thật hay là đùa đây? Bà làm sao có thể tin nó chấp thuận cho người đàn ông nào đó đến gần mẹ nó? Nó tha không xù lông tấn công người đó đã là may, sao nó có thể nói cái kiểu “nếu chú đến với mẹ cháu, chú đừng làm mẹ cháu khổ”. Câu này bà nghe sai sai thế nào ấy, tuyệt nhiên không phải là giọng điệu của con Vân. Hay đó chỉ là cách người đàn ông ấy nói để làm đẹp lòng bà, khiến bà thêm động lực để chấp thuận việc kia? Người ta nghĩ bà là thế nào chứ? Con bà, bà còn không hiểu ư? Thôi chết, kiểu này con người ấy dám đặt điều với con Bí đỏ là bà với người ta đã thuận tình vừa ý với nhau lắm. Chứ không đêm hôm mất điện gọi người ta đến làm gì? Đón con người ta đến nhà cho ăn uống để làm gì? Còn chợ búa cho người ta nữa. Thôi, bà biết mình dại rồi. Cái sự thương người vô lối đã hại bà rồi. Bà quan tâm người ta thế, hèn gì người ta không nghĩ này nghĩ nọ. Mà có khi người ta còn nghĩ bà thẹn nên người ta nói trước, chứ trong bụng người ta tin bà đã bằng lòng!
    Hay là con Vân đến làm ầm ĩ lên, người ta thương bà bị mất mặt với hàng xóm láng giềng nên người ta nhận chuyện tình cảm kia là đơn phương từ phía người ta? Người ta hứa với con gái bà sẽ chăm sóc bà, yêu thương bà. Vậy là người ta bị ép mà nói lời yêu thương chứ thực tình người ta đâu có muốn. Vậy thì ê chề cái mặt quá.
    Bà Hạnh nằm bẹp. Bà thấy cơ thể mình tan nát như quả dưa nằm bên đường vừa bị chân người xéo qua.
    Bà ốm thật. Cứ mở mắt là thấy mọi vật chao đảo, nháo nhào như trong đáy thùng phi bị vần đi trên đường giữa mùa nắng nóng. Cổ họng khô khốc, chát đắng. Bà cố gượng dậy để lấy cặp nhiệt độ nhưng chân tay mềm nhũn như sứa. Cố nhủ nằm thêm chút nữa cho đỡ chống chếnh, vậy mà bà lại lịm đi trong cơn mê.
    Tiếng điện thoại réo kéo bà tỉnh dậy. Số của con Vân. Chẳng phải bữa nay vợ chồng nó đang đi nghỉ ở Phú Quốc để kỷ niệm năm năm ngày cưới hay sao? Nghe tiếng chuông đổ rền rã mà bà không tài nào nhấc máy lên được. Bà muốn nói với con rằng mẹ vẫn ổn. Các con cứ đi chơi vui vẻ. Đừng lo cho mẹ. Lúc nào mẹ cũng ổn. Nhưng bà không tài nào thốt lên được lời nào.
    - Oắt con! Về ngay! Ai cần mấy cái thứ vớ vẩn này của mấy bố con nhà mày hả?
    Bà mở choàng mắt. Bà nhìn thấy gì kia? Con Vân của bà đang lôi xềnh xệch con bé Tiên ra ngoài cửa. Túm chôm chôm văng tung tóe giữa nhà. Mặt con bé Tiên méo xẹo.
    - Nhưng... Chị... Em sang thăm bác Hạnh.
    - Mẹ tao không khiến mày phải thăm! Biến!
    Vân ơi là Vân! Có bao giờ mẹ dậy con sự thô lỗ như vậy đâu hả Vân? Bà muốn quát con, nhưng cổ họng tắc nghẹn. Hai dòng nước mắt ứa ra trong tận cùng đau đớn.
    - Kìa mẹ... mẹ ơi, con đây... Mẹ tỉnh dậy đi... Mẹ ơi...
    Nước mắt ai vừa rơi trên trán bà thế này?
    Giờ thì bà đã nhận ra mùi mồ hôi khen khét của đứa con gái bé bỏng. Ừ, mẹ đây, nín đi con, Bí đỏ tội nghiệp của mẹ. Mẹ không lấy ai hết. Mẹ không thương ai hết. Có con mẹ mãn nguyện rồi.
    - Mẹ ơi, mẹ tỉnh lại đi... Mẹ đừng bỏ con.
    - Hạnh ơi... Tôi, Quân đây...
    - Bác Hạnh ơi...
    Sao bỗng dưng lại ồn ào thế? Bà Hạnh cố gượng mở mắt. Hai mí mắt nặng như đổ chì. Giờ thì bà đã nhìn thấy mờ mờ. Ngay sát gần bà là khuôn mặt một người đàn ông mặt vuông chữ điền, khắc khổ như tượng đá, u uẩn nhìn bà. Cạnh đó là con Bí đỏ.
    Bà nhắm mắt lại. Cả người bà bồng bềnh, bồng bềnh, nhẹ bẫng như một làn gió thoảng...
    

Kết Thúc (END)
Phong Điệp
» Tình Câm
» Bay Đến Thiên Đường
» Miền Yêu Thương
» Bí Mật Của Thời Gian
» Thị Trấn Của Những Giấc Mơ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em