Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Đàn Ông Độc Thân Tác Giả: Sưu Tầm    
    Phía tây thành phố nắng đã nhạt hẳn. Giờ này quán nước của bà Béo thường có mấy người chờ mua kết quả xổ số. Người đàn bà ngồi đầu ghế băng khoảng ngoài bốn mươi tuổi, nhưng trang phục lại như thiếu nữ mới lớn. Chiếc quần bò lửng mầu trắng bó sát bắp chân cùng chiếc áo xít đỏ trễ cổ, lộ cả xu chiêng lót ngực giả. Những lọn tóc uốn sóng to buông xõa, che quá nửa đôi mắt vừa sắc vừa lẳng, càng làm cho khuôn mặt như vành trăng khuyết và cặp môi mỏng rõ nét chanh chua hơn. Người đàn bà nói với chủ quán:
    Chị Béo có thấy thằng cha mới dọn đến ngõ này lạ lắm không?
    - Cô thấy anh ấy lạ thế nào?
    - Ðôi mắt lạnh tanh, vô hồn.
    - Cô đã vào nhà anh ấy, mà không có cách sưởi cho đôi mắt ấy ấm lên được ư?
    Hất ngược những lọn tóc sóng to, đôi mắt lẳng nhìn bà Béo, nhìn khắp mọi người ngồi quanh quán, người đàn bà nhún vai:
    - Ai thèm, trông như người rừng, kinh bỏ mẹ.
    - Hôm trước hắn ngồi ở đây, cô cứ lượn qua lượn lại, mông thật mông giả ngoáy đến chóng cả mặt mà nói chả thèm.
    Bị người ngồi bên đốp chát, môi mỏng định cãi, thì ai đó huých vào tay. "Xuỵt, hắn kìa". Mọi người ngước nhìn người đàn ông trung niên tầm thước trong bộ quần áo mầu chàm kiểu dân tộc miền núi. Tóc anh muối tiêu, búi như củ tỏi sau gáy. Khuôn mặt rất đàn ông. Chỉ vì râu quai nón không cạo tỉa làm anh có vẻ hoang dã. Riêng đôi mắt của anh sáng và buồn chứ không lạnh như người đàn bà môi mỏng kia đã tả. Anh gật đầu chào bà Béo rồi rẽ vào ngõ. Anh là Tấn, chuyển đến ngõ này đã gần một năm. Ngoài bà Béo ở sát vách và ông tổ trưởng dân phố, chẳng ai biết tên anh và cũng chẳng ai biết anh là nhà giáo.
    *
    **
    Tối nay Ðồng mở chai rượu gì mà êm quá, càng uống càng vào. Rượu ngấm, Ðồng đưa Tấn về lúc nào anh cũng không nhớ nữa.
    Ðồng thua anh bảy tuổi nhưng cùng một khóa đại học sư phạm. Ra trường Ðồng không đi dạy, mà lại làm kinh tế, làm giỏi mới lạ. Hiện giờ Ðồng là giám đốc công ty xuất nhập khẩu lớn nhất thành phố. Ðồng biết Tấn khí khái nên thường lấy cớ tiếp đối tác của công ty để mời anh đi nhậu lai rai. "Tớ biết gì về công việc của cậu mà ngồi tiếp họ". Ðồng nói để anh yên tâm. "Anh chỉ cần kể dăm ba giai thoại hài hước cho vui là chính, trong bàn ăn mọi công việc chỉ là phụ". Lần này Ðồng lại bảo: "... Ðối tác này uống rượu như uống nước lã, em không đọ nổi. Anh phải giúp em thôi". Lúc chia tay bao giờ Ðồng cũng nhét vào túi Tấn một phong bì vài triệu hoặc một chai rượu ngoại. Ðồng bảo đấy là lộc anh không được từ chối.
    *
    * *
    ... Từ chiến trường về Tấn mới vào đại học. Quanh mình toàn các sinh viên rất trẻ. Trước họ Tấn thành "người đàn ông quá lứa." Bỗng, hạnh phúc như quả tú cầu bất ngờ rơi xuống đời anh. Trong lúc gia đình và bạn hữu đang tìm mối để giới thiệu cho Tấn thì Thảo, cô sinh viên cùng khoa thầm yêu anh mà anh không hay. Tấn vẫn thầm xuýt xoa nét đẹp hồn nhiên của Thảo, nhưng chưa bao giờ mơ đến một ngày nàng là vợ mình...
    ... Buổi chiều tan trường năm ấy Tấn gặp Thảo ở ngoài cổng trường. Chắc nàng ngóng đợi ai, anh chào rồi đi qua. "Anh Tấn!". Tấn ngoảnh lại thấy Thảo cười đôn hậu, nụ cười ấy đến chết anh cũng mang theo. "Em nghe các bạn nói, anh có cuốn tuyển tập truyện ngắn của Mắc-xim Goóc-ki, anh có thể cho em mượn được không ạ, chỉ một tuần em xin trả ngay". "Sáng mai lên lớp anh đưa cho, em cứ đọc bao giờ đưa lại cũng được". Thảo cảm ơn, rồi như một tia nắng ban mai nàng tràn vào những tốp sinh viên đi về phía ký túc.
    Một tuần sau đúng điểm gặp hôm trước Thảo lại đợi Tấn. "Em trả anh cuốn sách đây ạ". "Em đọc nhanh thế?". "Em đã say thì đọc nhanh lắm".
    Tấn cầm cuốn truyện định bỏ vào trong kẹp sách xong sẽ nhảy lên xe phi thẳng. Anh muốn chạy trốn chính mình. Chạy trốn cả sự cuốn hút của người con gái đang đứng trước anh. Chợt Thảo nhỏ nhẹ: "Em có việc ở đầu phố, anh Tấn dắt xe đi với em một đoạn nhé". "Thôi đi bộ làm gì em, ngồi lên xe anh chở đi cho nhanh". "Nhưng em muốn đi bộ cơ".
    Thật ra hôm ấy nàng chỉ muốn đi bên anh một đoạn đường thôi. Sau này thành vợ chồng nàng mới nói anh quá ngố trước phụ nữ.
    ... Hạnh phúc như dòng nước mát đang thấm vào tâm hồn đã khô cằn của Tấn mỗi ngày. Một năm sau ngày cưới. Biết sắp được làm cha, niềm vui của người đàn ông không còn trẻ trong anh cứ lâng lâng như hồi mới lớn...
    Tấn thở dài, xoay nghiêng người vào trong. Mười lăm năm mà như mới đây thôi. Ký ức lại đưa anh về cái đêm mùa đông rét buốt. Hình như tất cả các mùa đông trong cuộc đời anh đã dồn tất buốt giá vào mùa đông năm ấy, để mỗi lần nhớ đến, nó lại làm anh tê tái trở lại.
    ... Cái đêm đưa Thảo đi sinh, gió bấc bổ sung lạnh lắm.
    Hành lang vắng ngắt thỉnh thoảng có người ra vào. Gió trút thêm cái lạnh cho sự chờ đợi. Tấn dồn mắt về phía hai cánh cửa kính đục khép chặt với dòng chữ: "Cấm vào". Ở trong ấy nàng đang vượt cạn chỉ có một mình. Ðồng hồ đã chỉ 12 giờ 30. Căng thẳng quá. Hồi ở chiến trường, trước giờ xuất trận, một mất một còn cũng không đến nỗi lo lắng hồi hộp như thế này. Cánh cửa phòng vô trùng khẽ mở, Tấn bật dậy lao về phía ông bác sĩ đang bước từng bước mệt mỏi đi ra. "Anh là người nhà của sản phụ Nguyễn Thị Thảo?". "Vâng. Tôi là chồng". "Mời anh vào phòng tôi".
    Hai đầu gối Tấn sắp quỵ xuống vì nét mặt nghiêm trọng của bác sĩ. Giọng ông trầm đặc quánh: "Thai chỉ có quả tim sống theo nhau thai...". Tai Tấn như có gió lùa vào. Ù đặc. Anh không nghe rõ ông bác sĩ nói tiếp những gì. Trong anh chỉ hiện ra nụ cười của vợ cách đây vài giờ. "Còn vợ tôi, thưa bác sĩ". "Anh phải thật bình tĩnh, tình trạng hiện tại rất xấu. Chị nhà trụy tim do bị sốc đột ngột, chúng tôi đang hồi sức cấp cứu. Chúng tôi muốn có mẫu máu của anh". Ông bác sĩ viết cho anh tờ phiếu xét nghiệm. "Ði hết hành lang rẽ trái là phòng sinh hóa". Có lẽ cố tránh sự hoảng loạn của Tấn nên bác sĩ để anh đứng lại, ông lặng lẽ ra ngoài.
    Gần sáng, trời ảm đạm như chiều muộn. Những tán cây cổ thụ ngoài sân bệnh viện vẫn xám mầu chì, cành lá chao đảo vì gió. Tấn đi đi lại lại dọc hành lang dài hun hút ấy không biết bao nhiêu lần nữa. Anh đếm ngược rồi lại đếm xuôi từ một đến một trăm, từ một trăm về một, để quên đi sự bồn chồn lo lắng đang đè nặng tâm hồn mình. Chợt hai cánh cửa kính mờ của phòng sinh mở toang. Trong ấy không còn ai. Người ta đẩy Thảo ra ngoài trên chiếc băng ca trắng, tấm vải trắng toát trùm suốt thân thể nàng. Một tốp bác sĩ, y tá đồng phục cũng trắng toát, họ lạnh lùng lặng lẽ lướt qua anh.
    ... Bảy ngày sau Tấn mới đến bệnh viện để làm thủ tục cho sự mất mát của mình. Bác sĩ không nói tiếp, ông chỉ đẩy về phía Tấn hai tờ giấy xét nghiệm máu của anh và cái sản phẩm do anh sinh ra. Chúng đều nhiễm ÐIÔXIN.
    Tấn dướn lông mày mở căng đôi mắt đang trĩu nặng để nhìn vào cái kết quả trước mặt. Hai mảnh giấy vô tri thôi miên anh... Tấn mơ hồ thấy từ đấy hiện lên cánh rừng đơn vị anh đi thám thính cho trận đánh sân bay Biên Hòa năm ấy. Ðang mùa mưa mà cánh rừng cây lá khô tái như bị cháy nắng, bốn phía không vọng tiếng chim. Con suối không rộng, không dốc, nước chảy êm đềm trong vắt, nhìn thấy cả những viên cuội nhỏ dưới đáy dòng mà không thấy tăm cá. Chẳng ai nghĩ đến cánh rừng đã bị rải chất độc, chỉ nghĩ đến vượt rừng cho kịp đêm xuống... Trời lại đổ mưa. Mưa như chiếc mành thủy tinh giọt mỏng giọt dày buông dài chấm đất. Mưa chạm vào những cánh lá chết, nghe rõ âm thanh khô xác. Tấn cùng bốn đồng đội căng bạt tạm nghỉ chân... Chợt, nửa hư nửa thực, anh nhìn theo cánh tay ai đó chỉ về bên kia suối. Trong màn mưa như thủy tinh nửa trong nửa đục, anh vẫn thấy rõ Thảo nâng cao bọc thịt trên tay đưa về phía anh. Nàng khóc, nước mắt nhòa trong mưa...
    *
    * *
    Người ta nói chỉ có nỗi đau thật sự mới xuyên thẳng tới trái tim con người. Với Tấn đúng như vậy. Hai thứ vũ khí của giặc sẽ tồn tại trong anh cho đến khi tim anh ngừng đập, nhưng Tấn không sợ nó bằng sợ sự cô đơn. Sự cô đơn đã đánh anh quỵ hẳn. Chỉ có rượu mới vực anh dậy nổi. Từ hồi nghỉ dạy anh chỉ ở nhà. Một mình một rượu. Ðọc và viết. Anh viết về số phận từng mảnh đời đã gặp. Nhất định không đưa con chữ mon men vào cuộc đời mình. Thế mà cái ngòi bút chết tiệt trên tay anh đang lan man tận đẩu tận đâu lại cứ quay về xoáy vào vùng đau bất tận của chính mình. Có lần Tấn vò nát bản thảo gục vào hai lòng tay chết lặng.
    Tiếng rao quà sáng vọng trong ngõ. Lúc này anh mới thấy toàn thân rệu rã mỏi dừ, như vừa gắng bơi qua khúc sông rộng. Tấn vùng dậy vì có tiếng gõ cửa.
    Chú bé con quãng mười hai tuổi có đôi mắt sáng trên khuôn mặt thông minh. Chân nó đi đôi dép nhựa vẹt gót, áo quần xộc xệch nhàu nhĩ. Vai nó khoác chiếc tải thô ngầu bụi đứng chờ anh ngoài cửa. Trông thấy Tấn, thằng bé định bỏ chạy. Anh kéo đứa trẻ vào nhà. "Con cần gì?". Nghe chủ nhà gọi nó bằng con với giọng ôn tồn ấm áp, nó trở lại tự nhiên của đứa trẻ sống bụi. "Bà chủ quán nước đầu ngõ mách. Nếu muốn mua vỏ chai rượu tây và vỏ bia lon thì hãy gõ cửa nhà bố".
    Tấn thấy rưng rưng khi nghe nó gọi mình là bố. "Con học lớp mấy?". "Con không được đi học". "Tại sao? Bố mẹ con đâu?". Thản nhiên: "Bố chết ở trong trại vì nghiện ma túy. Mẹ bán nhà rồi đem con gửi bà dì họ. Mẹ hẹn năm sau con đến tuổi đi học sẽ về đón. Sáu năm rồi mẹ chẳng thấy về". "Bà dì không cho con đi học ư?". Nó cười nhạt thếch. "Con bà ấy cũng không đi học, đời nào con được tới trường".
    Tấn cay nghẹt sống mũi khi nghe đứa trẻ kể về gia cảnh mình. Nó cứ tưng tửng như nói về ai khác. Mới chớm một kiếp người, nó đã như vật hoang phế lăn lóc bên lề cuộc đời. Lồng ngực Tấn đau nhói, hình như mảnh đạn năm xưa bất chợt xoay ngang, cứa sát tim mình. Ðứa trẻ sợ hãi giật lùi sát bậc cửa khi thấy Tấn nhăn mặt. "Trong ngực ta lại đau ấy mà, con đừng sợ". Thằng bé từ từ đến sát Tấn. Nó đặt tay vào ngực trái anh, nét mặt u ám già sọm. "Bố đau ở chỗ này à". "Ừ, bố đau ở đấy, nhưng bàn tay con chạm vào, bố thấy đỡ hẳn". Thằng bé cười rạng rỡ. Nó vuốt nhẹ những sợi râu dưới cằm làm cho người đàn ông chưa bao giờ được làm cha nhẹ bỗng. "Trông bố giống hệt Hắc Toàn Phong Lý Quỳ". "Giống lắm à?". "Vâng. Giống lắm". " Sao con biết ông ấy?". "Con xem ké ở quán cơm trên phố ấy mà". "Ừ, ta là ông Lý Quỳ của con đây". Thằng bé lại cười tít. "Từ nay ta sẽ để dành vỏ chai rượu và vỏ lon bia và cả bánh kẹo cho con, nhưng đổi lại, mỗi ngày con phải chịu đến để ta dạy cho con biết chữ". Thằng bé reo lên sung sướng.
    Hai nỗi cô đơn quấn quýt nhau từ đấy. Mỗi lần đứa trẻ đến, trong nhà Tấn ấm hẳn. Ríu rít một già một trẻ. Bây giờ nó đã đọc thông viết thạo, thuộc lòng bảng cửu chương, làm được những phép tính cộng trừ đơn giản. Chắc nó sợ bà dì nên lúc nào đến và đi cũng vội. Hôm ấy đang tập viết, bỗng nhớ ra việc gì đó nó bỏ sách vở, bỏ cả bữa anh đã làm xong, hấp tấp khoác cái túi cáu bẩn chạy ra ngõ. Ở trong bếp Tấn chỉ kịp nghe. "Bố ơi ! Con phải đi rồi".
    Ðã mấy ngày không thấy thằng bé đến. Tấn đứng ngồi không yên. Anh đi ra đầu ngõ ngóng về hai ngả đường. Ðứng đến mỏi. Vừa quay vào nhà ngồi chưa ấm chỗ anh lại ra đầu ngõ. Thành phố lên đèn. Ðường dọc ngõ ngang vẫn nườm nượp người xe, mà anh thấy trống tênh. Ðêm trùm lên Tấn nỗi thất vọng. Nhìn đôi dép và mấy bộ quần áo anh dắt thằng bé đi mua tuần trước. Nó chỉ mặc thử rồi treo lên giá. Nó bảo: "Con để dành đến Tết bố ạ".
    Tấn chống hai tay lên bàn làm việc đỡ cái đầu tóc rối bù, tê bì. Anh tự trách mình, lần tới gặp nó dứt khoát anh sẽ theo thằng bé về xin bà dì nó, cho nó về ở với mình. Anh sẽ kèm cặp để năm sau xin cho nó được đến trường. Bao giờ mẹ nó về sẽ trả lại. Nghĩ đến đấy, anh chợt thấy lòng mình ấm áp.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân