Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Trên Sông Một Điệu Hò Tác Giả: Sưu Tầm    
    Truyện ngắn vốn cần kiệm lời, thậm chí đôi khi bỏ qua sự lý giải một cách cặn kẽ cho tình huống, để tạo nên sự hay ở không khí, ở sự sinh tình quan trọng hơn sinh lý mà lay động tận tâm can bạn đọc. Trên sông một điệu hò là câu chuyện buồn kể về một tan vỡ tình duyên với giọng văn rất riêng. Truyện mộc mạc nhưng có cái buồn đẹp. Đẹp như một bài thơ văn xuôi hay như câu hát lỡ duyên bay trên mặt sóng. Tam Lệ đã khá thành công để dù rất ngắn gọn, vẫn tạo ra trong thiên truyện này, đủ dáng bóng của thân phận con người, kể cả thân phận một vùng đất Việt, trong đó có bóng hình của người phụ nữ hiện đại hôm nay: cô nhà báo Lắm, yêu nơi bản quán, nhưng quyết theo nghề; như con sông quê vẫn bám đất quê hương thao thiết chảy, mà vẫn nói được điều mới của lứa phụ nữ mới hôm nay: Thân gái không lệ thuộc chồng.
     - Lời bình của nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ

    Chị Lắm làm phóng viên văn hóa một tờ báo giấy đã nhiều năm. Chị có giọng nói nhỏ nhẹ, người gầy gò, đôi mắt sáng, ăn mặc đơn giản, kín đáo. Lắm vốn sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân ngoại thành một thành phố nhỏ, nhà chuyên nuôi chim cút. Mỗi đêm, đàn chim kêu như trận bão nhỏ, Lắm buồn. Lắm theo anh trai chuyển ra Hà Nội sinh sống do chị ta chán cảnh đời “Buồn và ảm đạm quá”. Mọi người hỏi Lắm: “Dạo ni con làm cái chi, ở mô?” Lắm đáp: “Con làm nhà báo, ở khắp mọi nơi”. Người ta lắc đầu.
    Thành phố quê hương của chị ta, con gái thường nội trợ, hoặc làm thơ, thêu thùa, hát cổ nhạc. Nghe nói Lắm làm nhà báo, người ta không tin. Con ấy rụt rè, như con rùa chỉ chực rụt cổ vô mai, đi làm báo chống cái nọ, chỉnh cái kia, miệng phải có gang có thép. Ừm, nhưng mà mọi người cũng mừng cho Lắm. Dạo này chim cút mất giá.
    Cái thành phố nhỏ thường thường cha mẹ dựng vợ, gả chồng cho con, đám thanh niên đổi mới đã nhiều nhưng còn nhìn trên trông dưới, kén cá chọn canh, hơn em kém chị. Thành phố còn tính cục bộ địa phương, cái gì thành phố mình lúc nào cũng nhất, bản thân cũng chót vót đâu chịu kém ai. Tình cảm có lúc chẳng khác gì gai nhọn, miệng lưỡi như thể tẩm chua cay. Ai nghe cho được.
    Thật ra, trong thành phố cũ của Lắm, có một người bạn học tên Khuê, làm nghề đàn ca cổ. Anh này tốt bụng, nhưng nghèo xác xơ. Lắm ra đi, hẹn “khi anh sung túc, tui sẽ về”. Ai cũng mong, Lắm khoan hẵng về. Mấy năm đã trôi qua, Khuê chỉ giàu thêm về tuổi tác, ngoài ra vẫn rứa, gia tài chỉ có một cây đàn nguyệt cũ mèm.
    Những chuyến đò nhạc trên sông người ta chỉ khoái các cô đào nương xinh xắn hát hay, mắt mày lúng liếng. Đám nhạc công của chàng lúc nào cũng buồn, mặt dài thuỗn ra như cái bơm, thở thượt, buồn hơn đưa đám. Người xấu miệng còn bảo chàng “ăn bám theo đám ca nương”, “không có họ chắc Khuê chỉ đàn trong các đám ma”.
    Đồng nghiệp khen Lắm viết nhẹ nhàng tế nhị mà sâu sắc và cũng quyết liệt, đến nơi đến chốn. Ngày ngày khi anh em ồn ào trò chuyện, kéo nhau cà-phê, uống bia, thì Lắm ngồi trước cái máy tính, mân mê con chuột, thỉnh thoảng nhắp một cái như người ta câu, lẩy được câu, tìm được tứ, cặm cụi viết. Bài xong rồi, bạn bè đi chơi, Lắm ngồi trau chuốt câu chữ, như người đan len, hết gỡ ra lại thêm vào.
    Tôi làm việc cùng cơ quan với Lắm, thấy chị ta cầu kỳ quá, tôi bảo: “Cô chọn nghề sai rồi, lẽ ra cô phải làm nhà văn. Báo chí là thời sự, cô viết sai hẵng còn bao nhiêu khâu biên tập, dụng công quá đáng thế làm gì”. Lắm cười ngượng nghịu: “Cái tính tui vậy rồi, sửa sao được”.
    Báo chí thời sự mà Lắm cứ viết như thể để đời, như thể ngày mai không còn được viết nữa. Trước mặt Lắm đặt một cái gương, khi viết mặt mày phải tươi tỉnh, không được để cái tâm buồn ảnh hưởng đến bài viết!
    Anh của Lắm là một bình luận viên thể thao. Thỉnh thoảng cũng cộng tác với báo chúng tôi. Tôi rất thích anh ấy ở những bài bình luận sắc sảo, song cũng không ít người bảo rằng “dân cá độ nó quan tâm tới bài của anh nhiều hơn các cầu thủ”. Anh thường khuyên tôi và Lắm nên kinh doanh gì đó, nhìn vào đồng nhuận bút còm, cực lắm. Ngoài viết báo anh ấy còn làm quản lý cho một vài cầu thủ, giúp họ nổi tiếng.
    Bà ngoại tôi và bà nội của Lắm ngày xưa là chỗ làm ăn quen thân. Bà tôi buôn trầu cau, thường ghé thành phố nhỏ của Lắm để lấy hàng bởi cau xứ ấy ngon thơm lạ lùng, người Hà Nội rất mê. Bấy giờ , bà của Lắm thường thu gom cau cho bà tôi. Chiến tranh làm đứt đoạn việc làm ăn của họ.
    Tôi bàn với Lắm: “Hai đứa mình hùn vốn làm ăn đi. Giờ là thời kinh tế thị trường, báo chí lại teo tóp...”. Tôi muốn nói với chị ta không buôn bán làm ăn thì giấc mơ trở về quê với anh chàng Khuê có cây đàn nguyệt sẽ mờ mịt như sương khói Tây Hồ. Song tôi đã im lặng. Không nên để đồng tiền xen vào chuyện tình cảm của hai vị ấy.
    Lắm bảo: “Bây giờ lấy đâu trầu cau nữa mà buôn hả bà. Thành phố mấy người ăn trầu. Khi nào bà ăn trầu, tôi đi buôn cau”. Nghĩ về năng khiếu kinh doanh hẳn Lắm không kém ai, điểm yếu chị này không làm cùng lúc hai việc được, phải bỏ nghề báo chị ta mới sang nghề khác.
    Tôi chưa thấy dấu hiệu Lắm chuyển nghề. Chị vừa đoạt giải phóng sự về sự đìu hiu của một làng cổ không người đoái hoài. Tiền thưởng đó chị mua một cái máy tính xách tay, mặc dù nhà đã có một chiếc rồi.
    Chúng tôi được mời về quê của Lắm để dự tuần lễ du lịch địa phương. Lắm đưa tôi về nhà. Bố mẹ chị ta thấy con mừng nói không ra lời, bảo tôi: “Ngồi chờ ăn trứng cút”. Tôi đi ra sau vườn, đúng hơn là leo lên đồi, ngắm phong cảnh ngoại thành thật xanh tươi, những cây cầu gỗ bắc qua con kênh thơ mộng. Mấy chiếc xe máy đợi nhau qua cầu. Tôi bảo: “Bà bỏ nơi này đi thật tiếc”. Lắm phũ phàng: “Bà cứ nằm nghe chim cút kêu nửa tháng xem”. Mẹ của Lắm thì bảo: “Nghề này sát sinh, cô muốn bỏ, nhưng chưa biết tìm nghề gì khác đây Phương ạ”.
    Buổi chiều, hai đứa xuống thăm làng cau. Làng thành khu du lịch ẩm thực, cau làm cảnh, tô điểm cho thực khách có cái nhìn, có chuyện ôn cố tri tân. Mấy khu lăng mộ cổ dời đi lấy mặt bằng xây khách sạn. Đường sá phong quang, người lạ nhiều hơn quen. Lắm cười cười: “Tớ và chàng Khuê hồi đi học thường bơi đò sang làng cau. Tớ đọc thơ, chàng chơi nhạc. Chàng bảo nếu không cưới được em, anh sẽ đi tu”. Chợt chị ta tiết lộ chuyện động trời: “Gần năm nay tui không liên lạc với Khuê”.
    Chúng tôi ngồi ăn vài món quê hương dưới hàng cau. Gió từ dòng sông thổi qua, nghe thấy cả mùi ngô nướng trong cái xóm nhỏ xa xa. Bóng dáng những người mẹ già nua trên chiếc thuyền gỗ cũ kỹ. Hình như ai đó nhận ra Lắm, mỉm cười. Tôi vội giục giã Lắm lo viết bài gửi về tòa soạn, sa đà vào tình cảm cố hương nhỡ hết cả việc. Thời gian không đợi ai.
    Buổi tối, chúng tôi xuống đò đi nghe hát nhạc dân gian để Lắm lấy tư liệu viết bài. Lắm phỏng vấn, chụp ảnh. Người ta nghe giọng nói của nhà báo quê hương, trọ trẹ chen vài ba tiếng xứ khác, họ thích lắm. Câu chuyện nổ như ngô rang. Người khen du lịch trên sông hôm nay đã khác xưa, “không còn những cảnh đời tối tăm, ảm đạm”. Người lại thở than “thuyền nhạc thì nhiều, nhạc công lại thiếu”, thuyền bỏ sô, khách đợi, kêu quá.
    Chúng tôi đi qua mấy thuyền hát, khách nước ngoài nhiều hơn khách ta. Lắm bảo tôi: “Thiên hạ quý di sản của mình hơn cả dân mình”. Tôi không đồng tình: “Họ đi du lịch phải tìm nét mới ở vùng đất lạ. Người mình đâu phải du khách”.
    Chúng tôi hỏi người chèo đò: “Anh có biết hát không?” Anh này cất lên một giọng hò buồn xao xác, rồi bảo: “Chúng tôi ai cũng biết hò”. Lắm mừng, ghi chép, lấy máy hình chụp. Anh chèo đò nghiêm giọng xua tay: “Tui luộm thuộm, lên báo thiên hạ cười chê”.
    Chúng tôi lên một con thuyền nhỏ, ngược dòng sông, cùng đoàn du khách Bỉ , Pháp thưởng ngoạn cảnh sông đêm mà nghe tiếng hát cổ truyền. Người ca nương trên thuyền vừa mới xong một sô trên thuyền khác, mệt mỏi lắm, nhưng nhiệt tình hát cho chúng tôi nghe hơn chục bài. Riêng mấy nhạc công đều đã lớn tuổi, vài người đeo kính, đội khăn xếp, nom tưởng người thời xưa thật.
    Bất ngờ nhà thuyền đem trầu cau mời khách, báo tin “Gia đình vừa tổ chức đám cưới cho con trai chiều nay”. Cả thuyền vỗ tay. Tôi và Lắm ăn trầu thấy thơm ngọt lắm. Thuở bé tôi dăm lần bắt chước người già ăn trầu cau. Trên cảnh sông nước, nhai trầu cau, hai đứa chúng tôi chụp hình cho nhau, cảm thấy như đang trở về một dòng sông văn hóa cội nguồn.
    Khách khứa gọi đồ uống, có bia, ăn nem chả. Vài vị khách xem ra cũng âm hiểu âm nhạc phương Đông, họ có thể diễn tấu vài khúc nhạc trên đàn. Họ hỏi chúng tôi đến từ đâu? Lắm bảo: “Chúng tôi là người của thành phố này”. Họ vui, họ tâm sự: “Chúng tôi muốn gặp nhiều người dân hơn”. Chúng tôi bèn giải thích thay cho khách, các vị thông cảm, dân chúng tôi trăm công nghìn việc, buổi tối ở nhà ngủ nghỉ lấy sức cả rồi. Họ hơi buồn. Sáng sớm đã đi nơi khác.
    Về khuya không khí trầm mặc. Còn thuyền từ thượng nguồn, qua đồi ngô đồi sắn, xuôi trung tâm thành phố. Những ngôi nhà ven sông dần tắt đèn, le lói dăm bóng sáng. Lắm ngồi bên lon bia uống dở. Lắm không biết uống, chị ta thường làm dáng, sao hôm nay có vẻ uống hết cả một lon rồi! Tôi ngạc nhiên quá.
    Tôi thanh toán tiền bia, chủ thuyền bảo: “Mời hai chị, hôm nay gia đình chúng tôi có ngày vui, con trai lập gia đình, đấy là bia cưới, không tính tiền”. Tôi nghe ra, họ đãi đoàn khách nước ngoài cả một thùng bia. Đoàn khách kia áy náy. Chủ thuyền bèn đứng ra thổ lộ: “Thưa với quý khách, con trai chúng tôi vốn làm nhạc công trên thuyền này, bén duyên nên vừa lập gia đình với cô gái Việt Kiều đang làm việc ở nước ngoài. Mối duyên kỳ lạ thật đáng để chia sẻ cùng với tất cả mọi người. Sáng mai con trai chúng tôi sẽ theo vợ xuất ngoại”.
    Tôi nghe chú rể làm nhạc công trên thuyền, giật mình hỏi Lắm: “Bà ơi, phải là Khuê không đấy?”.
    Lắm lắc đầu, nhìn xuống bến đò nơi có mấy chục thuyền ca đang chen đậu: “Không biết. Trên sông có bao nhiêu nhạc công. Tôi chỉ biết Khuê không còn chơi đàn đã vài năm rồi”.
    Lắm cùng tôi chúc mừng chủ thuyền. Lắm bảo tôi: “Người ấy là Khuê thì đã sao?”. Tôi không hiểu. Lắm cau có: “Tôi không thể trở về thành phố này để sinh sống. Công việc đã kéo tôi đi nơi xa rồi. Khuê cũng không thể theo tôi. Mối tình với Khuê như một thứ dĩ vãng ở phía sau lưng, như một chiếc lá đã vàng rụng rơi xuống, níu kéo cũng vô ích thôi”.
    Tôi vỡ lẽ.
    Cả Lắm và Khuê đã lao động, ky cóp cho một ngày sum vầy. Giờ Khuê cũng có chút vốn liếng, Lắm cũng dành dụm được vài chục cây vàng. Cả hai đã có thể trở về bên dòng sông quê hương, mua ngôi nhà gỗ nhỏ, vui sống cảnh điền viên. Chính cái lúc ấy họ nhận ra tiền không phải tất cả. Tiền không mua được quá khứ và không bán được tương lai; bởi sự chia ly, xa cách, nghề nghiệp khác biệt như những tiếng động trên sóng đã bay ra rồi không quay trở lại chăng?
    “Khuê bảo, tui chọn gia đình và nghề báo, chỉ một thôi. Lựa chọn việc phục vụ chồng hay phục vụ bạn đọc?” Bà trả lời sao?-Tôi như nghẹt thở, chờ câu trả lời của người bạn gái “Tôi nói, tôi muốn chọn cả hai”. Rồi Khuê không nói gì đã cả năm nay rồi. Điện thoại của chàng đã nín lặng. Tôi nhìn bạn, Lắm chợt như hóa đá như bức tượng lạnh trên mặt sông mênh mang.
    Chúng tôi lụi hụi lên bến đò. Trời bỗng đổ mưa, lầy lội. Nhà thuyền đưa cho chúng tôi hai cái áo mưa mỏng. Họ dúi vào tay Lắm một gói quà nhỏ. Ai cũng có một gói quà như thế đấy.
    Dọc con đường từ bến đò đi lên, chúng tôi qua một khách sạn hạng sang. Trên sảnh khách sạn vẫn còn dòng chữ đám cưới ai đó mà cả hai chúng tôi đều không dám đọc.
    Chúng tôi cắm cúi đi giữa trời mưa, bỗng dưng tôi lẩm nhẩm một điệu hò. Lắm tủm tỉm cười nói: “Giọng bà cũng hay đấy chứ!”.
    Lắm giúi vào tay tôi một túm kẹo. Không phải, một mớ trầu cau. Chủ thuyền quả cởi mở và chân tình. Họ sợ chúng tôi bị cảm lạnh.
    “Ngon!” - Lắm nhai trầu. Khuôn mặt của nàng lấm tấm những hạt mưa. Nàng hỏi tôi: “Theo bà, bài viết về đoàn thuyền ca này dài hay ngắn”. Tôi bảo: tùy, miễn hay.
    Lắm ngoái nhìn cái khách sạn rực sáng trong đêm và những chiếc thuyền ca đã chìm vào trong bóng tối dưới dòng sông lạnh buốt, tự dưng chị ta bật lên một tiếng hát. Giọng chị cao vút, nhưng hơi cổ sơ, rồi bỗng đứt lặng. Tôi chân tình nhận định: “Bà làm ca sĩ được đấy”. Lắm vẫn bỏm bẻm nhai trầu: “Không, tôi chỉ làm báo”.
    Có tiếng hò buồn nhỏ lắm, cũng không biết ở thuyền nào trong đêm thăm thẳm, tan trên mặt sông bay bay. Hay là tiếng ca của Lắm đụng phải vật gì vọng lại?

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Một Thoáng Yêu Đương
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Mơ Xuân