Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nửa Đêm Ở Ngõ Tạm Thương Tác Giả: Sưu Tầm    
    Truyện ngắn đôi khi là những mảnh vụn của đời sống được chắp mối điệu nghệ và thổi vào đó một không khí quyến rũ nào đó làm bạn đọc không dám bứt ra khỏi mạch chuyện. Nửa đêm ở ngõ Tạm Thương là một dạng viết như thế, mô phỏng vài điều vụn ở Hà Nội, qua tâm trạng một người Hà Nội thất nghiệp song tự trọng.
    Qua những tình thế tình tiết, nhiều chuyện Hà Nội phảng phất hiện lên với bao điều nho nhỏ đáng yêu mà tác giả Codet phải là kẻ thấu đáo hiểu nó tới ngõ ngách, mới vẽ nên nổi cái chưa tích cực đối chọi với cái bền bỉ, cốt lõi đời sống đương đại: Cội rễ văn hóa Hà Nội. Mạch văn trôi như sông đêm, đôi chỗ u hoài nhưng vẫn chan chứa nghĩa tình với văn hóa và con người, với cái mảnh đất thân yêu trong những day dứt khôn tả. Có lẽ đề tài từ xưa vốn là mênh mông lắm và đề tài chả quyết định cho việc đứng hay không đứng của một truyện ngắn, nếu cái quyết định cho nó neo giữ ở bạn đọc xuyên suốt luôn là cái tình. Cái tình muôn thuở của con người với đất và người, khi người cầm bút yêu tới thiết tha...
    Lời bình của Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ
    Có những buổi chiều ngơ ngác, khi cơn mưa rào ập xuống sau những ngày nóng ngút ngàn, Lam lại kịp lãng đãng. Cô pha cho mình một ấm trà rồi bưng ra ngoài sân ngồi ngắm mấy chậu hoa còi cọc. Sống ở trên tầng cao, cái lũ cây chỉ còi còi chứ chẳng bụ bẫm bao giờ, thành ra những khi ra hoa, bông của chúng cũng bé tí xíu trông xinh và yêu yêu là! Những ý nghĩ lớt phớt bay qua trí óc. Tối qua, Lam về nhà muộn sau khi ngồi ở quán Lollita trên Bảo Khánh. Cửa vẫn chưa khóa, chỉ cài chốt bên trong, cô vẫn thò ngón tay chỏ vào cậy được mà không cần phải làm phiền mẹ ra mở cửa. Có gì đâu, chỉ cần một cốc Tequila là đã tiêu hết một buổi tối. Dường như mùi thơm của chanh và vị mặn của muối vẫn còn tê dại trên đầu lưỡi cô. Một tối không vô vị, Lam nghĩ thầm.
    Cho dù rượu không phải sở thích của Lam, cô cũng không phải là người thích nhậu nhẹt, nhưng Lam không thể phủ nhận được, rằng đôi khi ngồi cà kê với những người bạn thật là tuyệt! Lam yêu không khí và các cuộc chuyện trò đó. Cô cứ ngồi quan sát, và thầm nhận ra những câu chuyện tán phét nhưng thú vị. Cho dù đôi khi cô đã nghe câu chuyện đó đến lần thứ bao nhiêu rồi.
    Lam thích cuộc rượu với anh Quách - một họa sĩ nhưng cũng là dân chơi đàn anh hi-end đầu tiên của Việt Nam, Quách còn là “bố” của phượt nữa ấy chứ! Nhà Quách là một cuộc sắp đặt quá hợp lý, ở đó không thấy một sự hợm hĩnh đáng sợ nào, mà ngược lại, nó như một không gian văn hóa ít còn thấy ở Hà Nội. Những bức tranh khổ lớn của Quách với gam màu Lam yêu thích rất hòa hợp với những món đồ cổ, những pho tượng cổ Quách sưu tầm được.
    Bữa rượu, Quách hầu như không ăn gì, chỉ uống nhấm nháp, nhưng những câu chuyện Quách kể thật là duyên, chúng cuốn hút hầu như tất cả những người có mặt trong bàn rượu. Khi “tây tây”, Quách lấy chiếc đũa gõ vào bát làm phách, anh hát chầu văn hoặc dăm câu ngẫu hứng bất kỳ. Nghe đồn, Quách và các bạn còn lập ra ban nhạc “Dân ca miền không biết”, cái tên đã làm cô bật cười. Mà Lam đã xấu hổ, vì mới chỉ biết đến cụ Quách Thị Hồ, Hà Thị Cầu với những bài ca trù, bài xẩm, nhưng nhờ có cuộc rượu với Quách, mà Lam biết tới ngoài bà Hồ, bà Cầu, còn có bà Chúc - hay nói đúng hơn là cụ Nguyễn Thị Chúc. Hôm đó nhấm chút rượu nếp, ngà ngà thế nào mà khi nghe giọng bà Chúc, Lam thấy sửng sốt bởi sự kiêu hãnh của giọng hát trong bài “Thét nhạc” ấy. Thằng bạn chuyên nghe rock, hôm đó cũng ngồi im thin thít nghe giọng cụ Chúc vang lên trong bóng tối. Một giọng ca khỏe, hào sảng, đầy nội lực mà thống thiết, nghe đến gai người:
    Nguyệt dãi thềm lan,
    Thanh bóng trăng thanh dãi tỏ thềm lan
    Tiếc thay mặt ngọc thương ai
    Vậy là đêm là đêm đông trường
    ...
    Thu, lá thu ngô đồng rụng,
    Một lá thu bay, hơi sương lọt mây
    Sương lọt mây ngồi nghe tiếng đàn...
    Lam - một kẻ thất nghiệp sau những hoang mang của bản thân!
    Lam đã bỏ việc được một năm, sau khi nhận ra công việc mà cô yêu thích giờ như đã từ bỏ cô. Sau những năm tháng hết mình với công việc, cô có cảm giác mình đang bị coi là đồ phế thải khi không được trưởng phòng trọng dụng và tôn trọng như trước nữa. Âu cũng điều bình thường của quy luật cuộc sống, vậy mà sao con người lại có vẻ khó chấp nhận nhỉ?! Lúc đầu Lam còn gắng chống chọi, chứng minh rằng mình làm được việc, sau dần, cô buông xuôi, và thấy điều đó hình như đúng, cô là người không làm được việc. Cô stress quá nặng. Cô buồn nôn khi nghe tiếng cười của trưởng phòng (tiếng cười gì mà khủng khiếp, nghe như bị hiếp dâm - chắc vì cô ghét và khinh nên nghĩ thế!), và cô sợ nghe cả tiếng lách cách gõ máy tính của chị ta bởi cô lợm giọng bởi sự đạo đức giả của chị ấy. Đừng hỏi đạo đức thật là gì, Lam không cần biết, Lam chỉ cảm nhận như vậy, và cô không phục! Lam làm việc một cách VÔ - CẢM. Cô sợ hãi vì thấy mình trở nên vô cảm, chứ không phải sợ hãi chị trưởng phòng. Cô cầu trời khấn Phật cho hứng thú và niềm tin yêu công việc, tin yêu con người quay lại với mình. Thậm chí, Lam đã thắp hương xin bớt bị trơ lỳ, cho cảm xúc quay lại để cô có hứng thú với công việc hơn.
    Thế rồi, cô cứ lờ đờ cam chịu tất cả như thế vì cô vẫn yêu công việc, yêu các bạn đồng nghiệp và hoàn toàn không muốn thôi việc. Cho đến khi bàn tay cô chợt run lẩy bẩy khi bị trưởng phòng dồn như một con thú bị vào lồng (người ta có thể giết người khác không cần dao, mà chỉ cần lời nói), đấy là lúc cô bừng tỉnh căm giận. Không được! Sao mình lại cố chịu đựng, cố tự giết mình trong sự vô vị chán chường đến đỉnh điểm thế này. Sức khỏe đã hao mòn, sức sống cũng tàn tạ! Không, mình không được phép tự giết chết mình như thế! Đi làm chứ không phải đi chết! Lam viết mail xin nghỉ việc, chấp nhận sẽ có khả năng khó khăn, bởi bây giờ người thất nghiệp nhan nhản, kinh tế suy giảm, các công ty sập, chết như ruồi, tìm công việc mới không phải là điều đơn giản!
    Cái ngày mà cô báo mình đã gia nhập đội quân thất nghiệp, mẹ cô chỉ cười mà hiền từ bảo rằng: “Ừ, thôi con ạ, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo! Không làm việc này thì làm việc khác con ạ!”. Thật vĩ đại - cái câu nói ấy của mẹ. Chúng như trút bao gánh nặng trong lòng Lam, khiến cho cô khỏi căng thẳng và thở phào nhẹ nhõm!
    *
    * *
    Tối nay, hai anh bạn lại gọi Lam lên ngõ Tạm Thương ngồi cà kê. Haiz. Nghĩ cũng buồn. Đàn bà con gái, ai lại cứ lông rông như vậy, nhưng có sao nhỉ, lâu ngày mới gặp lại hai người bạn ấy. Mà hai người - một người chuyên dẫn tour cho khách đi du lịch Hạ Long- một người làm xe ôm, nhưng mê văn học, lúc nào cũng kè kè cuốn “Giã từ vũ khí” của Hemingway và mê mẩn G. Market, Kafka và không bỏ qua Murakami!
    Cô ngồi ngắm hai người bạn của mình ngồi uống rượu trong đêm mưa Hà Nội. Ngõ Tạm Thương bé nhỏ với cái tên dễ làm người ta chạnh lòng đôi chút, và cái quán nhỏ tuềnh toàng với những chiếc ghế liêu xiêu cũng bé nhỏ. Phía trên bày nhiều lọ rượu với đủ các vị như sâm, mơ, mận, nếp cái hoa vàng, thuốc bắc và tả pí lù. (Cô không quan tâm lắm đến rượu!). Chủ quán bày ra bàn một đĩa hoa quả dăm miếng củ đậu, ổi, xoài chua và muối ớt, ít nem chua rán, chả cá rán nóng hổi.
    Lam thích những con ngõ bé nhỏ. Chúng như vệt nối ngắn ngủi ngoằn ngoèo nằm lặng giữa bao sự ồn ào náo nhiệt của đường phố. Tạm Thương giờ chỉ vắng lặng buổi sáng. Con ngõ ấy đã mất đi vẻ duyên dáng thuở xưa, nhưng trách sao được, con người còn đổi thay như chong chóng nói gì đến con phố, con ngõ!
    Mưa đêm vẫn rí rách. Không gian như sạch và trong hơn. Lòng người có đôi chút bất ổn vì mưa, nhưng mặc kệ tất cả, bởi vì mưa đang rơi cơ mà!
    Lam thích ngắm cảnh hai người bạn ngồi đối ẩm với nhau. Có cô hay không - không quan trọng, vì cô uống hay không cũng không quan trọng. Họ có thể cụng cái chén hạt mít với nhau, cụng với cái chén chỏng chơ bên cạnh rồi nhâm nhi tý cay nồng. Cũng đôi lúc im lặng trầm ngâm như ba đứa tự kỷ. Nhưng có lẽ không nên so sánh sự cô đơn của đám đông với kẻ cô đơn thứ ba - một vị khách của quán đang ngồi sầu lẻ bóng với một chén mít, một chiếc đèn dầu... Kẻ ấy độc ẩm trong một đêm mưa. Kệ người ta, đừng làm phiền!
    Câu chuyện cũng chẳng có gì ngoài sự chia sẻ về những chuyến đi đã qua và kế hoạch sắp tới. Bạn cô bảo, nói là nói vậy thôi, chứ kế hoạch gì đâu. Giờ sống chết mong manh, chả ai biết thế nào. Thôi thì sống trong moment - trong sát na (khoảnh khắc hiện tại). Lam chợt mỉm cười. Ăn thua gì nhỉ, mấy chuyện sát na, moment, người Việt mình chẳng nổi tiếng vì cái chuyện ăn cơm ngô nói chuyện quốc tế đó thôi!
    *
    * *
    Ngõ hẹp, mưa nên vắng khách, chút ánh đèn vàng làm cho không gian bỗng trở nên buồn buồn. Anh bạn của Lam đã từng đọc cho cô nghe mấy câu thơ của Chế Lan Viên về ngõ Tạm Thương này: “... Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương. Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm. Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm. Thương một đời đâu phải tạm thương!”. Nghe mà yêu thật, nhưng thật ra tên con ngõ này chẳng liên quan quái gì đến chuyện ái tình gì hết, mà đơn giản nơi này trước kia vốn là một nơi để làm kho gạo tạm thời của Pháp. Nay giá mà nó bớt xô bồ hơn thì may ra giữ được nét thi vị của cái thời chục năm về trước. Thời ấy là cái thời mà ông nội của Lam, rồi đến bố Lam, chú Lam từng ngồi mòn... “đít” ở ngõ Tạm Thương, đến nỗi mỗi khi có việc, bà lại sai cháu ra ngõ Tạm Thương gọi ông về... Ngay đến ông già nghệ sĩ diễn viên hài hàng xóm, ngày nào cũng thường chống nạng tới đó ngồi như một sự tồn tại.
    Nhà bà nội của Lam ở gần đây, phố Hàng Nón. Ngôi nhà trên phố cổ bé tí ti, với những lần muốn đi vệ sinh, phải đi bộ ra chợ Hàng Gai. Thế mà con người ta vẫn phải chịu khổ chịu sở mãi như thế cho đến hàng chục năm, có điều kiện mới làm được cái nhà vệ sinh trong nhà. Lam nhớ căn gác xép nhỏ có chiếc cầu thang gỗ leo lên. Mở cửa sổ của căn gác áp mái là nhìn xuống phố phường, nơi có cây sưa thân đen nhánh với những chiếc lá xanh biếc. Từ cái cửa sổ đó, có thể nhìn sang được các nhà khác, nơi những mái ngói nằm xen nhau, và đôi mắt trong veo nhưng đầy háo hức của một cô bé đang trong độ tuổi muốn tìm hiểu thế giới bên ngoài lạ lẫm và thi vị.
    Cô bé Lam ngày ấy thích đi bộ ra phố Hàng Quạt, Hàng Mành. Thời ấy các cửa hàng còn chưa được cho thuê với giá mấy chục triệu thế nên mới có cảnh trên phố cũng có các hợp tác xã, thí dụ như hợp tác xã thêu LC, hợp tác xã ăn uống BH, hợp tác xã xây dựng BY... chẳng hạn. Giờ chắc cũng giải thể gần hết! Tấc đất tấc vàng, làm gì còn cửa hàng nào cho các bà các bác có thể ngồi thêu dãi thẻ ra đấy nữa. Lam vẫn nhớ, phải đi qua một ngôi chùa hay đình gì đó rồi đến phố Lương Văn Can. Lam thích tần ngần đứng xem bác thợ hàng khắc con dấu hơn là các hàng đồ chơi. Thời đó, cô cứ ước sao có tiền để thuê bác thợ làm cho mình một con dấu bằng gỗ đóng vào sách. Lúc đó Lam sẽ khắc hình gì lên con dấu đó nhỉ? Chắc là một con chim sẻ bé xinh xinh với hai quả táo tròn lúc lắc thật vui.
    Sau đó, vì quá chật chội nên cả nhà Lam chuyển xuống ở trong một khu nhà tập thể mới được xây dựng sau chiến tranh. Thật ra Lam yêu căn nhà đó lắm, bởi nó đẹp, trong một không gian đẹp. Chỉ còn bố Lam là hay lên cái cửa hàng ở phố Hàng Nón làm ăn, còn lại, thưa thớt dần, vì chỉ mang tính thăm hỏi sức khỏe bà nội cho đến khi cụ khuất bóng...
    *
    * *
    Hai anh bạn của Lam đang chuyện về Biển Đông, sau khi nghe tin bộ đội Trường Sa vừa cứu giúp ngư dân đảo Phú Quý bị bão biển đánh dạt về phía đảo. Biển Đông, có bao giờ sóng lặng đâu nhỉ. Bây giờ thời đại của Facebook, nên chuyện đại sự, dĩ nhiên chẳng dừng lại ở cánh đàn ông. Mọi thứ từ hơi thở bé nhất của gia đình đến vấn đề quốc gia đại sự, đều được phơi bày bình đẳng trên Facebook.
    Ngồi ở ngõ Tạm Thương, Lam vẫn không nguôi nhớ về bố, về căn nhà phố cũ ấy, về những gì bố cô đã đi qua và để đến bây giờ, khi đã lớn, đã “toan về già”, Lam mới hiểu hết và thương bố vô cùng. Hồi còn sống, cứ gần rằm tháng 8, là bố Lam hình như cũng không yên ổn, đây là thời gian của sự chộn rộn, dằn vặt, và suy tính, mâu thuẫn ầm ầm nổi sóng với ông già. Bởi ông rất muốn làm hàng, mấy cái thứ ca-nô, tàu thủy bằng sắt tây và chạy phằng phằng trong chậu nước để đến ngày rằm lại hãnh diện mang lên chợ Hàng Mã ngồi ở dưới gốc cây mà bán cho trẻ con. Đây là nghề gia truyền của nhà Lam, và khi ông mất, chắc là đã thất truyền rồi.
    Nhà Lam chả còn ai biết làm mấy cái thứ đó, chỉ tập trung ngồi phụ giúp ông sơn mấy cái tàu, còn để ngồi cắt, gò từng cái ống bơ sữa, cắt tỉa tỉ mẩn từng tý một những phụ tùng như máy bay, ăng-ten, khẩu pháo, lá cờ con con, ống khói, phao, thân tầu, thì chả ai có kiên nhẫn như bố của Lam. Với lại, làm hàng mệt mỏi lắm, thức đêm thức hôm, tiền thì rót vào, mà lãi lờ chẳng được là bao, đi bán hàng thì không có cửa hàng, bán hàng ở vỉa hè, công an đuổi suốt, ai mà ham làm gì! Nếu không có tình yêu như một thứ điên cuồng từ sâu thẳm và ý thức lẫn ký ức của một người yêu những đồ vật cỏn con ấy của ông bố Lam thì không thể làm được. Thế nên chẳng ai theo nghề cũng là điều đương nhiên, tuy rất buồn!
    Bán hàng cũng là một công đoạn, một quy trình của cái việc làm hàng rằm! Bán tàu thủy ca-nô trên phố Hàng Mã, khổ phết, nhưng cũng vui vui! Cứ nhìn ông bố Lam thì biết! Công lao của ông làm ra, ông tự hào lắm, bán hàng cứ quát tướng giá lên (trừ trẻ con tự đi hỏi mua, ông chẳng thách giá bao giờ), khách tây khách ta sờ sờ mó mó thích thú! Ngoài những cái tàu bé xinh, ông bố Lam còn làm những chiếc tàu to 1m, lấy phom từ chiếc tàu Titanic cầu kỳ kỹ lưỡng. Thi thoảng ông đi thị sát quanh chợ Hàng Mã rồi cười hí hớn: Chả nhà nào tàu đẹp bằng nhà mình! Thế mà cuối cùng chục chiếc cũng ế đôi ba chiếc. Có năm, ế một cái, người ta trả bèo quá, ông giữ lại, thả sông Hồng chơi! Anh trai Lam có lần lên Hàng Mã tìm bố, chẳng thấy bố đâu, chỉ thấy chơ chỏng hàng bày với một đống trẻ con xúm quanh, mãi mới thấy bố nằm vắt vẻo trên nhánh cây, chắc mệt quá mới thiếp đi.
    Lam nhớ ông bố cô đã lo âu suốt thời gian làm hàng, tỉ mẩn làm thủ công tý một, lưng đau như dần, suốt ngày suốt đêm làm cho cái lưng như bị khòm khòm xuống. Thuốc lá thuốc lào rít cứ phườn phượt. Mồ hôi mồ kê ướt đẫm bởi mùi than hoa, mùi a-xít hàn tàu. Mùa nóng, nước chanh đá, nước trà đá tu ừng ực. Ăn to, nói lớn, đúng tiếng của những người trên phố Hàng Nón, Hàng Thiếc... (đập gõ quanh năm, không nói to, ỏn ẻn, nhỏ nhẹ, ai nghe được!).
    Thoắt cái, ngày thì sang mùa. Mùa qua rồi đến năm. Năm này qua, năm kia tới. Thời gian nhanh đến chóng mặt. Chỉ có bọn trẻ con là lớn lên, còn tất cả đang già đi, Lam cũng thế. Cứ đến ngày rằm tháng 8 là Lam thấy bâng khuâng thương nhớ bố, thương nhớ cái không khí của ngày rằm, khi cô ngẩn người ra ngắm chiếc mũ công chúa đẹp lung linh trong ký ức, và cũng chẳng quên mình đã bị móc túi trong một năm đi lên phố Hàng Mã chơi!
    Giờ đây, theo dõi đài báo, thấy họ hàng ở quê bố, có người vẫn theo làm đồ chơi tàu thủy, giờ giàu có lắm, chẳng phải vì làm ba cái đồ chơi thủ công hand made đó mà giàu đâu, vì đất đai đó thôi. Giờ họ đã được phong làm nghệ nhân, được đài báo quay phim, được biểu diễn ở Bảo tàng Dân tộc học. Thế mà có người nói sau khi giàu lên, họ đã mang bộ đồ làm nghề gò hàn thả xuống sông Tô Lịch. Lam nghe mà mỉm cười chua xót, và cô thầm nghĩ: “Nói thế thôi, chứ ai nỡ ruồng rẫy cái nghề đã gắn bó bao nhiêu năm, cho dù nó cực khổ thế nào, cho dù tiền nhiều đến mấy! Mà biết đâu, cũng có thể, kinh tế đỡ hơn, con cái lớn chẳng muốn bố mẹ vất vả nữa, thì cái việc ấy cũng có thể lắm chứ! Đến nhà Lam giờ chỉ còn giữ được cái búa cái đe của bố thôi chứ cũng thất thoát hết rồi!”.
    *
    * *
    Nửa đêm ở ngõ Tạm Thương, kể ra ba người ngồi chung bàn đây, cũng là thất nghiệp gần như hoàn toàn nhỉ. Anh đi tour thì cũng phập phù, anh xe ôm hôm câu được hôm không, cô cũng thế, công việc giảm đi ít nhiều, nhưng bù lại, tinh thần thoải mái và nhẹ nhõm hơn trước nhiều.
    Mưa đã ngớt. Hai anh bạn đưa Lam về. Hà Nội đêm đẹp tuyệt, nhất là đoạn Lương Văn Can với những mái ngói trầm mặc dưới ánh đèn vàng. Lam đang nghĩ về tự do sẽ đem lại gì, được gì, và mất gì với một con người. Không định nói với ai cả, Lam nói cho chính mình nghe rằng: Con đường nào chẳng phải qua...!

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Một Thoáng Yêu Đương
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Gieo Quả Được Quả
» Chai Nước Giữa Sa Mạc
» Tiếng Đêm
» Người Phụ Nữ Bố Yêu