Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bác Lâm Tôi Tác Giả: Trịnh Tú    
    Đôi khi, trong giấc mơ, người ta được sống lại những khoảng thời khắc đã xa xôi lắm rồi, và thường là những mảnh ghép hỗn độn không trật tự cả không gian và thời gian. Nhưng rõ nét nhất là gương mặt của những người quen biết, người còn đó và cả người đã mất. Một trong những giấc mơ như thế hay đến với tôi là gương mặt, là câu chuyện của bác họ tôi, bác Lâm. Một người bác không có tài cán gì nổi bật, không làm nên một công trạng gì nhưng lương thiện và nhún nhường cho đến phút cuối của đời mình.
    Bác xuất hiện ở nhà tôi khi tôi còn nhỏ lắm, từ ngày Hà Nội mới tiếp quản. Ngày bác đến là một anh bộ đội trẻ trung, đội mũ có lưới và mặc áo trấn thủ. Bố mẹ tôi mừng lắm, còn bọn trẻ chúng tôi nhìn bác thật mới lạ, từ cách ăn mặc đến lời ăn tiếng nói, ví dụ như chúng tôi quen nói “sửa soạn” đi đâu đó thì bác nói là “chuẩn bị”, từ mà bọn tôi chưa từng nghe thấy. Nhưng dù sao, lũ chúng tôi cũng quen ngay vì bác có nụ cười thật hiền. Hồi đó nhà tôi còn ở phố Bông Thợ Nhuộm, phía trước là sân sỏi rộng, có hai cây đa cổ thụ, giữa hai cây là bể cá bao quanh một ngôi miếu nhỏ. Bác Lâm thích ra ngồi ở thành bể, một mình, lặng lẽ nhìn vào ngôi nhà lúc nào cũng có tiếng đàn piano của các cháu chia nhau tập. Bác cứ lặng lẽ sống như thế, không xa lạ nhưng cũng không quá thân thuộc trong căn nhà của chúng tôi. Mẹ tôi kể, bác bỏ nhà đi kháng chiến từ lúc 15 hay 16 tuổi. Nhà bác ở quê, mẹ mất sớm, bác không sống được với người mẹ kế chỉ hơn bác vài ba tuổi. Bố bác đã di cư vào nam cùng người vợ trẻ. Bố mẹ tôi dành cho bác một căn phòng riêng và cấm tụi tôi không được vào. Vì thế thích nhìn trộm căn phòng của bác mỗi khi có thể. Nhưng lần nào tôi cũng bị một cảm giác sợ sệt vì căn phòng quá ngăn nắp và lạnh lẽo. Cũng vẫn cái tủ cũ của bố, chiếc giường tôi từng nằm nghe bà kể chuyện mà sao lại thấy xa lạ vậy, như thể bác không dùng gì đến. Cách bác ngồi ăn cơm với cả nhà cũng vậy, bác lơ đãng nghe câu chuyện trên bàn ăn như nghe một ngôn ngữ khác, khi gắp thức ăn bác lại trở ngược đầu đũa... Bọn trẻ con tủm tỉm nhìn nhau nhưng lâu dần rồi cũng quen.
    Ngày đó, bác đã phục viên và được nhận vào làm ở khu Cao-Xà-Lá, một khu công nghiệp mới của một Hà Nội mới đang xây dựng, nhưng bác vẫn đi về căn phòng của bác ở nhà tôi. Chừng vài năm thì bác lấy vợ. Vợ bác cùng làm chỗ bác, nhưng tôi không biết cả hai bác làm việc gì, hình như công đoàn hay hành chính gì đó. Vậy là bác không ở nhà tôi nữa. Hai vợ chồng bác ở tập thể khu Cao-Xà-Lá... Năm tháng cứ trôi đi, thi thoảng vợ chồng bác về thăm nhà tôi. Vợ bác là người xởi lởi, nói nhiều nên bác càng nhiều im lặng. Mãi đến khi đã trưởng thành, tôi mới đến thăm nhà bác, dịp bác có đứa con thứ hai. Thời đó mọi khu tập thể đều giống nhau, từ kiến trúc tổng thể cho đến từng căn hộ, thậm chí đồ đạc và mùi vị cũng giống nhau tạo nên một xã hội riêng, tách ra khỏi khu phố xá. Xã hội của viên chức nhà nước mọi ngành, từ thấp đến trung bình theo một mô hình hãy còn là mới mẻ. Thời đó, mâm cơm của các hộ cũng na ná như nhau. Hạnh phúc và ước mơ cũng vậy, nhỏ bé, lành mạnh. Cung cách ứng xử làng xã vẫn chưa phai tàn trong mỗi gia đình nên một tầng trong khu bỗng biến thành một thôn nhỏ, thân mật sớm tối có nhau. Trẻ con cùng tuổi, cùng học một lớp ở trường. Có lẽ vì thế cha mẹ chúng bỏ nhiều thời gian cho con cái hơn vì tất cả cùng chung một câu chuyện. Trở lại căn hộ của ông bác tôi, khi tôi đến, bác đang ngồi co ro trên giường, nhà mất điện, vợ bác và thằng con lớn đi đâu cả, đứa bé mới sinh ngủ như một thiên thần ngay sát cạnh bác. Bác chỉ chiếc ghế cho tôi ngồi, cũng không đứng dậy. Ngỡ bác bị ốm đau gì tôi hỏi: “Bác sao vậy?”. Bác cười thật tươi rồi nói: “Tao đang ủ tã của nó trong người cho ấm tã vì nhà mất điện từ sáng rồi”. Tôi bàng hoàng. Vừa lúc ấy đèn bật sáng, rồi vợ bác cùng đứa lớn 6, 7 tuổi ào về. Vợ bác vẫn xởi lởi như thế, thằng bé tròn như cối đá lỗ. Tất cả đều rạng ngời hạnh phúc. Một lát sau đã ngửi thấy mùi bếp dầu, mùi canh dưa, mùi đậu rán từ hành lang phả vào. Hành lang chính là bếp của mỗi căn hộ. Bác giữ tôi lại ăn cơm nên có dịp ngắm kỹ hơn căn hộ của bác. Không còn gọn ghẽ ngăn nắp như hồi bác ở nhà tôi. Nhưng tất cả sự bừa bộn đều theo một trật tự khéo thu vén và thật ấm cúng. Khuôn mặt bác có sự tự tin trong im lặng. Hình như nơi chốn này mới thực sự là của bác. Bác đã nuôi dạy hai đứa con từ nếp nhà này mà thành người tử tế. Từ ngày còn ủ tã cho nó, đến ngày nó bay khỏi vòng tay bác. Đứa lớn cũng theo binh nghiệp, giờ đã là đại tá, đã có một ngôi nhà nhỏ ba tầng trong khu Quân đội, còn em nó theo chồng làm ăn bên Đức. Chúng đều khá giả và lương thiện. Ngày bác mất, cả khu tập thể đều có mặt, và thế hệ con cháu họ hầu như đã thành đạt cả, dù ở xa đến đâu cũng đều có mặt. Họ tiễn đưa bác như tiễn đưa những kỷ niệm đẹp nhất thời niên thiếu. Thời mà họ được sống với những lẽ sống thật giản dị, nghèo thôi nhưng đầy tự trọng. Tôi chợt hiểu ra rằng, bài học về giá trị đích thực của đời sống không hẳn ở những sự kiện và nhân vật lớn lao mà ở những phận người lặng lẽ, khiêm nhường, biết thế nào là đủ để dành dụm cho con cháu lòng vị tha.

Kết Thúc (END)
Trịnh Tú
» Bác Lâm Tôi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop