Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đảo Nước Mắm Tác Giả: Trần Nguyễn Anh    
    Câu chuyện nửa hư nửa thật. Phần thật là những suy tư về cuộc đời, về khát vọng và những cố gắng thực tế đi qua số phận, để làm sao đạt được khát vọng. Phần hư lại là mối quan hệ giữa Tôi và Vân, cùng những chi tiết quanh hòn đảo mà tác giả gọi tên là Đảo nước mắm, nơi thành đạt và cũng là nơi thất vọng của người phụ nữ tên Vân. Truyện có những chi tiết phi lý thế mà câu chuyện vẫn có thể chấp nhận, khi tác giả cài đặt đan xen hư thật, tạo thành những biểu tượng văn học. Truyện có sắc thái vừa hiện sinh vừa lãng mạn để bạn đọc suy nghĩ về cuộc sống, trong hoàn cảnh tưởng như vô vọng vẫn phải tìm kiếm để mà hy vọng tới cận chân lý và lòng tin vào cái thiện.
    Lời bình của nhà văn Nguyễn Văn Thọ
    Chúng tôi theo con tàu nhỏ ra đảo vào một ngày sóng to gió lớn.
    Chuyến ra đảo dĩ nhiên phải viết và để viết. Hừm. Điều ấy thật trớ trêu như kẻ đi câu. Làm sao biết được cá cắn mồi hay không? Sự thích thú chính nằm ở nơi không biết ấy. Tôi mang theo hai cuốn sổ, dăm cây bút. Mà đôi khi chỉ viết được vài trang nhật ký với nội dung giống hệt nhau. Buồn bã. Cô độc. Văn chương ở đâu xa tít tắp mịt mờ.
    Vân đón tôi bằng chiếc xe ô-tô mầu đen trầy xước. Tôi không hiểu cô dùng nó vào việc gì trên hòn đảo nhỏ mà việc chạy bộ đôi khi còn thú vị hơn nhiều. Vân nhận món quà của tôi, cây cảnh trong bờ đem ra, không hiểu phù hợp với gió biển mặn mòi không.
    Nàng mở bản nhạc dịu êm, chở tôi đi vòng quanh đảo. Sóng vỗ bờ, biển trời cao chất ngất còn chúng tôi như đi dưới đáy vực, trên cao cao thấy mây bay cuồn cuộn cùng những con chim đã kiệt sức rơi xuống như vì sao băng. Tôi ngồi bên vô-lăng ôm chậu cây cảnh. Cây tùng tôi lấy được trên núi cao, hẳn hợp với không khí mát mẻ trong xe. Nó cũng khá mệt sau chuyến đi biển vừa rồi.
    Vân làm đại lý nước mắm. Nàng thu mua đủ loại nước mắm trên đảo, đem vào bờ bán. Nước mắm nguyên chất, như người ta nói, nước mắm mặn, độ đạm cao. “Quanh đảo này có loại cá cơm thơm đặc biệt. Nó làm nên thứ sản phẩm chỉ riêng đây giữ bản quyền”.
    Tôi thấy một sự bất ổn. Vân buôn bán nước mắm, người thoảng mùi cá cơm khô, vậy mà ăn chay trường, không khi nào đụng tới nước mắm. Ai cũng như chủ vựa nước mắm này, chắc đảo giờ đầy cá cơm chết già.
    “Vì sao ông lại dở chứng muốn làm nhà văn nhỉ? Tôi chẳng thấy ông mang tố chất gì của một nhà văn. Nhà văn phải giàu vốn sống, phải lập dị, phải viết nhiều. Ông ngược lại, như một người phu giữ rừng, chẳng bao giờ dám đụng đến dao búa. Năm vừa rồi viết được mấy cuốn sách?”. Vân tủm tỉm nhìn tôi với cây tùng cảnh.
    Tôi trả lời người bạn học cũ: “Hai truyện ngắn, mỗi truyện ba ngàn chữ, nhưng đều viết chưa xong”. Nàng phá lên mà cười: “Lại sợ đau bút, hư giấy hả? Sợ độc giả đọc phải văn chương kém, hay lo nhà xuất bản lỗ vốn?”. Tôi gật gù: “Bà lắm chuyện thật. Lẽ ra bà làm nhà văn, còn tôi lo vụ vựa nước mắm”.
    Tôi rùng mình khi thấy nàng bẻ tay lái sang ngang thì xe đi thẳng, giữ tay lái thẳng thì xe lại cứ đi ngang như cua. Vân bảo: “Tay lái có vấn đề”.
    Chiếc xe nằm bên mép nước. Chúng tôi ngồi bên nhau. Tôi đói bụng lắm, nhờ mang theo ít lương khô trong ba-lô, lôi ra ăn đỡ. Tôi hỏi: “Chồng dạo này thế nào? Làm gì?”. Vân xin miếng lương khô, đáp: “Chết mấy năm rồi, không biết à”.
    Tôi chẳng biết nên buồn hay vui. Tôi yêu Vân, điều ấy có, nhưng tôi không bao giờ muốn ông chồng kia chết để chúng tôi ngồi bên nhau tự do. Tình yêu không phải là một tội ác. Song, tôi cũng cảm thấy như mình không còn tội lỗi gì khi ngồi bên cạnh Vân như những năm tháng trước kia vô sự.
    Tôi vuốt nhẹ mái tóc nàng: “Không buồn chứ?”. Tôi thấy câu hỏi mình hơi vô duyên, nhưng còn hơn chẳng nói gì.
    Một mai, tôi chết đi. Người đàn ông khác ngồi bên em, trên hòn đảo này, lại hỏi em có buồn không? Em sẽ nói gì. Nàng bảo, tôi hỏi thật vô duyên.
    Nàng nhìn những đoàn thuyền đánh cá trở về, ước lượng số cá cơm được đánh bắt cũng như giá thị trường biến động ra sao sau cơn bão vừa rồi. Nàng nói về loài cá bé xíu lang thang giữa đại dương. Chúng mừng vui khi tìm được bến bờ. Khi ấy chúng rơi vào lưới.
    Cuộc sống thật nghiệt ngã làm sao. Nhưng tự nó đã tôi rèn con người ta biết phải sống như thế nào. Nàng không đồng ý: “Tớ cứ sống như mọi ngày, chẳng biết bắt đầu mọi thứ ra sao”.
    Theo nàng, trước kia, mọi thứ thuộc về người đàn ông ấy. Một ngày, anh ta bị tai nạn xe máy trên đảo, qua đời, mọi thứ bỗng dưng thuộc về nàng. Sự thay đổi khó tưởng tượng. “Sau nhiều năm, tôi vẫn sống như khi ông ấy còn sống. Cho đến cơn bão vừa qua”.
    Cơn bão không lớn lắm, khi vào bờ nó chỉ là cơn bão thường. Thật không ngờ lúc qua đảo, gió lốc, sóng cao cuốn đi một góc phố chợ. Mọi người kinh hãi, đau xót, giữa bốn bề sóng cuốn, mưa tuôn. Tôi đã lấy điện thoại và nhắn tin. Vu vơ thôi, thực sự không để ý lắm. Tôi sợ hãi quá. Vựa cá cơm biến mất trong lòng biển, trong chớp mắt. Đàn cá như sống lại vậy.
    Khi tôi lên đảo, gọi điện, nàng mới nhớ chuyện nhắn tin hôm bão vừa rồi. “Hóa ra tôi nhắn cho ông”.
    Nàng chở tôi đi thăm đảo, thăm những khu rừng xanh ngắt, trải qua bão táp mà mầu xanh vẫn như thể ngàn xưa, đằm thắm, dịu hiền. Dòng thác đổ từ trên núi như một cây đàn độc tấu. Dăm bảy con thú hoang hiền lành núp sau bụi cây ngơ ngác khi chúng tôi vụt qua.
    Thật vất vả, nguy hiểm với chiếc xe cũ đã hỏng tay lái. Cuối cùng chúng tôi đâm vào lùm cây dại ven đường. Chiếc xe bị cào nát. Hai đứa cố sức đẩy cánh cửa. Trời đã tối lúc nào không biết. Thật may mắn, chúng tôi thoát được ra ngoài. Bầu trời đầy sao.
    Còn nhớ lúc học với nhau nhỉ. Chúng tôi chẳng khi nào để ý đến nhau. Một lần, tôi ngồi dưới gốc cây si học bài. Vân đạp xe qua, chiếc xe mầu trắng, quần áo nó cũng trắng tinh. Cuốn vở rơi xuống đường cũng trắng tinh. Nó ngã nhào vào tôi, gớm chẳng khác gì vùi tôi dưới cành cây đổ. Tôi đau ê ẩm, miệng chảy máu, muốn khóc. Vân cười, bảo: “Nom ông quá tệ, khiến người ta muốn cũng không khóc nổi”.
    Một ngày nào đó, Vân lấy chồng. Cuộc sống của vợ chồng bạn hạnh phúc, đầm ấm và sung túc. Cuộc đời tôi, cho đến bây giờ cũng chưa bao giờ thanh thản và nhàn hạ. Tôi như một kẻ đi lạc, chưa tìm thấy lối ra.
    Càng đi càng vướng vào rừng rậm, hố sâu. Làm gì cũng thất bại, mưu kế gì cũng không thành, tình cảm dở dang, mộng mơ nhiều mà đắng chát cũng lắm. Tôi bèn quyết định thành nhà văn. Khi mang trên mình mác nhà văn mọi sự thất bại cũng đều trở nên lãng mạn.
    Chúng tôi quyết định chui vào xe bởi đêm tối sương giăng khắp trời. Tiếng vào xe, nhưng cũng chẳng khác gì chui vào giữa bụi rậm.
    Lần đầu tiên sau nhiều nhiều năm lắm, chúng tôi mới ở bên nhau trong đêm thanh vắng. Vân chắc đã quên cái đêm mùa hè chúng tôi chia tay nhau để vào đại học. Mỗi đứa đậu một trường, một miền xa.
    Mùa hè năm đó trời cao, sao nhiều lắm, rực rỡ như thể thiên hà bị cháy. Chúng tôi ghé trạm bưu điện. Nơi đó có tòa nhà đẹp nhất vùng, với cái cột thu lôi rõ cao. Bưu điện đóng cửa.
    Sân sau có một cái bể nước lớn. Chẳng biết trong bể còn nước không nhỉ? Tôi và Vân ngồi bên nhau, nói chuyện về bạn bè và những đồi sim trước mặt im lìm.
    Quá nửa đêm về sáng, chúng tôi nằm vắt chân, ngắm trời sao, đợi chuyến xe duy nhất trong ngày sẽ đi ngang qua làng. Vân nhập học trước tôi mấy hôm. Tôi tiễn bạn, thức trắng đêm.
    Nhà Vân ai cũng muốn chúng tôi lấy nhau, sinh con đàn cháu đống. Mọi người đi ngủ sớm, mặc chúng tôi với nhau.
    Bấy giờ, tôi không biết mọi người buồn ra sao khi hai đứa cùng đi khỏi làng. Hẳn khôn ngoan hơn, chúng tôi chẳng đi đâu nữa, ở nhà với thửa ruộng và những khu rừng hoang cỏ úa. Chúng tôi nghĩ tới những chân trời xa xôi, một miền sáng điện và thơm tho quần áo mới.
    Khi tôi trở về, nhiều người làng đã nằm dưới mộ sâu. Họ không biết chữ nên chẳng di chúc lại được suy nghĩ của mình.
    Tôi biết tôi yêu Vân. Tôi vẫn thường ghé nhà nàng để trò chuyện mỗi khi đêm về. Nàng đợi tôi trong căn phòng nhỏ có cửa sổ hình mặt trăng. Nàng chưa đỗ đại học nhưng đã nói giọng thành phố nghe rất lạ tai. Không biết đúng giọng thành thị hay không nữa.
    Sau này mỗi lần về nghỉ hè, nàng lại đem theo một người bạn trai. Bố mẹ nàng không đồng tình, chẳng phản đối. Ai cũng bảo: “Cô kén cá chọn canh, yêu anh nào thì một anh thôi chứ”. Nàng chẳng nói chẳng rằng: “Ế đến nơi, còn đòi với hỏi”.
    Tôi cũng mừng cho bạn. Bạn tôi học giỏi, nổi tiếng cả trường, lắm người theo đuổi có gì lạ đâu. Tôi ôm đàn, vẫn bản hành khúc xưa. Nhìn ra ngoài, trời đổ mưa, không một bóng sao. Giàn thiên lý trơ trụi vì hái hoa làm cơm đãi khách.
    Tôi chẳng biết những cuộc tình đám mây của Vân đến khi nào kết thúc. Vân làm thơ tình, nồng cháy, những nụ hôn miên man. Người bạn cùng trường thường cắn nhẹ vào những ngón tay hơi gân guốc của nàng. Nàng đã nói thành thạo thứ tiếng xa lạ ấy, như hóa thành người khác vậy.
    Có lẽ Vân không bao giờ nghĩ nàng yêu tôi. Đến giờ vẫn vậy. Tình yêu đích thực như một loài hoa nở trên cao. Ta không dễ gì nhìn thấy được.
    Trong khu rừng nguyên sinh, bạn giật mình, tựa ai đang ngắm bạn, rất có thể đấy không ai khác một bông hoa trên cao đang thả rơi vài cánh mong manh.
    “Bây giờ ông có tất cả rồi”. Nàng nói: “Một gia đình, một vựa nước mắm, một chiếc xe hơi nằm trong bụi rậm”.
    Tôi không phải tranh chấp, không cần gì hết, mà có tất cả những gì tôi từng mất.
    Số phận của nhà văn kết thúc trong giấc mơ về sự sung túc vốn không phải của anh ta. Khác với nhà buôn luôn đẩy bất hạnh về người khác, nhà văn thường quen nhận về mình mọi thứ không ai thích: nỗi buồn, bất công, sự phản kháng, ước mơ không khi nào thành sự thật.
    Song lần này, thật bất ngờ, tôi bỗng có tất cả. Tôi sở hữu hàng chục thứ giá trị. Tôi nói với Vân: “Chắc hẳn bà mới là một nhà văn chứ không phải tôi”.
    Vân khá cao lớn. Nàng không cứng cáp như tôi nghĩ mà khá mềm mại. Mái tóc nàng bao lần nhuộm, xơ ra như tổ rơm. Nàng khoe mình “biết chơi thành thạo một nhạc cụ”. Không thích, sao lại học đàn chứ. Ồ, tôi nói, vậy chẳng nhẽ cứ học đàn là người thích tôi sao?
    “Ông thật đa nghi”. Nàng tỏ ra ái ngại tôi. “Tôi lấy chồng cũng vì ông”.
    Nàng quá bướng bỉnh. “Tôi muốn ông đau khổ. Tôi muốn ông phải chịu những thiệt thòi”. Thật quá quắt. Suy nghĩ kiểu gì kỳ lạ thế.
    Không sợ bất hạnh hay sao? “Không”. Nàng hỏi tôi: “Bất hạnh là gì vậy? Tôi không phải là nhà văn, không biết điều đó”. Chẳng nhẽ yêu là mất hết mọi thứ trên đời?
    Tôi đã đi tìm nàng nhiều nơi. Bạn bè của chúng tôi đều bặt tăm tin tức. Tôi không thấy ai nhắc về nàng. Địa chỉ đều thay đổi hoặc không chính xác. Nàng đã đi nước ngoài. Tôi tin điều đó. Nàng không còn dấu vết gì trong thành phố và thôn quê.
    Một ngày, tôi mua được chai nước mắm ngon. Tôi hỏi: “Đâu ra vậy?”.
    Người bán hàng ở chợ, nhìn tôi, bực mình, đáp: “Ngoài đảo xa chứ đâu nữa”.
    Tôi nhớ câu chuyện An Tiêm bị đi đày, gửi về đất liền quả dưa hấu để liên lạc. Những quả dưa trôi theo con sóng, vào đến đất liền. Từ đó, biết được An Tiêm còn sống.
    Tôi hỏi dò nhiều ngày. Cuối cùng, tôi biết được người chủ của hãng nước mắm không tên ấy là Vân. Cô ấy hạnh phúc, giàu có, quyền lực. Chủ một khách sạn và một khu rừng.
    “Tôi muốn mua một nghìn chai nước mắm hảo hạng”. Tôi nói trong điện thoại.
    Giọng đầu kia trả lời: “Chỉ một ngàn chai thôi sao?”.
    Tôi lại nói: “Hãy thả xuống biển”.
    *
    **
    Bà vẫn gửi nước mắm cho tôi đấy chứ?
    Nàng gối lên ngực tôi, bảo: “Ông lại không tin nữa rồi”.
    Tôi không nhận được. Tôi lang thang trên các bãi biển và dò hỏi nước mắm đóng chai.
    Sau cơn bão cũng vẫn chẳng nhận được gì. Người lượm rác vẫn nhặt được nhiều than củi, thứ than ngậm muối cháy nổ bừng bừng và mùi thơm ngan ngát.
    “Một ngàn năm sau, chai nước mắm khắc tên ông mới vào được đến bờ”. Nàng nói như đinh đóng cột.
    Vậy mà tôi cứ đi lang thang, tìm kiếm những gì không hiện hữu. Tôi đúng là nhà văn. Cố bới tìm trong bì than cho đến khi khuôn mặt lọ lem như bóng tối.
    “Ông chẳng bao giờ làm được nhà văn đâu”. Nàng kể cho tôi nghe câu chuyện về một nhà văn nổi tiếng.
    Anh ta bán hết mọi thứ, mua một túi vàng, đeo bên hông, đi đây đó để viết văn. Anh ta viết nhiều tác phẩm nổi tiếng, thành công vang dội. Sau một thời gian, trở về, anh mang theo 3 túi vàng bên hông. Còn văn chương ư? Anh bán chúng cho người khác hết cả rồi.
    “Tôi chẳng có văn chương để bán, bà biết rồi mà”. Vân lắc đầu: “Ông có những hai truyện ngắn”. Tôi lại than thở: “Chưa xong mà”.
    Sau chuyến đi thực tế ra đảo, tôi tưởng hoàn thiện nốt hai truyện ngắn, hóa ra vẫn dở dang. Càng hoàn thiện, truyện càng thêm nhiều dang dở.
    Truyện kết thúc có hậu lại không hay, truyện không hay thì kết thúc lại có hậu. Tôi không thể gửi đăng ở đâu được, các ban biên tập đều chỉ nhận những chuyện vừa hay mà kết thúc lại viên mãn.
    Văn chương là cuộc đời, văn là người, con người ta phải sung sướng, mãn nguyện chứ. Các ông tổng biên tập luôn nhìn cuộc đời với cái nhìn của kẻ chiến thắng.
    Thật ra kẻ chiến thắng cũng mang những nỗi đau chứ, không thể nào chẳng biết đau, nhưng thấm gì so với kẻ bại trận. Một ông phó tổng từng nói với tôi rằng ông ta không bao giờ đọc truyện của sếp mình bởi trong đó toàn diễn ngôn dạy khôn cuộc đời và dọa dẫm kẻ cấp dưới phải vâng lời. Ông nhà văn ấy luôn là người chiến thắng, nhưng thực sự ông sống đúng vậy thật.
    Tôi mới nhớ đến câu chuyện của Vân và tôi. Biết đâu, tôi không thể trở thành nhà văn. Tôi chỉ... có thể trở thành nhà văn mà thôi. Một nhà văn trẻ non nớt cho dù tuổi đã trung niên khá lâu rồi.
    Văn của tôi, được đầu thì mất khúc đuôi. Mở đầu hay ho, kết thúc mọi chuyện không ra gì. Kết thúc hay, hấp dẫn, chao ôi phần mở đầu lại dở không tả được. Thà cứ sường sượng như chuyện của ông tổng biên tập kia còn hơn truyện như cơm dở khê, dở sống mà tôi trăn trở không dám bỏ chữ nào.
    Biết làm sao được bây giờ? Tôi đã nguyện thành nhà văn sau khi đã thử mọi nghề.
    Khi tôi viết những dòng này, tôi ở trong bờ được mấy tháng. Chiếc xe ô-tô đen được kéo khỏi bụi rậm bởi chiếc xe khác đẹp vô cùng và những người đàn ông cũng giàu sang, lịch sự hơn trong bờ. Họ mời Vân đi dự tiệc.
    Tôi đã vội vã lên chuyến tàu gỗ cũ chở nước mắm vào bờ. Cái áo phao cũng không đủ mà mang.
    Cũng như tháng năm xưa, chúng tôi chưa kịp nói với nhau về điều gì. Tôi sẽ ra trông vựa nước mắm còn Vân sẽ viết văn?
    Tôi chờ đợi một quyết định nào đó. Từ trên đồi cao, nhìn xuống biển, tôi thấy đôi dép cũ trôi dật dờ.
    Hình như chai nước mắm thì phải. Hóa ra con cá rất to nhìn không chớp mắt.
    Trên đảo có một cái nhà tù bỏ hoang. Không biết từ bao giờ con người nghĩ ra cách giam cầm đồng loài giữa biển khơi. Cuộc sống biệt lập nơi hoang dã khiến người ta đôi khi mất đi mọi liên lạc với đời thường. Vân kể chuyện vài người tù rời khỏi trại đã không vào bờ mà ở lại làm cư dân trên biển. Một số khác sau khi vượt ngục đã sống trong các hang động và vui thú với cuộc sống nơi rừng nguyên sinh.
    Sự xa cách, buồn bã đôi khi cũng là thói quen ăn sâu trong tâm hồn. Khát khao tìm lại ký ức xưa, một khi đã nguội lạnh, trở thành tảng đá níu giữ Vân. Nàng hứa sẽ nghĩ tới ngày trở về. Tôi cũng có thể ra đảo, đóng một chiếc bè bằng thứ gỗ cổ xưa nhất của loài người, đưa nàng quay lại quê hương. Chỉ e rằng chỉ mình tôi ngồi trên chiếc bè mảng ấy.
    Tôi hành nghề chụp ảnh trên bãi tắm. Tôi sắm con ngựa cao lớn để khách leo lên chụp ảnh. Tôi kiếm ra nhiều tiền, đủ thuê phòng sống ngay cuối con sóng. Tôi nghe sóng vỗ bờ như lời hát nàng gửi cho tôi.
    Đêm trăng, tôi cưỡi con ngựa quý của mình, lang thang dọc bãi biển. Tôi mặc quần áo như thể diễn viên. Thứ trang phục dành cho khách chụp ảnh, áo giáp và mũ giả sắt. Hông đeo thanh kiếm gỗ dài cong như ngà voi.
    Tôi phi ngựa dọc bãi biển, bên con sóng nhỏ dập dờn. Ngựa hí vang. Biển lúc hừng đông. Ngựa chờ đợi điều gì? A, chờ đợi mặt trời lên. Bãi tắm lại đông nghẹt người, con ngựa vui với ngày mới. Nó thích cuộc sống náo nhiệt của con người hơn là những thảo nguyên bát ngát, cô quạnh.
    Tôi phải ghìm cương, chậm rãi nhảy xuống, dắt con ngựa đi dọc bờ biển. Tôi đi tìm chai nước mắm khắc tên tôi. Con ngựa ngậm vài ngụm nước mặn và phun ướt chiếc áo giáp của tôi.
    Ngôi sao cuối cùng của đêm cũng tắt nơi phương xa. Đàn chim từ ngoài đảo bay vào trú ngụ tránh cơn bão mới. Chúng làm tổ đâu đó trong thành phố, tiếng kêu quen thuộc biết bao.
    Loài chim Yến nơi khơi xa hoang sơ nhất mà lại thích sống trong nhà với con người. Chúng không dùng lá khô, chỉ làm tổ bằng nước dãi của mình. Có gia đình sau một đêm tỉnh dậy thấy trần nhà đầy chim biển. Họ dọn dẹp chỗ ở, dành vài phòng cho các vị khách tự nơi xa vời.
    Con ngựa kiên nhẫn đi theo chủ của mình, nó hí vang như thể hiểu tấm lòng tôi trắc ẩn. Người bạn trung thành của tôi không biết nói tiếng người. Nó diễn đạt bằng những bước chạy dũng mãnh và những cú đá sấm sét vào không trung. Tôi cũng hiểu hoàn cảnh ngựa chiến biến thành ngựa cảnh. Dầu các tấm hình có đẹp đến mấy cũng không thể diễn tả sự oai hùng của nó trong lúc này.
    Tôi chẳng thể kể câu chuyện đời tôi với con ngựa. Nó không thể biết đâu đúng đâu sai, đâu hay đâu dở. Nó không hiểu tôi cứ đi tìm một thứ tôi có thể mua ở chợ để mà làm gì cơ chứ. Góc xa kia có một dãy cửa hàng nước mắm. Chúng được người dân trong xóm chài làm bán cho khách du lịch. Con ngựa vẫn kiên nhẫn đi theo tôi, qua những mái nhà rong rêu, những cửa hàng đóng kín.
    Tôi cứ mải miết đi, tìm món quà của riêng mình. Tôi không còn trẻ nữa. Năm tháng trôi đi với biết bao đổi thay không ngờ. Tưởng có tất cả, mà mất tất cả, rồi có tất cả. Mọi điều như gần gụi, bỗng hóa xa vời.
    Nhấp nhô ngoài xa kia bóng dáng loài cá mập hung dữ. Hẳn chúng đã xơi mất một phần những ký ức trôi nổi của chúng tôi. Lẽ nào tôi phải hạ đàn cá mập để tìm dấu vết những cái chai?
    Tôi vẫn đi trên bãi biển, dưới cánh chim trời háo hức tìm nơi trú ngụ. Lưỡi gươm bằng gỗ kéo trên cát thành vệt dài, bên cạnh những vó ngựa in hằn.
    Tôi nghĩ đến quê hương của mình, nơi tôi và Vân lớn lên, cùng hát những bài dân ca sôi nổi. Nàng có cái eo con ong và có đôi mắt con chim cu đất. Nàng có mái tóc mượt như nhung và tiếng nói nhẹ như tơ.
    Dấu giày cũ kỹ, xác xơ, ướt sũng in trên cát, sóng cuốn mất tích trong chốc lát. Tôi đứng bên con ngựa vạn lý, chăm chú dõi theo một con sóng bạc đầu đổ về từ phía đại dương xanh biếc một màu vũ trụ phản chiếu lung lin

Kết Thúc (END)
Trần Nguyễn Anh
» Gia Đình Làng Quê
» Một Chuyến Nhảy Dù
» Tiếng Sáo Nơi Lưng Trâu
» Đảo Nước Mắm
» Những Chuyến Tàu Chở Tết
» Chuyến Xe Qua Bão Ngọt Ngào
» Vóc Dáng Quê Hương
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết