Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ngày Về Tác Giả: Tuần Châu    
    Cuộc đời bình lặng chắc hẳn anh chỉ là một nhà thơ thôi, rung đùi thù tạc với bạn bè dưới mái hiên, bên những hàng rào dâm bụt. Thầy giáo dạy anh là một giáo sư người Pháp đáng kính dáng gầy cao, đọc nhiều sách và thông minh khác thường. Ông nói với Niệm: “Anh sẽ trở thành một nhà thơ lớn của quê hương mình”. Niệm lắc đầu, trả lời thầy: “Em muốn được làm thầy giáo như thầy, để đứng trên bục giảng nói về những điều tốt đẹp về đất nước mình”. Người thầy giáo mỉm cười: “Anh sẽ nói với học trò mình điều gì?”. Người học trò dáng vẻ nhanh nhẹn, dứt khoát: “Em sẽ giảng cho học trò của mình bài học về tự do”.
    Khi Niệm nói với mẹ rằng anh sẽ theo một người bạn thân ở làng bên đi làm cách mạng, mẹ của anh đã òa lên khóc. Với kiến thức và sự sáng dạ cũng như ý chí vươn lên của mình, con trai bà hẳn sẽ kiếm được một vị trí tốt trong các công ty của Pháp, các sở, thậm chí một chân viên chức nhà nước. Nhiều bạn bè của Niệm đã đi làm việc và hưởng lương cao, đủ cho gia đình sống sung túc, mua nhà cửa ở thành phố. “Sáng mai người ta sẽ tử hình mấy người cách mạng ngoài chợ đó. Nguy hiểm quá con ơi!”. Người con trai nói với mẹ: “Con không sợ. Sự tàn bạo của Pháp chỉ khiến con càng quyết tâm phải làm gì đó, không để những kẻ ngoại bang nắm quyền xét xử và tử hình người của mình”. Mẹ anh lại bảo: “Chẳng biết khi con thành công rồi thì còn thấy mẹ nữa hay không”.
    Người chèo thuyền đưa anh qua sông vào khu căn cứ bí mật là một người ở cho tay địa chủ tay sai giàu nhất vùng. Cô này thường được qua lại trên sông mà không bị nghi ngờ gì. “Em sẽ chở anh đi. Anh nhớ ra bến đò lúc sáng sớm nhé - Hiền bảo - Pháp sẽ về rất đông để tử hình mấy người cách mạng đó”. Chiếc đò chở đầy trầu đi qua bên kia sông.
    Trên bờ giặc Pháp vác súng đi lại nghênh ngang, dòm xuống. Hiền thấy khâm phục người học trò giỏi nhất làng. Anh ta không chỉ học giỏi mà còn giỏi chịu đựng nữa. Những thúng trầu cau nặng đè khắp người của Niệm, cả trên mặt của anh nữa. “Em muốn đi theo anh”- cô nói. Niệm không đáp. Anh không muốn lộ bí mật, nhưng cũng buột miệng nói nhỏ, vọng từ đáy đò lên: “Em không cần đi đâu xa, em chỉ cần không làm con ở cho nhà tên phản động đó là được rồi. Em giải phóng cho mình em cũng là thành công rồi đó”. Con đò đi vào màn sương mờ giăng kín và vào một lùm cây. “Em nhớ lời anh rồi. Em sẽ đi làm thuê ở chợ, khi nào anh về nhớ tìm em nha”. Niệm bảo: “Chắc chắn lão địa chủ sẽ biết em đưa anh ra khỏi làng, nhưng sợ liên lụy nên không dám báo bọn Pháp đâu, nhưng hắn sẽ cho người theo dõi, nên em phải cẩn thận”. Bất chợt, chàng lẩy ra câu thơ: “Người ra đi hẹn ngày trở lại/ Như dòng sông khắc khoải một câu hò”.
    Chao ôi, hôm đó Niệm đi trên quê hương mình mà đầu không dám ngẩng cao, nơi đâu cũng là những kẻ chó săn sẵn sàng bắt chàng giao nộp cho Tây, bên kia là đồn bốt, bên này là ngụy binh. Chàng càng thấu hiểu vì sao những người anh, người chị của mình đã không quản ngại hy sinh và đi trên con đường này vào khu kháng chiến. Vâng, cái nỗi nhục của con người không thể cất cao tiếng nói trên chính quê hương mình. Trái tim chàng nhói đau, như những viên đạn thù găm vào cơ thể. Bên kia sông, buổi hành hình người yêu nước đang diễn ra giữa chợ.
    Bất giác Niệm muốn quay trở lại làng mình, quyết một phen sống mái với tên địa chủ đã dẫn Tây về làng đàn áp cách mạng, một phen quyết tử với đám giặc Pháp hung tàn và ngạo mạn. Với sức vóc chàng, có thể địch được một vài thằng Tây. Tay nắm lại trong tay, máu nóng bừng lên. “Đồng chí Lai phải không?”. Một người buôn hương đi ngang đường bất chợt gọi bí danh của Niệm. “Đi thôi - người đồng chí ấy bảo - Ngày trở về không còn xa nữa đâu”. Niệm không nói được câu gì, theo người đồng chí ấy đi vào con đường mòn mất hút.
    Khi vào tới căn cứ, người buôn hương cởi hết hóa trang, Niệm mới nhận ra đó là anh Điền, người anh học lớp trên và là người đã khuyên Niệm không nên làm cho Pháp. Anh Điền ở làng bên, học giỏi nức tiếng, ai cũng tưởng anh sẽ đi làm cho sở Pháp, không ngờ anh lại lên rừng. Gặp được người anh, Niệm mừng quá: “Chúng nó nói anh đã chết trong tù rồi. Em không tin. Người như anh thì không thể chết được”. Người anh làng bên tủm tỉm: “Ai cũng có thể chết chứ, chỉ có điều chúng ta không sợ chết”. Anh Điền lại bảo: “Chúng ta chỉ sợ mình không vượt lên nổi ký ức nô lệ của mình để đấu tranh cho cuộc sống tự do”. Em hiểu chứ, chúng ta phải bắt đầu tất cả mọi thứ. Hôm đó, ăn cơm xong, anh em trong khu mừng Niệm quây quần bảo: “Niệm giỏi nhưng tính cương trực, nếu ở lại thì sớm muộn cũng sẽ bị Pháp bắt thôi. Anh em chúng ta, những người học giỏi, có chí khí thì hoặc bị mua chuộc, lôi kéo ép buộc phải làm việc cho chúng, bằng không, chúng sẽ nghĩ cách làm hại”.
    Đêm đó, anh Điền đưa cho Niệm cuốn tài liệu cách mạng đầu tiên. Vâng, anh ghét Pháp, nhưng kiến thức anh học chỉ là từ trường Pháp thôi. Anh cần những tài liệu này lắm. Đó chính là tài liệu Đề cương văn hóa Việt Nam. Niệm đã nhìn thấy một tương lai trước mặt mình, như nhìn thấy một bình minh ấm áp trong đêm trường lạnh giá. Trong trường học anh chỉ nghe nói đến văn hóa Pháp, văn minh Pháp thôi. Nhiều năm hoạt động trong giới học sinh nhưng đây là lần đầu tiên Niệm đọc một tài liệu nói về tương lai độc lập của nền văn hóa dân tộc. “Chúng ta phải khẳng định rằng văn hóa chúng ta không thua ai hết” - Niệm nói. Anh Điền cười bảo: “Đó là việc của Niệm đó”.
    Niệm đi xây dựng cơ sở, truyên truyền cách mạng. Anh bị bắt ở một bến đò. Chúng giam anh trong ngục tối, bỏ đói cho chết. Anh không chết, anh đọc thơ. Chúng đánh anh, anh đọc thơ.
    Tên cai ngục là cháu của tên địa chủ làng anh, hắn gọi anh lên. Hắn mặc áo lụa, người treo vàng bạc lấp lánh. Niệm chỉ còn nắm xương, máu me bê bết dưới sảnh. Hắn bảo: “Tôi biết đến cả cố tổ nhà anh đấy”. Niệm bảo: “Vậy thì sao?”. Hắn bảo: “Đời cố tổ anh đã chống lại người Pháp rồi. Cố tổ anh thất trận, treo cổ mà chết ở góc thành. Sao các anh không sáng mắt ra, vẫn như lũ thiêu thân. Người Pháp họ giỏi, họ văn minh vô cùng, được làm nô tì cho họ tưởng mà dễ hay sao? Bây giờ tôi cho anh sợi dây, anh tự xử như cố tổ anh đi”. Niệm bảo: “Tôi sẽ sống để làm cách mạng, để cho những người như ông thấy rằng sự khác biệt của người có tư tưởng làm tự do và người có tư tưởng làm nô lệ sẽ khác nhau ra sao”. Tên cai ngục bị sỉ nhục trước quân lính vô cùng bực tức, xin lệnh tử hình Niệm. Đêm đó, Niệm được tổ chức vượt ngục. Cũng từ đó, để giữ bí mật cho Niệm, anh được đưa đi hoạt động ở miền xa.
    “Cách mạng thành công rồi!”. “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Những tiếng hò reo trên suốt con đường quốc lộ khiến Niệm không cầm được nước mắt. Anh giơ tay vẫy chào mọi người, họ cũng vẫy chào anh. Tất cả đều như quen biết từ thuở nào. Chuyến xe đầu tiên chở anh em hoạt động ở xa về thăm quê đi qua những đồn bốt của Pháp giờ đây đã cắm cờ của ta. Những người dân quân du kích, những đoàn quân chủ lực xuất hiện khắp nơi. Niệm bảo anh Điền: “Chắc em ngột thở mất!”. Anh Điền bảo: “Sao vậy?”. Niệm bảo: “Bây giờ thì có thể nói câu: quê hương này là của ta thật rồi”. Người tài xế hỏi hai anh em: “Các đồng chí đi theo hướng nào?”. Anh Điền đáp: “Đâu có đường thì đồng chí cứ đi”.
    “Thằng Điền, thằng Niệm về rồi!” - tiếng mấy người làng kêu lên khi xe của họ đi trên con đê. Bọn trẻ chưa biết mặt, chỉ nghe tin hai người cũng nhảy cẫng lên đòi quà. Nhìn xa xa dưới gốc cây cổ thụ, anh thấy người cậu của mình bị giặc bắt tra khảo đánh đập gãy một chân, đang ngồi trên bậu cửa, đôi mắt nhìn Niệm như muốn nói: “Mi về rồi hả Niệm, răng giờ mới về, có mấy người về từ hôm qua”. Niệm bảo với anh Điền: “Ai cũng đòi quà, biết làm sao?”. Anh Điền bảo: “Mình đã đem lại quà cho mọi người rồi đó, món quà ấy là tự do đó. Hãy nhìn xem, những con đò đã cắm cờ cách mạng mà ngang dọc trên sông”. Chắc anh lại nhắc chuyện Niệm hôm nào qua sông nằm dưới đống trầu cau. Xe dừng lại, chờ qua con phà mới xây dựng, anh Điền lấy kẹo ra phát cho mọi người. Chẳng biết anh chuẩn bị từ lúc nào. Một bà cụ móm mém bảo: “Tụi bay được đó”.
    Niệm ghé nhà tù, nơi anh vượt ngục những năm trước. Tên cai ngục trốn trong rừng, sợ chết đói, ra đường xin ăn và bị bắt lại. Niệm vào thăm lại ngục, thấy hắn bị giam đúng vào cái phòng trước kia đã giam anh. Hắn bảo: “Tội tôi đáng chết. Giờ các ông tha hồ trả thù”. Niệm bảo: “Chúng tôi làm cách mạng không phải để trả thù. Chúng tôi đi tìm tự do cho dân tộc, để người ta được làm người”. Viên cai ngục nói: “Thế mà tôi cứ nghĩ các ông làm cách mạng để trả thù những gì chúng tôi đã gây ra”. Niệm không nói gì, anh chỉ thấy tội nghiệp cho những người đã bị giặc Pháp mê hoặc với tư tưởng cai trị hà khắc của họ. Niệm quay đi và nói với hắn: “Tôi muốn ông hiểu rằng giờ đây ông là tù nhân trên một đất nước tự do”.
    Anh đi ra chợ. Những người du kích trẻ tuổi không biết anh là ai, nhưng người trong chợ thì ùa ra đón anh, ai cũng mời nước, mời thuốc. Mẹ anh ngồi bán trầu cau ở cuối chợ. Thường ngày thì dưới đám trầu cau ấy đôi khi có cả những tài liệu mật. Mẹ anh bảo: “Các đồng chí nhớ giảm sưu thuế cho bà con”. Anh bảo: “Mẹ và mọi người cứ yên tâm, chúng ta không phải đóng thuế nuôi người Pháp nữa đâu”. Tiếng vỗ tay vang rền.
    Niệm gánh giùm mẹ gánh trầu cau về nhà. Mẹ lấy lá cờ nhỏ dưới đám trầu cau mà cầm, vừa đi vừa vẫy vẫy cùng mọi người.
    Nhiều tháng năm sau đó, dù cuộc kháng chiến còn trường chinh gian khổ, anh vẫn nhớ mãi ngày về quê trong mùa thu cách mạng ấy. Anh chưa bao giờ mất đi niềm tin vào ngày quê hương được tự do, nhưng anh cũng chưa thể hình dung nổi ngày về lại đầm ấm như thế.
    Bên dòng sông quê hương xanh biếc, đi qua cây đa mấy trăm tuổi, anh như chết lặng khi dưới sông văng vẳng lên một giọng hò man mác, sâu thẳm, lan tỏa trong trời đất chiều vàng rực: “Hò ơ! Thuyền em lên thác xuống ghềnh/ Nước non là nghĩa là tình ai ơi”.
    

Kết Thúc (END)
Tuần Châu
» Ngày Về
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Hoa Học Trò
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop