Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mình Tìm Thấy Nhau Từ Lúc Nào Tác Giả: Đỗ Phấn    
    Nhận tận tay tấm thiếp mời của thằng Yên bạn cùng phố từ nhỏ, ông tần ngần suốt một buổi chiều. Tấm thiếp in trang trọng như thiệp cưới hiện đại. Có ảnh nó và vợ toe toét cười. Lại còn nắm tay nhau đứng bên rặng phi lao ngoài bãi biển vắng tanh. Nghe nói đó là bãi biển nằm trong khu đất vợ chồng nó đã tích cóp mua được từ vài năm nay. Biển hình như đã là ao nhà? Dòng chữ mạ vàng nắn nót trên tấm thiệp ghi: Trân trọng kính mời hai bạn đến dự lễ kỷ niệm 35 năm ngày cưới của chúng tôi Trọng Yên-Thúy Hòa. Được tổ chức vào hồi... giờ, ngày... tại nhà hàng Phố Biển. Rất vinh hạnh được đón tiếp.
    Cái thằng của khỉ này luôn lịch lãm chữ nghĩa. Tính cho đến giờ là hơn nửa thế kỷ chơi với nhau, ông chưa bao giờ thấy nó nói năng phép tắc như thế ngoài đời thực. Toàn mày tao chí tớ. Thậm chí những lúc say còn gọi nhau là mặt nọ mặt kia. Hơn nữa, lý do cuộc hôn nhân của nó ông còn biết rõ hơn ai hết. Đến vợ nó cũng chẳng thể biết nhiều bằng ông.
    Đầu những năm bảy mươi thế kỷ trước, lý lịch gia đình có bố tham gia quân đội chế độ cũ, các bác đi nam gần hết, thằng Yên vào được đại học đã là một cố gắng phi thường. Dĩ nhiên nó học khá như mọi con cái gia đình trí thức Hà Nội vẫn thế. Chuyện vào đại học với chúng gần như là đương nhiên. Vấn đề còn lại chỉ là chọn trường. Thằng Yên biết thân biết phận nên chọn Đại học Xây dựng. Một trường mới được đổi tên nâng cấp vào giữa thập kỉ trước. Đại khái không nằm trong câu vè chọn trường thời ấy: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, ngoài ra Sư phạm”.
    Dù đạt điểm số cao trong kỳ thi đại học năm ấy nhưng thằng Yên vẫn nằm trong diện xét vớt. Có nghĩa là trường sắp xếp cho vào khoa nào thì phải học khoa ấy mà không có quyền chọn. Cũng tốt chán so với ba anh, chị nó không ai vào nổi bất cứ trường đại học nào. Nó được xếp vào khoa Kinh tế, một khoa mới mở chẳng có đẳng cấp gì so với các khoa khác ở trường.
    Bốn năm học ở Hương Canh với những đồi bạch đàn heo hút gió, với những giếng đất đá tổ ong sâu hàng chục mét nổi váng vàng khè. Với cơm lĩnh ở nhà ăn cho sáu thằng, đựng chung một chiếc rá. Đổ đậu phụ kho và chan luôn canh rau muống lên trên mặt cơm nước chảy lòng thòng bưng về lán. Cuối cùng nó cũng tốt nghiệp hạng ưu dù ai cũng biết cái sự học hành của sinh viên những năm tháng ấy.
    *
    Không nhất thiết phải ngày cuối tuần, thấy hở ra lúc nào có thể về Hà Nội chơi được là thằng Yên lập tức lên tàu. Dĩ nhiên trốn vé. Một thằng thư sinh trắng trẻo đi chân tay không như nó đám soát vé trên tàu cũng có phần ưu ái. Chẳng bao giờ hỏi han. Thậm chí những người lái tàu cũng hình như biết đám sinh viên nghèo lúc ấy đông đặc trên các chuyến tàu ngược xuôi tuyến Hà Nội-Lào Cai là bọn đi lậu vé. Nhưng không những không phiền trách dọa dẫm gì, họ còn như ngầm giúp. Cứ gần đến ga Hàng Cỏ, Phúc Yên, Hương Canh, Vĩnh Yên họ đều giảm tốc độ vừa đủ cho những đứa nhút nhát nhất vẫn có thể nhảy xuống. Nhiều đứa con gái cũng theo bạn trai nhảy xuống tàu rất thuần thục.
    Về Hà Nội việc đầu tiên là thằng Yên tìm mấy thằng bạn cùng phố mượn xe đạp dạo chơi đường Phố Huế, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Gọi là “đường tẩy”. Chỉ có một trò thôi. Cưa gái. Con gái nhà lành và cả không lành lặn lắm tối tối lững thững đạp xe ra đấy làm mục tiêu. Thật khó hiểu khi con gái gia đình giáo dục cẩn thận nghiêm ngặt hay con nhà chợ búa hoang đàng cũng đều có mặt trên những cung đường ấy. Gái “cưa đường” hiếm khi thành gia thất với “thợ cưa”.
    Thằng Yên “cưa” được em Lan Hương nhà ở ngay cuối Hàng Bài đầu phố Huế. Cũng vì thế con đường “tẩy” của nó ngắn đi một đoạn đáng kể. Chỉ còn một khúc từ Hàng Bài lên Bờ Hồ. Lũ bạn trai của nó cũng lần lượt tìm cho mình được những em vừa chuyện. Đến cuối những năm 70, đám bạn “cưa đường” của Yên gần như tan rã trên “đường tẩy”. Có thể vẫn hẹn hò nhau ở đấy nhưng sau đó mỗi đứa đưa “câu chuyện” của mình tản ra khắp thành phố. Vài đứa dẫn nhau vào công viên Thống Nhất ấn lằn lưng bạn gái lên những gốc cây xù xì. Có đứa đưa bạn gái lên Hồ Tây nằm lăn trên bãi cỏ ngửa mặt đếm sao trời và mơ đến những đông đàn dài lũ. Cũng có đứa đưa nhau ra bờ đê sông Hồng đoạn gần nhà Bác Cổ khi mà cả hai đều công nhận cái bờ đê mượt cỏ ấy còn êm ái hơn vạn lần những chiếc giát giường mậu dịch lung lay thiểu não.
    Lan Hương là một cô gái có nhiều mĩ miều nhiêu khê của thị dân cũ từ một gia cảnh đã từng đài các có phần suy vi sau cải tạo công thương. Rất hợp với xuất thân của thằng Yên. Cô là con gái Hà Nội, giỏi việc chợ búa bếp núc kim chỉ. Một vẻ đẹp mong manh nhẫn nại làm rung động chắc hẳn rất nhiều trai phố còn lưu luyến những mơ hồ. Nàng có nước da trắng hồng tươi tắn với đôi mắt thẳm sâu đượm buồn. Sống mũi thẳng bên trên cái miệng chúm chím hồng. Cười đấy mà nghiêm nghị cũng đấy. Dáng người cao ráo với chiếc eo lưng nhỏ xíu mềm mại dưới lần áo sơ-mi vải phin nõn bó chẽn. Kín đáo đấy mà rạo rực cũng đấy.
    Thế nhưng chuyện tình của thằng Yên dừng lại vào khoảng đầu năm học cuối cùng. Dù cho ai cũng biết chắc chắn tất cả những nơi hẹn hò tình tự trong phố từ công viên cho đến Hồ Tây và cả bờ đê sông Hồng hai đứa đều đã nhẵn bước. Dù cho gia cảnh và xuất thân của cả hai là điều nghiễm nhiên bình đẳng. Và hơn hết, hai đứa là cặp đôi bền bỉ ngay ngắn nhất trong đám bạn cùng phố. Chẳng ai thắc mắc gì. Một chuyện tình “cưa đường” đổ vỡ là quá đỗi bình thường.
    Thằng Yên kín chuyện. Không ai biết nó chia tay Lan Hương từ bao giờ. Chỉ đến khi nhận được thiếp mời cưới của nó, bạn bè mới vỡ lẽ. Trên tờ thiệp in hoa lá mua sẵn ở Tràng Tiền thấy có tên người con gái lạ hoắc viết bằng bút bi: Nguyễn Thị Xuân. Lũ bạn trai sau này vẫn xách mé gọi tắt là Thị Xuân. Một cái tên cục mịch và quan trọng nhất là rất khó phân biệt vùng miền xuất xứ. Nước mình chỗ nào mà chẳng có người tên Xuân cả đàn ông và đàn bà. May lắm chỉ còn được chữ Thị nói về một giới tính rõ ràng...
    Thế nhưng ít đứa ngoài ông biết Thị Xuân là con một thứ trưởng tầm cỡ bên Bộ Xây dựng. Và cũng vì lẽ đó rất ít người biết vì sao một đứa như thằng Yên đẹp trai lãng tử như thế lại đi cưới một cô vợ du học dở dang ở Nga về. Ngành học của cô ấy hồi ở Nga đến bây giờ vẫn còn là một bí mật. Về Việt Nam chỉ đủ sức làm nhân viên thư viện ngành. Hơn nữa, nhan sắc chỉ dừng ở mức vớt vát trung bình yếu. Lại có cặp mắt như một đường kẻ nhỏ xếch lên rất ngộ. Thành ngữ ngày ấy gọi là “cười không thấy Tổ quốc”.
    *
    Rất may, bà vợ ông đi dự lớp tập huấn khiêu vũ nâng cao cho các cụ về hưu chiều nay. Ông nghe bập bõm hình như có “thợ dìu” mới từ Argentina về hướng dẫn các cụ xoay điệu tango đúng với nguyên bản xuất xứ. Xưa nay họ toàn dạy các cụ xoay kiểu Pháp, kiểu Nga đã tam sao thất bản qua vài thế hệ. Điện thoại gọi nhau í ới suốt từ sáng. Những thuật ngữ sàn posture, movement, knee, hip motion... vẫn còn lùng bùng trong đầu óc ông cho đến tận chiều muộn.
    Vợ ông đã dặn dò cẩn thận: “Nếu tôi không về kịp thì ông cứ ăn trước nhé. Bánh mì và đồ nguội trong mâm rồi. Mayonaise lấy trong tủ lạnh. Dưa chuột trên bàn bếp muốn ăn thì phải gọt vỏ xóc muối cho hết đắng...”. Thực đơn này ông đã thuộc lòng từ ngày bà ấy về hưu. Nhưng thỉnh thoảng nghĩ lại vẫn thấy rất lạ. Bao nhiêu năm đi làm nhà nước bà ấy chưa bao giờ phải dặn dò ông như thế. Đơn giản vì công việc nhà nước đúng giờ đến mức suốt hơn ba chục năm đi làm không có một thay đổi nào. Nhưng việc nhảy đầm của các cụ hưu thì lại không được như vậy. Nó có thể tùy hứng. Và hơn hết, nó phải phù hợp với thời gian biểu sinh hoạt của ít nhất một cặp đôi trên sàn. Vắng một trong hai và nhất là vắng mặt ông “thợ dìu” thì buổi khiêu vũ sẽ diễn ra muôn phần khó khăn chuệch choạc.
    Ông rất muốn từ chối cuộc gặp mặt với lũ bạn cũ cùng phố ngày xưa. Nó lê thê nhạt và gượng gạo như nhiều lần gặp gỡ trước đó. Thật ra những câu chuyện để nói với nhau cũng có tuổi đời ít nhất gần bốn chục năm rồi. Và trong câu chuyện ấy lại không có mặt những bà vợ. Từ đó không thêm lên chuyện gì ngoài việc vài đứa trẻ ra đời. Vài đám cưới như nghĩa vụ phố phường cần phải cả đôi có mặt. Nó còn nhiêu khê hơn ở chỗ quần quần áo áo trang trọng như hồi làm cô dâu chú rể. Lại không thể ngồi bàn tiệc mà bô lô ba la như ngồi quán bia cỏ vỉa hè. Hãi nhất là vài năm nay có những công ty nấu cỗ chuyên nghiệp. Họ cho cả thành phố ăn những món cỗ như nhau. Và thừa mứa cũng như nhau.
    Có nhất thiết phải kỷ niệm ngày cưới không khi mà thế hệ ông sống cả đời với chỉ một cuộc hôn nhân là chuyện quá phổ biến. Chẳng có gì đáng tự hào và mơ ước. Hôn nhân trục trặc mới là chuyện hiếm có. Và rất có thể nó mới là mơ ước của một số người. Tuổi này sợ nhất lễ nghi. Cái áo veston chật nách muốn vung đũa cũng dè chừng. Chiếc quần cùng bộ là li thẳng tắp muốn vắt chân chữ ngũ cũng ngại. Đã thế, sau tiệc lại loay hoay mang đi giặt là cất vào tủ để phòng tiệc mới bất chợt.
    Rất may, gần chiều tối, bà vợ gọi điện về. “Ông cứ ăn trước đi nhé, tôi còn sửa nốt cái ankle thêm chút nữa mới xong!”. Ông buông thõng: “Tôi đi dự đám cưới chiều nay đây!”. “Cưới ai, mà sao lại cưới buổi chiều thế?”. “Cưới thằng Yên với cái Hòa lần thứ 35!”.
    Theo phép lịch sự ông vẫn phải gọi điện lại cho thằng Yên. Báo với nó là chỉ có thể đi được một mình. Ông vẫn lo vợ nó để bụng chuyện lễ nghi nên nói thẳng luôn, “Tôi đi một mình nên ăn mặc xuề xòa thôi đấy. Xin ông miễn cho cái vụ chụp ảnh!”. Nó cười miễn cưỡng, “Không sao, bọn mình giờ già cả rồi, ai chấp. Cứ đến cho vui nhé!”.
    *
    Nhà hàng Phố Biển nằm trên con phố Tây san sát những biệt thự. Cuối hè, hàng cây phượng vĩ ngợp lá xanh uể oải sau một ngày nắng gắt. Những chiếc ô tô bóng lộn lắc rắc trên mui đám lá phượng li ti vàng đậu thành hàng chéo ngay ven đường. Hà Nội vẫn có những quãng phố êm đềm như thế. Nhưng thật hiếm. Chỉ có ở trung tâm vài quận nội thành. Nơi những công sở kín cổng cao tường có lính gác quanh năm. Nơi những khách sạn hạng sang nhất tọa lạc hoặc nhà riêng vài quan chức đủ to. Nhà hàng này chắc chắn cũng không phải là nơi xô bồ ầm ĩ đám thị dân trung lưu.
    Chưa kịp trả xong tiền cho lái xe taxi, cánh cửa bên chỗ ông ngồi đã nhẹ nhàng mở. Nhân viên nhà hàng cao ráo sáng sủa cúi đầu chào rất lịch lãm kiểu cách, “Mời bác vào dự tiệc, phòng của hai bác Yên - Hòa ngay dưới tầng một bên trái”. Cùng với câu nói là chiếc ô chính khách đen bóng bật chốt xòe rộng trên đầu. Ông giật mình nhớ lại những lần đi chống bão cùng thủ trưởng cơ quan ngày còn tại chức. Đám cán bộ địa phương luôn nhầm ông với người quan trọng nhất đoàn và vội vã bật ô che cho ông. Vui ở chỗ, dù ngay sau đó họ biết là nhầm nhưng chưa có lời của ông thì cái ô vẫn phải ở nguyên chỗ cũ.
    Bữa tiệc lần này tổ chức trong một căn phòng nhỏ hơn lần trước. Dường như chủ tiệc đoán gần đúng số lượng thực khách có thể đến góp vui. Chẳng gì thằng Yên cũng là chánh văn phòng một cơ quan lớn. Kỹ năng tiếp khách suốt một đời công chức của nó chẳng chê vào đâu được. Khi ông bước chân vào đến cửa, Yên đang bắt tay đám khách vào trước. Như có mắt đằng sau gáy, nó quay phắt ra niềm nở: “Ối giời, bạn vàng vào đây, của hiếm này bà nó ơi!”. Vợ Yên lạch bạch trong chiếc áo nhung the mầu tím than đính hạt kim sa óng ánh hơn mức cần thiết cũng quay ra cửa vồn vã: “Chị ấy đâu mà anh đi có một mình thế này?”. Yên kéo tay ông ngồi vào chiếc bàn tròn rộng có mâm kính quay bên trên. Mười chiếc ghế vây quanh đã có bảy người ngồi. Lạ hoắc đến sáu. Hình như không chỉ ông lạ họ mà họ còn lạ cả nhau. Một còn lại là thằng Hải, bạn cùng phố cũ. Vợ nó mới qua đời năm ngoái. Tự nhiên cũng thấy buồn. Giá như ông rủ bà ấy cùng đi thì chắc đã không bị ngồi ghép vào cái mâm cô đơn này.
    Phòng tiệc đa số là đám trẻ. Không khó để đoán ra họ là con cháu Yên và bạn bè của chúng. Chiếc bàn để quà tặng kê dưới tấm phông mang dòng chữ Kỷ niệm 35 năm ngày cưới Trọng Yên-Thúy Hòa 1980-2015 cắt bằng giấy trang kim óng ánh. Phải đến rất gần đây ông mới biết cái tên Thúy Hòa chính là bút danh của Thị Xuân khi cô ấy mạnh dạn đến nhà tặng vợ chồng ông tập thơ tự in có tên là “Cánh chim bạt gió”. Một tập thơ kể về thời du học ở Nga của cô ấy. Cũng đầy đủ cả eo óc tiếng gà trưa nhớ thương quê nhà. Cả gia đình bè bạn còn nhọc nhằn khốn khó. Và dĩ nhiên, nóc những lâu đài củ hành vàng rực. Rừng phong lá đỏ và bạch dương thì xanh. Tuyệt nhiên không đả động đến bất kì kiến thức học hành sách vở nào cả. Điều này thì ông có thể hiểu được. Nhà thơ nước mình thường không bao giờ khoe khoang chuyện học hành.
    Cạnh tấm phông lớn là một màn chiếu ảnh như trong đám cưới. Lần lượt từng tấm ảnh từ đen trắng đến màu mè của gia đình được chiếu lên rõ nét trong tiếng nhạc du dương của bản serenade của Schubert. Cậu MC nhà hàng vận comple thắt nơ đen thoăn thoắt bước lên bục liến thoắng một tràng làu làu như trong mọi đám cưới thành phố. Sau hồi vỗ tay rời rạc theo lời hiệu triệu của MC, vợ chồng Yên sóng đôi khoan thai bước lên bục. Ông nháy mắt thì thầm với thằng Hải ngồi cùng bàn: “Lâu lâu lại được nghe tài diễn thuyết của thằng Yên!”. Hải cười bí hiểm: “Ngày càng mùi mẫn!”.
    Chất giọng trơn tru hơi đằm của thằng Yên mấy năm nay có vẻ càng đằm hơn. Có gì đó khá giống với giọng đọc của các nam phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam lừng lẫy thời chống Mỹ và sau đó một chút. Những Việt Khoa, Hà Phương, Thanh Hùng... Tất nhiên nội dung câu chuyện không có gì khác những lần kỷ niệm trước. Năm năm một lần. Lần sau chỉ khác lần trước nếu như có thêm vài đứa cháu nội ngoại. Bài phát biểu lần này dĩ nhiên là dài nhất so với những lần đã qua. Năm nay vợ chồng Yên có thêm hai cháu cả nội và ngoại. Cháu nội là thằng Gấu hai tuổi. Nó đã biết đuổi bà “... cút đi”. Cháu ngoại là gái, tên ở nhà là con Tít. Thằng Yên chẳng cần giới thiệu thì khi anh con rể bế bé Tít giơ lên cao quá đầu ai cũng thấy đôi mắt nó y hệt bà ngoại.
    Đám trẻ trong phòng đã đến hồi ngấm hơi men. Một đứa con gái dạn dĩ đứng lên cất giọng chua loét: “Cháu đề nghị ông bà kể cho chúng cháu nghe hồi ấy ông bà đã gặp nhau như thế nào?”. Yên cười giả lả quay sang vợ: “Kìa em, mình tìm thấy nhau từ lúc nào em nhỉ?”. Vợ Yên nghiêm sắc mặt: “Tôi xin đọc bài thơ mới sáng tác, tùy các anh chị hiểu đến đâu thì hiểu nhé!”. Bà ta lúi húi lục trong chiếc túi hàng hiệu kè kè bên mình, rút ra một mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay. Thay chiếc kính đang đeo bằng một chiếc kính khác. Hắng giọng:
    Ngày mưa năm ấy nhớ anh
    Em đi từ tận bên Saint em về.
    Dụi tay lau kính, Saint ở đây là Saint Peterburg! Lại hắng giọng:
    Gặp anh ở chỗ chân đê
    Đôi ta như đã hẹn thề từ lâu
    .........
    Tiếng vỗ tay rào rào nổi lên. Yên mặt đỏ tưng bừng chỉ tay xuống cậu con trai ngồi ngay bàn đầu tiên hể hả: “Chúng tôi tìm thấy nhau là lúc cậu này sắp có mặt trên đời!”.
    Lũ trẻ cười sặc sụa. Giọng cô gái chua loét hét lên: “Các cụ nghiêm chỉnh quá...!”.
    *
    Ông quyết định đi bộ về nhà. Vắt chiếc áo veston lên vai. Tháo cravat nhét vào túi quần. Lôi gấu áo sơ-mi ra khỏi thắt lưng. Chẳng cần thiết dù chỉ là một cuốc xe ôm. Đằng nào thì ở nhà cũng vẫn là gương mặt hồ hởi của bà vợ vừa rời vũ trường sau khi học nốt ngón ankle xoay vặn cổ chân thế nào đấy cho khỏi trật mắt cá. Câu hỏi của thằng Yên vẫn còn lởn vởn trong tai: “Mình tìm thấy nhau từ lúc nào...?”. Ông biết. Mình chẳng bao giờ có nổi câu hỏi ấy dù rằng cuộc hôn nhân này không hề là tùy tiện...

Kết Thúc (END)
Đỗ Phấn
» Mình Tìm Thấy Nhau Từ Lúc Nào
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop