Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mây Rừng Bà Thồ Tác Giả: Tống Ngọc Hân    
    Cái chị kia thật là liều lĩnh. Mẹ góa con côi mà lại cất nhà chơ vơ ngay bìa rừng. Chỗ ấy, thật khó nói. Vì ngày thì đìu hiu vắng vẻ. Đêm thì nhốn nháo, hỗn độn. Chả là từ độ ba tháng trở lại đây, dân trong vùng rộ đồn cái tin rừng Bà Thồ có vị thuốc quý chữa khỏi bệnh ung thư. Nhưng kiểm lâm và chính quyền làm gắt lắm vì rừng Bà Thồ ở đầu nguồn nước. Tai hại thay, cái cây thuốc tin đồn kia thường mọc dưới đất ẩm và nhú lên mặt đất chừng gang tay mới có tác dụng. Thế là khắp cánh rừng, chỗ nào cũng bị đào xới thảm thương.
    Đang trong lúc chính quyền vất vả, đôn đáo tìm cách chứng minh cái tin đồn ấy là vớ vẩn thì bà cụ Khơi lại đuổi đứa con dâu ra khỏi nhà. Cái chị con dâu tên cúng cơm là gì chả ai nhớ, chỉ thấy làng gọi mẹ Cơm. Chồng chị ấy tên Khơi, mất hai năm trước vì bệnh sốt xuất huyết. Mẹ Cơm tuổi mới ngoài hai mươi, tay trắng cõng con rời bản ra rừng nương náu một phần cũng có ý định sống nhờ vào cái tin đồn kia. Thằng Cơm lên ba gì đấy, quấy lắm. Nó khóc ngày khóc đêm, sốt cả ruột. Có nhẽ tại nó quấy khóc thế mà cụ Khơi mới tống cổ hai mẹ con ra khỏi nhà cho đỡ điếc tai. Căn nhà thực chất là cái lều ba người đứng dạng chân thì chật. Nhưng mẹ Cơm, nào có phổng phao đẫy đà gì cho cam. Hồi con gái, vốn đã tong teo. Chồng chết, người quắt lại như con cá mương nướng quá lửa. Nhìn ngang nhìn dọc, mắt chả vướng đâu cả. Ừ, có nhẽ thế mà hai mẹ con lại bình yên ở bìa rừng cũng nên. Chị làm nghề cho thuê cuốc xẻng xà beng, đại khái là những vật dụng chuyên dùng cho đào bới. Như đã nói ở trên, do chính quyền cấm nên dân tứ xứ không thể vác theo dụng cụ vào rừng. Không có tấc sắt trên tay thì đào bằng gì? Họ đành thuê của mẹ Cơm. Gia tài của mẹ Cơm cho thuê là những nông cụ đã cũ mua lại ở xưởng thu mua phế liệu ngoài thị trấn. Mua theo giá sắt vụn thì không đáng mấy đồng tiền. Về chịu khó giũa lại, mài lại, chêm cán cho chắc. Mỗi đêm cho thuê cuốc xẻng xà beng cũng được vài ba chục nghìn, hai mẹ con đủ sống với điều kiện không ai được ốm. Thằng Cơm thì không ốm nhưng quấy khóc như ma làm. Mà mẹ Cơm là cái giống vô thần vô quỷ. Chả tin cái gọi tên là tâm linh đâu. Khóc thì dỗ thôi. Nhất quyết không cúng. Mà thằng Cơm cũng lạ. Ê a cả ngày không chán còn tiếp tục đền bồi cả đêm. Ai đó đến thuê đồ của mẹ nó, nó dừng khóc, đợi mẹ cất tiền vào túi xong lại khóc tiếp cứ như có ai đó cấu véo trêu ghẹo.
    Bà cụ Khơi nghe người ta nói thằng cháu nội vào rừng càng khóc to vì rừng thanh vắng thì bà điên lắm. Bà mò đến, một tay chống bẹn, tay kia chỉ về hướng con dâu mà đay. Tao nói cho chúng mày biết, bà Thồ là thiêng lắm, không liệu mà dỗ nhau, bà điên lên, vặn cổ cả lũ. Chỉ có cái loại mẹ lăng loàn không trông coi con, không u ấp dỗ dành con, bỏ con chơ vơ, thì nó mới khóc chứ. Chị Cơm bỏ ngoài tai mọi lời của mẹ chồng như thể chả liên can. Tính cụ thế. Ghen bóng ghen gió suốt ngày. Con trai còn sống, cụ ghen con dâu một, con trai chết rồi cụ ghen mười. Mà còn nhem nhuốc, xấu xí đấy. Nếu có tí nhan sắc thì chả biết còn đến đâu. Cụ Khơi chửi chán thì về. Cụ về được một đoạn, thằng Cơm lại khóc tiếp. Vì được giải lao nửa giờ nên tiếng khóc của nó lại có vẻ sung hơn.
    Lại nói về rừng Bà Thồ. Rừng này, xưa rặt tre nứa và song mây. Trong rừng có bà Thồ ở, chuyên nghề rút mây, song, bán rẻ cho cánh buôn đem về xuôi đan lát. Hồi bà chết, mẹ Cơm còn ở truồng nên chỉ nghe đồn là bà Thồ rút dây mây nhiều rồi đứt ruột mà chết. Thầy lang thì không biết nối ruột. Mà bác sĩ với bệnh viện thì ở xa cả ngày ngựa nên bà Thồ chết. Nói thế thôi, chứ nào có phải đứt ruột không, không ai biết. Chỉ biết bà Thồ đau bụng có một buổi chiều rồi tịnh luôn. Dân gọi rừng mây, song này là rừng Bà Thồ. Cực bắc của rừng ở tít chỗ cột mốc biên giới. Cực nam thì ở phía sông Nhinh. Sông Nhinh thực ra là một con suối lớn đổ vào sông Xanh ở phố huyện. Bản cụ Khơi ở phía đông khu rừng, lưng chả tới đất, cật chả tới giời. Không gần suối cũng chả cận biên nên chẳng có gì kiếm chác ngoài việc bòn bới lâm sản từ rừng. Song với mây hết tiệt. Chả ai đứt ruột nữa cả. Nên bao năm rừng vẫn nghiễm nhiên là rừng Bà Thồ. Chỉ có điều, bị rao giảng nhiều nên dân cũng sơ sơ hiểu một vấn đề là nếu mà chặt hết tre nứa trên rừng Bà Thồ thì đến nước ăn còn không có chảy về bếp chứ đừng nói là nước tưới cho lúa. Dù lúa ở đây chỉ cõng được sáu tháng cho người thôi, nhưng cũng đã là tốt. Sáu tháng còn lại trông vào rừng và đi làm thuê dưới thành phố. Thế rồi thành quen, dân bớt phá rừng. Song mây lại mọc trở lại trông cũng ra dáng rừng đầu nguồn.
    Ấy thế, mấy tháng nay, thuốc với chả thang, sắp nát bét hết cả. Đại diện chính quyền xã một ngày tốt giời cũng tìm đến nhà mẹ Cơm. Mẹ Cơm biết việc cho thuê cuốc xẻng là xấu, là tiếp tay cho kẻ phá rừng, sớm muộn cũng bị chính quyền cấm nên cắp con trốn vào rừng. Đại diện là người đàn ông ngoài ba mươi đi cái xe máy Hon-đa cũ. Chiếc cặp da cũ, cái áo bay cũ, đôi ủng cũng cũ. Sau khi dựng xe dưới bóng cây tàng ràng thì đĩnh đạc bước vào cửa lều. Người đàn ông cất tiếng gọi. Mạc ơi! Cô Mạc ơi! Có nhà không thế? Mẹ Cơm đưa tay đét vào mông con. Chỉ tại mày thôi. Đi trốn còn khóc ầm ĩ lên thế. Trốn gì nữa. Thằng Cơm khóc càng to. Mẹ Cơm tất tả bồng con thò đầu ra khỏi bụi mua dại. Kể từ hồi đi lấy chồng đến giờ, lần đầu tiên thấy có người gọi tên mình. Mạc là tên cô đấy. Chả là nhà cô có hai chị em gái. Chị tên Mộc. Em tên Mạc. Mạc cứ bế thằng Cơm đứng đấy. Người đàn ông dụ. Cõng con ra đây. Tôi nói câu chuyện xong về ngay thôi. Mắt Mạc rân rấn nước. Không chuyện gì sất, anh rể về đi! Anh đừng mang tai vạ cho mẹ con tôi.
    Biết chẳng thể nào thương lượng được với đứa em dì cứng đầu bướng bỉnh, người đàn ông bất đắc dĩ dắt xe quay ra. Ở đất này thế đấy. Cái hoàn cảnh của nó tội nghiệp lắm. Nhưng mà muốn giúp đỡ nó cũng khó. Thực tế là chưa giúp được gì thì đã tai tiếng đã bùng nhùng. Người đàn ông vừa đẩy xe ra vừa ân hận. Biết thế đã không đến nữa. Có khéo làm nó khổ thêm. Con đường đến là nhớp nhúa sau trận mưa đêm. Nó cứ như giữ cái ủng ở lại…
    Đại diện về sáng thì chiều mẹ chồng Mạc đến. Bà cụ ngoài bảy mươi mà dai sức đáo để. Cụ chửi con dâu đến hai giờ ròng rã chứ không ít. Mẹ Cơm cứ làm thinh. Cụ bới móc từ đời nảo đời nào đại ý là bà thông gia không chồng chửa hoang. Đẻ con rồi không dạy được con, để giờ làm dâu hư nhà khác. Ai đời, chồng vừa chết đã tằng tịu với anh rể. Cụ còn ngờ cái thằng Cơm không phải máu mủ nhà cụ. Mạc càng lơ đi, cụ càng điên máu càng chửi. Chửi mệt thì cụ về.
    Ngay buổi chiều ấy, Mạc cõng con rời khỏi bìa rừng. Đi đâu thì chả ai biết. Lều trống tênh. Cũng không còn sót cái cuốc cái xẻng nào cả.
    Từ khi mẹ Cơm không còn ở rừng, không cho thuê đồ thì dân tứ xứ tự vác đồ đến phá. Họ chỉ dừng lại khi thứ được cho là thần dược ấy làm người nhà họ nhanh thoát khỏi đau đớn hơn thôi. Chứ không khỏi được. Mọi lời đồn thổi tự tắt ngấm như ngọn lửa gặp mưa giời mà chả cần ai dội dập.
    Đất đã liền da liền thịt. Rừng tự vá víu màu xanh bằng gió mưa miệt mài. Trong vùng, ít người còn nhắc đến mẹ con Cơm. Thái bình yên ả thế, ai hơi đâu mà nhắc. Ngày kia, đột nhiên mẹ Cơm dắt thằng con trai lên năm về. Trông đã béo tốt hơn, có hồn có vía, có khúc có đoạn hơn. Thằng cu Cơm thì chừa tiệt cái tật khóc lóc ỉ ôi. Việc đầu tiên là Mạc dựng căn lều mới lợp cỏ gianh, sắm sửa ít đồ dùng cần thiết. Thì mấy đứa đi lấy măng về kể thế chứ người lớn ở bản đã có ai giáp mặt Mạc.
    Bẵng đi một thời gian, gần đây dân trong vùng rộ đồn cái tin nghe nói mẹ Cơm chuẩn bị cất nhà gỗ ba gian ở cửa rừng Bà Thồ. Mà là xã cho phép dựng nhà ở đó cơ. Vớ vẩn hết cỡ. Làm gì có chuyện ấy chứ. Cái thằng anh rể đổ đốn có ba đầu sáu tay thì cũng chả thể bao bọc được mẹ con người đàn bà chết chồng. Chưa nói cái chức phó trưởng công an xã tưởng oai nhưng mấy đồng trợ cấp phọt phẹt ăn thua gì. Nhà hắn cũng rách như tổ đỉa kìa.
    Cụ Khơi giờ không còn khỏe như trước nhưng vẫn đủ sức cuốc bộ tới cửa rừng. Đang dạng chân chuẩn bị chửi, cái bài chửi kinh thiên động địa cụ thức mấy đêm để soạn, cái giọng chửi đã được nghỉ ngơi để chau chuốt suốt hai năm, thì thằng cu Cơm chạy ra. Nó đứng cách cụ vài mét, mở to mắt nhìn bà nội một cách lạ lẫm. Cái điệu đứng của nó, ánh mắt ướt át của nó. Ôi trời, sao lại giống bố nó quá thể. Ngoài bốn nhăm tuổi, thuốc thang cúng bái đủ mọi nơi, cụ mới sinh được bố nó là mụn con duy nhất. Bố nó cũng khóc ngày khóc đêm, còi cọc bé nhỏ yếu đuối. Lấy vợ rồi, cụ vẫn kè kè bên con trai, chỉ sợ vợ nó bắt nạt. Thế nên, giữa bao nhiêu cô gái bản phổng phao mơn mởn cụ không chọn. Cái ngữ ấy, khắc chết đứa con trai mong manh của cụ thôi. Cụ chọn Mạc. Một đứa gầy gò, yếu ớt cho xứng đôi vừa lứa. Và con trai cụ cũng nghe mẹ ưng thuận. May sao chúng hợp nhau, thương nhau, rồi cũng sinh được thằng Cơm. Chứ không đến nỗi mòn mỏi như cụ hết thời xuân sắc.
    Chết! Hai năm giận hờn trôi đi chóng vánh đến thế sao? Cháu nội cụ đã lớn thế sao? Cơm! Lại đây với bà nào! Thằng Cơm liếc mắt về phía cửa nhà như hỏi mẹ. Thấy mẹ mỉm cười, nó chạy ào vào lòng bà nội. Cũng chưa hẳn nó biết đấy là bà nội nó. Có thể, đơn giản là nó thèm người thôi. Thèm được ôm ấp ve vuốt thôi. Vì mẹ nó độ này bận lắm. Nhiều hôm quên tắm cho nó. Nhiều khi mặt trời chói lọi trên ngọn cây mà khói bếp chưa dậy. Nhiều lần đói quá nó tự vào bếp tìm gì đó nhai tạm.
    Cụ Khơi không còn sức mà bế thằng cháu nội nần nẫn hai chục cân có dư nên dắt cháu vào phía cửa lều. Cụ ghé mắt nhìn vào trong. Chịu, giời tối như bưng, chả thấy gì. Cụ dụi mắt vài bận nhìn mới quen. Ôi dà! Mẹ mày lấy đâu ra những thứ này? Tiếng Mạc hơi nhạt. Con lấy trong rừng. Cụ hết nhìn con dao thoăn thoắt trên tay con dâu rồi lại nhìn sang những sợi mây cuộn tròn ngà trắng óng ả. Lại nhìn những món đồ dùng quen thuộc từ thời xa xưa. Lâu rồi. Lâu lắm rồi. Kia là cái ớp để cơm, xôi khi đi nương. Kia là cái sọt đi lấy măng, lấy nấm rừng, lấy lá thuốc. Kia là cái hòm quần áo của cô gái chuẩn bị về nhà chồng. Còn kia là cái lọ đựng muối. Cả cái bồ đựng hạt giống, cái giỏ cá nữa... Ôi, nhiều quá và đẹp quá! Mẹ mày làm tất cả đấy à? Khéo tay quá! Bán được nhiều tiền lắm phải không con? Thế ra mẹ con cõng nhau đi học nghề à? Tay cụ Khơi run rẩy sờ vào một cái hộp màu tròn có nắp đậy hình vuông rất đẹp và cài khuy hẳn hoi. Trên nắp có một chữ thập bằng sơn đen. Giọng cụ meo méo. Họ cũng dạy mày làm cả cái này hả con? Mạc cúi đầu, nước mắt cứ lặng lẽ rơi xuống. Chị khẽ vâng. Cụ Khơi ôm khư khư cái hộp vào ngực, nửa muốn mở, nửa lại không muốn. Dân tộc cụ, khi xưa, nhà nào cũng có những cái hộp như thế này. Hộp đan bằng mây hoặc tre nứa, để cất giữ kỷ vật của người đã khuất, thường là những món đồ trang sức bằng kim loại quý.
    Hồi con trai cụ chết, cụ năm lần bảy lượt nghi con dâu mang cái vòng bạc đem bán lấy tiền tiêu pha rồi. Có lần cụ còn bóng gió nó mang cái vòng của con trai cụ đi cho giai. Có lẽ cái vòng bạc ở trong cái hộp này. Mạc hiểu ý mẹ chồng. Chị nhỏ nhẹ. Bà cứ mở ra. Cụ Khơi không mở, để cái hộp vào chỗ cũ. Cụ đứng dậy. Trước khi về còn dặn con dâu một câu.
    Mây rừng Bà Thồ thì đẹp, bền có tiếng rồi. Nhưng đừng có tham quá mà đứt ruột ra. Rồi lấy ai nuôi con...

Kết Thúc (END)
Tống Ngọc Hân
» Gia Đình & Khoảng Cách
» Mây Rừng Bà Thồ
» Son Môi
» Nếu Có Em Gái
» Khuyết
» Cái Cối Trầu Bằng Đồng
» Những Chậu Hoa Giấy
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ